Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong lực lượng công an nhân dân hiện nay
Thứ năm, 23 Tháng 4 2015 09:27
2443 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong lực lượng công an nhân dân hiện nay

(LLCT)- Sáng 22-4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng công an nhân dân hiện nay”.

(Các đại biểu dự Hội thảo, nguồn: Báo Công an nhân dân)

Dự Hội thảo có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực 1; đại diện lãnh đạo một số tổng cục, học viện, nhà trường của Bộ Công an; đông đảo các cơ quan báo chí,  các nhà khoa học.

(Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cùng các đại biểu dự Hội thảo)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng GS, TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân nêu rõ: Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND luôn xứng đáng là lực lượng tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là công cụ sắc bén bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN; làm tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Có được sự trưởng thành, vững mạnh như vậy là do lực lượng CAND thường xuyên chăm lo, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn có những hạn chế, bất cập: trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu những biện pháp giáo dục cụ thể, thiết thực; chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác… Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường; những khó khăn, thách thức của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với nước ta, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng càng có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ vị trí, vai trò, thực trạng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong xây dựng lực lượng CAND giai đoạn hiện nay; tình hình tư tưởng và những yếu tố tác động đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong lực lượng công an nhân dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, thủ trưởng công an các cấp đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Hai là, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ công an có nhận thức chính trị đúng đắn, có trình độ lý luận, hiểu biết và giác ngộ sâu sắc về chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhận thức đầy đủ về thời cơ, vận hội, về nguy cơ, thách thức của đất nước trong hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Ba là, thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận về công tác chính trị, tư tưởng phục vụ công tác giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ trong các học viện, trường CAND, nhất là Học viện Chính trị CAND, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận CAND.

Bốn là, căn cứ tình hình thực tiễn và mục tiêu, nhiệm vụ ở từng thời điểm để xây dựng nội dung, chương trình công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho phù hợp; thường xuyên đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các trường CAND gắn với việc thực hiện tốt phong trào: “Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…

Năm là, tăng cường giáo dục truyền thống, xây dựng môi trường giáo dục chính trị, tư tưởng trong sáng, lành mạnh; chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời tình hình tư tưởng, nhất là những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ.

Sáu là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi làm công tác chính trị, tư tưởng các cấp trong CAND. Củng cố, kiện toàn cơ quan làm công tác chính trị, tư tưởng; có chính sách đãi ngộ thích hợp và tạo điều kiện về mọi mặt để đội ngũ cán bộ làm công tác này yên tâm công tác, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của lực lượng CAND...

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu khẳng định, nội dung của Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh. Đồng chí yêu cầu các đơn vị, nhà trường, nhất là Học viện Chính trị Công an nhân dân cần tiếp tục quán triệt và tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho công tác này thực sự là động lực thúc đẩy các mặt công tác khác.

Minh Phương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền