Trang chủ    Tin tức    Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2015
Thứ hai, 27 Tháng 4 2015 15:19
1895 Lượt xem

Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2015

(LLCT) - Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2015 diễn ra trong 2 ngày 21-22/4 tại Nghệ An với 2 nội dung chính: đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 2014-2015 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Đây là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức thường niên.

(Toàn cảnh Diễn đàn, nguồn: internet)

Tham dự diễn đàn có đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng chí Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học…

Diễn đàn được tổ chức để chuẩn bị báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và thảo luận, đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khai mạc Diễn Đàn)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Giàu cho biết: tình hình kinh tế vĩ mô quý I vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan: GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng tốt; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi… Tuy nhiên, 1,8 tỷ USD nhập siêu, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I - 2015 là vấn đề cần lưu tâm… Đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn tập trung đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội 2015, tập trung đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước…

Phần một của Diễn đàn tập trung đánh giá tình hình kinh tế chung. PGS,TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong báo cáo đề dẫn cho rằng: mức tăng trưởng 5,98% của năm 2014 đã cao hơn hẳn 2013, song mức phục hồi còn thấp (dưới 6%) và chưa thực sự bền vững, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 1990-2010. Năm 2014, sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố bất chấp nhiều biến động lớn về kinh tế - chính trị toàn cầu. Chỉ số giá CPI bình quân cả năm chỉ tăng 4,09%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu của Quốc hội và là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Đặt trong bối cảnh chung thì những thành tựu đạt được trong năm 2014 là khá thành công. Song Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi đàm phán và ký kết các hiệp định hội nhập "ở đẳng cấp cao"; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất - trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới. Về thị trường tiền tệ, sự ổn định chỉ là biểu hiện bên ngoài, vấn đề tổ chức quản trị, giám sát còn nhiều điểm yếu: xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ mang tính cơ học, phi thị trường.

(TS Lê Đăng Doanh phát biểu tại Diễn đàn)

TS Lê Đăng Doanh cho rằng: tái cơ cấu kinh tế chưa đúng hướng, chưa đặt vào bối cảnh hội nhập, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, chưa chú trọng đúng mức ứng dụng khoa học công nghệ, trọng dụng nhân tài... những nhân tố động lực của tái cơ cấu và phát triển kinh tế.

TS Lê Đình Ân cho rằng: GDP tiếp tục tăng cao nhờ đột biến trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn, xuất khẩu tăng chậm so với kế hoạch, trong khi nhập khẩu tăng cao. Đáng lưu ý là nhiều khó khăn cơ bản của nền kinh tế chưa được xử lý dứt điểm như: nợ xấu, nợ công, tái cấu trúc...

TS Lê Việt Đức đánh giá: nền kinh tế ổn định về lượng nhưng còn trì trệ về chất và còn tăng trưởng ổn định ở mức thấp so với tiềm năng, tỷ lệ đầu tư được giữ ở mức hợp lý nhưng hiệu quả chậm được cải thiện, cân đối ngân sách được duy trì hợp lý song nợ tiếp tục tăng, gây nguy cơ bất ổn...

Phần hai với chủ đề: biến lời nói thành hành động đã nhận được nhiều ý kiếnluận bàn: trong 6 năm gần đây, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh, Việt Nam đều giữ hạng từ 60 đến 75, tức là ở nửa sau của chuỗi giá trị toàn cầu, với những điểm nghẽn hầu như không được cải thiện về thể chế, minh bạch, kết cấu hạ tầng hay chất lượng lao động. Theo Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố, ngoài Đà Nẵng ổn đỉnh với phong độ cao, TP Hồ Chí Minh có nhiều cố gắng vươn lên trong Top 10, hầu hết các "đầu tàu" kinh tế khác còn khá trì trệ trong việc cải thiện sức hấp dẫn đầu tư. Do đó, yêu cầu cải thiện thực chất môi trường kinh doanh càng trở nên bức thiết.

Nhiều tham luận đều tập trung vào vấn đề cải cách thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, chống tham nhũng, chuyển đổi dứt khoát sang kinh tế thị trường, nhận thức lại vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước...

TS Trần Du Lịch cho rằng: Đề nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, việc cải cách thủ tục hành chính là cần thiết. Tuy nhiên, thủ tục hành chính chỉ là sản phẩm của một nền hành chính, nên nếu không cải cách đồng bộ cả 3 bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy và con người, thì tác dụng của cải cách thủ tục hành chính rất hạn chế và nhanh chóng giảm hiệu quả. Hoàn thiện thể chế kinh tế cũng rất quan trọng, không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà phải đặt nó trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với 3 trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi mà chúng ta muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng  các đạo luật có liên quan.Trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh  tùy thuộc vào 3 nhân tố:kinh tế vĩ mô  ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho donh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

TS Lê Đăng Doanhnêu những tác hại nhiều mặt của tham nhũng đến phát triển kinh tế - xã hội, nó làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm sai lệch phân bố nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư; làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp, tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học-công nghệ là những động lực chính cho phát triển.Những điều tra về tham nhũng và chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy:nạn tham nhũng vặt dựa trên hệ thống hành chính quan liêu ở Việt Nam rất phổ biến, không chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp mà còn liên quan đến người dân khi sử dụng dịch vụ công.Do đó, việc cải cách thể chế, chống tham nhũng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

TS Phạm Ngọc Long khẳng định:Xét ở tầm chiến lược, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững theo hướng hội nhập, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được coi là động lực phát triển năng động, căn bản, lâu dài nhất của nền kinh tế; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều sâu, sàng lọc, sắp xếp lại, tạo điều kiện khôi phục, phát triển đúng hướng, không nên chạy theo số lượng quá mức; hoàn thiện khung khổ pháp lý, luật hóa hệ thống các cơ chế, chính sách hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

TS Phạm Huy Hùng cho rằng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cầnrà soát, sửa đổi và bổ sung cơ chế chính sách theo hướng ổn định, minh bạch; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng, sắp xếp các ngân hàng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu và sở hữu chéo;đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường vốn. Từng bước nâng cao vai trò của vốn trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Phát triển hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoàn thiện phương thức phát hành, xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế huy động vốn qua vốn. Xây dựng cơ chế công bố thông tin, áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty, quản trị rủi ro, chuẩn hóa các quy định về giao dịch, mua bán, đăng ký, thanh toán theo thông lệ quốc tế. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, nhằm tăng số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường...

Kết thúc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu tham gia. Đồng thời nhấn mạnh: Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân năm 2015 diễn ra trong thời điểm nền kinh tế chứa đựng nhiều thời cơ nhưng cũng đầy thách thức: đang bước vào giai đoạn phát triển mới; đã, đang và sẽ ký kết hàng loạt hiệp định thương mại quốc tế; hội nhập sâu, rộng. Vì vậy, diễn đàn kinh tế là bước quan trọng để chuẩn bị báo cáo thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; đưa ra các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững trong thời gian tới.

Nguyễn Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền