Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Tăng cường phổ biến kiến thức lý thuyết và thực hành xã hội học trong hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay”
Thứ sáu, 29 Tháng 5 2015 16:53
3962 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Tăng cường phổ biến kiến thức lý thuyết và thực hành xã hội học trong hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay”

(LLCT) - Ngày 23 - 5 - 2015, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam phối hợp với Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng cường phổ biến kiến thức lý thuyết và thực hành xã hội học trong hoạt động khoa học và công nghệ”.

Chủ trì Hội thảo là PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; GS,TS Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam,  GS,TS Lê Ngọc Hùng Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, PGS.TS Vũ Hào Quang, GS Trịnh Duy Luân, PGS, TS Nguyễn Hữu Minh. Đến dự Hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện, sinh viên và học viên một số trường đại học.

Phát biểu khai mạc, PGS,TS Lê Quốc Lý đã nêu lên những yếu tố tạo thế và lực cho sự phát triển của ngành, đồng thời cũng nêu ra những vấn đề tồn tại trong việc áp dụng lý thuyết và phương pháp xã hội học trong nghiên cứu và giảng dạy.

Hội thảo được chia làm 2 phiên: Phiên thứ nhất, bàn về lý thuyết xã hội học và phiên thứ hai, bàn về vận dụng phương pháp xã hội học trong nghiên cứu và thực tiễn.

Phiên họp thứ nhất:

GS,TS Lê Ngọc Hùng với bài tham luận “Từ thuyết mâu thuẫn đến thuyết cấu trúc, chức năng về giai cấp và biến đổi cấu trúc xã hội”, của cho rằng: thuyết mâu thuẫn về giai cấp được vận dụng và phát triển sáng tạo thành thuyết cấu trúc – chức năng, nhờ vậy có thể mô tả và giải thích sự hình thành, phát triển cấu trúc giai cấp của xã hội mới. Thuyết chức năng có thể giúp giải thích rõ về sự hình thành, phát triển và biến đổi cấu trúc giai cấp ở xã hội tư sản hiện đại và đương đại trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, xã hội học tập và tiến đến kinh tế sáng tạo, xã hội sáng tạo. Tuy nhiên, việc áp dụng cả ba cách tiếp cận lý thuyết này đòi hỏi phải đổi mới tư duy và phát triển hoạt động thống kê kinh tế - xã hội cung cấp số liệu chính xác, đầy đủ về các giai cấp trong cấu trúc xã hội. Trên cơ sở các bằng chứng khoa học về thành phần, cấu trúc giai cấp mới có thể lập kế hoạch và xây dựng, phát triển cấu trúc giai cấp của xã hội mới một cách phù hợp nhằm mục tiêu phát triển bền vững.  

Bàn về “Thuyết chức năng: Cổ điển đến hiện đại”, GS, TS Nguyễn Đình Tấn đã điểm lại những nét chính về thuyết chức năng buổi đầu; thuyết chức năng – cấu trúc; chức năng trội, chức năng lặn (ẩn); loạn chức năng, loạn chức năng dẫn tới xung đột và biến đổi cấu trúc, sai lệch (lệch chuẩn); phương pháp tiếp cận chức năng; thuyết phân tầng xã hội, đặt vấn đề về việc phân tầng hợp thức và không hợp thức làm thế nào để phát huy những điểm phù hợp với pháp lý, đạo lý, thực tiễn, phù hợp với cả hiện tại và tương lai, hạn chế, ngăn chặn, đấu tranh những mặt không phù hợp, góp phần tạo cơ sở công bằng xã hội. Đồng thời chỉ ra phương pháp tiếp cận chức năng, coi mỗi xã hội như một chỉnh thể có cấu trúc, trong đó mỗi bộ phận, mỗi yếu tố đều thực hiện một chức năng nhất định, giữa chúng có những mối quan hệ ràng buộc qua lại chặt chẽ, không tách rời với nhau, từ đó tạo ra sự cân bằng, trật tự và sự ổn định tương đối cho toàn hệ thống. Có thể vận dụng và phát triển sáng tạo thuyết chức năng trong thực tiễn xã hội Việt Nam.  

PGS,TS Vũ Hào Quang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu các quan điểm chủ đạo của thuyết hành động xã hội. Hành động xã hội là hành vi liên quan đến quá khứ, hiện tại. Hành động xã hội mang ý nghĩa thúc đẩy. Đồng thời, nêu sự khác nhau giữa hành động và hoạt động, hành động xã hội và hoạt động xã hội. PGS, TS Vũ Hào Quang cho rằng thuyết hành động xã hội mà Weber đưa ra đã trở thành thuyết kinh điển của dòng nghiên cứu thuyết mục đích. Theo thuyết mục đích, hành động xã hội là đối tượng nghiên cứu của xã hội học. Thuyết hành động là nguồn cho các lý thuyết trao đổi lựa chọn hợp lý, thuyết tương tác biểu trưng, thuyết pháp luận thực hành và đặc biệt là thuyết hệ thống hành động của Parsons. Những khái niệm cơ bản của thuyết hành động như hành vi, hành động, hành vi xã hội, hành động xã hội, tương tác xã hội và quan hệ xã hội trở thành các thành phần của khung lý thuyết hành động trong phân tích xã hội học.

Phiên họp thứ hai:

PGS, TS Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) với tham luận “Một số vấn đề vận dụng phương pháp xã hội học trong viết luận văn và luận án”, đã nêu sự khác nhau, những hạn chế về sự phân bố chương trình đào tạo, cắt bớt thời lượng; những điểm yếu trong sử dụng định lượng, định tính; đồng thời đã chỉ ra những kỹ năng cần bổ sung…

PGS, TS Nguyễn Quý Thanh đã nêu lên 3 vấn đề nổi bật trong nghiên cứu xã hội học hiện nay:  chủ đề nghiên cứu đa dạng, phong phú; nguồn (tổ chức làm điều tra xã hội học rất nhiều; sự lan tỏa xã hội rộng và 7 hạn chế trong nghiên cứu xã hội học: thiết kế nghiên cứu, chủ đề nghiên cứu, khung lý thuyết và lý thuyết, xác định phương pháp nghiên cứu, mẫu nghiên cứu, chiến lược phân tích, văn phong trình bày. Những hạn chế này đều bắt nguồn từ sự hiểu sai và áp dụng sai phương pháp trong quá trình nghiên cứu.

TS Nguyễn Đức Vinh (Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam) đã đưa ra những luận điểm có sức thuyết phục về một phương pháp có thể dự báo mức sinh cho các địa phương, các vùng ở Việt Nam sát với thực tế.

GS Tô Duy Hợp nêu rõ những bất cập trong sử dụng thuật ngữ, phương pháp, lý thuyết. GS,TS Lê Thị Quý (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu những hạn chế hiện nay, như: chưa có sự thống nhất về con số trong niên giám thống kê của Nhà nước; chưa chú ý các phát hiện của sinh viên, học viên trong các bài nghiên cứu; cần thống nhất cách trích dẫn tài liệu tham khảo...

Kết thúc Hội thảo, GS Trịnh Duy Luân đã nêu bật những kết quả mà Hội thảo đã đạt được và gợi mở nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đó là: chúng ta có tư duy lý thuyết đủ chưa? Vận dụng ở Việt Nam như thế nào? để tăng cường tính lan tỏa và đóng góp của ngành xã hội học đối với các bộ môn khác, ngành khác trong lãnh đạo, quản lý, cần phổ biến sâu rộng kiến thức lý thuyết và thực hành phương pháp xã hội học, góp phần tăng cường hàm lượng tri thức xã hội học trong các hoạt động khoa học và các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học và các viện nghiên cứu và Học viện.

 

TS Nguyễn Thùy Linh- Viện Xã hội học

Trần Thị Bích Hạnh- Tạp chí Lý luận chínhtrị

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền