Trang chủ    Tin tức    Hợp tác phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam - Ấn Độ
Thứ tư, 01 Tháng 7 2015 10:57
2081 Lượt xem

Hợp tác phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam - Ấn Độ

(LLCT) - Sáng 30-6-2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục” và giới thiệu cuốn sách: “Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế”.

(Toàn cảnh Hội thảo)

GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; PGS,TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Preeti Saran đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ sau gần 1 năm ra đời, đặc biệt là việc lập website riêng và tổ chức hàng loạt sự kiện định hình nhận thức về cơ hội và tiềm năng của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Bà khẳng định: Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ lịch sử, văn minh từ nhiều thế kỷ trước. Điều khiến cho mối giao lưu Ấn Độ - Việt Nam trở nên bền chặt là do đó là quan hệ hữu nghị, tích cực, thông qua thương mại, văn hóa, tôn giáo và triết lý về sự chung sống hòa bình và phi bạo lực, chưa bao giờ có mâu thuẫn. Bà mong muốn tiếp tục  được hợp tác với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện nhất là về văn hóa, giáo dục. Trong đó, vấn đề giáo dục thế hệ trẻ là quan tâm hàng đầu.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS,TS Tạ Ngọc Tấn Sự cho rằng: sự có mặt của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tại diễn đàn sẽ tạo nên tiếng nói đa chiều, đa bản sắc, luận giải từ nhiều góc cạnh xoay quanh những chủ đề lớn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo. Sự phân tích, đánh giá của các nhà khoa học, các vị khách mời sẽ làm sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn nhãn quan chính trị, tầm nhìn xa trông rộng của các vị lãnh tụ kiệt xuất từng đặt nền tảng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; luận giải kỹ hơn nguyên nhân, thực trạng, triển vọng và đề xuất giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên bình diện văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo phát triển lên tầm cao mới.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ thời gian gần đây thể hiện rõ trên năm trụ cột chính: kinh tế; chính trị; văn hóa – giáo dục, khoa học, kỹ thuật; năng lượng và quốc phòng – an ninh. Cả năm trụ cột này đều có sự liên kết, bổ trợ cho nhau rất mật thiết để đạt kết quả cao nhất. Từ khi hai nước Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2007) đến nay, mối quan hệ hợp tác chính trị đã phát triển hơn bao giờ hết. Hai bên liên tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao không chỉ tạo nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác, mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước, tạo điều kiện quan trọng cho việc mở rộng, phát huy hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Nhận xét vềthành tựu hợp tác giữa hai quốc gia, GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, đã có nhiều đột phá nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vậy nên, để Hội thảo đạt kết quả cao, các học giả tập trung thảo luận một số nội dung: bối cảnh khu vực và quốc tế, tình hình trong nước tác động đa chiều đến hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trong các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo; minh giải  nguyên nhân, thực trạng hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, truyền thông cũng như vai trò, tác động, tầm quan trọng của quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ đối với các nước trong khu vực và thế giới; luận giải các điều kiện, động lực và giải pháp thúc đẩy hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội; giáo dục, đào tạo, truyền thông, trong đó chú ý phân tích, làm rõ ảnh hưởng của những nét tương đồng và khác biệt về văn hóa Việt Nam - Ấn Độ; cung cấp những luận chứng chủ yếu góp phần trả lời câu hỏi: vì sao sự hợp tác phát triển về văn hóa, giáo dục, đào tạo và truyền thông giữa Việt Nam - Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước?; phân tích kỹ những rào cản ảnh hưởng đến hợp tác phát triển Việt - Ấn như: cách tiếp cận về địa chính trị, địa kinh tế, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, dân tộc, phong tục, tập quán, khoảng cách địa lý, điều kiện hạ tầng giao thông, truyền thống, khuôn khổ pháp lý, những tác động ngoại biên khác,…

PGS,TS Lê Văn Toan trong báo cáo tổng quan nêu rõ: Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 75 bài tham luận của gần 100 học giả Việt Nam và Ấn Độ. Sự tham gia nhiệt tình, của đông đảo các chính khách, các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả Việt Nam và các nước chứng tỏ sự hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam - Ấn Độ; do chủ đề Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” đáp ứng yêu cầu rất cấp thiết của cuộc sống. Báo cáo cũng khái quát 4 chủ đề trọng tâm mà các tham luận hướng tới: quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên các bình diện; nghiên cứu văn hóa Ấn Độ và giao lưu văn hóa Việt - Ấn; nghiên cứu Ấn Độ cổ đại; nghiên cứu Ấn Độ đương đại.

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và Ấn Độ trình bày tham luận, phát biểu nhiều ý kiến xung quanh chủ đề hội thảo.

Về cơ sở hình thành mối quan hệ thâm giao, bền chặt, GS,TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru từ thập niên 20 đến những năm 70 của thế kỷ XX là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, những yếu tố như: ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á bói chung đã có từ nghìn năm trước; có chung hoàn cảnh thuộc địa và cùng đấu tranh giành độc lập; cùng có địa chính trị quan trọng trong khu vực; quan hệ nhiều mặt đã góp phần khiến mối quan hệ tốt đẹp này trở nên bền chặt. Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Vũ Quang Diệm bổ sung thêm nhân tố: quan hệ hai nước là quan hệ không có trở ngại, đây là tiền đề nâng cao quan hệ đối tác chiến lược. PGS,TS Lê Văn Cương,nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), bổ sung thêm yếu tố: không có mâu thuẫn về lợi ích, cùng mục tiêu chiến lược phát triển, chính sách đối ngoại nhiều điểm tương đồng. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển cho rằng: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong sáng, thủy chung là điều kiện thuận lợi để phát triển.

Về phương hướng, mục tiêu hợp tác, TS Lê Văn Cương nêu bốn lĩnh vực: công nghệ thông tin, văn hóa, du lịch, công nghệ dược phẩm; trong đó, lĩnh vực văn hóa có sức mạnh lớn nhất. TS M.Prayaga cho rằng: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là quan hệ lợi ích song phương, trong thời gian tới cần tập trung vào các lĩnh vực: thương mại, an ninh – quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Bà Panmode Patel, Tổng biên tập Nam Today, nhấn mạnh vấn đề cần xác định trọng tâm hợp tác chiến lược để thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia.

Về kinh nghiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, PGS,TS  Đỗ Thu Hà, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, đánh giá cao cách tiếp cận bổn phận là trên hết và coi trọng đạo đức xã hội của người Ấn Độ. Từ đó, khái quát cách giữ gìn bản sắc văn hóa củaẤn Độ: trở về cội nguồn với tư tưởng phê phán, tiếp thu có chọn lọc; điều chỉnh chính sách có hệ thống, linh hoạt, kịp thời và cụ thể; cộng sinh văn hóa, cộng đồng trách nhiệm… Đây là những phương pháp hiệu quả, Việt Nam có thể tiếp thu, áp dụng.

Kết thúc Hội thảo, GS,TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao kết quả Hội thảo và khẳng định: Hội thảo đã mở ra nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ. Các vấn đề: kinh tế, văn hóa, giáo dục… là trọng tâm. Trong đó, văn hóa được đề cập nhiều nhất bởi đây là vấn đề mấu chốt, tạo tiền đề phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Trong tương lai, vấn đề này sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu và hợp tác mới.

Hoa Mai

                                                                                                                   

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền