Trang chủ    Từ điển mở    Nhà nước kiến tạo
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:04
3360 Lượt xem

Nhà nước kiến tạo

(LLCT) - Trên thế giới hiện nay, người ta không chỉ nói đến chính phủ cầm lái, mà còn nói đến chính phủ xúc tác, chính phủ kiến tạo, thậm chí nhà nước kiến tạo (với nghĩa không chỉ cơ quan hành pháp - chính phủ mà còn cả cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp đều phải thực hiện kiến tạo phát triển xã hội), v.v.. Việc chuyển sang nhà nước kiến tạo là sự thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong điều kiện của xã hội hiện đại. Nhà nước kiến tạo là gì và có những đặc trưng như thế nào đang là chủ đề được quan tâm trong bước khởi động xây dựng nhà nước kiến tạo mà trước hết là chính phủ kiến tạo - mô hình nhà nước được xem là một sự lựa chọn phù hợp nhất ở Việt Nam hiện nay.

Qua những đề xuất lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn ở một số quốc gia, bước đầu có thể khái quát những đặc trưng chủ yếu của nhà nước kiến tạo như sau:

1. Nhà nước xây dựng chiến lược, tạo dựng môi trường và điều kiện cho phát triển xã hội

Nhà nước kiến tạo với đặc trưng này là bộ máy phục vụ phát triển thay vì bộ máy thống trị, cai trị; có sự thay đổi căn bản vị trí và vai trò trong mối quan hệ giữa nhà nước với các chủ thể phát triển của xã hội, trước hết là các chủ thể phát triển kinh tế. Nhà nước kiến tạo có chức năng chủ yếu là xây dựng chiến lược phát triển hay là quy hoạch phát triển theo một chiến lược đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần, khu vực kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.

Do đó, nhà nước phải có khả năng lập kế hoạch để thực hiện chiến lược với quy trình từ phân tích tình hình, xác định vấn đề then chốt và nhiệm vụ cơ bản, dự đoán tương lai và thời gian thực hiện chiến lược, triển khai thực hiện mục tiêu và đánh giá kết quả. Nhà nước tập trung chủ yếu vào việc xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người dân và doanh nghiệp phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của mình và xã hội. Thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý nhằm huy động các nguồn lực của xã hội cho phát triển, tạo điều kiện cho xã hội thực hiện tốt hơn những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm.

Nhà nước kiến tạo thị trường, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường, để thị trường hoạt động hiệu quả bằng việc tạo ra hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo khung pháp lý cho các quan hệ kinh tế và xã hội, điều chỉnh các chủ thể của hoạt động kinh tế; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bằng chính sách và chuyển hóa vào đời sống bằng cách chế định thành pháp luật. Mở rộng giao quyền, ủy quyền và phân quyền, tạo điều kiện để các cộng đồng xã hội tự quản lý. Tính linh động, chủ động, chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công của chính quyền địa phương, cơ sở được nâng cao và được người dân giám sát chặt chẽ.

Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.

2. Nhà nước dự báo, chia sẻ và hướng dẫn trong phát triển xã hội

Nhà nước kiến tạo với đặc trưng này là nhà nước chuyển sang chức năng dự báo, quy hoạch, cung cấp thông tin và bảo đảm cân đối vĩ mô thay vì chỉ làm chức năng phân phối các giá trị xã hội. Nhà nước có khả năng hoạch định chính sách với tầm nhìn hệ thống, phát hiện các khả năng có thể điều hòa, cân đối những yêu cầu khác nhau về nguồn lực; tập trung và khai thác các nguồn lực cho các ưu tiên phát triển xã hội có hiệu quả; lựa chọn, ưu tiên các nguồn lực cho những ngành, lĩnh vực phát triển quan trọng nhất trong từng giai đoạn, những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược. Nhà nước tập trung các nguồn lực vào việc dự báo, cảnh báo, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật để phòng ngừa những phức tạp, tiêu cực có thể nảy sinh.

Nhà nước can thiệp gián tiếp và điều tiết “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế, nhất là chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ, ngân hàng, v.v.. Nhà nước can thiệp vào thị trường trực tiếp bằng sản phẩm và dịch vụ của mình - những hàng hóa và dịch vụ công, bằng hệ thống các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn của nhà nước trong việc cung cấp các hàng hóa mà tư nhân không làm. Kinh tế nhà nước thể hiện vai trò chủ đạo thông qua việc nhà nước thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển và định hướng lại lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư.

Nhà nước đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tận dụng mọi cơ hội cho phát triển thay vì ra lệnh, đứng trên người dân và doanh nghiệp để quản lý, kiểm soát. Thiết kế chính sách phát triển bảo đảm chất lượng và hiệu quả là mắt xích đầu tiên và trọng yếu để chuyển từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo. Theo đó, nhà nước thiết kế chính sách hướng vào việc tháo gỡ những cản trở trói buộc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Sự tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ. Đối thoại với người dân và doanh nghiệp được mở rộng bằng nhiều hình thức để chính sách, pháp luật của Nhà nước sát với thực tiễn hơn. Có các kênh trao đổi, chia sẻ thông tin theo quy định của luật pháp giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp về các mục tiêu, dự án phát triển chung.

3. Nhà nước tiết kiệm và mang tinh thần kinh doanh trong quản lý phát triển xã hội

Nhà nước kiến tạo với đặc trưng này là nhà nước hoạt động theo tinh thần chuyển từ chi tiêu ngân sách sang kiếm tiền (làm tăng thu ngân sách), tách việc ra các quyết định chính sách khỏi việc cung ứng các dịch vụ cụ thể.

Nhà nước hướng vào thị trường, khách hàng, thúc đẩy sự thay đổi thông qua thị trường; tạo điều kiện thuận lợi, kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp và tạo dựng những thị trường mới; sử dụng các công cụ, lợi thế để tổ chức thị trường theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân phát triển. Thiết lập các công cụ quản lý để hướng các nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực mà nhà nước muốn phát triển để mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội.

Nhà nước xác định khách hàng thật sự của mình là người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp là những người trả lương cho cán bộ, công chức nhà nước qua thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đối tượng phục vụ của cán bộ, công chức nhà nước là người dân và doanh nghiệp chứ không phải bản thân bộ máy nhà nước.

Nhà nước hướng chủ yếu vào kết quả hoạt động (đầu ra) thay vì chú trọng đầu vào. Chuyển đổi cách đánh giá theo kết quả đầu tư xây dựng và phát triển bộ máy, số lượng các dịch vụ do nhà nước cung cấp sang cách đánh giá theo chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ do nhà nước cung cấp cho xã hội. Chuyển cách đánh giá theo số lượng các nguồn lực mà nhà nước nhận được sang cách đánh giá theo chất lượng và hiệu quả sử dụng các nguồn lực được cung cấp.

4. Nhà nước tinh gọn, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả đối với phát triển xã hội

Nhà nước kiến tạo với đặc trưng này là nhà nước có bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có tính hợp pháp cao - có sự cho phép của hệ thống pháp luật và sự đồng thuận, ủng hộ xã hội rộng rãi; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo những tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ ngày càng hoàn thiện. Người đứng đầu cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Những đạo luật, những thủ tục hành chính cản trở sự phát triển, nhất là cản trở sản xuất - kinh doanh bị loại bỏ, sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính bị hạn chế. Các đạo luật có tính khả thi cao, hạn chế thấp nhất các văn bản dưới luật. Thủ tục hành chính được thể chế hóa theo hướng tối giản và minh bạch. Việc đánh giá tác động của luật pháp, của thủ tục hành chính đối với sự phát triển xã hội được tiến hành theo các tiêu chí của tính cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp, chi phí tuân thủ pháp luật và thủ tục hành chính thấp.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ phát triển thông qua việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính được duy trì. Sự lạm quyền của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ được ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời.  Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp vào giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường. Các thể chế chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, môi trường kinh doanh, đầu tư tư nhân, v.v. không ngừng được hoàn thiện. Thủ tục hành chính tinh giản và có chất lượng tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm thời gian, chi phí của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Thể chế luật pháp, chính sách chất lượng cao, nền quản trị quốc gia hiện đại và môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định trở thành yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Chất lượng thể chế ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Việc xây dựng hệ thống thể chế phù hợp, chất lượng cao cần phải được đặc biệt coi trọng, phải bao hàm rất nhiều yếu tố trong hệ thống chính trị, xã hội của quốc gia và những tác động quốc tế khác.

Nhà nước thực hiện dân chủ, công khai hóa, minh bạch hóa trong mọi quyết định quản lý. Người dân và doanh nghiệp có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Có cơ chế phản biện xã hội hữu hiệu, mở rộng sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách. Phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân và doanh nghiệp, nhất là quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Thực hiện thể chế nhà nước pháp quyền, chính quyền phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập nhất định theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của toàn bộ hệ thống.

Tăng cường quản lý biên chế, phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ, thủ tướng chính phủ và các thành viên chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Phân cấp rõ ràng giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp.

5. Nhà nước phát triển và trọng dụng nhân tài

Trong nhà nước kiến tạo cần phải có những nhà lãnh đạo và đội ngũ hoạch định chiến lược tài ba, có tinh thần yêu nước mãnh liệt, tận tâm và có quyết tâm chính trị cao nhất đối với sự phát triển của đất nước, đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân như là điều kiện tiên quyết. Có đội ngũ hoạch định chiến lược phát triển, trao cho họ những quyền quyết định tương đối. Bộ máy lãnh đạo có quyền độc lập tương đối trong việc theo đuổi các lợi ích quốc gia, hòa cùng các mối quan hệ xã hội và có mối liên hệ mật thiết với xã hội, có khả năng và dũng khí vượt qua những lợi ích cục bộ nào đó.

Có chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tuyển dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước phải diễn ra thường xuyên với những ứng viên được lựa chọn từ các cơ sở đào tạo có chất lượng, có kinh nghiệm và khả năng nhất trong tổ chức thực tiễn. Cùng với với tuyển dụng nhân tài, cần thực hiện chế độ bổ nhiệm và thăng cấp nhân tài trong bộ máy nhà nước; thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ nhân lực trong bộ máy nhà nước.

Nhà nước có ý thức, nỗ lực và chế độ đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút và giữ được nhân tài trong bộ máy; bảo đảm chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước cao hơn so với lĩnh vực, khu vực tư nhân. Chế độ đãi ngộ xứng đáng, mức lương cao là nhân tố quan trọng ngăn chặn nạn “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra ngoài cũng như nạn quan liêu, tham nhũng - những mánh khóe lợi dụng vị trí trong bộ máy công quyền để mưu lợi ích riêng. Đề cao quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ; xây dựng và thực hiện đúng các tiêu chuẩn chức danh ngạch bậc công chức; tinh giản biên chế, xác định rõ vị trí việc làm và cơ cấu cán bộ, công chức nhà nước.

Tóm lại, nhà nước kiến tạo là nhà nước mang lại nhiều nhất những kết quả, hiệu quả cho sự phát triển của xã hội mà trước hết là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và các chỉ tiêu phúc lợi lớn về xã hội, y tế và giáo dục, v.v.. Việc đánh giá nhà nước kiến tạo, do vậy, phải dựa trên những thành tựu phát triển xã hội cụ thể, thiết thực.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

Tài liệu tham khảo

1. Avans P.: Embedded Autonomy, State and industrial transformation, Princeton,Princeton University Press, 1995.

2. Back H. and Hadenius A.: Democracy and State Capcity: Exploring a J-Shaped Relationship, Governance:An International Journal of Policy, Administration and Institutions, 21(1), 1-24, 2008.

3. Johnson C.: MITI and the Japanese Economic Miracle, Canifornia: Stanford University Press, 1982.

4. Lee K. et al.: Late Marketisation versus Late Industrialisation in East Asia, Asian Pacific Economic Literature, 19(1), 42-59, 2005.

5. White G.: Towards a Democratic Developmental State, IDS Bulletin, 37(4), 60-70, 2006.

6. Vũ Minh Khương: Việt Nam trước thách thức xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, Tuần Việt Nam, 19/05/2009.

 

PGS,TS Lê Minh Quân

Vụ Các trường chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền