Trang chủ    Từ điển mở    Công nghiệp văn hóa
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:05
14167 Lượt xem

Công nghiệp văn hóa

(LLCT) - Công nghiệp văn hóa gồm các ngành sản xuất và phân phối một cách thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đa phần mọi người vẫn thường bị nhầm lẫn, chồng chéo giữa CNVH và công nghiệp sáng tạo (CNST). Bên cạnh đó, CNVH bao gồm những ngành, lĩnh vực nào? Điều này vẫn chưa được phân định rõ ràng và thống nhất.

1. Khái niệm công nghiệp văn hóa

Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” (CNVH) (the culture industry) lần đầu tiên xuất hiện năm 1944, trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer. Họ cho rằng công nghiệp văn hóa (CNVH) làm cho văn hóa bác học và văn hóa bình dân gặp gỡ; đồng thời, phản bác quan điểm văn hóa tự nảy sinh từ đại chúng(1). Vì theo họ, các sản phẩm văn hóa đã được tính toán kỹ cho nhu cầu của đại chúng, do đó, chúng ít nhiều được sản xuất theo kế hoạch. Ở đây, chữ “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, Adorno và Horkneimer cũng có ý phê phán sự khai thác thương mại tính sáng tạo của con người.

Năm 1982, UNESCO cho rằng “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”(2). Trong những tài liệu gần đây của UNESCO, CNVH là những ngành sản xuất ra những sản phẩm hữu hình hoặc vô hình mang tính nghệ thuật, sáng tạo và có tiềm năng tạo ra thu nhập, của cải thông qua việc khai thác các tài sản văn hóa, sản xuất hàng hóa, dịch vụ dựa trên tri thức (cả truyền thống và đương đại). Các lĩnh vực thuộc CNVH có điểm chung là đều vận dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ với ý nghĩa văn hóa, xã hội(3). Khái niệm “công nghiệp” liên quan đến sản xuất hàng hóa, còn khái niệm “văn hóa” thường diễn đạt ý niệm trừu tượng về giá trị. Ghép hai khái niệm này với nhau làm bộc lộ sức mạnh tiềm ẩn của văn hóa về phương diện kinh tế mà trước đây chúng ta ít chú ý tới(4).

Trong cuốn sách A handbook of cultural economics của Towse, CNVH còn được gọi là công nghiệp “sáng tạo”, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thương mại hóa cho đại chúng với nội dung nghệ thuật, và có ý nghĩa văn hóa, sáng tạo. Với đặc trưng chính là sản xuất theo quy mô công nghiệp kết hợp với văn hóa. Sản phẩm văn hóa được tạo ra từ công việc của những người “nghệ sỹ” có tài, được đào tạo (nghệ sĩ, diễn viên, thợ thủ công,...) hoặc cũng có thể phát sinh từ ý nghĩa xã hội gắn liền với việc tiêu dùng hàng hóa của dân chúng(5).

Sondermann cho rằng, CNVH là một ngành kinh tế độc lập trong phạm vi văn hóa. Ngành kinh tế này bao gồm tất cả các doanh nghiệp, nhà kinh doanh độc lập, tham gia sáng tạo, phân phối các sản phẩm và dịch vụ nghệ thuật của họ ra thị trường để tạo ra thu nhập, duy trì sự tồn tại và hoạt động của họ. CNVH không bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp, liên hiệp không lợi nhuận, đa phần được xây dựng lên từ tiền của chính quyền công hoặc các nhà từ thiện, bởi mục tiêu chính của họ không phải là thương mại(6).

Theo Throsby thì các ngành CNVH sản xuất ra cả hàng hóa tư nhân và hàng hóa công cộng. Dễ thấy những sản phẩm đầu ra là hàng hóa tư nhân như tác phẩm nghệ thuật được rao bán, trả tiền vé xem các buổi biểu diễn nhạc, kịch, hay việc mua báo, các chương trình truyền hình,... Sản phẩm đầu ra cũng có thể là hàng hóa công thuần túy, ví dụ như các tác phẩm âm nhạc, văn học ra đời, mang đặc tính không cạnh tranh, không bị loại trừ(7).

O’Connor định nghĩa, CNVH là những hoạt động giao thương các hàng hóa mang tính biểu trưng, mà giá trị kinh tế của những hàng hóa này phát sinh từ chính giá trị văn hóa của chúng. Ông phân loại CNVH gồm cả văn hóa đương đại (phát thanh truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thu thanh, thiết kế, kiến trúc, phương tiện truyền thông mới) và văn hóa truyền thống (nghệ thuật thị giác, thủ công, sân khấu, nghệ thuật trình diễn, văn học, bảo tàng, triển lãm,...)(8).

Như vậy, có nhiều cách hiểu về CNVH, nhưng điểm chung là CNVH gồm các ngành sản xuất và phân phối một cách thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đa phần mọi người vẫn thường bị nhầm lẫn, chồng chéo giữa CNVH và công nghiệp sáng tạo (CNST). Bên cạnh đó, CNVH bao gồm những ngành, lĩnh vực nào? Điều này vẫn chưa được phân định rõ ràng và thống nhất.

2. Công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo

Thực tế, trong nhiều tài liệu, hai khái niệm CNVH và CNST được sử dụng thay thế nhau, có tài liệu lại dùng cụm từ “công nghiệp văn hóa và sáng tạo” (cultural and creative industries). Một số người thì cho rằng hai khái niệm này là một(9), người lại cho rằng CNVH là tập hợp con của CNST. Đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu phân biệt tường minh CNVH và CNST. Tuy nhiên, phân biệt rõ ràng hai khái niệm này là một việc làm cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chính sách phát triển CNVH của mỗi nước.

Galloway và Dunlop khẳng định, cách gọi thay thế lẫn nhau hai thuật ngữ CNST và CNVH của các nhà hoạch định chính sách Anh là không đúng. Không thể nhầm lẫn, đánh đồng hai khái niệm “văn hóa” và “sáng tạo” làm một(10). Họ chứng minh sự khác biệt của hai khái niệm này thông qua bốn tiêu chí chính: Tính sáng tạo, sở hữu trí tuệ, ý nghĩa biểu trưng và giá trị sử dụng. Thứ nhất,về tính sáng tạo, cả CNVH và CNST đều được xây dựng trên nền tảng sáng tạo của con người. Tuy nhiên, điều này chỉ hoàn toàn đúng với CNST; thí dụ, những cải tiến trong kỹ thuật, công nghệ là thành phần thuộc CNST. Tuy nhiên, những yếu tố này lại hoàn toàn không nằm trong CNVH. Thứ hai,về sở hữu trí tuệ, CNST là khả năng vận dụng trí óc, trí sáng tạo của con người để tạo ra những sản phẩm là tài sản trí tuệ của họ (các hoạt động sáng tạo như khoa học, kỹ thuật, hàn lâm,...). Gộp văn hóa vào CNST, khác nào coi sản phẩm văn hóa chỉ là một trong những hoạt động sáng tạo. Thứ ba,về giá trị biểu trưng, bản chất khái niệm “văn hóa” có ý nghĩa rất rộng. Nó không chỉ thể hiện sự phát triển về trí sáng tạo, trí tuệ của một cá nhân, mà còn thể hiện một hệ tư tưởng, niềm tin, tập quán, thói quen, thái độ, quy tắc ứng xử,... của cả một cộng đồng. Chính vì vậy, các sản phẩm của CNVH cũng truyền tải giá trị văn hóa, biểu trưng sâu sắc. Thứ tư,bởi sản phẩm văn hóa mang tính biểu tượng, nên giá trị sử dụng hàng đầu của nó là truyền tải những ý tưởng, thông điệp, hơn là sự hữu dụng thiết thực như hàng hóa thông thường khác (như máy tính, điện thoại,...). Do đó, các hoạt động sản xuất sách báo, phim truyện, kịch, âm nhạc được xếp vào CNVH. Còn các ngành như thiết kế, quảng cáo, kiến trúc,... mặc dù cũng mang ý nghĩa biểu trưng, nhưng yếu tố hữu dụng vẫn được đặt lên trước, nên không thể xếp chúng vào CNVH được.

Throsby (2008) cũng không đồng tình với việc gộp chung khái niệm CNVH vào CNST. Ông đưa ra ba tiêu chí khác để nhấn mạnh sự khác biệt của CNVH với các ngành công nghiệp khác. Thứ nhất, về sản phẩm đầu ra, như đã trích dẫn ở trên, Throsby cho rằng CNVH sản xuất cả hàng hóa tư nhân và công cộng. Sản phẩm đầu ra của CNVH phức tạp hơn các ngành kinh tế khác do các đặc tính phi thị trường của nó. Thứ hai, về cơ cấu ngành, các thành phần thuộc CNVH được ông phân loại là: các chủ thể vừa và nhỏ gồm cá nhân các nghệ sỹ, hoạt động riêng lẻ, tự bán trực tiếp sản phẩm của mình tới khách hàng; các tổ chức phi lợi nhuận gồm các công ty, tổ chức, nhóm, đội biểu diễn nghệ thuật; các viện văn hóa công, đại diện cho một vùng, tôn giáo, đất nước (ví dụ: bảo tàng, triển lãm, vùng di sản, rạp địa phương, truyền thanh địa phương,..); công ty hợp tác thương mại lớn gồm các doanh nghiệp quy mô mở rộng, điển hình thuộc các lĩnh vực xuất bản, truyền thông, sản xuất và phân phối sản phẩm nghe nhìn,... Thứ ba,về hành vi của các doanh nghiệp, riêng với CNVH, mục tiêu chính của các doanh nghiệp khi sản xuất hàng hóa, dịch vụ không đơn giản là kinh tế, mà còn là giá trị nội dung văn hóa mà họ muốn mang tới khách hàng. Đặc biệt là các nghệ sỹ hay nhóm nghệ thuật, họ thường làm việc bằng những lý tưởng nghệ thuật của mình, chứ không bằng động lực thu được nhiều lợi nhuận kinh tế.

Bên cạnh đó, khi so sánh hai thuật ngữ CNVH và CNST, Throsby cho rằng, nếu một ngành công nghiệp được xác định bởi những hàng hóa, dịch vụ mà ngành đó sản xuất, thì để phân biệt được hai ngành này, chúng ta cần chỉ ra sự khác nhau giữa hàng hóa văn hóa và hàng hóa sáng tạo. Theo ông, hàng hóa sáng tạo là những sản phẩm đầu ra đòi hỏi yếu tố đầu vào phải là sự sáng tạo. Mặt khác, hàng hóa văn hóa lại có ý nghĩa rộng và phức tạp hơn. Bởi không chỉ đòi hỏi tính sáng tạo, hàng hóa văn hóa còn bao hàm ý nghĩa văn hóa, những ý tưởng về tính đặc trưng, giá trị chia sẻ, cách sống,... Con người có thể vận dụng trí sáng tạo của mình để phát triển những văn hóa vốn có. Vì vậy, CNST có thể là cấp độ bao quát hơn, trong đó CNVH là tập hợp con của sáng tạo. Thí dụ, nghệ thuật trình diễn có thể được coi là cả CNVH và sáng tạo, trong khi sản xuất phần mềm chỉ đơn giản là CNST. Ngoài ra, Throsby đưa ra quan điểm rằng, cách sử dụng không đúng hai thuật ngữ này có thể dẫn đến những sai sót trong hoạch định, thực thi những chính sách phát triển CNVH. Mối quan tâm của công chúng không chỉ là đóng góp kinh tế của CNVH, mà còn là các mục tiêu văn hóa mà chính phủ thực hiện. Do đó, thách thức đặt ra là làm thế nào để cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và giá trị văn hóa trong việc điều hành ngành kinh tế này.

Khi đi vào tìm hiểu kỹ các khái niệm CNST và CNVH, hai khái niệm này không đồng nghĩa, đồng nhất cả về ngữ nghĩa và nội hàm. Nội hàm, nội dung của hai khu vực công nghiệp này không hoàn toàn giống nhau, trùng hợp nhau. Xét trong 13 lĩnh vực của khu vực CNVH - sáng tạo (ở Anh), ít nhất có 5/13 lĩnh vực (kiến trúc, tạo dáng công nghiệp, xuất bản báo chí, truyền hình, phát thanh, dịch vụ phần mềm và máy tính) không thuộc ngành văn hóa (xét theo thực tế ở Việt Nam). Cho nên, cần lý giải rõ ràng, cụ thể những câu hỏi này mới có thể đưa ra được chủ trương, chiến lược phát triển CNVH đúng hướng trong điều kiện từng nước.

Thật vậy, rất khó để phân biệt rạch ròi hai khái niệm CNVH và CNST do cách sử dụng, áp dụng khác nhau ở mỗi nước. Có thể nói, CNST được phát triển dựa trên nền tảng CNVH, nhưng không bị giới hạn, bó buộc bởi văn hóa. Cả hai ngành đều vận dụng đến trí tuệ, tính sáng tạo của con người, nên đều thuộc “nền kinh tế sáng tạo” (creative economy); kinh tế sáng tạo kết hợp ba yếu tố kinh tế, văn hóa và tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ ràng nhất của hàng hóa, dịch vụ văn hóa đó là nó mang những giá trị, đặc trưng văn hóa mà người ta không thể định lượng bằng tiền bạc, của cải được. Nhiều sản phẩm văn hóa mang tính biểu trưng cho một cộng đồng, một đất nước. Trong khi, sản phẩm sáng tạo mang lại những lợi ích hữu dụng cho cuộc sống nhiều hơn. Phát triển CNVH không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy và duy trì sự đa dạng văn hóa và tăng cường dân chủ trong việc tiếp cận văn hóa. Nhưng để đạt được cả hai mục tiêu đó, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những quyết sách đúng đắn, nhằm cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và duy trì, bảo tồn giá trị văn hóa.

3. Phân loại các tiểu ngành của công nghiệp văn hóa

Ở Việt Nam, CNVH là một thuật ngữ khá mới, chính vì vậy, xác định những tiểu ngành thuộc CNVH là một việc không dễ dàng. Hơn nữa, khái niệm CNVH được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau bởi các tổ chức quốc tế, cũng như ở mỗi nước, và thường bị nhầm lẫn, đánh đồng với CNST. Do đó, việc phân loại những tiểu ngành thuộc CNVH vẫn chưa được thống nhất. Nội dung sau đây sẽ xem xét các tiểu ngành thuộc CNVH được phân loại bởi một số tổ chức quốc tế và một số quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo tổng kết của dự án ESSnet-culture (2012) được hợp tác bởi Bộ Văn hóa Luxembourg và Cơ quan thống kê liên minh châu Âu (Eurostat), định nghĩa khác nhau về công nghiệp văn hóa và sáng tạo được sử dụng trong các cuộc hội đàm chính trị gây ra những trở ngại cho hoạch định chính sách. Vì thế, cần phải phát triển một khuôn khổ rõ ràng, thống nhất về công nghiệp văn hóa để áp dụng chung cho tất cả các nước châu Âu. ESSnet đưa ra 10 lĩnh vực văn hóa thuộc CNVH là: di sản, lưu trữ, thư viện, sách và xuất bản, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, truyền thông nghe nhìn và đa phương tiện, kiến trúc, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ. Song song, 6 chức năng chính của CNVH được nhắc đến gồm: sáng tạo, sản xuất/xuất bản, lan tỏa/thương mại, bảo tồn, giáo dục, quản lý/điều tiết(11).

Bộ văn hóa, truyền thông và thể thao Anh (DCMS) gộp chung CNVH vào CNST. Theo đó, 13 lĩnh vực thuộc CNST gồm: quảng cáo, kiến trúc, xuất bản, phát thanh truyền hình, thiết kế công nghiệp, âm nhạc, điện ảnh, phần mềm và máy tính, thiết kế thời trang, thủ công, nghệ thuật trình diễn, thị trường mỹ thuật và nghệ thuật cổ.   

Nhật Bản không sử dụng khái niệm CNVH, thay vào đó là CNST. CNST được chia ra làm hai yếu tố chính là công nghiệp dịch vụ và công nghiệp sản xuất. Trong đó, công nghiệp dịch vụ bao gồm các tiểu ngành: quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật, thiết kế, điện ảnh, âm nhạc, phần mềm và dịch vụ máy tính, xuất bản; còn công nghiệp sản xuất gồm có: thủ công, đồ chơi, nội thất, trang sức, thêu dệt, bát đĩa, văn phòng phẩm(12).

Trong khung thống kê văn hóa xây dựng bởi UNESCO năm 2009 (FCS 2009), CNVH được phân chia theo phạm vi văn hóa và phạm vi các lĩnh vực liên quan, hỗ trợ cho văn hóa (xem Bảng 1). Cũng theo FCS 2009, những tranh luận về khái niệm sáng tạo - văn hóa đã phần nào được tháo gỡ bằng cách chấp nhận nghĩa bao hàm của một số ngành vốn là sáng tạo (như thiết kế, quảng cáo,...) trở thành một lĩnh vực văn hóa riêng biệt. Nhìn vào bảng phân loại, chúng ta có thể thấy các ngành được chia khá rõ ràng, tất cả những hoạt động văn hóa có xu hướng công nghệ, hiện đại hóa đều được xác định là một ngành hoặc ngành có phần liên quan của CNVH, cùng với các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống khác.

Báo cáo “Đo lường đóng góp kinh tế của công nghiệp văn hóa”(14) của Viện thống kê UNESCO -UIS đưa ra cách phân loại tiểu ngành thuộc CNVH của các quốc gia châu Âu, châu Á Thái Bình Dương. Có thể thấy, ở mỗi nước, khái niệm CNVH lại được hiểu với nội dung khác nhau, hay được sử dụng thay thế bằng những thuật ngữ khác. Thí dụ như ở Ba Lan, CNVH được hiểu là CNVH và sáng tạo, còn ở Thụy Sỹ gọi chung là CNST, trong khi ở Ấn Độ, CNVH giới hạn trong phạm vi truyền thông và công nghiệp giải trí,... Chính vì vậy, cũng tồn tại nhiều sự khác biệt giữa các tiểu ngành thuộc CNVH ở mỗi nước.

Như vậy, việc tạo dựng một khuôn khổ thống nhất về phân loại các tiểu ngành thuộc CNVH đến nay vẫn chưa được thực hiện. Bởi ngay cả khái niệm CNVH cũng chưa được rõ ràng, nhất quán giữa các tổ chức, cũng như các quốc gia. Tuy nhiên, sau khi xem xét những tài liệu được đề cập ở trên, chúng ta có thể tìm thấy một số điểm chung. Đó là hầu hết các tổ chức, các nước đều hiểu CNVH trong phạm vi bao hàm với CNST. Do đó, các cách phân loại hiện giờ gần như đều chấp nhận các ngành có áp dụng công nghệ tiên tiến (như trò chơi điện tử, phần mềm, đa phương tiện,...) vốn được hiểu là CNST trở thành một ngành của CNVH. Ngoài ra, theo quan sát được, có thể rút ra 10 lĩnh vực chung nhất thuộc CNVH mà gần như tất cả các tổ chức, các nước đều liệt kê đó là: di sản, lưu trữ, thư viện, sách và xuất bản, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, truyền thông nghe nhìn và đa phương tiện, kiến trúc, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ. Danh sách này trùng với 10 tiểu ngành CNVH mà ESSnet đưa ra. Nhìn chung, xây dựng một khung phân loại thống nhất về CNVH ở mỗi khu vực là một việc cần thiết để có thể đưa ra các chính sách đúng đắn phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này .

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) XemAdorno, T. W., và Horkheimer, M.: Dialectic of enlightenment, Vol. 15, Verso, 1997.

(2) XemUNESCO: Cultural Industries - a challenge for the future of culture, Paris, 1982.

(3) UNESCO: Statistics on cultural industries: Framework for the Elaboration of National Data Capacity Building Projects, Bangkok, 2007,tr.11.

(4) Trần Nho Thìn: CNST và văn hóa, Văn hóa Nghệ An, (http://www.vanhoanghean.com.vn, ngày 12-5-2015.

(5)Xem Ruth Towse: A handbook of cultural
economics, Edward Elgar, Anh, 2003.

(6)XemMichael Söndermann: Definition of
Cultural Industries within TF3 Framework, Office for Culture Industries Research, Cologne, 2011.

(7)XemThrosby, D.: From cultural to creative industries: the Specific characteristics of the creative industries.In Troiseme Journees d’Economie de la Culture: Nouvelles Frontieres de l’Economie de la Culture, Conference held at Musee du quai Branly, 2008.

(8) O’Connor, J.: The definition of the “cultural industries”. The European Journal of Arts Education, 2000, tr.15-27.

(9) Bộ Văn hóa, Truyền thông, Thể thao Anh - DCMS: Creative Industries Mapping Document, Luân Đôn, 1998; Hesmondhalgh, D.: Cultural and creative industries, 2008.

(10) Galloway, S., và Dunlop, S.:Deconstructing the concept of’Creative Industries’. In CulturalIndustries - The British Experience in International Perspective-(Cultural Industries). Humboldt - Universitt zu Berlin, 2006.

(11) ESSnet-culture: Final report - European Statistical System Network on Culture, Luxembourg, 2012. 

(12) Emiko Kakiuchi và Kiyoshi Takeuchi: Creative industries: Reality and potential in Japan, National Graduate Institute for Policy Studies, Tokyo, 2014.

(13) UNESCO-UIS: The 2009 UNESCO Framework for Cultural Statistics (FCS 2009). Montreal: UNESCO Institute for Statistics, 2011.

(14) UNESCO - US: Measuring the economic contribution of cultural industries, 2012.

 

PGS, TS Vũ Đức Thanh

TS Hoàng Khắc Lịch

Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội

Thông tin tuyên truyền