Trang chủ    Từ điển mở    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thứ tư, 18 Tháng 8 2021 15:20
16397 Lượt xem

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin “là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(1). Kế thừa và phát huy tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay. 

1. Thực trạng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, đồng thời luôn kiên trì công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đã nhấn mạnh công tác tư tưởng, lý luận nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VI “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay” (tháng 8-1989); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Đại hội VII, năm 1991); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2012); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (năm 2016); v.v..

Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Đây là nghị quyết chuyên đề rất quan trọng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thể hiện ý chí và quyết tâm cao của Đảng ta trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng song cũng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điều đó được Đảng ta chỉ rõ ở các Văn kiện Đại hội XIII.

Thứ nhất, về những kết quả đã đạt được. Tại Đại hội XIII của Đảng, cùng với việc khẳng định những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng nói chung, Đảng ta cũng nhấn mạnh những kết quả trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trước hết là việc lãnh đạo, chỉ đạo: “công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực”(2). Đặc biệt là những kết quả đạt được trong việc chỉ đạo công tác này trên không gian mạng: “việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”(3). Đây là một bước tiến rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn khi các thế lực thù địch ra sức lợi dụng không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là do đa số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ngay sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị đã nhanh chóng quán triệt, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Tất cả các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, quận, huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo 35 để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW. Do vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hơn hai năm qua được chỉ đạo một cách quyết liệt, được triển khai một cách bài bản, khoa học và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ hai, về những hạn chế, bất cập. Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian qua: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”(4). Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(5).

So với các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ hơn, nhấn mạnh hơn đến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, dao động về lập trường cách mạng. Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (năm 2016), Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”(6), xem biểu hiện này “là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn”, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh thêm những biểu hiện nguy hại của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây ra những hạn chế trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó là do có những cán bộ, đảng viên đã công khai “phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”. Đây là một nhận định thẳng thắn, xác đáng về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị ngày càng trầm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

2. Quan điểm của Đại hội XIII về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, Đảng ta đã dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tiếp theo tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(7); “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”(8). Đây được nhận định là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ và tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới.

Về quan điểm chỉ đạo

Đại hội XIII của Đảng ta đã đưa ra quan điểm chỉ đạo quan trọng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(9). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(10). Có thể nhận thấy, quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII có sự kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ đại hội trước, gần nhất là Đại hội XII của Đảng về nguyên tắc tiên quyết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nếu như Đại hội XII của Đảng chỉ nhấn mạnh việc “vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin”, thì Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh thêm sự “kiên định”, coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay. Sự kiên định liên quan đến lập trường tư tưởng, nên để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không thể không có lập trường tư tưởng vững vàng. Hơn nữa, Đảng ta còn nhấn mạnh thêm: “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” để khẳng định đây là nguyên tắc sống còn trong công tác đặc biệt quan trọng này.

Trong quan điểm chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng ta tiếp tục khẳng định: phải vừa vận dụng, vừa phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn. Nếu vận dụng là việc làm theo những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thì phát triển là làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung phong phú và sinh động hơn bởi thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa, quán triệt những chỉ dẫn có tính phương pháp luận của V.I.Lênin trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(11).

Về nhiệm vụ trọng tâm

Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định có hai nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ta chỉ rõ: “Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(12). Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng ta cũng nêu rõ phải: “thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”(13). Như vậy, ở Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục kế thừa và phát triển quan điểm của Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, trong đó có sự thống nhất giữa hai mặt bảo vệ và đấu tranh. Đây là hai mặt của một nhiệm vụ. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch và ngược lại, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để luôn giữ vững, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng.

Về giải pháp thực hiện

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta trong thời gian tới, Đại hội XIII đã đưa ra một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, gắn việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”(14). Đây được coi là giải pháp trước tiên, có ý nghĩa tiên quyết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vì nó liên quan trực tiếp đến sự kiên định, lập trường tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên - chủ thể trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW.

Thứ hai, chuyển trọng tâm của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận từ hình thức truyền thống là chủ yếu sang đấu tranh trên internet và mạng xã hội. Đây là một sự chuyển hướng kịp thời, thể hiện tư duy nhạy bén của Đảng trong việc nắm bắt xu thế tất yếu của thời đại. Đó là sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng khiến mạng xã hội trở thành trận tuyến đấu tranh chính. Đảng ta chỉ rõ: “chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội”(15).

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các cơ quan báo chí, các phóng viên xa rời mục tiêu, tôn chỉ, mục đích cũng như đạo đức nghề nghiệp khi đăng tải những thông tin chưa chính xác, có nội dung xấu độc làm ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như dư luận xã hội. Đảng ta chỉ rõ: “xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”(16). Giải pháp này hết sức quan trọng nhằm phát huy ý thức và trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay.

Thứ tư, phát huy vai trò của khoa học - công nghệ hiện đại trong công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên không gian mạng. Một trong những điểm mới quan trọng của Đại hội XIII là Đảng ta đã đưa ra giải pháp về phát huy vai trò của khoa học - công nghệ hiện đại trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đảng ta chỉ rõ: “đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền,  bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng”(17). Giải pháp này xuất phát từ những nhận định, dự báo khách quan của Đảng về việc các thế lực thù địch sẽ ra sức tận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Do đó, cần tận dụng tối đa những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại để rà quét, phát hiện, tháo gỡ, vô hiệu hóa... những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.7-8.

(2), (4), (7), (9), (10), (12), (13), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.74, 91, 108, 33, 33, 40-41, 41, 183.

(3), (5), (8), (15), (16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.171, 168, 164, 234, 234, 234.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.22.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.232.

TS LÊ THỊ CHIÊN

Văn phòng Ban Chỉ đạo 35,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền