Trang chủ    Từ điển mở    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thứ hai, 27 Tháng 2 2023 15:02
6783 Lượt xem

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đề ra những quan điểm có tính đột phá, đồng bộ và toàn diện về phát triển kinh tế tư nhân, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Bài viết trình bày những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong điều kiện số lượng và quy mô doanh nghiệp thấp hơn một số nước trong khu vực và thế giới - Ảnh: IT

Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm để củng cố, tăng cường tiềm lực xây dựng đất nước ngày càng phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Kinh tế là hoạt động sản xuất của cải vật chất, là toàn bộ phương thức sản xuất và trao đổi của một chế độ xã hội; là tổng hòa các mối quan hệ sản xuất như quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức, quản lý và quan hệ phân phối, dựa trên một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất, tạo nên kết cấu kinh tế của chế độ xã hội hay cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội.

Trình độ phát triển của nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào năng lực làm chủ của người lao động đối với tri thức kinh tế, khoa học và công nghệ, làm chủ thị trường, làm chủ trong việc xây dựng và điều hành chiến lược kinh tế ở tầm vĩ mô.

Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn chứng minh những thành tựu đạt được đã làm thay đổi nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường phát triển đã góp phần khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”(3).

Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(4). TổngBí thư khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(5). Quy mô và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay được nâng cao hơn trước, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Song, bối cảnh mới cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho đất nước trong việc phát triển nhanh và bền vững.

Trong những thập kỷ gần đây, khởi nghiệp sáng tạo xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là nhân tố tiềm năng nhất để phát triển nền kinh tế của quốc gia, đưa khởi nghiệp sáng tạo trở thành lĩnh vực quan tâm hàng đầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong điều kiện số lượng và quy mô doanh nghiệp thấp hơn một số nước trong khu vực và thế giới.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đây là nền tảng để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và đã từng bước góp phần hình thành các mạng lưới liên kết, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của tri thức, của khoa học công nghệ trong và ngoài nước, góp phần phát triển nền kinh tế số ở nước ta.

Sự phát triển mạnh mẽ, nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là việc ứng dụng có chiều sâu mô hình đổi mới sáng tạo trong các hoạt động dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, kinh doanh, thanh toán, tài chính, logistics, blockchain, AI, kinh tế tuần hoàn, những mô hình đột phá trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển xanh và bền vững.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”(6). Để đạt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đảng đưa ra quan điểm, chủ trương đổi mới một cách đồng bộ và toàn diện. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế tư nhân là một trong các đột phá chiến lược được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thứ nhất, quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kế thừa và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các kỳ Đại hội Đảng, Đại hội XIII đã đánh giá kết quả: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với các yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới”(7).

Tuy nhiên, nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng còn bất cập. Kế thừa những nội dung về hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong các văn kiện trước, Đại hội XIII nhấn mạnh, cần tiếp tục thống nhất và nâng cao nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời nêu rõ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(8).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Với mục tiêu này,vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế nước ta là rất lớn.   Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”(6). Để đạt mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đảng đưa ra quan điểm, chủ trương đổi mới một cách đồng bộ và toàn diện. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế tư nhân là một trong các đột phá chiến lược được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Kinh tế tư nhân đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện trên các phương diện sau: Một là, vai trò trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực... Hai là, kinh tế tư nhân đóng góp nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá. Trong đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước; đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% GDP (khu vực kinh tế nhà nước là 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 18% GDP)(9). Ba là, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh kém hiệu quả với những dự án lớn bị thua lỗ thì vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được đánh giá tích cực hơn.

Đại hội XIII nêu rõ: “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60% - 65%”(10).

Kinh tế tư nhân được Đảng ta khẳng định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Do vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng về việc xây dựng cơ chế để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân tại Đại hội XIII là cơ sở chính trị, tạo động lực, góp phần phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thời gian tới.

Thứ hai, quan điểm phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ

Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”(11). Như vậy, nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quyết định để tăng năng suất lao động, lợi thế cạnh tranh trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầuvà phát triển nền kinh tế.

Đại hội XIII nhận định: “Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc vào bên ngoài”(12). Do đó, Đại hội đã chủ trương: “thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(13). Như vậy, điểm nhấn của Đại hội XIII chính là phát triển đất nước dựa trên nền kinh tế số và khẳng định thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để phát triển đất nước.

Đại hội XIII nhấn mạnh mô hình tăng trưởng mới cần tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể là: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”(14).

Đại hội XIII nhấn mạnh những nội dung cốt lõi cần thực hiện cho giai đoạn tới phù hợp với điều kiện, bối cảnh trong nước và quốc tế, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nói chung, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng. Đó là điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế phù hợp với thực tiễn đất nước và trình độ phát triển khoa học - công nghệ trên thế giới. Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại; phát triển một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu, có uy tín trong khu vực và thế giới. Nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở phát triển kinh tế số.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 xác định: “Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”(15). Điểm mới trong nội dung này thể hiện rõ CNH, HĐH phải dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá trong một số ngành và lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, chú trọng cả những ngành công nghiệp nền tảng và những ngành mới, công nghệ cao quyết định sự bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Chiến lược còn nêu rõ mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP năm 2030 lên trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD(16).

Quá trình đổi mới đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, tránh chồng chéo, bảo đảm cho sự phát triển. Vì vậy, Đại hội XIII quán triệt: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”(17). Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. “Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu”(18).

Thứ ba, quan điểm về phát triển giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới.

Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”(19).

Việt Nam đặt mục tiêu tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh(20).

Đại hội XIII khẳng định: Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”(21)Như vậy, quá trình giáo dục cần chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thay đổi từ học chủ yếu trên lớp sang đa dạng hình thức học tập, chú ý dạy và học trực tuyến, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục trong nhà trường gắn liền với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”(22).

Đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Khởi nghiệp sáng tạo đang tạo được sự kết nối cộng đồng, lan tỏa khắp cả nước, việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có vai trò là môi trường nuôi dưỡng, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về khởi nghiệp sáng tạo, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ một số vấn đề trong việc huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn; xây dựng một số thể chế liên quan đến những cơ chế đặc thù dành cho ứng dụng những mô hình kinh tế mới, những công nghệ mới trong các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực tiềm năng nhưng đầy thách thức như công nghệ về tài chính, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Hai là, xây dựng chiến lược, chính sách dài hạn, ngắn hạn ở cấp quốc gia và chính sách khai thác nguồn lực từng địa phương để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo ở những ngành, lĩnh vực đầu tư cho xã hội, cộng đồng, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển, như nông nghiệp, du lịch, khám, chữa bệnh, công nghệ thông tin...; xây dựng cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nước.

Ba là, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở giáo dục, đào tạo để tạo nguồn doanh nhân khởi nghiệp trẻ có tư duy mới, sáng tạo, bản lĩnh, có đạo đức nghề nghiệp và được trang bị, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo nhằm kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, vườn ươm khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bốn là, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất vàphải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Năm là, khơi dậy niềm tin và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục tuyên truyền vai trò của khởi nghiệp sáng tạo đối với nền kinh tế là động lực đối với phát triển đất nước nhằm hình thành văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thất bại, vun đắp cho thế hệ trẻ khát vọng, ý chí bền bỉ, lạc quan để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tuyên truyền vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo một cách sâu rộng ở các địa phương nhằm dành sự ưu tiên phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo một cách quy mô, chuyên nghiệp, có sự kết nối ở địa phương và toàn quốc.

_________________

Ngày nhận: 03-11-2022; Ngày bình duyệt: 10-11-2022; Ngày duyệt đăng: 25-02-2023.

 

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.372-373

(2) Xem TS Nguyễn Văn Quảng: Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển bền vững, toàn diện thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, http://tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/811102/.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Vănphòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.16-17.

(4), (5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chínhtrị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 91,91.

(6), (7), (8), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.132, 59-60, 128-129, 240, 115, 211, 121, 120-121, 235, 244, 132, 224, 115, 138, 232-233, 136-137.

(9) Xem Vai trò của nền kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, https://www.vietnamplus.vn/vai-tro-cua-kinh-te-tu-nhan-trong-nen-kinh-te-quoc-dan/602561.vnp.

ThS LÊ THỊ NINH THUẬN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền