Trang chủ    Từ điển mở    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Quản trị và xây dựng nền quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thứ hai, 13 Tháng 3 2023 16:00
7186 Lượt xem

Quản trị và xây dựng nền quản trị quốc gia theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng đánh giá: trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến đổi nhanh chóng, khó lường; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những biến đổi khí hậu, thiên tai bất ngờ đòi hỏi mọi quốc gia, dân tộc phải có nền quản trị quốc gia thích ứng nhanh chóng, sớm đưa ra được các quyết định phù hợp, hiệu quả. Bài viết phân tích những quan điểm trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về quản trị quốc gia, trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị để quán triệt và thực hiện chủ trương xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ rộng rãi và thực chất để mọi giai tầng, cá nhân, tổ chức trong xã hội trở thành những chủ thể đích thực tham gia “quản trị quốc gia” - Ảnh: tapchicongsan.vn

1. Xét về tính chất, hoạt động quản trị đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người. Khoảng năm 5000 TCN, người Sumer (khu vực thuộc Irắc hiện nay) đã hoàn thiện hệ thống cân đong hàng hóa phức tạp phục vụ hoạt động thương mại. Các công trình kim tự tháp đồ sộ, phức tạp cho thấy trình độ tổ chức, kế hoạch và kiểm soát tốt của người Ai Cập cổ đại từ cách đây hơn 4000 năm. Việc xây dựng một hệ thống quy định về định chế chính quyền có thứ bậc chặt chẽ, thể hiện trình độ tổ chức cao của nhà nước Trung Hoa từ thời cổ đại, biểu hiện rõ trong tư tưởng của Khổng Tử (thuộc Nho giáo) hay Hàn Phi Tử (phái Pháp gia) và nhiều nhà tư tưởng thuộc các trường phái khác.

Ở châu Âu thế kỷ XIX, khi hoạt động sản xuất kinh doanh có sự dịch chuyển từ quy mô gia đình sang quy mô công trường, xí nghiệp, nhà máy thì người ta chú ý đến vấn đề quản trị hoạt động lao động sản xuất nhằm mang lại hiệu suất cao hơn. Nổi bật nhất là việc Robert Owen (1771 - 1858) - được các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác đánh giá là “người sáng lập ra phong trào xã hội chủ nghĩa” ở Anh - trong các công xã mang tên “Hài hòa” do ông thành lập, với tư cách là một chủ xưởng, đã cố gắng tìm cách cải thiện điều kiện làm việc và điều kiện sống của công nhân theo phương châm “sống trong những điều kiện xứng đáng với phẩm cách con người hơn”.

Trong khi các công xưởng khác vẫn ép buộc công nhân làm việc 13-14 giờ/ ngày, thì ông đã giảm giờ làm xuống còn 10,5 giờ/ ngày, lập nhà trẻ và nhận trông trẻ từ 2 tuổi trở lên để công nhân yên tâm làm việc. Trong thời gian xảy ra khủng hoảng, công nhân nghỉ việc 4 tháng vẫn được trả nguyên lương(1), v.v.. Những hoạt động đó của Robert Owen được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là đã đặt nền móng cho các nghiên cứu về quản trị nói chung và quản trị lao động sản xuất nói riêng.

Đầu thế kỷ XX, Frederic Winslow Taylor (1856 - 1915) xuất bản cuốn sách Các nguyên tắc quản trị khoa học (năm 1911), trong đó nhấn mạnh: (i) Cần cải thiện mối quan hệ giữa chủ và thợ (ii) Tiêu chuẩn hóa công việc để đạt hiệu quả cao nhất (iii) Chuyên môn hóa lao động (iv) Tạo môi trường làm việc tốt nhất và cung cấp công cụ lao động thích hợp và (v) Chính sách trả lương theo sản phẩm một cách rõ ràng, có cơ chế thưởng phạt minh bạch.

F.W.Taylor được coi là người mở ra một thời kỳ của quản trị hiện đại và từ đó đến nay, các lý thuyết quản trị đã phát triển mạnh mẽ. Năm 1916, Henry Fayol (1841-1925) đưa ra thuyết Quản trị hành chính, phân loại các hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào thành sáu nhóm hoạt động như sau: (1) Hoạt động kỹ thuật; (2) Thương mại; (3) Tài chính; (4) An ninh; (5) Hạch toán - thống kê; (6) Quản lý hành chính. Trong đó, hoạt động quản lý hành chính sẽ kết nối năm hoạt động còn lại tạo ra sức mạnh cho tổ chức thông qua việc tuân thủ thực hiện 14 nguyên tắc của quản trị hành chính.

Tư tưởng quản trị của Mary Parker Follet (1868-1933) và Elton Mayo (1880-1949) đều nhấn mạnh rằng, hoạt động quản trị phải quan tâm đến những người lao động trong quá trình giải quyết vấn đề, nghĩa là phải chú ý đến toàn bộ đời sống của họ, bao gồm cả yếu tố kinh tế, tinh thần và tình cảm, từ đó tạo động lực cho tổ chức phát triển, v.v..

Khái niệm quản trị quốc gia mới chỉ được quan tâm đặc biệt trên thế giới từ cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI và được dùng để thay thế cho thuật ngữ cai trị. Điều đó phản ánh sự thay đổi lớn trong nhận thức và thực tiễn thực thi quyền lực chính trị ở các quốc gia. Vai trò của nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội có sự thay đổi nhất định, đặc biệt là khi đề cập đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên liên quan trong việc cùng nhau kiến tạo sự phát triển cho quốc gia. Chẳng hạn, về mối quan hệ giữa nhà nước và người dân, vai trò, sự đóng góp, tham gia của các tổ chức xã hội, hay việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền từ trung ương đến địa phương, v.v..

Đã có nhiều nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế đưa ra quan niệm về quản trị quốc gia. Hội đồng Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á Thái Bình Dương của Liên hợp quốc cho rằng, khái niệm quản trị không phải là mới. Nó lâu đời như nền văn minh nhân loại vậy. Nói một cách đơn giản, quản trị có nghĩa là: quá trình ra quyết định và quá trình các quyết định được thực hiện (hoặc không được thực hiện) và một nền quản trị tốt phải bảo đảm thực hiện đầy đủ 08 tiêu chí cơ bản, đó là: sự tham gia, định hướng đồng thuận, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, sự kịp thời, tính hiệu lực và hiệu quả, tính bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào và tuân thủ pháp quyền(2).

Daniel Kaufmann cho rằng, có 06 chỉ số quản trị quốc gia, trong đó bao gồm: (1) quy trình mà các chính phủ lựa chọn, được giám sát và thay thế, (2) năng lực của chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách đúng đắn và (3) sự tôn trọng của công dân và nhà nước đối với các thể chế chi phối các mối tương tác kinh tế và xã hội giữa chúng(3).

Về bản chất, quản trị quốc gia là quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nhằm bảo đảm cho quốc gia đó phát triển bền vững, đúng mục tiêu đề ra.

Nội hàm của thuật ngữ quản lý nhà nước có nghĩa là: nhà nước là chủ thể duy nhất trực tiếp đảm nhiệm tất cả các hoạt động quản lý và cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trên cơ sở pháp luật và cơ chế, quy luật kinh tế.

Còn khi đề cập đến quản trị quốc gia, nhà nước sẽ đóng vai trò nổi bật là chủ thể định hướng, dẫn dắt và kiểm soát sự vận động, phát triển của xã hội phù hợp với quy luật khách quan thông qua việc đề ra các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch hoặc cung cấp thông tin có định hướng, liên kết các chủ thể trong xã hội, để các chủ thể này cùng tham gia, lựa chọn và quyết định thực thi nhằm đạt mục đích tối ưu nhất. Đồng thời, nhà nước cũng mạnh dạn chuyển giao một phần hoặc có thể toàn phần các công việc mà trước nay do nhà nước đảm nhiệm cho các chủ thể khác trong xã hội thông qua hoạt động phân cấp, phân quyền, ủy quyền, v.v. theo pháp luật.

2. Thuật ngữ “quản trị” không hề xa lạ trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Từ trước đổi mới đến nay, chúng ta vẫn sử dụng khái niệm này ở phạm vi nhỏ với nội hàm đơn giản. Cụ thể như “Ban quản trị hợp tác xã” hay “Phòng quản trị” - với nhiệm vụ phụ trách các hoạt động hậu cần cho hợp tác xã hay cho cơ quan, tổ chức như: hội trường, phương tiện đi lại, nơi ăn ở, v.v..

Còn ở phạm vi quốc gia, chúng ta quen thuộc với khái niệm “quản lý nhà nước” - là một khái niệm hẹp về vai trò của nhà nước, nghiêng về vai trò kiểm soát các mối quan hệ và ban hành các quyết định quản lý. Đây là chức năng của chính quyền, diễn ra ở cấp độ quốc gia để duy trì trật tự xã hội cũng như trực tiếp thực thi chính sách thông qua hệ thống hành chính mang tính thứ bậc với thẩm quyền, nhiệm vụ rõ ràng.

Trước Đại hội XIII, khái niệm “quản trị quốc gia” chưa được đề cập đến trong văn kiện nào của Đảng và Nhà nước, mà chỉ xuất hiện từ thập kỷ 90 thế kỷ XX, trong các văn bản, tài liệu, báo cáo của Liên hợp quốc, UNDP, Ngân hàng Thế giới, v.v.. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam đã liên tục có những thay đổi sâu rộng theo hướng quản trị trên nhiều phương diện. Thí dụ như: (i) Nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; (ii) Bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội: (iii) Tăng cường bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; (iv) Bảo đảm sự bình đẳng của các chủ thể trong xã hội và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương; (v) Bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước và sự đồng thuận xã hội trong việc hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, v.v..

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhiều lần đề cập đến thuật ngữ “quản trị” trong các lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, giáo dục, doanh nghiệp, công nghệ, quản trị rủi ro... Đặc biệt, lần đầu tiên, thuật ngữ “quản trị quốc gia” được nhắc đến, đánh dấu sự phát triển về nhận thức cũng như thực tiễn của Đảng ta trong xây dựng và phát triển đất nước. Cụ thể:

Trong lĩnh vực giáo dục, không dưới 03 lần Văn kiện nhắc đến thuật ngữ quản trị. Đại hội XIII nhận định: “quản trị đại học có nhiều bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên”(4). Tuy nhiên, đánh giá về lĩnh vực giáo dục nói chung, Văn kiện chỉ rõ: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ. Quản lý nhà nước và quản lý - quản trị nhà trường còn nhiều hạn chế”(5). Trên cơ sở đó, Đại hội XIII cho rằng, trong thời gian tới phải “Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ, chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo”(6).

Trong lĩnh vực kinh tế, nhất là vấn đề tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), Văn kiện Đại hội XIII nhiều lần nhấn mạnh nội dung quản trị. “Nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị... Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu”(7). Vì vậy, trong thời gian tới, phải “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”(8). Thuật ngữ “quản trị hiện đại” đối với doanh nghiệp còn được nhắc đến 4 lần nữa trong tập I (tr.129, tr.134, tr.239) và 2 lần trong tập II (tr.64, tr.126) Văn kiện Đại hội XIII.

Bên cạnh đó, Văn kiện có 01 lần đề cập đến “quản trị công nghệ” (tr.231, tập I), 02 lần nhắc tới “quản trị rủi ro” (tr.31, tr.98, tập II) và 02 lần nhắc tới “quản trị toàn cầu” (tr.267, tập I và tr.93, tập II).

Đặc biệt, vấn đề “quản trị quốc gia” hay “quản trị nhà nước” được Văn kiện đề cập tới 05 lần. Đó là: (1) “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”(9); (2) “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”(10); (3) “Thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích lũy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế”(11); (4) “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”(12); (5) “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia; thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp (quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, dây chuyền sản xuất,...)(13).

Trên cơ sở những tư tưởng chỉ đạo của Đảng, lĩnh vực giáo dục (nhất là giáo dục đại học) đã có những thay đổi mạnh mẽ. (i) Về mặt thể chế, Luật Giáo dục đại học tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn làm khung khổ pháp lý cho hoạt động quản trị giáo dục. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối ban hành chính sách, chiến lược, quy chuẩn giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn giảng viên và xây dựng dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, v.v.. Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm thay hay can thiệp vào công việc nội bộ của các trường mà trao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình cho các trường. (ii) Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy của trường đại học để giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu có sự phối hợp tốt, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu trong điều hành hoạt động giáo dục, đào tạo. (iii) Cụ thể hóa và hiện thực hóa hơn nữa việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học như: tự chủ trong học thuật, hoạt động chuyên môn, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; tự chủ trong tổ chức và nhân sự, chế độ việc làm trong cơ quan; tự chủ trong tài chính và tài sản gắn liền với trách nhiệm giải trình, v.v..

Trong lĩnh vực kinh tế, trong quản trị doanh nghiệp, khối doanh nghiệp nhà nước đã có sự cải cách hết sức mạnh mẽ. (i) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, cơ bản bao gồm 04 lĩnh vực là: cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; trực tiếp phục vụ quốc phòng - an ninh; độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; (ii) Xây dựng cơ chế đại diện, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước ngày càng năng động, minh bạch, chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn; (iii) Xóa bỏ những cơ chế, chính sách có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể trên thị trường nhằm tạo lập được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; (iv) Quy định về công bố thông tin, chế độ kế toán và kiểm toán của doanh nghiệp nhà nước tiệm cận với thông lệ quốc tế, v.v..

Đối với khối doanh nghiệp tư nhân, để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03-6-2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết Trung ương 6 ngày 17-11-2022 “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục khẳng định “doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo” trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành “những con sếu đầu đàn”, dẫn dắt trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế đất nước như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan, v.v..

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song với các chính sách hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp đã cải thiện năng lực quản trị, tháo gỡ được những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân, duy trì và củng cố các nguồn lực, bảo đảm đời sống cho người lao động, v.v.. Các doanh nghiệp tư nhân đã và đang tạo ra động lực để “biến nguy thành cơ”, phục hồi và bứt phá mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động của thị trường, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu nguồn lực theo hướng bền vững hơn.

Như vậy, từ những luận điểm trong Văn kiện Đại hội XIII về quản trị, quản trị quốc gia và thực tiễn quản trị trên từng lĩnh vực cụ thể có thể rút ra một số vấn đề sau:

Một là, Đảng, Nhà nước đã có sự chuyển biến mang tính chiến lược trong nhận thức, tư duy về quản trị quốc gia. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đã làm bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý nhà nước. Trong những năm qua, chúng ta đã từng bước chỉ ra các vấn đề như: “Đảng bao biện làm thay”, cơ chế “xin - cho”, hay Nhà nước “ôm đồm”, v.v.. Hiện nay, tư duy ấy đã dần bị loại bỏ, tuy nhiên, sự chuyển biến diễn ra chậm chạp, thiếu sự quyết tâm của một bộ phận cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên. Vì vậy, vẫn có tình trạng “không quản lý được thì cấm” hay “trên nóng dưới lạnh”, v.v..

Toàn cầu hóa là xu hướng không thể đảo ngược, quá trình đổi mới đất nước gắn liền với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong khi đó, định hướng của Đảng là xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, vươn tới chuẩn quản trị toàn cầu. Điều đó đòi hỏi Việt Nam phải có một tầm nhìn mới mang tính đột phá khi tiếp cận những “luật chơi” chung trong “sân chơi” toàn cầu. Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là tiền đề quan trọng để có thể tận dụng được và hưởng lợi từ quá trình hội nhập quốc tế. Hơn nữa, nhận thức của người dân hiện nay đã có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, yêu cầu về dân chủ, pháp quyền, bình đẳng xã hội ngày càng cao hơn. Những đòi hỏi của người dân đối với sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng cao, cụ thể và rõ ràng hơn.

Hai là, chủ thể quản trị cũng có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, với tư duy quản lý thì vai trò của Nhà nước, chính quyền được đề cập đến như là chủ thể duy nhất trong việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng, xã hội. Nhưng với tư duy quản trị, Nhà nước vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc ban hành quyết định và kiểm soát quá trình thực thi chính sách phát triển xã hội. Nhà nước từ vị thế tuyệt đối, tập trung, chỉ huy, mệnh lệnh, kế hoạch từ trên xuống đã chuyển dần sang quản trị bằng thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, v.v. và các công cụ vĩ mô khác.

Các chủ thể xã hội khác như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân dần có tiếng nói, có thể tham gia nhiều hơn trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách phát triển. Người dân không chỉ thể hiện như là khách thể mang tính bị động, mà đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xây dựng pháp luật, góp ý kiến đối với các dự án luật, tham gia giám sát hoạt động của chính quyền các cấp một cách chặt chẽ, thường xuyên. Tiếng nói của chủ thể nhân dân ngày càng được lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu.

Như vậy, Nhà nước đóng vai trò như một trụ cột quan trọng định hướng, dẫn dắt các hoạt động quản trị, điều phối sự khác biệt về lợi ích của các chủ thể đa dạng trong xã hội, hướng tới xây dựng mối quan hệ hợp tác, đồng thuận giữa các chủ thể trong quá trình giải quyết hài hòa và cùng chia sẻ các lợi ích.

Ba là, công cụ quản trị có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, nhất là hệ thống luật pháp và chính sách. Hoạt động xây dựng pháp luật những năm gần đây thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước. Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ theo từng giai đoạn được thực hiện thường xuyên, liên tục, v.v.. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, “Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường”(14). Có nghĩa là, Nhà nước không trực tiếp can thiệp vào các quá trình, các hoạt động của đời sống xã hội, mà lãnh đạo, chỉ đạo gián tiếp một cách thích hợp bằng những công cụ nêu trên.

Tuy vậy, Văn kiện Đại hội XIII nhận định, chúng ta mới chỉ bước đầu chuyển đổi từ “quản lý” sang “quản trị” nên trình độ quản trị còn những hạn chế, bất cập nhất định, hệ thống pháp luật với tư cách là công cụ chủ yếu phục vụ cho hoạt động quản trị chưa đồng bộ. Đồng thời, “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp”(15). Cho nên, hiệu lực, hiệu quả của quản trị quốc gia còn hạn chế.

Bốn là, phương tiện quản trị có sự phát triển vượt bậc, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh về hạ tầng công nghệ và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước ở khu vực Đông Nam Á. Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới thiết lập Chính phủ số đã được ban hành và tích cực triển khai. Các diễn đàn trực tuyến của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện được xây dựng rộng khắp, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp ý kiến cho cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp.Tuy nhiên, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém: “Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương”(16). “Hệ thống thông tin, thống kê khoa học và công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chính sách”(17), v.v..

Trong thời gian tới, để quán triệt và thực hiện chủ trương xây dựng nền “quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” cần nhận thức và giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần làm rõ hơn nội hàm khái niệm “quản trị quốc gia”, phân biệt với “quản lý nhà nước”. Trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội XIII, hai thuật ngữ này xuất hiện bên cạnh nhau, có nghĩa là hai khái niệm này không mâu thuẫn, chồng chéo nhau, mà có sự bổ sung cho nhau và có thể hình dung, “quản trị quốc gia” bao hàm rộng hơn so với “quản lý nhà nước”. Thí dụ, trên phương diện chủ thể, thuật ngữ “quản lý nhà nước” nhấn mạnh vai trò chủ thể Nhà nước, còn khi sử dụng thuật ngữ “quản trị quốc gia” thì bên cạnh chủ thể Nhà nước, còn có sự đóng góp quan trọng, không thể thiếu của các chủ thể ngoài Nhà nước (nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân, đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân, v.v.) trong tiến trình phát triển của đất nước. Trên cơ sở làm rõ khái niệm sẽ mang tới sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và xác lập chính xác các tiêu chí, tiêu chuẩn hoạt động và mục tiêu của quản trị quốc gia.

Thứ hai, Văn kiện Đại hội XIII lần đầu tiên đưa ra khái niệm “quản trị quốc gia” không phải là mang tính xu hướng, tính phong trào hay sử dụng thuật ngữ phù hợp với bối cảnh thời đại, mà đó là việc xác lập tâm thế mới, tư duy mới, cách tiếp cận mới phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Chính vì vậy, “quản trị quốc gia” phải được coi là một nguyên tắc có tính nền tảng cho tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như định hướng nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác.

Thứ ba, để “quản trị quốc gia” được xây dựng theo hướng hiện đại, hiệu quả, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ rộng rãi và thực chất để mọi giai tầng, cá nhân, tổ chức trong xã hội có thể trở thành những chủ thể đích thực tham gia “quản trị quốc gia”. Trong đó, “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,...”(18).

Thứ tư, “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(19), “thúc đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ”(20), “Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số”(21). Chỉ có trên cơ sở ấy, các chủ thể mới có thể phát huy được hết năng lực, trí tuệ của mình hướng tới quản trị quốc gia một cách hiện đại, hiệu quả.

Như vậy, xây dựng nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu khách quan trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để xây dựng thành công nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại đòi hỏi các chủ thể Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân phải nỗ lực, cố gắng đổi mới từ nhận thức tới hành động trên cơ sở tuân thủ luật pháp và cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng như nguyên tắc tự quản, tự nguyện của các tổ chức và người dân.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 02-01-2023; Ngày bình duyệt: 12-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.288-289.

(2) UNESCAP: What is Good Governance? (https://www.unescap.org/sites/default/d8files/knowledge-products/good-governance.pdf).

(3) Daniel Kaufmann, Aart Kraay: Growth without Governance, World Bank Policy Research Working Paper 2928, 2002.

(4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (12), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.63, 83, 139, 81, 122, 203, 220, 231, 131, 80, 83, 83-84, 173, 140, 141, 142.

(11), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.90, 131-132.

TS NGUYỄN LƯƠNG NGỌC

ThS PHAN THỊ THU HẰNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền