Trang chủ    Tư liệu tạp chí in    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
Thứ tư, 08 Tháng 9 2021 15:09
24114 Lượt xem

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đại hội XIII của Đảng nêu những định hướng lớn cho nhiệm vụ xây dựng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến năm 2030.

1. Quan điểm của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Xây dựng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được Đảng ta rất quan tâm, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Ngày 22-7-1986, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TW “về kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ kinh tế - xã hội”. Trên cơ sở các nguyên tắc, Bộ Chính trị chỉ đạo tập trung kiện toàn về bộ máy của Hội đồng Bộ trưởng, các bộ, chính quyền các cấp và bộ máy của Đảng, các đoàn thể; tinh giản bộ máy, giảm biên chế, cải tiến chế độ làm việc.

Báo cáo chính trị của Đại hội VI của Đảng (1986) nhấn mạnh bài học xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989), lần đầu tiên Đảng dùng khái niệm “hệ thống chính trị” thay cho khái niệm “hệ thống chuyên chính vô sản”, thể hiện quan điểm mới về hệ thống chính trị cũng như về vai trò, chức năng, quan hệ và hoạt động của cả hệ thống chính trị và của từng bộ phận trong hệ thống đó.

Các nhiệm kỳ từ khóa VII đến khóa XII, các văn kiện Đại hội Đảng và nhiều nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo việc xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được đặc biệt chú trọng và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đại hội XII đề ra các nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”(1); ”Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ”(2); “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị”(3); “Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ mới”(4). Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Kết quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt”(5). Đại hội cũng khẳng định: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được rà soát, bổ sung, từng bước được hoàn thiện, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo. Trên cơ sở đó, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc theo nguyên tắc một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử... nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số mô hình tổ chức mới được thực hiện thí điểm đã góp phần tinh gọn bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thiết chế tự quản được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp. Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đạt kết quả rõ nét. Biên chế của cả hệ thống chính trị có giảm trong các năm gần đây, cơ bản bảo đảm lộ trình theo quy định. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Tính đến ngày 31-12-2019, cả nước đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; 6 tổng cục và tương đương; 19 cục, vụ, 90 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; 3.768 phòng, đội và tương đương; giảm 4.963 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 3.646 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương. Giảm 10.386 cấp trưởng, cấp phó ở các cơ quan, đơn vị tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Giảm 3.306 cấp trưởng, 4.080 cấp phó ở các đơn vị sự nghiệp công lập địa phương. Đến ngày 30-9-2020, đã giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 565 đơn vị hành chính cấp xã; đã giảm 20.910 thôn, tổ dân phố.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; cá biệt có nơi còn nóng vội, chưa có bước đi vững chắc. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa thật sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Xây dựng vị trí việc làm còn lúng túng, tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đề ra”(6).

Trong quá trình triển khai sắp xếp, bố trí cán bộ ở một số tổ chức Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng; việc thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ chịu tác động của sắp xếp, kiện toàn còn chưa được quan tâm thỏa đáng, chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, chưa bắt kịp những mô hình tổ chức mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Việc gắn sắp xếp tổ chức Đảng với tổ chức chính quyền Nhà nước có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế có một số mặt còn lúng túng; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới đồng bộ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều.

3. Định hướng tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Tiếp nối đường lối đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị qua các nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quan điểm tổng quát được xác định ngay tại mệnh đề đầu tiên của tiêu đề Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(7), coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt nhiệm kỳ và giữ vị trí, vai trò quyết định.

Nội dung này được thể hiện rõ tại quan điểm chỉ đạo thứ 5 của Báo cáo chính trị, yêu cầu nâng cao chất lượng toàn diện: “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(8).

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội XIII nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới tổ chức bộ máy các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị: “tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”; “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”; “xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”(9).

4. Nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Đại hội XIII xác định các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những định hướng, biện pháp: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm”(10).

Đối với các cơ quan nhà nước, Đại hội định hướng việc tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực: “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(11).

Đại hội định hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao... Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp.

Đối với chính quyền địa phương, Đại hội định hướng nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phù hợp với đặc điểm địa bàn, loại bỏ cấp trung gian, xây dựng chính quyền điện tử: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”(12); “kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp”(13).

Định hướng xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội gần dân, hướng về cơ sở và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội: “Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(14).

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng xác định cụ thể hơn các nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; quan tâm đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức công đoàn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Sơ kết, tổng kết những mô hình thí điểm và nhân rộng những mô hình mới có hiệu quả. Đẩy mạnh sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa các dịch vụ công ở những nơi có đủ điều kiện. Hoàn thiện thể chế, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng về tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Đánh giá, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng theo ngành, lĩnh vực và những nơi có đặc điểm riêng.

Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính các cấp. Đồng thời, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị ở Trung ương theo lộ trình.

Để thực hiện hiệu quả sắp xếp tổ chức là đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Làm tốt công tác tư tưởng; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với các trường hợp do ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế(15).

Thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà Đại hội đề ra là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi toàn Đảng phải có sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời xác định lộ trình thực hiện phù hợp để vừa đổi mới nhưng đảm bảo ổn định, phát triển hướng tới thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội đã xác định.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

1), (2), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.203, 203, 204, 204.

(5), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.73, 57, 111, 118-119, 185, 174-175, 178, 179, 172.

(6), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.184, 238-239.

PGS, TS PHẠM TẤT THẮNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền