Trang chủ    Tư liệu tạp chí in    Tạp chí Lý luận chính trị Số 12-2014
Thứ sáu, 26 Tháng 12 2014 10:33
3644 Lượt xem

Tạp chí Lý luận chính trị Số 12-2014

MỤC LỤC

Nghiên cứu - Phát triển lý luận

3.        Tạ Ngọc Tấn: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng về quyền con người trong thời kỳ đổi mới

11.       Lương Đình Hồng: Công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng các binh đoàn chủ lực

16.       Lưu Văn Sùng: Hoàn thiện thể chế bảo đảm kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay

19.       Đỗ Lan Hiền: Tính xã hội và tính văn hóa của tôn giáo

23.       Doãn Hùng - Nguyễn Thị Ngọc Diễn: Các yếu tố tác động đến hoạt động di cư quốc tế ở Việt Nam hiện nay

28.       Nguyễn Thị Thúy Hằng: Các lý thuyết truyền thông chính trị và vận dụng ở Việt Nam

Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ

32.       Lê Văn Liêm: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nội hàm cơ bản và đặc trưng chủ yếu

Thực tiễn - Kinh nghiệm

36.       Trương Minh Dục: Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Tây Nguyên

43.       Đặng Như Lợi: Cải cách Luật bảo hiểm xã hội để mở rộng bảo hiểm hưu trí đối với người cao tuổi

48.       Phạm Huy Thông: Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo qua mười năm thực hiện

51.       Nguyễn Minh Phong - Nguyễn Minh Tâm: Một số vấn đề đặt ra về đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập

56.       Phan Ngọc Trung: Thực trạng và giải pháp phát triển mua bán, sáp nhập của ngân hàng thương mại Việt Nam

Diễn đàn

61.       Đoàn Minh Huấn - Nguyễn Ngọc Hà: Công nghiệp văn hóa

66.       Nguyễn Ngọc Huy: Phân tầng xã hội - lý thuyết và nghiên cứu ở Việt Nam 

Quốc tế

71.       Nguyễn Viết Thảo: ALBA: một dự án địa chính trị tích cực của hội nhập quốc tế ở Mỹ Latinh

77.       Nguyễn Nhâm - Nguyễn Hồng Việt: Cấu trúc an ninh toàn cầu định hình rõ nét?

84.       Ngô Huy Đức -  Lê Thị Thu Mai: Giá trị châu Á và dân chủ - tương đồng và khác biệt 

90.       Vũ Thanh Sơn: Nhận diện tham nhũng và chống tham nhũng ở Trung Quốc hiện nay

Từ điển mở

93.       Trần Kim Cúc: An ninh văn hóa

97.       Tổng mục lục Tạp chí Lý luận chính trị năm 2014

108.     Tóm tắt một số bài

TÓM TẮT MỘT SỐ BÀI

Tạ Ngọc Tấn: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng về quyền con người trong thời kỳ đổi mới

Những thành tựu lý luận về quyền con người của Đảng trong thời kỳ đổi mới thể hiện trên những nội dung cơ bản: Khẳng định rõ bảo đảm quyền con người là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu của Nhà nước ta và động lực của sự phát triển đất nước; hình thành được những quan điểm cơ bản về quyền con người, làm cơ sở cho việc xem xét, thực hiện quyền con người ở Việt Nam; xác định được những nhiệm vụ ưu tiên trong việc thực thi quyền con người ở Việt Nam đó là: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kiện toàn các thiết chế bảo vệ, thúc đẩy quyền con người; phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, bảo đảm và nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người; mở rộng dân chủ, giữ vững ổn định chính trị, xã hội nhằm bảo vệ và thực hiện đầy đủ các quyền con người.

Lương Đình Hồng: Công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng các binh đoàn chủ lực

Công tác đảng, công tác chính trị là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng với Quân đội, là nhân tố cơ bản hàng đầu quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Phát huy truyền thống hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trước yêu cầu thời kỳ mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, quân đoàn chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược đầu tiên của Quân đội ta, xác định công tác đảng, công tác chính trị tập trung thực hiện tốt các nội dung: giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ chiến sỹ; góp phần xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chăm lo xây dựng các tổ chức quần chúng; xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh toàn diện.

Lưu Văn Sùng: Hoàn thiện thể chế bảo đảm kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay

 Kiểm soát quyền lực để hạn chế tha hóa quyền lực là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng nền dân chủ; cần hoàn thiện thể chế kiểm soát từ bên trong, đồng thời hoàn thiện thể chế kiểm soát từ bên ngoài. Nhà nước Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc quyền lực là thống nhất, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Để thực hiện nội dung tiến bộ của Hiến pháp 2013 về kiểm soát quyền lực, cần cụ thể hóa thành các điều luật về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kiểm soát quyền lực từ bên ngoài Nhà nước được thể hiện ở vai trò của Mặt trận Tổ quốc, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở chính kiến của nhân dân; ở vị trí và hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng,...

Phạm Huy Thông: Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo qua mười năm thực hiện

Pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng (2004) thể hiện sự đổi mới quan niệm về tín ngưỡng tôn giáo và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam với nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Pháp lệnh tạo điều kiện pháp lý thông thoáng cho sinh hoạt tín ngưỡng; nhiều nhu cầu về tôn giáo được giải quyết thỏa đáng; các lễ hội liên quan tín ngưỡng tôn giáo được phục hồi; các tôn giáo được Nhà nước công nhận tăng lên. Tuy vậy, qua 10 năm thực hiện, Pháp lệnh cũng bộc lộ một số điểm bất cập cần khắc phục: chưa đề cập đến tư cách pháp nhân của các tôn giáo, công tác tôn giáo còn chồng chéo giữa các ngành, các cấp; một số điều chưa phù hợp với thực tế, như vấn đề đất đai, tài sản do lịch sử để lại, chưa quy định về hòa giải, đối thoại xử lý,...

Nguyễn Minh Phong - Nguyễn Minh Tâm: Một số vấn đề đặt ra về đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập

Đổi mới trong bối cảnh hội nhập, cần tập trung giải quyết các vấn đề: tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận về thực tiễn phát triển và quản lý phát triển; đổi mới cơ chế, kết hợp bàn tay nhà nước với thị trường, tôn trọng các quy luật khách quan; đề cao sự năng động, trách nhiệm, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; đổi mới công tác thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các phương án, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, nâng cao chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Nguyễn Viết Thảo: ALBA: một dự án địa chính trị tích cực của hội nhập quốc tế ở Mỹ Latinh

 Tháng 12-2004, Phương án Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ của chúng ta (ALBA) thành lập, đến nay gồm 9 quốc gia. ALBA là một dự án liên kết khu vực, nên lựa chọn con đường riêng, trước hết xác lập một dự án địa chính trị, trên cơ sở của định hướng chính trị sẽ triển khai các nội dung liên kết. Mười năm đầu của ALBA với những kết quả, thành tựu đạt được đã gợi mở nhiều vấn đề: là sự tìm kiếm một phương án khác, không chấp nhận cạnh tranh theo cơ chế thị trường, mà là bổ trợ và hợp tác giữa các nền kinh tế; duy trì, phát triển bằng sức mạnh nội tại các quốc gia thành viên, đã chứng minh khả năng và sự cần thiết thành lập, phát triển các thiết chế hội nhập quốc tế độc lập, tự chủ của các nước đang phát triển, chậm phát triển; ALBA thể hiện như tấm gương trong sáng của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa quốc tế giữa các nước phương Nam.

Nguyễn Nhâm - Nguyễn Hồng Việt: Cấu trúc an ninh toàn cầu định hình rõ nét?

Sau cuộc khủng hoảng Ucraina với việc sáp nhập Crưm vào Nga, kết cấu quyền lực quốc tế thời hậu chiến tranh lạnh trở nên rõ ràng hơn, thậm chí có thể thay đổi cục diện chính trị quốc tế. Những động thái phản ánh quá trình vận động của cấu trúc an ninh toàn cầu mới, với những chuyển động có tính đột phá là Đông tiến của NATO, quan hệ “liên kết” Nga-Trung, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, sự chia sẻ trách nhiệm của Nhật Bản với đồng minh Mỹ. Giới phân tích có những nhận định khác nhau về xu thế: cấu trúc an ninh với vai trò không thuộc các quốc gia riêng lẻ mà thuộc về các nhóm nước lớn có lợi ích và tham vọng khác nhau liên kết với nhau chi phối thế giới; các trung tâm quyền lực mới đang hình thành và sẽ chi phối thế giới (phương Tây mở rộng, Nga - Trung liên kết, Đông Á-Đông Nam Á với vai trò của Nhật Bản).

Ngô Huy Đức -  Lê Thị Thu Mai: Giá trị châu Á và dân chủ - tương đồng và khác biệt

Vấn đề khác biệt giữa các giá trị phương Đông và phương Tây là một tranh luận lớn trong giới nghiên cứu. Tâm điểm của cuộc tranh luận là việc nhìn nhận “các giá trị châu Á” trong sự so sánh với phương Tây. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây vẫn cho rằng giữa phương Tây và phương Đông, cái chung, cái giống nhau vẫn là điểm căn bản hơn. các giá trị phương Đông khác biệt nổi bật so với phương Tây và các tranh luận quanh chúng liên quan tới dân chủ ở phương Đông là: tinh thần cộng đồng; tính đồng thuận; trọng trật tự và thứ bậc; coi trọng học hành; chăm chỉ và tiết kiệm. các điểm tương đồng, nhìn từ bức tranh tổng thể về các thể chế dân chủ, về sự tham gia của dân chúng là: Dân chúng ngày càng có quyền lớn hơn trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo, trong việc kiểm soát các hoạt động của nhà nước; bản thân nhà nước ngày càng thay đổi theo hướng minh bạch hơn và phải chịu áp lực giải trình trách nhiệm lớn hơn.

Thông tin tuyên truyền