TS NGUYỄN THỊ OANH
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á,
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
TS QUÁCH THỊ HUỆ
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Trên cơ sở các quan điểm chính thức của Chính phủ Ấn Độ, bài viết tập trung làm rõ sự lựa chọn chiến lược của Ấn Độ trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ucraina là duy trì chính sách trung lập, ủng hộ trật tự thế giới đa cực, theo đuổi chủ nghĩa đa phương thông qua chính sách đa liên kết và nguyên tắc tự chủ chiến lược, trước tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina đến trật tự thế giới. Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp cơ sở “Ngoại giao hàng hải trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ” do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á chủ trì.
Ảnh minh họa: IT
Ngày 24-2-2022, xung đột Nga - Ucraina nổ ra. Đêm 24-2-2022, Thủ tướng Modi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức họp báo. Sau đó, Thủ tướng Modi triệu tập cuộc họp của Ủy ban Nội các về An ninh (CCS).
Đối với xung đột Nga - Ucraina, trong khi Mỹ và các nước phương Tây lên án cuộc chiến của Nga ở Ucraina và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế thì New Delhi đã công khai lập trường trung lập(1). Chính sách trung lập tích cực của Ấn Độ dựa trên nguyên tắc tự chủ chiến lược, “chủ nghĩa hiện thực và theo đuổi lợi ích quốc gia”.
Bên cạnh đó, Ấn Độ nêu rõ quan điểm “phản đối mạnh mẽ xung đột”, đứng về “phe hòa bình” và kêu gọi xung đột Nga - Ucraina được giải quyết thông qua ngoại giao và đối thoại(2). Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng đối với tất cả các phiếu bầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) về Ucraina vào năm 2022 và không công khai chỉ trích hoặc lên án các hành động quân sự của Nga. Ấn Độ nhiều lần “nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp Quốc, luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia(3).
Tại cuộc gặp giữa Tổng thống V.Putin và Thủ tướng Modi tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tháng 9-2022 ở Udơbêkixtan, Thủ tướng Modi mặc dù không công khai chỉ trích Nga nhưng đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải dựa vào ngoại giao và con đường hòa bình để kết thúc một cuộc chiến tranh - vốn là nguyên nhân khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng cao(4).
Trong quan điểm của Ấn Độ, đối thoại và ngoại giao là cách thức giải quyết đúng đắn cho mọi xung đột. Trật tự toàn cầu đương đại được xây dựng trên Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
1. Cuộc chiến Nga - Ucraina không những tạo nên sự thay đổi lớn trong mối quan hệ nội tại châu Âu mà đã tác động sâu sắc đến trật tự thế giới:
Thứ nhất, thách thức đối với “trật tự dựa trên luật lệ”, thúc đẩy sự leo thang căng thẳng và sự chia rẽ giữa các cường quốc
Trật tự thế giới hiện nay đang là “nhất siêu đa cường” nhưng siêu cường Mỹ đang suy giảm tương đối vai trò lãnh đạo số một của mình trong chính trị quốc tế. Trung Quốc ngày càng trỗi dậy với sự phát triển kinh tế, cường quốc công nghiệp, thương mại. Nga đang trở thành lợi thế một cường quốc, thể hiện ở sự can dự của Nga ở Grudia năm 2008, việc sáp nhập Crưm và can thiệp vào Donbas năm 2014 và cuộc chiến với Ucraina năm 2022, cho thấy giới lãnh đạo ở Nga quyết tâm lấy lại vị thế của cường quốc và thiết lập các vùng ảnh hưởng mạnh mẽ trên phạm vi Á - Âu.
Trật tự thế giới với các thách thức đa tầng, từ các mối đe dọa an ninh truyền thống đến phi truyền thống cũng như sự cạnh tranh quyền lực địa chính trị. Điều này làm xói mòn ảnh hưởng của các thể chế đa phương trong việc ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro và khủng hoảng trong chính trị quốc tế.
Bối cảnh bất ổn trật tự thế giới được phản ánh rõ trong các văn bản chiến lược ngày 21-3-2023 của EU mang tên “La bàn chiến lược” về an ninh và quốc phòng. Văn bản này nhấn mạnh EU tiếp tục ủng hộ đối thoại hơn là đối đầu; ngoại giao hơn vũ lực; chủ nghĩa đa phương trước chủ nghĩa đơn phương. EU tái khẳng định ý định tăng cường hỗ trợ trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, với cốt lõi là Liên hợp quốc(5).
Cuộc chiến Nga - Ucraina đánh dấu sự bất ổn chính trị trở lại sau một kỷ nguyên hòa bình ở châu Âu, tạo ra thách thức cho trật tự thế giới tự do của phương Tây, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19, thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và mô hình chủ nghĩa khu vực mới đang bén rễ thông qua các liên minh như BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), U2I2 (Mỹ, UAE, Ấn Độ và Itxraen), AUKUS (Ôxtrâylia, Anh, Mỹ) và QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ôxtrâylia).
Trong bối cảnh này, Mỹ và phương Tây đã hợp pháp hóa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bằng cách gắn trật tự này với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, nhấn mạnh rằng, trật tự này không phải là một trật tự do phương Tây xây dựng mà nó đại diện cho các giá trị phổ quát của thế giới. Nhưng đối với Nga, Trung Quốc hay các quốc gia ở Nam bán cầu khác, “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” là hệ thống thế giới được thúc đẩy bởi các lợi ích của phương Tây, nhằm tập trung quyền lực cho phương Tây(6).
Có thể thấy, các quốc gia và mô hình chính phủ khác nhau đang cạnh tranh quyền lực và gây tầm ảnh hưởng. Điều này phần nào tác động đến việc thực thi chuẩn mực quốc tế do Mỹ đang dẫn dắt. Mặt khác, phản ánh những thay đổi sâu sắc về quyền lực trong sự chuyển đổi của mô hình quản trị toàn cầu. Do đó, xung đột Nga - Ucraina là một sự kiện toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến việc định hình trật tự quốc tế. Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự định hình một trật tự đa cực hay hai cực đa trung tâm mà còn liên quan triển vọng về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và quản trị toàn cầu bị thách thức bởi việc các quốc gia sử dụng “sức mạnh cứng” để khẳng định vị thế quốc tế.
Thứ hai, xung đột Nga - Ucraina thúc đẩy sự nổi lên của các quốc gia ở Nam bán cầu
Các quốc gia này gồm: Braxin, Ấn Độ, Inđônêxia và Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Nam Phi thường được nhắc đến là “các cường quốc tầm trung ở phương Nam”. “Sự trỗi dậy của nhóm nước này có thể tạo ra một cơ hội lớn cho Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhằm “bảo vệ và cải cách trật tự quốc tế đang nhiều bất trắc”. Bên cạnh đó, mặc dù không chọn phe nhưng chính nhóm “các quốc gia dao động” này đang có vai trò lớn trong cục diện địa chính trị của thế giới đương đại(7).
Các quốc gia này nhấn mạnh vào sự công bằng, bình đẳng và có đi có lại trong quan hệ quốc tế, điều này có thể thúc đẩy hòa bình toàn cầu, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, trật tự đa cực và ý tưởng về sự phân bổ lại quyền lực toàn cầu một cách công bằng.
Sự nổi lên này được thể hiện trong việc mở rộng các thể chế hợp tác quốc tế ngoài phương Tây. Ví dụ, tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 6-2022, BRICS đã chính thức tuyên bố mở rộng thành viên với kế hoạch kết nạp Iran và Áchentina. Cũng trong năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Saudi cũng chia sẻ mong muốn gia nhập BRICS. Ngoài ra, Ả rập Saudi cũng tuyên bố muốn gia nhập SCO. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng ủng hộ trật tự thế giới đa cực. Thậm chí quốc gia này đã không tham gia thực hiện các biện pháp trừng phạt do Mỹ đưa ra đối với Nga, cân nhắc phê chuẩn nỗ lực gia nhập vào NATO của Phần Lan và Thụy Điển, đàm phán thương mại song phương với Nga bằng tiền tệ quốc gia và tham gia hệ thống thanh toán quốc gia của Nga (MIR).
Một đặc điểm nữa của các quốc gia ở Nam bán cầu này là: Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây đang bận tâm đến việc Nga phá vỡ trật tự an ninh châu Âu và trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì hầu hết họ lại tập trung chủ yếu vào các thách thức kinh tế và phát triển, quan tâm đến việc tăng cường hợp tác kinh tế.
Theo một số học giả phương Tây, sự trở lại của địa chính trị là yếu tố quyết định làm mờ nhạt tầm nhìn về một trật tự thế giới tự do và dựa trên luật lệ(8). Sự trở lại của chính trị cường quyền khiến một số quốc gia hành động dựa trên quyền lịch sử để lấy lại hoặc khẳng định quyền lực, thay vì tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc đã được quốc tế thống nhất cũng như đoàn kết để thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế đã ảnh hưởng đến trật tự thế giới. Trong khi các chính phủ phương Tây cho rằng, cuộc xung đột Nga - Ucraina là sự kiểm chứng đối với trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ, thì nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở Nam bán cầu, coi trật tự dựa trên luật lệ là một cấu trúc của phương Tây và cuộc chiến Nga - Ucraina là vấn đề địa chính trị hơn là sự kiểm chứng các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế(9).
Thứ ba, tác động đến vị thế của các cực trong trật tự thế giới và thúc đẩy cạnh tranh chiến lược giữa hai cực: Mỹ và Trung Quốc
Tham vọng của phương Tây về một hệ thống quốc tế dựa trên nền dân chủ, pháp quyền và hợp tác đa phương dường như đã không phù hợp với tình hình thế giới kể từ khi bùng nổ xung đột Nga - Ucraina(10). Hệ thống quốc tế trong tương lai có thể có một số trung tâm quyền lực. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và Nga tự coi mình là đội tiên phong để chống lại sự thống trị toàn cầu của phương Tây và hai nước này cũng tập hợp lực lượng thông qua lôi kéo những chủ thể khác cùng tham gia. Tại cuộc họp thượng đỉnh của các nước BRICS (tháng 6-2022), Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đều lập luận ủng hộ việc mở rộng nhóm này thành BRICS+. Trong đó, Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm phát triển thể chế này thành một cơ chế đối trọng với G7. Việc mở rộng BRICS cho thấy rằng, dù Trung Quốc và Nga đề cập đến ủng hộ trật tự đa cực, nhưng thực tế hai quốc gia này đang nỗ lực hướng tới trật tự lưỡng cực, trong đó họ sẽ lãnh đạo một liên minh rộng lớn gồm các quốc gia nhằm chống lại ưu thế của phương Tây. Cuộc chiến ở Ucraina đã củng cố những xu hướng này.
Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ucraina, một cách gián tiếp đang làm gia tăng vị thế quốc tế của Mỹ, vai trò của Trung Quốc và sự suy giảm ảnh hưởng của Nga. Xung đột Nga - Ucraina cũng đã củng cố đáng kể sự thống nhất của phương Tây, hồi sinh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và biến G7 thành cơ chế hiệu quả để điều phối phản ứng của phương Tây đối với Nga. Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cuộc khủng hoảng cũng có thể giúp Mỹ thuyết phục các nước châu Âu ủng hộ chính sách của mình đối với Trung Quốc.
Khi cuộc chiến Nga - Ucraina mới bùng nổ, cũng có quan điểm cho rằng, cuộc chiến này sẽ phần nào làm giảm bớt sức nóng của sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung do Mỹ phần nào phải tập trung chủ yếu vào vấn đề Ucraina. Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hiện nay còn đang trở nên gay gắt hơn và cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này đang có xu hướng lan rộng hơn. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho điều này. Đầu tiên, Mỹ coi Trung Quốc là cường quốc duy nhất có khả năng thách thức vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ. Mặc dù Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 của chính quyền Mỹ J. Biden phân biệt Nga là mối đe dọa trực tiếp và Trung Quốc là thách thức chiến lược lâu dài, Trung Quốc vẫn là nhân tố đáng gờm hơn nhiều so với một nước Nga đang suy giảm(11). Do đó, xung đột Nga - Ucraina không làm thay đổi các nguyên tắc cơ bản của sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vốn mang tính đa chiều và bản chất phức tạp do vấn đề lợi ích cũng như ý thức hệ.
2. Trong bối cảnh trật tự thế giới có nhiều biến động do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ấn Độ lựa chọn ủng hộ trật tự thế giới đa cực, theo đuổi chủ nghĩa đa phương, và kiên trì chính sách đa liên kết, xây dựng các liên minh với các đối tác có cùng chí hướng thay vì các mối quan hệ đồng minh, ủng hộ một trật tự mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do có thể cùng tồn tại và “trật tự đó phải dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia”(12).
Một là, ủng hộ một trật tự thế giới được xây dựng trên bộ nguyên tắc mới lấy đạo đức chính trị là cốt lõi, lấy con người làm trung tâm
Quan điểm của Ấn Độ, về một thế giới đang thay đổi, đòi hỏi một bộ nguyên tắc mới khác với phương Tây - vốn phủ nhận bản sắc dân tộc của các quốc gia - nhằm thừa nhận sự tồn tại song song của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do trong trật tự thế giới, đó là “một trật tự mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do có thể cùng tồn tại và các quốc gia ở Nam bán cầu là những chủ thể liên quan chính”(13).
Bước sang thế kỉ XXI, trục quyền lực toàn cầu đã chuyển từ khu vực Thái Bình Dương - Đại Tây Dương sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi các nền dân chủ hiện đại tập trung quyền lực vào đơn vị nhà nước thì các mô hình trước đó ở Ấn Độ lại thúc đẩy việc phân quyền tới các thấp nhất trong xã hội.
Theo đó, Ấn Độ nhấn mạnh, đạo đức và các giá trị phải hướng dẫn các quốc gia để các quyền bá chủ và mưu đồ quyền lực không chi phối quan hệ quốc tế nhằm xây dựng một trật tự thế giới dựa trên đạo đức chính trị trong đó, lấy con người làm trung tâm.
Về mặt kinh tế, thay vì chủ nghĩa tư bản, một học thuyết kinh tế mới dựa trên Swadeshi (địa phương hóa) và Atma Nirbharta (tự lực) có thể được phát triển trong đó, khái niệm thị trường toàn cầu sẽ được thay thế bằng một nền kinh tế toàn cầu và nơi hợp tác thay thế cạnh tranh.
Về vấn đề quan hệ quốc tế, thay vì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, Ấn Độ cho rằng, chúng ta phải nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới dựa trên giá trị(14).
Hai là, ủng hộ trật tự thế giới đa cực
Ấn Độ có truyền thống ủng hộ một thế giới đa cực thay vì một thế giới lưỡng cực hoặc đơn cực. Đặc biệt, quan điểm trật tự thế giới đa cực của Ấn Độ gắn với một châu Á đa cực. Tháng 6-2021, phát biểu tại Hội nghị cấp cao về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh rằng, “Ấn Độ coi trọng trật tự quốc tế đa cực, được củng cố bởi luật pháp quốc tế, dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán hòa bình và quyền tự do tiếp cận rộng rãi đối với tất cả các tài sản chung trên toàn cầu”(15).
Quan điểm của Ấn Độ về một thế giới đa cực bắt nguồn từ quan điểm của Ấn Độ về trạng thái bất cân bằng quyền lực hiện nay trên thế giới. Ấn Độ tin rằng thế giới đang hướng tới một hệ thống quốc tế đa cực, và Ấn Độ cũng triển khai chính sách đa liên kết.
Nga và Trung Quốc đã tuyên bố về sự xuất hiện của một “trật tự đa cực mới” trong tuyên bố và đề xuất chung vào tháng 2-2022 tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS và SCO. Nhưng khác với Nga và Trung Quốc, Ấn Độ nhấn mạnh một trật tự thế giới đa cực cần gắn với một châu Á đa cực. Việc nhấn mạnh hướng đến trật tự thế giới đa cực của Ấn Độ nhằm mục tiêu từng bước khẳng định vị thế cường quốc thay vì cường quốc tầm trung như hiện nay. Và đối với Ấn Độ giành được vị trí Ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một nỗ lực trong mục tiêu hướng tới trật tự thế giới đa cực, đại diện cho tiếng nói với tư cách là lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển.
Ba là, lựa chọn đối tác trên cơ sở xây dựng các liên minh có cùng chí hướng thay vì xây dựng các đồng minh
Nếu như sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Ấn Độ phải cân nhắc lại về các lựa chọn liên minh truyền thống, thì xung đột Nga - Ucraina càng khiến các lựa chọn của Ấn Độ khó khăn hơn. Ấn Độ có truyền thống không liên kết, không xây dựng đồng minh, hoặc chỉ tham gia liên minh trong trường hợp bất đắc dĩ. Hiện nay, Ấn Độ đã xích lại gần hơn với Mỹ và các thành viên QUAD thông qua các khuôn khổ hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang tái định hình chiến lược, điều khó khăn của Ấn Độ là làm thế nào để cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Nga và Trung Quốc. Cuộc xung đột Nga - Ucraina không chỉ tạo ra sự phân tách, chia rẽ lực lượng trong trật tự thế giới, mà còn đặt Ấn Độ vào thế lưỡng nan trong lựa chọn đối tác chiến lược giữa Mỹ, phương Tây và chiều ngược lại là Nga, Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ tạo ra những thách thức trong quan hệ Ấn Độ - Nga.
Mặc dù từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ấn Độ vẫn theo đuổi chính sách trung lập tích cực và nguyên tắc tự chủ chiến lược khi vẫn duy trì mối quan hệ ổn định với Nga và Mỹ, phương Tây. Tuy nhiên, trong trường hợp chiến tranh kéo dài, và sức mạnh tổng hợp của Nga bị suy giảm do chiến tranh, thì Trung Quốc sẽ có lợi thế về mặt địa chính trị trong trật tự thế giới. Điều này có thể đẩy Ấn Độ về phía Mỹ và các đồng minh của nước này. Hay nói cách khác, Ấn Độ đang ở vào thế lưỡng nan khi phương Tây và Nga ngày càng chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào thì rất ít khả năng Ấn Độ hướng tới mối quan đồng minh theo nghĩa cổ điển.
Bốn là, triển khai chính sách đa liên kết dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa thực dụng và tự chủ chiến lược
Chính sách đa liên kết của Ấn Độ nhấn mạnh vào nguyên tắc thực dụng và tự chủ chiến lược. Điều này được chứng minh qua lập trường của Ấn Độ đối với xung đột Nga - Ucraina và mối quan hệ với Mỹ và phương Tây. Mặc dù đa liên kết nhưng Ấn Độ đã khéo léo thể hiện quan điểm trung lập đối với sự đối lập ý thức hệ của các chủ thể trong chính trị thế giới. Trong đó, thách thức lớn nhất đối với chính sách đa liên kết của Ấn Độ là xử lý mối quan hệ giữa Mỹ, phương Tây với Nga và Trung Quốc.
Chính sách đa liên kết của Ấn Độ được thể hiện rất rõ thông qua chính sách Hành động hướng Đông, chính sách Kết nối phía Tây, chính sách láng giềng là ưu tiên số một, Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI),... nhằm tạo các liên kết chùm từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, từ khu vực láng giềng đến khu vực láng giềng mở rộng trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Trong chính sách đa liên kết, Ấn Độ tập trung các đối tác ưu tiên là Mỹ, Nga, các quốc gia láng giềng Nam Á, QUAD, ASEAN,… Ngoài ra, Ấn Độ cũng triển khai hiệu quả chính sách đa liên kết thông qua các cơ chế đa phương liên kết Âu - Á như: BRICS, Nga - Ấn Độ - Trung (RIC) và SCO. Với một tầm nhìn bao quát cả khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, Ấn Độ đang chứng minh là một nước lớn đang trỗi dậy có trách nhiệm trong các chương trình nghị sự của thế giới.
Dưới tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina, thế giới bước vào trật tự đa cực bất đối xứng, trong đó các cực mạnh hơn vẫn thống trị, nhưng các cường quốc lớn và tầm trung vẫn hợp tác và cùng tồn tại trong trật tự thế giới này. Cuộc xung đột này cũng tác động đến trật tự thế giới tự do và dựa trên luật lệ. Cũng trong bối cảnh đó, cạnh tranh địa chính trị gia tăng, các cấu trúc của hệ thống đa phương hiện tại đang bị thách thức, các quốc gia nhấn mạnh hơn vào bản sắc dân tộc, vào chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế ngày càng gia tăng đang làm suy yếu các thể chế hợp tác toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ ủng hộ trật tự thế giới đa cực, châu Á đa cực, theo đuổi chủ nghĩa đa phương, chính sách đa liên kết, với nguyên tắc tự chủ chiến lược và chủ nghĩa hiện thực. Với tư cách là quốc gia nhấn mạnh đến đạo đức chính trị trong quan hệ quốc tế, mặc dù không lên án trực tiếp chủ thể nào liên quan đến xung đột Nga - Ucraina, nhưng trên cơ sở quan điểm trung lập, Ấn Độ chủ trương giải quyết tranh chấp xung đột bằng các biện pháp ngoại giao và đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Điều này đã thể hiện được tiếng nói và vai trò gánh vác trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu của một Ấn Độ đang trỗi dậy.
_________________
Ngày nhận bài: 12-9-2023; Ngày bình duyệt: 15 -9-2023; Ngày duyệt đăng: 18-10-2023.
(1) Sadanand Dhume: “The Russian Challenge to India-U.S. Ties” (op-ed), Wall Street Journal, 2022.
(2) External Affairs Ministry’s April 6, 2022, transcript at https://tinyurl.com/5y3punfc.
(3) Indian foreign minister’s Statement to the Indian Parliament, March 15, 2022, https://tinyurl.com/2p96tbdh, and the Indian U.N. Mission’s March 24, 2022, https://tinyurl.com/29mn499h.
(4) “22nd SCO Summit Key Takeaways: Indian PM Modi Urges Russian President Putin to End Ukraine War, WION,” WION, September 17, 2022.
(5) European Union: A Strategic Compass for Security and Defense, https://www.eeas.europa.eu/sites/default/files/documents/strategic_compass_en3_web.pdf, p. 5-6. 2023.
(6) Malcolm Chalmers: “Which Rules? Why There is No Single ‘Rules-Based International System”, Royal United Services Institute (RUSI) Occasional Paper, 2019
(7) 6 quốc gia sẽ quyết định tương lai của địa chính trị, https://nghiencuuquocte.org/2023/06/15/6-quoc-gia-se-quyet-dinh-tuong-lai-cua-dia-chinh-tri/. Ngày truy cập 8-6-2023.
(8) Stefan Lehne: After Russia’s War Against Ukraine: What Kind of World Order,, Carnegie Europe, 2023, https://carnegieeurope.eu/2023/02/28/after-russia-s-war-against-ukraine-what-kind-of-world-order-pub-89130. Ngày truy cập 6-5-2023.
(9) Bobo Lo: The Ukraine effect: demise or rebirth of the global order?, Lowy Institute, 2023, https://www.lowyinstitute.org/publications/ukraine-effect-demise-or-rebirth-global-order. Ngày truy cập 6-6-2023.
(10) Stefan Lehne: After Russia’s War Against Ukraine: What Kind of World Order?, Carnegie Europe, 2023, https://carnegieeurope.eu/2023/02/28/after-russia-s-war-against-ukraine-what-kind-of-world-order-pub-89130. Ngày truy cập 6-6-2023.
(11) The White House: US National Security Strategy, 2022, https://www.whitehouse.gov/wpcontent/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-SecurityStrategy-10.2022.pdf.
(12) Tellis, A. J.: “What Is in Our Interest: India and the Ukraine War”, 2022, https://carnegieendowment.org/2022/04/25/what-is-in-our-interest-india-and-ukraine-war-pub-86961. Ngày truy cập 6-6-2023.
(13), (14) Institute of Montaigne: New Order with a Blend of Western Liberalism and Eastern Civilizational Nationalism, 2022, https://www.institutmontaigne.org/en/expressions/ukraine-russia-and-new-world-order.
(15) Jaishankar In Central Asia Again As India Reaches Out To Afghanistan's Neighbour, https://www.outlookindia.com/website/story/india-news-jaishankar-in-central-asia-again-as-india-reaches-out-to-afghanistans-neighbours/397485.