Diễn đàn

Ảnh hưởng thiết chế xã hội truyền thống đến công tác quản lý nhà nước ở chính quyền cấp cơ sở hiện nay: nhìn từ lý thuyết uy quyền của Max Weber

19/10/2024 14:19

(LLCT) - Thiết chế xã hội truyền thống là sản phẩm của văn hóa cổ truyền còn được lưu truyền tới ngày nay. Trong thực tiễn, nó còn sức sống, sự ảnh hưởng tới công tác quản lý xã hội ở địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước. Bài viết tập trung làm rõ những ảnh hưởng của thiết chế xã hội truyền thống đến công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở dưới góc nhìn lý thuyết uy quyền của Max Weber. Qua đó, nhìn nhận được những giá trị tiến bộ và hạn chế, những trở lực của nó trong thực tiễn quản lý xã hội hiện nay

TS NGUYỄN VĂN THẮNG
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thiết chế xã hội truyền thống còn tồn tại và tác động đến công tác quản lý xã hội đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số _ Ảnh: tcnn.vn

1. Mở đầu

Thiết chế xã hội truyền thống (TCXHTT) trong thực tiễn hiện nay vẫn còn tồn tại và có ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư ở nước ta, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thiết chế này cũng đang tác động đến công tác quản lý xã hội của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở, bởi sự gần gũi về địa bàn công tác, hoạt động quản lý; sự tương đồng trong phong tục, tập quán, quan hệ thân tộc giữa đối tượng quản lý và người quản lý. Đặc biệt, những tác động từ uy tín, tổ chức xã hội theo truyền thống, tâm lý tộc người, văn hóa tộc người,… ảnh hưởng gián tiếp, đôi khi là trực tiếp, tới quản lý xã hội của chính quyền cấp cơ sở hiện nay theo cả hai chiều: tích cực và tiêu cực.

Ảnh hưởng của TCXHTT đến công tác quản lý nhà nước đã, đang và sẽ tiếp diễn trong thực tiễn tổ chức hoạt động xã hội ở nước ta, bởi trong lịch sử phát triển tộc người, TCXHTT thường vận động, biến đổi sau sự phát triển của xã hội. TCXHTT như già làng, trưởng bản, thầy cúng, thầy mo, bà đỡ… hoặc quan hệ gia đình, làng, xóm, họ hàng… cùng những quy tắc ứng xử đã được cộng đồng chắt lọc như phong tục, tập quán tốt đẹp, luật tục… đến nay vẫn còn giá trị bởi vai trò lịch sử của các thiết chế này luôn đồng hành trong diễn trình phát triển lịch sử tộc người và xã hội.

Việc nhìn nhận, đánh giá ảnh hưởng của TCXHTT tới công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở dưới góc nhìn từ một lý thuyết là vấn đề chưa được nhiều các học giả khai thác bởi tính phức tạp và liên kết đa thức của vấn đề. Từ vai trò của những TCXHTT đến ảnh hưởng của nó với một tổ chức xã hội quyền lực hiện đại nhưng lại được xem xét từ góc nhìn lý thuyết uy quyền mang đậm sự cảm nhận, ít lý tính được đặt trong khung cảnh xã hội hiện đại với sự hồi quang của những thiết chế phi quan phương trong xã hội truyền thống là điểm rất khó nhưng vô cùng lý thú với các nhà nghiên cứu. Những bất cập và hạn chế này cần được chỉ ra trong thực tiễn giúp các nhà quản lý cấp cơ sở nhận diện, đánh giá và khai thác thế mạnh, hạn chế điểm nghẽn, trở lực từ ảnh hưởng hoạt động của các TCXHTT đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm thành công hoạt động tổ chức quản lý xã hội ở cấp cơ sở trong tình hình mới hiện nay.

2. Về thiết chế xã hội truyền thống

Thiết chế xã hội được tiếp cận dưới các góc độ khác nhau. Thiết chế xã hội truyền thống vùng dân tộc thiểu số được hiểu là “thiết chế trong xã hội tiền hiện đại, với những mối quan hệ của các thể chế trong các cộng đồng mà chưa có sự tham gia quản lý của các thiết chế nhà nước”(1).

Từ góc độ đó, TCXHTT thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ bản là: (i) Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và các thành viên trên các mặt như tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống quy tắc trong xã hội; (ii) Điều chỉnh hoạt động các bộ phận trong cộng đồng và thành viên bằng quy định, quy ước do chính cộng đồng đưa ra hoặc được thống nhất theo phong tục, tập quán; (iii) Kết hợp hài hòa các bộ phận, bảo đảm sự ổn định của cộng đồng(2). TCXHTT cũng mang những đặc điểm nổi bật như: sự phong phú, đa dạng; bị tác động bởi trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giai cấp và phân tầng xã hội cũng như việc đan xen, chồng lấn của các tộc người trong quá trình tụ cư.

Cụ thể, với người Mông, TCXHTT là bản (jiao), người đứng đầu là trưởng bản (seo phái), người hỗ trợ là tỷ súng, trên bản là cang y, người đứng đầu là Chúa tể. Ở người Thái, đơn vị cư trú cơ sở là bản, đứng đầu là tạo bản, nhiều bản hợp thành lộng, nhiều lộng hợp thành mường với vai trò cai quản của phía mường, tạo lộng, tạo bản, mỗi mường có chúa đất (chẩu mường) cai quản; Ở người Mường, đơn vị cư trú cơ sở là xóm, trên xóm là mường (mỗi mường có từ 10 đến 20 xóm). Đứng đầu mường là lang cun, đứng đầu xóm là lang xóm, ậu đạo giúp việc cho lang cun tạo nên chế độ lang đạo.

Với người Tày, Nùng, bản là đơn vị cơ sở của xã hội truyền thống, được cai quản bằng chế độ thổ ty tồn tại lâu dài, các trưởng bản giữ vai trò quan trọng, họ là người có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng xã hội truyền thống này.

Ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, làng là đơn vị cư trú cơ sở, dưới làng có alú(3), trên làng có tơring hoặc kơring(4). Đứng đầu là chủ làng, người S’tiêng gọi là tom poh, người Ba Na gọi là tơm plei; người Xơ Đăng gọi là kđrah plei; người Gia Rai gọi là pô plei, người Êđê là pô buôn hay khoa buôn; người Mnông là quăng bon,… Mỗi làng còn có già làng, chủ đất (pô lăn), chủ bến nước (pô pin ia), bà đỡ, thầy cúng (pơ râu),... TCXHTT mang yếu tố thần quyền rất lớn ở Tây Nguyên phổ biến với người Êđê, Gia Rai là vua (pơ tao), gồm có: vua lửa (pơtao apui), vua nước (pơtao ia), vua gió (pơtao agin). Các thiết chế này được người dân rất mực kính trọng, tôn vinh nhưng ít có thực quyền trong tổ chức hành chính xã hội và chế tài quản lý xã hội.

Ở Nam Bộ phổ biến với TCXHTT phum, sóc và người đứng đầu là mê phum, mê sóc với người Khơme. Bên cạnh yếu tố hệ thống tổ chức đời sống xã hội truyền thống thì công cụ giúp hỗ trợ tổ chức quản lý xã hội chính là luật tục, phong tục, tập quán, kiêng kỵ, hèm,… được hình thành trong điều kiện cư trú, lịch sử tộc người, trình độ phát triển, được sàng lọc tự nhiên và trở thành giá trị phù hợp với đại bộ phận người dân trong một cộng đồng, được người dân thống nhất và tự nguyện tuân thủ, làm theo.

3. Về lý thuyết uy quyền của Max Weber

Max Weber (1864 - 1920) là nhà xã hội học người Đức. Các công trình nghiên cứu chính của ông tập trung vào việc hợp lý hóa ngành xã hội học tôn giáo và chính quyền học. Lý thuyết uy quyền của Max Weber chỉ ra rằng: Uy quyền là quyền lực của một người hoặc một nhóm người đối với cộng đồng. Quyền lực này có được là do sự sắp đặt của một thể chế chính trị, một tổ chức tôn giáo hoặc do luật tục của cộng đồng đặt ra. Việc thực hiện uy quyền là hiện tượng liên tục, phổ biến trong xã hội và nó giữ vai trò là nền tảng của trật tự xã hội. Uy quyền không chỉ thể hiện trong chính trị mà còn thể hiện ở lĩnh vực khác hoặc các luận cứ khác ngoài chính trị(5).

Đối với mỗi tộc người thì uy quyền của một TCXHTT phụ thuộc vào văn hóa của tộc người đó, truyền thống tộc người quy định tính thiêng và quyền lực của thiết chế mang uy quyền.

Theo Max Weber, uy quyền được chia thành ba loại: (i) uy quyền truyền thống (traditional authority); (ii) uy quyền pháp lý hợp lý (rational-legal authority) và (iii) uy quyền thiên phú (charismatic authority). Trong đó, uy quyền truyền thống được xác định thông qua sức mạnh truyền thống và được hợp thức hóa bởi luật tục. Uy quyền của người cai trị được thành lập dựa trên “pháp luật bất thành văn” và nó gần như mang yếu tố thiêng liêng của cộng đồng. Uy quyền pháp lý hợp lý xác định mang tính hợp pháp và được quy định trong hiến pháp hành văn của pháp luật. Uy quyền này được xem là thẩm quyền pháp lý đại diện cho bộ máy cai trị và mang yếu tố của sự tổ chức hợp lý trong cộng đồng xã hội. Uy quyền thiên phú xác lập dựa trên quyền lực được hợp pháp hóa bởi những phẩm chất mang tính phi thường hoặc thậm chí là sức mạnh siêu nhiên của chính người đó. Những người có uy quyền này là những người có khả năng đặc biệt mang tính huyền diệu, sự mặc khải, hoặc có sức mạnh ở một địa vị siêu nhiên được mặc định bởi giá trị cộng đồng. Họ có khả năng lôi cuốn, thu hút cộng đồng và được cộng đồng chấp nhận, tôn vinh(6).

4. Ảnh hưởng của thiết chế xã hội truyền thống đến công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở từ góc nhìn của lý thuyết uy quyền

Ảnh hưởng tích cực

Thứ nhất, TCXHTT góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, là cầu nối giữa chính quyền cấp cơ sở với người dân

TCXHTT không chỉ là sợi dây kết nối truyền thống với hiện đại mà còn thực hiện chức năng chuyển tải những giá trị hiện đại một cách phù hợp nhất tới TCXHTT vẫn còn giá trị thực tế trong bối cảnh mới, giúp hoạt động của xã hội vùng dân tộc thiểu số được vận hành ổn định, hiệu quả. Ở một phương diện khác, TCXHTT là cánh tay nối dài của hệ thống chính quyền cấp cơ sở nhằm bảo đảm mọi hoạt động của xã hội được vận hành đồng tốc với xu thế chung của thời đại. Thông qua đó, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững chắc, là rào cản hữu hiệu ngăn chặn sự xâm nhập của những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Nhìn từ lý thuyết uy quyền, TCXHTT đang phát huy ảnh hưởng của mình để tổ chức, củng cố chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là yếu tố cần đến uy tín của họ như: kết nối cộng đồng; vận động, tập hợp quần chúng; tuyên truyền chủ trương, chính sách,… uy quyền truyền thống, thiên phú và pháp lý đều có ảnh hưởng tích cực. Theo Max Weber, uy quyền trong thực tiễn không mất đi ở người có uy tín mà nó được cộng hưởng phù hợp với thực tế xã hội mới, khi cái mới đã xuất hiện nhưng cái cũ vẫn còn giá trị và hiện hữu, đồng hành. Họ dùng “uy quyền” của mình để góp sức xây dựng thôn, làng, bản, buôn,… của chính tộc người, cộng đồng của mình bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh mới. Họ dùng sức ảnh hưởng của mình để thực hiện kết nối, khỏa lấp những điều còn hạn chế của xã hội hiện tại khi những điểm xuyết giá trị xã hội cũ vẫn cần tôn vinh và tham gia hiệu quả vào việc xây dựng hệ thống chính quyền cấp cơ sở.

Góp ý với các văn bản được xin ý kiến tại các cuộc họp cũng là một điểm nổi bật của việc xây dựng hệ thống chính quyền của TCXHTT. Bằng uy tín của mình, già làng, trưởng bản,… luôn được tiếp nhận thông tin, tham gia đóng góp ý kiến vào văn bản, dự thảo, báo cáo của Đảng và Nhà nước hoặc chỉ làm việc trọng của thôn, làng như: hôn nhân, tang ma, lập làng, dời làng,… Họ được thể hiện uy quyền của mình trong thực tiễn, chung tay cùng hệ thống chính quyền cấp cơ sở tổ chức đời sống người dân hòa thuận, phát triển, đầm ấm.

Thứ hai, góp phần quản lý xã hội trong bối cảnh thiết chế cũ và thể chế quản lý mới đan xen, chồng lấn nhau

Quản lý xã hội cấp cơ sở ở Việt Nam là chính quyền cấp xã, phường, thị trấn với các vị trí được thiết lập theo quy định để tổ chức, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong địa bàn cùng Đảng và Nhà nước xây dựng đất nước. Song trên thực tế, bên cạnh sự quản lý của chính quyền thì TCXHTT vẫn đồng hành tồn tại và có ảnh hưởng đến đời sống người dân, mặc dù vai trò của họ đã bị mai một ít nhiều tùy thuộc địa bàn. Đây là thực tiễn đã và đang được kiểm nghiệm, các TCXHTT ở một góc độ nào đó, với vai trò của mình đang góp phần quản lý xã hội nơi họ sinh sống, giúp những điểm xã hội chuyển động chậm bị chi phối bởi các TCXHTT cũ cùng tạo thành dòng chảy hòa vào đời sống tộc người trong bối cảnh mới.

TCXHTT với uy quyền thiên phú, uy quyền truyền thống được trao, được tôn vinh của mình thông qua công cụ quản lý xã hội gồm phong tục, tập quán, luật tục, hương ước, quy ước thôn/ bản,… đã từng bước tham gia vào quản lý xã hội (nơi họ sinh sống) góp phần cùng các lực lượng quản lý xã hội khác như: công an, quân đội, dân quân, chính quyền,… với công cụ là pháp luật tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân.

Hiện nay, hầu hết không còn đơn vị hành chính thôn, làng nào chỉ có một tộc người sinh sống, điều này một mặt đem lại sự giao thoa, cộng hưởng, học hỏi nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế, nhưng mặt trái của nó là làm cho công tác quản lý xã hội trở nên phức tạp. Các TCXHTT, với uy quyền của mình, họ chính là người có thể dùng uy tín của mình để khuyên răn, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên trong cộng đồng thực thi pháp luật của Nhà nước mà không vi phạm những quy tắc đã được mặc nhiên chấp nhận và thực hiện trong nhiều đời của cộng đồng.

Ví dụ, TCXHTT có uy tín hơn cả của người Mông là trưởng dòng họ, của người Thái là trưởng bản, người Êđê là già làng,... Việc người dân tin nghe theo người có uy tín của tộc người mình là điều dễ hiểu, bởi chính họ là người biết và thực hành nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa của tộc người mình với hành lang pháp lý truyền thống được xây dựng qua ngàn đời là phong tục, tập quán, luật tục,… Trong bối cảnh toàn bộ cộng đồng đang sống ở một đất nước pháp quyền, mọi người đều sống và làm việc theo pháp luật, các thiết chế xã hội có uy tín chính là hạt nhân để kết nối, kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp để góp phần tham gia quản lý xã hội.

Thứ ba, TCXHTT góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa tộc người

TCXHTT được hình thành dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội, bối cảnh lịch sử và tổ chức đời sống của họ. Đó là sản xuất nương rẫy, khép kín, tự cung tự cấp, phân công lao động xã hội chậm chuyển biến, hình thức phân phối theo chủ nghĩa bình quân,... việc này đã tác động vào nhận thức, hình thành nên thói quen riêng ở từng cộng đồng nhất định. Việc vận dụng pháp luật vào thực tế gặp nhiều bất cập, khó khăn, nhất là trong thay đổi nhận thức của người dân về hành vi. Ví dụ, quyền sở hữu, hình thức sở hữu, chuyển nhượng đất đai,… sẽ không phù hợp với tộc người sống du canh, du cư, trình độ sản xuất thấp phụ thuộc vào thiên nhiên, sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi, làm nương rẫy. Chính trong điều kiện ấy, TCXHTT có tác động mạnh mẽ đến việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế, như đốt nương, săn bắt thú rừng, đánh cá, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ rừng thiêng,…

Từ hoạt động tham gia tích cực cùng các cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở, các TCXHTT đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bằng uy tín của mình, các già làng/ trưởng bản đã tuyên truyền, vận động, cổ vũ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, đồng hành cùng cán bộ kỹ thuật, các cấp chính quyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong cộng đồng địa phương, từng bước cập nhật nếp sống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, cải thiện mức sống.

Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, một số phong tục có biến đổi song nhiều thói quen vẫn được người dân duy trì. Bên cạnh những giá trị tốt như: không phá rừng làm rẫy mà chỉ cải tạo nương rẫy, trồng cây bảo vệ môi trường, … một số tập tục vẫn tồn tại và đang là trở lực cho phát triển kinh tế - xã hội như: tâm lý e ngại khi tham gia vào các dự án phát triển kinh tế, cúng bái quá nhiều, không áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không bón phân cho cây trồng, cúng bái khi lúa/ ngô bị sâu bệnh, cúng bái khi gia đình có người ốm,…

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người trong bối cảnh mới là điểm nổi bật ở tất cả các TCXHTT trong thực tiễn, bởi hiện thân của họ chính là kho tàng sống về văn hóa tộc người, là người hiểu biết về phong tục, tập quán, địa hình và thích ứng sản xuất với điều kiện tự nhiên - xã hội nơi họ gắn bó, và bản thân họ cũng là những bậc thông tuệ của cộng đồng, được thừa hưởng uy quyền mang lại. Ở vị trí ấy, họ càng có cơ hội tiếp xúc, thực hành giá trị văn hóa cộng đồng, qua thời gian, họ dần trở thành nơi hội tụ giá trị văn hóa của tộc người và có trọng trách chính là bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa.

Thứ tư, thiết chế xã hội truyền thống kiến tạo đoàn kết trong cộng đồng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới góp phần bảo đảm an ninh, trật tự cộng đồng

Trong quá trình phát triển, TCXHTT có giá trị với đời sống mới sẽ được khuyến khích, ngược lại, TCXHTT không còn phù hợp với đời sống mới sẽ tự đào thải. Ở một số trường hợp, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vai trò của luật tục, phong tục có biểu hiện mạnh mẽ giúp ổn định xã hội. Vì nhiều TCXHTT có cơ chế tổ chức, bồi dưỡng, rèn luyện, động viên khen thưởng và trừng phạt.

Trong tình hình hiện nay, ở một số địa phương, tệ nạn và tội phạm gia tăng, không ít kẻ phản động lợi dụng để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, việc tạo điều kiện để người dân ứng dụng, thực hành phong tục, luật tục truyền thống tốt đẹp sẽ mang lại hiệu quả đáng khích lệ trong bảo vệ và phát triển địa phương.

Thực tế cho thấy, thông qua uy quyền của mình, TCXHTT đã góp phần cùng chính quyền cấp cơ sở thực hiện thành công nhiều cuộc vận động đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới. Già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ… luôn là người đi đầu trong vận động, tuyên truyền, củng cố khối đoàn kết tộc người nơi cư trú góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Họ được cộng đồng tôn vinh bởi uy tín, uy quyền, được ví như “cây đa đầu làng”, “cây sung giữa bản”, là trung tâm hội tụ, tập hợp sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Thông qua các thiết chế này, sức mạnh cộng đồng được hội tụ và nâng lên bắt nhịp cùng các hoạt động tổ chức, quản lý của chính quyền cấp cơ sở, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết ở thôn làng.

Các TCXHTT dựa vào hiểu biết của mình góp ý, xây dựng, trao đổi với cán bộ chính quyền địa phương triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với hiểu biết và tập quán tộc người. Đây là điểm quan trọng trong vai trò là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiết chế quan phương và phi quan phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những đóng góp của họ có thể kể đến như: phiên dịch tiếng, chuyển tải văn bản của Đảng, Nhà nước, triển khai các hoạt động tại khu dân cư, cùng cán bộ chính quyền cấp cơ sở vận động con em bỏ những việc làm xấu, làm điều tốt,…

Ảnh hưởng hạn chế

Thứ nhất, tính khép kín, cục bộ của TCXHTT ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền cấp cơ sở

Do tính khép kín tương đối ở địa bàn cư trú nên tính tự cấp, tự túc trong đời sống sản xuất, sinh hoạt cao, sống phụ thuộc vào thiên nhiên và khai thác thiên nhiên dần trở thành thói quen trong đời sống tộc người, như vậy, nảy sinh tâm lý thỏa mãn với đời sống hiện có, chấp nhận thực tại,… Tổ chức đời sống xã hội thôn/ làng cơ bản gói trong một số TCXHTT đã được định hình, từ đó hình thành yếu tố cục bộ, co cụm, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở. Sự cục bộ thể hiện qua hoạt động cất nhắc, bầu cử, giới thiệu nhân sự cho chức danh tự quản ở thôn bản như: trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận. TCXHTT có uy quyền, càng làm tăng thêm tính độc lập trong hoạt động thực tiễn, tạo ra trở lực cho công tác quản lý xã hội ở địa phương.

Thứ hai, hiểu sai về uy quyền truyền thống, níu giữ uy quyền khi xã hội đã thay đổi dẫn tới tâm lý không thoải mái, chưa hài lòng với những thay đổi thực tế mới

Điều này đã diễn ra trong thực tiễn và là trở lực cho công tác quản lý nhà nước, nhiều nơi, có những TCXHTT đã dùng ảnh hưởng, uy quyền của mình để tác động tới tâm lý, cách nhìn nhận của người dân, gây khó khăn cho chính quyền cấp cơ sở trong thực thi chủ trương, chính sách. Trong ba loại uy quyền (uy quyền truyền thống, uy quyền pháp lý hợp lý và uy quyền thiên phú) mà Max Weber đưa ra, uy quyền truyền thống bị khai thác để níu giữ nhiều nhất, bởi đó là tính truyền thống, được trao truyền và muốn níu giữ nó, thực thi nó theo truyền thống chứ không phải đổi mới cái truyền thống phù hợp với thực tiễn xã hội hiện đại. Do vậy, có nơi đã nảy sinh những hiểu sai, hiểu chưa đúng làm phát sinh vấn đề, tạo nên rào cản là trở lực cho quá trình phát triển.

Níu giữ uy quyền truyền thống, hiểu chưa đầy đủ về uy quyền pháp lý - hợp lý và uy quyền thiên phú trong bối cảnh mới đang tồn tại trong một bộ phận TCXHTT. Bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng đã tăng rõ rệt, dự báo thời tiết đã thay thế cho nhận định của thầy cúng, thầy bói và những kinh nghiệm về mưa, nắng,... y tế chữa bệnh, cứu người thay cho cúng bái, trấn, yểm,… giáo dục được phổ cập, nhận thức của người dân được nâng cao, những hiện tượng tự nhiên được giải đáp bằng kiến thức khoa học thay cho niềm tin và sùng bái. Bảo tồn cứng nhắc hào quang quá khứ bằng tri thức, kinh nghiệm của mình trong bối cảnh khoa học công nghệ hiện đại đã vượt xa hiểu biết của họ, song một bộ phận người dân vẫn tin và thực hành theo chỉ bảo của TCXHTT bởi uy tín và niềm tin truyền thống vẫn tồn tại trong đời sống xã hội nơi họ sinh sống. Đây là thực tiễn khách quan vận hành theo quy luật tồn tại xã hội và ý thức xã hội, do đó, chưa thể ngay lập tức loại bỏ những thói quen, nếp nghĩ đó ra khỏi đời sống cộng đồng. Đây chính là điểm nghẽn gây cản trở cho quá trình quản lý xã hội của chính quyền cấp cơ sở ở Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, quản lý xã hội ở thôn làng theo kinh nghiệm, lối mòn trong bối cảnh mới

Trong xã hội truyền thống, các TCXHTT được cộng đồng tôn vinh theo phong tục, theo truyền thống của tộc người (uy quyền truyền thống), bởi sự minh triết hơn người của họ (uy quyền thiên phú) và sự phù hợp trong thực tiễn của con người ấy, thiết chế ấy đối với giá trị văn hóa xã hội (uy quyền pháp lý - hợp lý). Họ vận hành xã hội truyền thống theo kinh nghiệm, theo lối mòn đã được các bậc tiền nhân định sẵn, con người chỉ thực hành theo và làm sai việc chỉ bảo tức là chống lại quá khứ, không tôn trọng truyền thống,… Những định kiến ấy được lặp đi, lặp lại và trở thành lối mòn tư duy in sâu trong tâm thức cộng đồng. Khi trở thành người mang trọng trách dẫn lối, TCXHTT lại tiếp tục đi theo cách thức đã có. Như vậy, kinh nghiệm cũ, lối mòn đã có tiếp tục được cộng đồng trong xã hội mới tiếp bước.

Việc này dẫn tới hệ lụy, các giá trị cũ không phù hợp với hiện thực mới tạo ra độ chênh lệch với sự phát triển xã hội, gây khó khăn (đôi khi thành trở lực) cho chính quyền cấp cơ sở trong quản lý địa bàn. Cụ thể, trong việc cưới, việc tang, Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nêu rõ thời gian tổ chức tang lễ, những khuyến cáo cụ thể với hành động rắc vàng mã, rải tiền, xây cất mộ,… song thực tiễn, nhiều gia đình vẫn nghe theo thầy cúng, thầy bói để thực hành việc tang theo tập tục, không phù hợp với đời sống mới, gây khó khăn cho việc quản lý của chính quyền; thậm chí đã có vấn đề nảy sinh trong đời sống mới do ảnh hưởng từ TCXHTT như: cúng bái linh đình, cúng trùng tang, trấn, yểm,… gây tốn kém cho gia chủ và khó khăn trong vận động người dân thực hiện nếp sống mới.

Thứ tư, vận dụng phong tục, tập quán, luật tục cứng nhắc vào đời sống hiện đại dẫn tới điểm xung đột giữa luật tục - luật pháp

Tang lễ là tổng hợp các lễ thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng nhằm đưa linh hồn và thể xác người đã chết về thế giới bên kia. Trong quản lý, đây là vấn đề nhạy cảm, động chạm đến tình cảm thiêng liêng của đồng bào, dẫn tới khó khăn trong thực hiện quy định và thực hành phong tục, tập quán.

Trong truyền thống, người Giẻ Triêng đôi khi vẫn thực hiện tập tục huyền táng, tức là để quan tài lộ thiên trên vách đá. Tập tục này xuất phát từ việc người dân tin rằng, làm như vậy linh hồn của người thủ lĩnh sẽ bảo vệ, che chở cho dân làng,... Khi chính quyền vào cuộc tìm hiểu sự việc, lúc đầu, các già làng khuyên không vào nghĩa trang, vì sợ khi bị khuấy động ma về bắt tội dân làng, điều này làm ảnh hưởng tới công tác quản lý xã hội ở địa phương.

Tục không đưa xác người chết đường, chết tai nạn, chết do cây đổ, chết đuối về nhà và chôn ở nghĩa trang của làng. Họ coi đây là chết dữ, nếu đưa xác qua cổng làng, vào trong nhà sẽ ảnh hưởng tới cả làng, hồn ma sẽ tìm cách hại người trong làng. Những ứng xử đó của người dân không chỉ gây ra sự ám ảnh, tang thương với người sống mà còn khiến cho phong tục trở thành hủ tục, mất đi giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh.

Một số tộc người ở Tây Nguyên có tục khi sinh con, nếu người mẹ chẳng may qua đời thì đứa trẻ đó phải chôn theo mẹ. Trường hợp trẻ sinh được vài tuần, thậm chí đầy tháng tuổi mà mẹ ốm chết vì kiệt sức, hậu sản, thì đứa trẻ cũng bị chôn sống theo hoặc bị vứt bỏ. Sở dĩ tồn tại hủ tục này xuất phát từ quan niệm, nếu đứa bé không chôn theo thì mẹ nó là con ma sẽ về làng quấy phá, gây tai họa, dịch bệnh, làm chết trâu, bò, heo, gà và con người. Đây là vấn đề rất khó khăn trong xây dựng đời sống mới ở địa phương, là trở lực lớn cho quá trình quản lý xã hội của chính quyền để kết hợp hài hòa giữa phong tục, tập quán, luật tục và pháp luật. Rõ ràng, trong thực hành các tập tục không còn phù hợp này, TCXHTT có uy quyền đóng vai trò chi phối.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra trong nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam, bởi nhận thức còn hạn chế, từ 15 đến 18 tuổi trai, gái đã lấy nhau. Lễ cưới được tổ chức theo truyền thống, không đăng ký kết hôn. Tảo hôn là nguyên do gây ra hệ lụy như: chất lượng cuộc sống của gia đình trẻ giảm sút; sinh hoạt cộng đồng dân cư nơi lớp trẻ sinh sống thay đổi; có thai ngoài ý muốn; đẻ nhiều; đẻ dày; cuộc sống khó khăn;... Hệ quả dẫn tới là đói nghèo, thất học, thất nghiệp. Tuy vậy, chính quyền rất khó can thiệp bởi nhận thức, phong tục, tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của họ.

Người Giẻ Triêng còn tục “bó củi hứa hôn”. Theo tập tục, các cô gái Giẻ Triêng khi bước qua tuổi 15 bắt đầu vào rừng đốn củi để đến tuổi cập kê có đủ củi làm sính lễ cưới chồng với quan niệm, củi nhiều và đẹp thì tình yêu đôi lứa sau mới sâu nặng; chỉ cần quan sát củi có thể đoán biết được phẩm chất của thiếu nữ đó đảm đang, siêng năng, khéo léo và có thể chăm lo cho gia đình hay vụng về, lười nhác. Hậu quả của việc này chính là rừng bị tàn phá, làm cho công tác quản lý rừng khó khăn.

Trong lễ hội, cũng có nhiều điểm đang làm ảnh hưởng tới công tác quản lý xã hội của các cấp chính quyền như: lễ bỏ mả, lễ đâm trâu. Theo quan niệm của nhiều tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, linh hồn người chết sẽ về thế giới bên kia sống cùng tổ tiên, nhưng nó không ở hẳn trong thế giới đó mà sẽ tái sinh làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Theo đó, người dân phải làm lễ bỏ mả, tiễn đưa linh hồn người chết ra đi mãi mãi. Thời gian tổ chức lễ thường từ 3 đến 5 ngày, gia chủ phải làm gà, nấu cơm, chuẩn bị rượu,... thiết đãi dân làng. Để tổ chức được lễ, nhiều gia đình phải cật lực lao động, tích góp nhiều năm. Song, việc ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày khiến nhiều hộ gia đình sau nghi lễ rơi vào cảnh khó khăn, phải vay nợ. Tuy nhiên, khi chính quyền vận động người dân tổ chức, thực hiện nghi lễ đơn giản, tiết kiệm thì nhiều nơi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, họ cho rằng đó là truyền thống, là một phần không thể thiếu của tộc người.

5. Một số vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở dưới góc nhìn của lý thuyết uy quyền

Một là, một số điểm giữa phong tục, tập quán với pháp luật còn chưa đồng nhất gây ra khó khăn thường trực với công tác quản lý xã hội của các cấp chính quyền địa phương. Một bên là sự quản lý của Nhà nước theo pháp luật được áp dụng chung cho các đối tượng trên toàn lãnh thổ, một bên là những thói quen, phong tục đã ăn sâu vào đời sống cộng đồng qua hàng nghìn năm, mà ở đó các TCXHTT là đại diện và có ảnh hưởng lớn.

Hai là, xây dựng hạt nhân trong cộng đồng làm cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, nói cách khác, cần xây dựng những thiết chế có uy tín, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động người dân dần xóa bỏ những tập tục không còn phù hợp với đời sống xã hội mới hiện nay. Những TCXHTT là thủ lĩnh tinh thần của người dân, là công cụ quản lý xã hội, tới nay vẫn có ảnh hưởng to lớn, do vậy, cần tiếp tục phát huy vai trò của họ trong bối cảnh mới, đưa họ trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, rút ngắn khoảng cách nhận thức giữa phong tục, tập quán chưa tiến bộ với những quy định tiến bộ của xã hội mới.

Ba là, cần đưa công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng gương điển hình trong việc xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp với đời sống mới thành công việc hàng ngày của người dân, việc làm thường trực của các cấp chính quyền địa phương. Có như vậy mới dần từng bước đẩy lùi được những tập tục không còn phù hợp ra khỏi đời sống cộng đồng, giúp cho công tác quản lý xã hội trở nên tốt hơn.

6. Kết luận

TCXHTT là một hiện tượng xã hội được phát sinh và đồng hành cùng lịch sử tộc người, đến nay nó vẫn còn giá trị chi phối thực tiễn ở các mức độ khác nhau ở các vùng miền, tộc người. Dưới góc nhìn lý thuyết uy quyền của Max Weber, sự ảnh hưởng của các thiết chế ấy đến từ uy quyền truyền thống, quy quyền pháp lý - hợp lý, uy quyền thiên phú. Những quyền uy này tác động đến đời sống xã hội hiện nay theo hai hướng: tích cực và tiêu cực ở nhiều góc độ khác nhau, song đó là một thực tại khách quan đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, đồng hành cùng công tác quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở.

Xây dựng đời sống mới ở thôn, bản, khu dân cư do Đảng và Nhà nước phát động trong toàn dân là chủ trương, chính sách đúng đắn, được cộng đồng các tộc người tin và làm theo. Tuy nhiên, những phong tục và tập quán không còn phù hợp với bối cảnh mới vẫn đang tồn tại là lực cản dẫn tới làm chậm quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Đó cũng là vấn đề cần giải quyết của các cấp chính quyền địa phương thông qua tuyên truyền, vận động, định hướng để người dân dần bỏ những tập tục không còn phù hợp với thực tế hiện nay ra khỏi đời sống.

_________________

Ngày nhận bài: 14-6-2024; Ngày bình duyệt : 27-9-2024; Ngày duyệt đăng: 8-10-2024.

(1), (2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Lý luận dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.141-142, 141.

(3) Tương tự như xóm của người Kinh, song không phổ biến ở tất cả các tộc người.

(4) Đây là các làng được liên kết với nhau khi chống lại sự xâm lấn của các làng khác, tồn tại dưới dạng như một liên minh ở một thời điểm nhất định.

(5), (6) Dẫn theo Huỳnh Ngọc Thu: “Các loại uy quyền trong việc quản lý cộng đồng người Cil ở khu dự trữ sinh quyển Langbiang thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng”, Tạp chí Phát triển khoa học và Công nghệ, tập 20, số X2-2017, tr.50, 50-51.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ảnh hưởng thiết chế xã hội truyền thống đến công tác quản lý nhà nước ở chính quyền cấp cơ sở hiện nay: nhìn từ lý thuyết uy quyền của Max Weber
    POWERED BY