Bàn về trật tự thế giới hiện nay

13/12/2022 11:50

(LLCT) - Từ sau năm 1991 đến nay, thế giới đang trong thời kỳ quá độ sang trật tự mới, chưa thực sự định hình, cho dù xu hướng đa cực, đa trung tâm có phần trội hơn. Các thiết chế của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà tiêu biểu là Liên hợp quốc và hệ thống Bretton Wooks ra đời từ năm 1945 cũng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi sự nổi lên của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân túy. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế phải có nỗ lực mới để cải tổ, đổi mới hay xây dựng lại của một trật tự thế giới dựa trên luật lệ công bằng hơn. Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài Khoa học cấp Bộ “Cách mạng công nghiệp và trật tự thế giới đến năm 2030” thuộc Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.

Bàn về trật tự thế giới hiện nay

Trật tự thế giới hiện nay có chiều hướng hình thành một trật tự thế giới đa cực, nhưng trật tư đa cực vẫn chưa được thiết lập và nó chưa trở thành một mô hình chi phối các quan hệ quốc tế- Ảnh minh họa: internet

Nhận diện, đánh giá cấu trúc quyền lực nói chung, trật tự thế giới nói riêng luôn là vấn đề rất khó và phức tạp bởi không chỉ sự khác nhau về cách tiếp cận, tiêu chí nghiên cứu vấn đề, mà còn bởi tính biến động của tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các chủ thể, nhất là của các cường quốc đưa ra luật chơi trong hệ thống quan hệ quốc tế. Thông thường, “trật tự thế giới” được hiểu như là “sự sắp xếp, phân chia quyền lực theo thứ tự, quy tắc hay luật chơi được chấp nhận chung và áp dụng với toàn thế giới”(1), là “một trạng thái so sánh và phân bố quyền lực và là mẫu hình hoạt động hoặc dàn xếp hành vi của các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn theo luật chơi chung vì lợi ích quốc gia - dân tộc và của cả hệ thống quốc tế”(2).

Tuy nhiên, trật tự thế giới hiện nay không chỉ là khuôn mẫu, luật lệ điều chỉnh hành vi giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế được hình thành từ trong lịch sử, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, mà còn là hệ quả của sự thay đổi tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng giữa các nước, nhất là các nước lớn. Chính vì vậy, trong bài viết này, các tác giả không chỉ bàn đến trạng thái và loại hình của trật tự thế giới dựa trên phân bố quyền lực theo “cực”, mà cả trật tự thế giới dựa trên luật lệ, trong đó hệ thống Liên hợp quốc và các thiết chế kinh tế toàn cầu, tiêu biểu như WTO, WB, IMF.

1. Khái quát về trật tự thế giới trong lịch sử

Từ thời cổ đại, cả ở phương Đông và phương Tây đã từng hình thành nên các trung tâm quyền lực, mô hình của trật tự thế giới, đó là “Trật tự Thiên Hạ” với Trung Quốc làm trung tâm(3) và nền “Hòa bình Roma” (Pax Romana) với một đế chế có quyền lực rộng khắp Địa Trung Hải, Tây Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á(4). Tuy nhiên, các trật tự này chủ yếu vận hành theo nghi lễ, quy tắc bất thành văn và hầu như không đại diện cho một trật tự chung của thế giới.

Dấu mốc cho sự hình thành hệ thống quốc tế nói chung, trật tự thế giới nói riêng là Hòa ước Westphalia năm 1648(5), trong đó lần đầu tiên xác định bằng văn bản về khái niệm quốc gia - dân tộc, coi quốc gia - dân tộc là một chủ thể chính trong quan hệ quốc tế. Hiệp ước này đặt nền móng cho sự hình thành hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại, trong đó có việc tạo dựng nên một “trật tự thế giới dựa theo luật lệ” với các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền, lợi ích quốc gia, quyền tự quyết (cả về quyết định tự chủ quyết định về tôn giáo cho quốc gia mình) và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tuy nhiên, Hòa ước Westphalia năm 1648 luôn bị thách thức sau đó bởi sự thay đổi tương quan sức mạnh và tham vọng địa chính trị của các nước, trước hết là ở châu Âu và các thực thể khác nhau.

Sự nổi lên của nước Pháp như một cường quốc quân sự, nhất là cuộc chiến do Hoàng đế Napoleon Bonaparte phát động vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX đã làm cho Hệ thống Westphalia bị phá vỡ. Cho đến khi Napoleon Bonaparte bị thua trong trận chiến Waterloo năm 1815, các nước thắng trận như Anh, Nga, Đức, Pháp, Áo và nhiều quốc gia khác gặp nhau tại Hội nghị (hay Đại hội Vienna) và đưa ra một giải pháp hòa bình khôi phục lại hệ thống hay trật tự Westphalia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, trên quy mô một châu lục có các đại diện của hầu hết các quốc gia tham dự hội nghị để đi đến một quyết nghị thay vì chủ yếu dựa vào thư tín từ các thủ đô.

Đại hội Vienna đã hình thành nên khuôn khổ cho trật tự chính trị châu Âu mà đặc trưng tiêu biểu của nó là chống lại phi tập trung hóa quyền lực, đề cao sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng quyền tự quyết quốc gia - dân tộc(6). Trật tự này tồn tại cho đến khi Chiến thế giới thứ I nổ ra năm 1914.

Từ đầu thế kỷ XX, sự phân cực về quyền lực của thế giới nói chung, ở châu Âu nói riêng trở nên sâu sắc hơn. Nước Đức bước vào cuộc chạy đua vũ trang và muốn sử dụng Liên minh Đức - Áo - Hung (được thành lập từ năm 1882) trước hết là để cạnh tranh với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Balkans. Trong khi đó, Anh, Pháp và Nga cũng tiến hành ký các hiệp ước liên minh quân sự nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Liên minh Đức - Áo - Hung. Bên cạnh đó, tại khu vực Balkans, các nước như Serbia, Bungari, Montenegro và Hy Lạp cũng thành lập liên minh Balkans để chống lại sự can thiệp, xâm lược từ các đế chế, nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ và Đế quốc Áo - Hung. 

Sự kiện Thái tử nước Áo là Franz Ferdinand bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia ám sát tại Sarajevo của Bosnia vào ngày 28-06-1914 đã châm ngòi cho người Đức kích động Áo - Hung gây chiến với Serbia và đưa đến Chiến tranh thế giới thứ I bùng nổ. Cuộc chiến kết thúc vào ngày 10-11-1918 với sự đầu hàng của Đức và chiến thắng của khối Hiệp ước, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Italia và Nhật Bản(7).

Các nước thắng trận này đã ký Hòa ước Versailles (1919-1920), trong đó không chỉ phân chia khu vực ảnh hưởng của họ trên thế giới, mà còn muốn tạo dựng một thể chế chính trị mang tính toàn cầu nhằm ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình và chủ quyền quốc gia - dân tộc, đó là Hội quốc liên (League of Nations), ra đời vào ngày 10-01-1920 với 44 nước tham gia sáng lập(8). Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không phê chuẩn Hòa ước Versailles nên Hội quốc liên trở nên hoạt động kém hiệu quả. Thay vào đó, Mỹ nỗ lực ký một hòa nước mới, đó là Hòa ước Washington(9), trong đó bảo đảm cho Mỹ có nhiều lợi ích hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, nước Nga Xô viết ra đời vào tháng 11 - 1917 cũng đưa ra Sắc lệnh Hòa bình, trong đó không chỉ lên án “một nền hòa bình giả dối”, nhất thời do các thế lực đế quốc hiếu chiến tuyên bố, mà quan trọng hơn là khẳng định Nhà nước Xô viết theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Như vậy, sự ra đời của Nhà nước Nga Xô viết, sau đó là Liên Xô - một trung tâm quyền lực mới thách thức đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, hệ thống Hòa ước Versailles và hệ thống Hòa ước Washington đã loại nước Nga ra khỏi trật tự này, cho dù Nga là một nước thuộc phe Hiệp ước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ I. Tuy nhiên, hệ thống Versailles - Washington trở nên bị thách thức lớn bởi cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 và sự nổi lên của Đức Quốc xã với sự cầm quyền của Hitler từ năm 1933. Sự kiện nước Đức tấn công Ba Lan vào năm 1939, đặc biệt là sự kiện Đức tấn công Liên Xô năm 1941 đã thổi bùng Chiến tranh thế giới thứ II. Đến thời điểm này, Trật tự Versailles - Washington hoàn toàn sụp đổ, thế giới bước vào cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, phe Trục phát xít Đức - Italia - Nhật Bản thất bại hoàn toàn, Liên Xô và các nước Đồng minh giành thắng lợi. Cuộc chiến này đã làm thay đổi căn bản tương quan sức mạnh giữa các nước, trung tâm quyền lực trong quan hệ quốc tế, đưa đến hình thành một trật tự thế giới mới cả về chính trị và kinh tế.

Hội nghị nguyên thủ ba nước là Anh, Mỹ và Liên Xô tại Teheran (tháng 10 - 1943), đặc biệt các cuộc đàm phán tại Yalta (tháng 2 - 1945) và Posdam (tháng 7-8 năm 1945) đã sắp xếp lại quyền lực trong quan hệ quốc tế và từ đây thế giới hình thành nên hệ thống hay trật tự thế giới hai cực, một cực do Liên Xô đứng đầu và cực kia do Mỹ đứng đầu đối nghịch nhau về ý thức hệ chính trị - tư tưởng, kinh tế và quân sự.

Cùng với đó, thế giới cũng bắt đầu hình thành nên hệ thống Liên hợp quốc mà tiêu biểu là ra đời bản Hiến chương Liên hợp quốc và hệ thống Bretton Woods, trong đó có các định chế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) (năm 1944), Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) (năm 1947), sau đó là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (năm 1994)(10) ra đời. Chúng tạo ra các quy tắc, luật chơi chung để củng cố độc lập chủ quyền của các quốc gia dân tộc, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và duy trì hòa bình thế giới.

Đến năm 1991, với sự kiện Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới hai cực cũng chấm dứt. Cho đến tận cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, có sức mạnh vượt trội trên các mặt và là nước có quyền lực nhất, chi phối nhiều mặt của đời sống xã hội trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ cũng suy yếu khá nhanh bởi sự vươn lên của nhiều nước khác, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Từ thời gian này, trật tự thế giới trở nên biến động, phức tạp khó dự đoán hơn không chỉ bởi sự nổi lên của nhiều nước thách thức vị thế của Mỹ, mà còn chính hệ thống luật pháp, quy tắc của nền quản trị toàn cầu được hình thành từ tổ chức Liên hợp quốc và từ các định chế quốc tế khác như WTO, IMF, WB đang bị xói mòn bởi sự vượt rào của nhiều nước, nhất là từ các thế lực bá quyền nước lớn.

Như vậy, trong lịch sử quan hệ quốc tế, ít nhất là khoảng 300 năm qua, kể từ khi Hòa ước Westphalia từng tồn tại, nhiều loại hình trật tự thế giới với số lượng “cực” khác nhau như đa cực (từ năm 1648 đến năm 1945), trật tự hai cực (từ năm 1945 đến năm 1991, trật tự đơn cực (giai đoạn từ 1991 đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI). Sự phân cực và thăng trầm của “cực” phản ánh sự tranh đua quyền lực, tính cạnh tranh và cả loại trừ nhau trong quan hệ giữa các nước lớn.

Trên thực tế, chưa có một mô hình trật tự quốc tế theo “cực” là có tính ổn định và có khả năng giải quyết vấn đề sống còn của nhân loại, đó là duy trì nền hòa bình của thế giới. Trong khi đó, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà tiêu biểu là hệ thống Liên hợp quốc và hệ thống Bretton Wooks cũng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi sự nổi lên của chính trị cường quyền, tham vọng địa chính trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa dân túy.

2. Trật tự thế giới hiện nay

Một là, trật tự thế giới theo “cực”

Về mô hình trật tự đơn cực. Hiện nay, Mỹ đang dồn nỗ lực và công khai lập lại “một trật tự thế giới mới” do Mỹ lãnh đạo(11). Xung đột Nga -Ucraina bùng nổ đã tạo thêm cơ hội cho Mỹ củng cố liên minh, tập hợp lực lượng, ủng hộ Ucraina và làm suy yếu nước Nga.

Còn Trung Quốc cho rằng, “dân chủ kiểu phương Tây gây ra chiến tranh và hỗn loạn”(12) và nước này đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở các nước đang phát triển ven biển châu Á và không gian lục địa Á - Âu(13).

Trong khi đó, Nga cho rằng “trật tự thế giới đơn cực do phương Tây thống trị, vốn đang kìm hãm đà phát triển của nền văn minh chúng ta”(14). Việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ucraina từ ngày 24-2-2022 là một biểu hiện rõ nét nhất quyết tâm của Nga trong bảo vệ và mở rộng không gian chiến lược của mình, chống lại trật tự an ninh châu Âu do Mỹ chi phối.

Tuy nhiên, các vai diễn  chính trên, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc chưa thể thiết lập một trật tự thế giới đơn cực do mình dẫn dắt bởi họ chưa thiết lập được thế áp đảo trong giải quyết các vấn an ninh và hợp tác toàn cầu(15). Lòng tin chiến lược của thế giới đối với các nước lớn này chưa cao(16).

Về mô hình trật tự hai cực. Cho dù Trung Quốc đã vươn lên vị thế siêu cường(17), nhưng khoảng cách về sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhất là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc so với Mỹ vẫn còn khá lớn, nhất là về công nghệ và quân sự(18). Hai nước này tiếp tục cạnh tranh và có xu hướng đối đầu chiến lược trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả về giá trị, mô hình phát triển.

Hiện tại chưa thấy dấu hiệu hai siêu cường này đi đến thỏa hiệp phân chia khu vực ảnh hưởng. Quan trọng hơn, Mỹ và Trung Quốc đều không thể độc lập tương tác quyền lực với nhau, mà phải dựa vào các mối quan hệ song phương, đa phương với các chủ thể quyền lực khác, nhất là với EU, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ v.v.. Các nước, thực thể này khó có thể chấp nhận Mỹ và Trung Quốc đứng trên lưng họ để phân chia lợi ích. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, trong đó có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an có quyền phủ quyết khó chấp nhận để hai siêu cường Mỹ - Trung giữ vai trò lãnh đạo thế giới. Mặc dù cuộc chiến ở Ucraina đã và đang góp phần làm tăng sự phân cực, chia rẽ thế giới, trong đó EU và các đồng minh khác đứng về phía Mỹ chống lại Nga và xu hướng Nga thắt chặt quan hệ hơn với Trung Quốc, nhưng chúng chưa thể tạo ra bước ngoặt làm cho thế giới hình thành trật tự thế giới hai cực Mỹ - Trung. Chính vì vậy, hiện tại chưa hình thành trật tự hai cực Mỹ - Trung cả về mô hình cùng phân chia, “công quản” thế giới và kiểu mô hình đối đầu nhau.

Về mô hình trật tự đa cực. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường mạnh nhất thế giới nhưng họ chưa đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề an ninh ngày càng phức tạp đang nổi lên của thế giới. Trong khi đó, các nước, thực thể khác như Nga, EU, Nhật Bản hay Ấn Độ, thậm chí cả các nước tầm trung như Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Braxin, Nam Phi, Mexico, Inđônêxia... đều có xu hướng tự chủ chiến lược về tài chính, công nghệ, và cả về an ninh - quốc phòng, tiếp tục theo đuổi vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với cả Mỹ và Trung Quốc, tăng cường tầm ảnh hưởng của mình ra thế giới và ủng hộ một thế giới đa cực.

Ngay cả ASEAN, một tổ chức liên kết khá lỏng lẻo và đang bị các siêu cường lôi kéo, nhưng ASEAN vẫn giữ “vai trò trung tâm”, tiếp tục theo đuổi cân bằng tích cực trong quan hệ với các nước lớn.  Các nước, nhất là các nước đang phát triển đang lựa chọn hợp tác theo “mạng lưới” để đa phương hóa, đa dạng hóa các lợi ích hợp tác, tránh đối đầu hay lựa chọn phe theo “cực”(19).

Điều quan trọng không kém là xu hướng phi tập trung hóa tài chính thế giới, sự gia tăng quyền lực của các công ty xuyên quốc gia, các chủ thể phi nhà nước, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, nhất là sự gắn kết của hệ thống kinh doanh mạng, chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số, nhất là của internet đang trở thành một lực lượng mạnh mẽ hơn.

Các nước trên thế giới, kể cả các nước nhỏ cũng đang tận dụng cơ hội bùng nổ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để làm chủ chiến lược của mình. Chính những yếu tố này làm cho trật tự thế giới hiện nay có chiều hướng hình thành một trật tự thế giới đa cực, nhưng trật tự đa cực vẫn chưa được thiết lập và nó chưa trở thành một mô hình chi phối các quan hệ quốc tế.

Từ những lập luận trên, có thể đưa ra nhận xét rằng, hiện nay xét về mô hình trật tự thế giới dựa trên sự phân bố quyền lực thì chưa định hình một dạng “cực” nào cụ thể. Hiện tại, trật tự thế giới không phải là một cực, hai cực hay đa cực, mà là một thế giới “loạn cực”, “vô cực”. Còn xét về  trạng thái thì trật tự thế giới hiện nay đang ở thế giằng co giữa “một cực”  và “đa cực”, cho dù xu hướng đa cực có phần trội hơn. Hay nói một cách khác, thế giới hiện đang trong thời kỳ quá độ từ một cực sang đa cực, nhưng quá trình này vẫn chưa thực sự rõ ràng bởi các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga đang quyết tâm giành thế thắng về mình và thế giới đang bị phân mảng, phân cực theo phe nhóm bởi tác động của cạnh tranh, có xu hướng đối đầu Mỹ - Trung và nhất là đối đầu Nga - phương Tây do Mỹ đứng đầu thông qua cuộc chiến ở Ucraina.

Mặc dù xu hướng đa cực có phần trội hơn đơn cực, nhưng hiện nay, Mỹ vẫn là nước có nhiều quyền lực nhất bởi nước này có ưu thế khá vượt trội về quân sự và công nghệ cũng như sức mạnh kinh tế và quan hệ đồng minh. Tư duy và hành động theo sức mạnh, sắp đặt trật tự thế giới theo “cực” vẫn còn khá phổ biến trong giới hoạch định và thực thi chính sách quốc gia, nhất là ở Mỹ. Chính điều này làm cho các nước, nhất là các nước lớn luôn đề cao sức mạnh và sẵn sàng đưa ra luật chơi, sử dụng sức mạnh của mình để đạt các mục tiêu khác nhau, trong đó có mục tiêu địa chính trị cho dù chúng đi ngược lại các cam kết, luật lệ quốc tế đã được công nhận.

Hai là, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ

Trong quan hệ quốc tế hiện nay, có hai hệ thống được thế giới quan tâm nhiều nhất, đó là Liên hợp quốc và các định chế của Bretton Woods. Hai hệ thống này đã tạo dựng nên các nguyên tắc, luật lệ cơ bản cho các mối quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc có chủ quyền và chúng tạo dựng nên một trật tự mà nhiều người thường gọi là “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Hệ thống Liên hợp quốc. Hệ thống này ra đời với việc thành lập tổ chức Liên hợp quốc vào năm 1945 và hiện nay có 193 thành viên và 2 quan sát viên.

Theo Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc thì tổ chức này được thành lập nhằm 4 mục tiêu chính: (1) Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; (2) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; (3) Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; (4) Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Trong Điều 2, mục 4 của Hiến chương xác định rõ nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế là (1) Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; (2) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; (3) Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; (4) Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; (5) Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; (6) Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Điều 2, mục 7 ghi rõ, Liên hợp quốc không được can thiệp vào các vấn đề thuộc quyền tài phán nội bộ của các nước. Tất cả các quốc gia tham gia Liên hợp quốc theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Nguyên tắc này được phản ánh triệt để nhất trong cơ chế tham gia bỏ phiếu các quyết định và nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (các quốc gia lớn nhỏ đều có một phiếu).

Để thực hiện mục tiêu và bảo đảm các nguyên tắc cơ bản được thực hiện, cơ cấu tổ chức của Liên hợp quốc được chia thành 6 cơ quan chính gồm: Đại hội đồng (gồm tất cả các thành viên họp định kỳ ­thường niên, Hội đồng bảo an (đây là cơ quan chính trị đầu não của tổ chức này)(20), Ban thư ký (đây là cơ quan hành chính của Liên hợp quốc, đứng đầu là Tổng thư ký, do Đại hội đồng bầu ra, dưới sự giới thiệu của Hội đồng bảo an. Tổng thư ký có nhiệm kỳ 5 năm một lần), Hội đồng kinh tế - xã hội (ECOSOC) là tổ chức thúc đẩy hợp tác quốc tế về mặt kinh tế - xã hội, Tòa án công lý quốc tế có chức năng chính là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Cùng với đó còn có hàng loạt cơ quan chức năng chuyên môn theo ngành, lĩnh vực trên tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quân sự và môi trường được thiết lập(21) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và nhiệm vụ của Liên hợp quốc đặt ra.

Có thể nói, tổ chức Liên hợp quốc ra đời với việc thông qua bản Hiến chương Liên hợp quốc và các định chế như Đại hội đồng, Hội đồng bảo an v.v.. đã tạo ra một hệ thống Liên hợp quốc. Hệ thống này được hình thành đã tạo ra một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao đa phương vì nền hòa bình và phát triển chung của cộng đồng quốc tế.

Trải qua 77 năm hoạt động, hệ thống Liên hợp quốc không chỉ đưa ra các nguyên tắc, luật lệ cơ bản chỉ đạo và điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế, mà trên thực tế đã và đang đóng góp thiết thực cho duy trì và thúc đẩy hòa bình, hợp tác đa quốc gia - dân tộc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, nhất là liên quan đến ngăn ngừa và giải quyết xung đột, Liên hợp quốc chưa làm tròn sứ mệnh của mình. Nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế vẫn thường xuyên bị vi phạm. Các cuộc chiến tranh xâm lược, sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền, dùng con bài dân chủ, nhân quyền và các công cụ kinh tế, trong đó có trừng phạt kinh tế có chiều hướng gia tăng. Các siêu cường, nước lớn vẫn sử dụng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình để chi phối các quyết định của Liên hợp quốc, chia rẽ thế giới theo “cực”.

 Mặc dù vậy, cho đến nay, Liên hợp quốc vẫn có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Hiện nay, chưa có một cơ chế hợp tác đa phương nào có thể thay thế được Liên hợp quốc. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh, xung đột giữa các nước lớn, sự nổi lên các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống thì nhu cầu đổi mới, cải tổ Liên hợp quốc trở nên cấp bách để tổ chức này không chỉ là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì hòa bình và thịnh vượng chung, mà phải là trung tâm ngăn ngừa, giải quyết xung đột giữa các quốc gia dân tộc.

Hệ thống Bretton Woods, được cấu thành bởi các định chế chính như WB, IMF, GATT, sau đó là WTO.

Trong khi WB và IMF thực hiện chức năng cung cấp vốn (chủ yếu cho các nước nghèo) và kiểm soát tiền tệ nhằm mục tiêu chung là phát triển và ổn định kinh tế toàn cầu thì GATT và sau đó là WTO được lập ra nhằm đưa ra các luật lệ thúc đẩy hợp tác thương mại chung, giải quyết các tranh chấp về thuế quan và mậu dịch.

Như vậy, có thể nói, hệ thống Bretton Woods đã tạo ra các luật chơi chung, điều tiết các mối quan hệ tài chính và thương mại trên quy mô toàn cầu. Hiện nay, hệ thống này, nhất là WB và IMF về cơ bản là do các nước giàu chi phối, nhất là Mỹ và nhiều nước ở Tây Âu bởi họ là những cổ đông có tỷ lệ góp vốn áp đảo. Trong khi đó, WTO là một tổ chức có tính rõ ràng, minh bạch hơn. Mỗi thành viên lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều có lá phiếu như nhau. Đây là điều khác biệt giữa WTO với các tổ chức kinh tế khác như IMF và WB. Quyết định trong WTO thông qua cơ chế đồng thuận, trừ việc giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, hiện nay WTO cũng đang đứng trước những thách thức bởi các nước lớn, có tiềm lực kinh tế thường hay áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại, đầu tư đối với các nước đi ngược lại lợi ích của họ. Ví dụ, từ năm 2018, Mỹ tiến hành hàng loạt các hạn chế, cấm đoán Trung Quốc trong giao lưu kinh tế mà người ta thường gọi là các “cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ”. Hay trường hợp Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt khoảng 11 nghìn lệnh trừng phạt kinh tế - tài chính đối với Nga kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ucraina, trong đó có cả lệnh phong tỏa hay đóng băng các tài khoản của Nga ở nước ngoài, loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga cũng như cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng công nghệ cao v.v..

Các lệnh áp đặt trừng phạt trên đã và đang làm cho hệ thống thương mại thế giới trở nên phân mảng nhiều hơn theo phe nhóm chính trị, trong  đó  EU, Mỹ và đồng minh của Mỹ (như Anh, Nhật Bản chẳng hạn) là một khối và các khối khác do Trung Quốc hay Nga dẫn dắt hoặc một lực lượng “trung lập” không đứng về phía nào, muốn duy trì thương mại với Mỹ và phương Tây, vừa tiếp tục hợp tác với Nga, Trung Quốc v.v..

Những cấm đoán hay hạn chế về thương mại và đầu tư cũng kéo theo phân mảng về khoa học và công nghệ, nhất là về kỹ thuật số. Để hạn chế tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây từng bước nội địa hóa mạng internet cho riêng mình để tự chủ về an ninh mạng v.v.. Cùng với đó, nhiều nước, nhất là Mỹ và các nước trong EU cũng thường sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng nội địa và hạn chế sức cạnh tranh của các đối thủ. Tất cả những điều trên đã và đang làm xói mòn toàn cầu hóa, tạo ra những thách thức mới đối với các thể chế hợp tác kinh tế đa phương dựa trên luật lệ, trước hết là WTO.

3. Một số nhận xét

Từ phân tích sự hình thành các trật tự và loại hình trật tự thế giới trong lịch sử và sự biến động tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các cường quốc trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới hiện nay, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, trong lịch sử từng tồn tại 03 loại hình của trật tự thế giới dựa trên phân bố quyền lực theo “cực”: Trước hết là trật tự thế giới đa cực, trật tự này được tính từ khi Hòa ước Westphalia được ký kết vào năm 1648 và kéo dài đến Thỏa thuận Yalta được ký kết vào năm 1945. Trật tự này được hình thành gắn liền với sự ra đời của các quốc gia - dân tộc ở châu Âu, trong đó bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình ngày càng được tôn trọng và từng bước trở thành nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế.

Trong thời kỳ này, mặc dù nước Anh trong hai phần đầu của thế kỷ XIX, nước Mỹ từ đầu thế kỷ XX có sức mạnh vượt trội, nhưng không thể thiết lập được một thế giới đơn cực bởi sự nổi lên của các cường quốc mới như Pháp, Đức, Nhật và nhất là Liên Xô sau đó. Trật tự thế giới hai cực được hình thành sau Hội nghị Yalta năm 1945 và kết thúc vào năm 1991. Đặc trưng của giai đoạn này là siêu cường Liên Xô và Mỹ đối đầu nhau về ý thức và quân sự. Thế giới bị phân chia thành hai phe, phe XHCN do Liên Xô dẫn dắt và phe TBCN do Mỹ đứng đầu. Hầu hết các quan hệ quốc tế  bị chi phối bởi tư duy của Chiến tranh Lạnh, cho dù hệ thống hay trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã được hình thành, điển hình là hệ thống Liên hợp quốc. Còn trật tự thế giới đơn cực hay khoảnh khắc của trật tự đơn cực do Mỹ nắm vai trò chủ đạo được thiết lập từ khi Liên Xô tan rã đến cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.

Thứ hai, từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đến nay, do sự suy giảm tương đối vị thế của Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, sự trỗi dậy của Trung Quốc, một phần của Nga, Ấn Độ và một số nước khác, thế giới bắt đầu giai đoạn quá độ từ trật tự thế giới đơn cực sang đa cực, trong đó Mỹ vẫn nắm giữ vai trò nổi trội trong các vấn đề quốc tế, cho dù siêu cường này đang bị Trung Quốc và Nga thách thức.

Việc Trung Quốc quyết tâm theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa”, nước Nga phát động chiến tranh ở Ucraina, chống lại ảnh hưởng, trật tự phương Tây do Mỹ đứng đầu cũng như Mỹ đang dồn mọi nỗ lực, tập hợp lực lượng chống lại Nga và Trung Quốc, làm cho trật tự thế giới hiện nay ở thế giằng co giữa “một cực” và “đa cực”, cho dù xu hướng đa cực có phần trội hơn.

Thứ ba, trong khi tư duy và hành động theo sức mạnh, sắp đặt trật tự thế giới theo “cực” vẫn còn khá phổ biến trong giới hoạch định và thực thi chính sách quốc gia, nhất là ở Mỹ thì trật tự thế giới dựa trên luật lệ vẫn đang khá thịnh hành và chi phối quan hệ quốc tế hiện nay, đó là Liên hợp quốc và hệ thống Bretton Woods, trong đó có các định chế chủ chốt như WTO, WB và IMF. Hiện nay, trật tự này đang bị thách thức nghiêm trọng bởi các nước lớn luôn đề cao sức mạnh và sẵn sàng đưa ra luật chơi riêng của mình, sử dụng sức mạnh, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác để đạt các mục tiêu khác nhau, trong đó có mục tiêu địa chính trị. Chính vì vậy, các quốc gia - dân tộc, chủ thể chính trong quan hệ quốc tế phải có nỗ lực mới để cải tổ, đổi mới hay xây dựng lại một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ công bằng hơn.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 536 (tháng 10-2022)

Ngày nhận bài: 30-9-2022; Ngày bình duyệt: 10-10-2022; Ngày duyệt đăng: 26-10-2022.

(1) Xem thêm: Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1992), Từ điển Tiếng Việt, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, tr. 1012; Vũ Lê Thái Hoàng (2014), Bàn về cách tiếp cận lý luận phương Tây về Trật tự Thế giới, http://nghiencuuquocte.org/, truy cập ngày 20-05-2021); Đặng Cẩm Tú (2021), Trật tự thế giới dựa trên luật lệ và vai trò của các nước vừa và nhỏ https://tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 15-11-2021; Henry Kissinger (2018), Trật tự Thế giới, Hà Nội,  Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018, tr. 25.

(2) Vũ Lê Thái Hoàng - Phạm Duy Thực (2022): Sự chuyển dịch từ tư duy ‘cực’ sang ‘mạng lưới’ trong trật tự quốc tế đa cực hiện nay, https://nghiencuuquocte.org/, truy cập ngày 25-08-2022.

(3) Từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên, ở Trung Quốc đã hình thành nên khái niệm “Thiên Hạ”, một hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên trật tự đẳng cấp, theo đó Trung Quốc là quốc gia trung tâm, là “Thiên triều” có nền văn hóa ưu việt tuyệt đối, còn các nước xung quanh, bốn phương là chư hầu, “phiến quốc”, lạc hậu, kém văn hóa phải “thân phục” vương quốc trung tâm. Các nước xung quanh phải tuân thủ quy định “Sách phong” và “Triều cống”. Hệ thống này bị tan rã từ nửa sau thế kỷ XIX khi phương Tây bắt ép Trung Quốc ký hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng, trong đó có những điều khoản buộc Trung Quốc phải từ bỏ nhiều quy tắc, luật lệ trong đối ngoại.

(4) Trong khoảng thời gian hai thế kỷ (từ năm 98 TCN đến năm 117 TCN) Đế chế La Mã đã thiết lập được vị thế “Pax Romana” - một trật tự quyền lực với nước Ý làm trung tâm. Trong đế chế này, các vùng lãnh thổ xung quanh chịu sự cai quản của Roma bằng các tướng lĩnh đứng đầu do Roma chỉ định và hàng năm các nước thuộc đế chế phải nộp các khoản thuế cho Roma. “Trật tự Roma” sụp đổ vào cuối thế kỷ IV CN bởi sự nổi lên của các trung tâm quyền lực khác.

(5) Hòa ước Westphalia năm 1648 bao gồm một loạt các hiệp ước hòa bình được ký kết từ tháng 5 đến tháng 10-1648 tại Osnabrück và Münster. Hai sự kiện quan trọng nhất liên quan đến Hòa ước Westphalia bao gồm lễ ký Hòa ước Münster ngày 30-01-1648 giữa Hà Lan và Tây Ban Nha (được chính thức phê chuẩn ngày 15-05-1648) và lễ ký hai hiệp ước bổ sung ngày 24-10-1648: Hiệp ước Münster giữa đế quốc La Mã Thần thánh với Pháp và các đồng minh của cả hai bên và Hiệp ước Osnabrück giữa đế quốc La Mã Thần thánh với Thụy Điển và các đồng minh. Hòa ước Westphalia đã đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm ở Đức (1618-1648) và chiến tranh 80 năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. 

(6) Xem thêm: Chu kỳ chiến tranh và hòa bình trong lịch sử thế giới, https://nghiencuuquocte.org/, truy cập ngày 05-09-2022.

(7) Vào năm 1917, Mỹ chính thức gia nhập khối Hiệp ước này và trở thành lực lượng đứng đầu của phe quân sự này.

(8) Hội quốc liên được thành lập theo sáng kiến của Mỹ đưa ra ở điểm 14 trong Chương trình 14 điểm của Tổng thống Wilson vào năm 1918, rằng “Thành lập một tổ chức liên hiệp các quốc gia để bảo vệ độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ cho các nước thành viên” Xem: https://www.archives.gov/.

(9) Hội nghị Washington được tổ chức với sự tham gia của 9 nước như Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Hàng loạt các hiệp ước mới được ký kết, trong đó các nước này cam kết không dùng vũ lực xâm phạm ở Thái Bình Dương, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực này, nhất là đối với Trung Quốc. Cùng với đó, các cam kết về hạn chế vũ trang, nhất là hải quân cũng được thông qua. Xem thêm: Trần Thị Vinh (2019), Chủ nghĩa tư bản - Lịch sử thăng trầm 120 năm (1900-2020), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.139-142.

(10) Nhằm thúc đẩy đàm phán, quản lý và giải quyết tranh chấp, lập nên một liên minh thuế quan chung phạm vị trộng lớn toàn cầu, 23 quốc gia nhóm họp tại La Havana ký Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (tiếng Anh: General Agreement on Tariffs and Trade, viết tắt là GATT) vào ngày 30-10-1947. Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1-1-1948. Qua 8 lần đàm phán, vòng đàm phán Uruguay, kết thúc vào năm 1994, quyết định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thay thế cho GATT. Các nguyên tắc và các hiệp định của GATT được WTO kế thừa, quản lý, và mở rộng. Không giống như GATT chỉ có tính chất của một hiệp ước, WTO có cơ cấu tổ chức hoạt động cụ thể. Mỗi thành viên lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều có lá phiếu như nhau. Đây là điều khác biệt giữa WTO với các tổ chức kinh tế khác như IMF và WB. Quyết định trong WTO thông qua cơ chế đồng thuận, trừ việc giải quyết tranh chấp.

(11) Tổng thống Biden công khai phát biểu vào ngày 21-3-2022 rằng, “thời thế hiện nay đang thay đổi, một trật tự thế giới mới đang hình thành - Mỹ sẽ là quốc gia lãnh đạo trật tự mới đó” (Xem thêm: Ông Biden: Một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo đang hình thành, https://plo.vn/, truy cập ngày 8-09-2022.

(12) Huyền Lê: Ông Tập: Dân chủ kiểu phương Tây gây chiến tranh, hỗn loạn, Vnexpress, ngày 17-06-2022.

(13) Xem thêm: Trần Khánh: Bàn về hành động địa chiến lược của Trung Quốc từ khi thực hiện cải cách mở cửa, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10 -2020, tr.3-21.

(14) Huyền Lê: Ông Putin: Trật tự thế giới sẽ thay đổi, https://vnexpress.net/, truy cập ngày 21-07-2022.

(15) Theo đánh giá của Trung tâm Pew thì thế giới những năm gần đây có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Theo khảo sát và đánh giá thường niên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore năm 2021, khu vực Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc chiếm vị trí nổi trội về ảnh hưởng kinh tế, thì số người ủng hộ, tin tưởng vào Trung Quốc lại rất thấp, tỷ lệ nghi ngờ, cảnh giác với Trung Quốc lại có chiều hướng tăng cao so với Nhật Bản và Mỹ. Xem thêm: Trần Khánh: Dự báo trật tự thế giới đến năm 2030, Tạp chí Cộng sản, số 978, tháng 11 -2021, tr. 99-101.

(16) Theo thăm dò của Trung tâm Pew công bố ngày 30-06-2021, người dân Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Tại Nhật Bản, Ấn tượng xấu về Trung Quốc tăng lên 88%. Ở Hàn Quốc cứ 10 người thì có 9 người nói rằng Bắc Kinh không hề tôn trọng tự do cá nhân. Tại Mỹ, số người có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc lên tới 76%, tăng gần 30% so với năm 2017 (xem thêm: “Thế giới tiếp tục có ấn tượng xấu về Trung Quốc” RFI, ngày 01-07-2021). Theo khảo sát của Viện Yusof Ishak Istitute Singapore thì đến đầu năm 2021 có tới 61,5% người được hỏi tại Đông Nam Á sẽ đứng về phía Mỹ nếu buộc phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Con số này tăng so với mức 53,6%  trong kết quả khảo sát năm 2020 (xem: ISEAS - Yusof Ishak Istitute, 2021; The State of Southeast Asia: 2021 Survey Report, p. 52). Cũng theo khảo sát của Viện này năm 2022 thì chỉ có 7% ý kiến được hỏi ở các quốc gia Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc là một “cường quốc ôn hòa và tốt bụng”. Trong khi đó có đến 58,1% không thấy thuyết phục là Trung Quốc “sẽ làm điều tốt” trong các vấn đề toàn cầu (xem: Trung Quốc mượn truyền thông các nước Đông Nam Á để đánh bóng hình ảnh, RFI, ngày 27-09-2022.

(17) Theo đánh giá của Viện Lowy, sức mạnh tổng thể quốc gia của Trung Quốc năm 2019 đạt chỉ  số 75,9 điểm, thua Mỹ 8,6 điểm (Mỹ là 84,5 điểm), gần gấp đôi chỉ số của Nhật Bản và Ấn Độ và gấp hơn 2 lần so với Nga. Theo chỉ số này, Trung Quốc đã đạt được tiêu chí là siêu cường. Năm 2020, Mỹ giảm còn xuống 81,6 điểm, trong khi đó Trung Quốc tăng lên 76,1 điểm. Các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Nga cũng sụt giảm tương tự Mỹ. Xét về sức mạnh kinh tế, GDP của Trung Quốc năm 2020 chiếm gần 18% của thế giới (15,38 nghìn tỷ USD/83,845 nghìn tỷ USD), gấp 3 lần Nhật Bản (15,38 nghìn tỷ USD /5,049 nghìn tỷ USD), gấp 3,5 lần so với Đức (15,38 nghìn tỷ USD /3,806 nghìn tỷ USD), gấp 5,5 lần so với Anh, gần 6 lần so với Pháp và Ấn Độ, gấp 10 so với Nga. Còn Mỹ vẫn giữ mức 24% GDP của thế giới, lớn hơn Trung Quốc là 30% (20,93 nghìn tỷ USD /15,38 nghìn tỷ USD). Xét về sức mạnh quân sự  vẫn là cường quốc số 1, Nga là số 2 và Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 3( Xem thêm : Lowy Institute Asia Power Index 2019, pp. 4-5; Lowy Institute Asia Power Index 2020, pp. 5-6; Global Firepower - 2021 World Military Strenth Rankings, https://www.globalfirepower.com.

(18) Xem thêm: Trần Khánh: Tương quan sức mạnh, tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc hiện nay và xu hướng biến động trong thập niên tới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 - 2021, tr.7-9.

(19) Xem thêm: Vũ Lê Thái Hoàng - Phạm Duy Thực: Sự chuyển dịch từ tư duy “cực” sang “mạng lưới” trong quá trình định hình trật tự quốc tế đa cực hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 2 (129) - 2022, tr.119-138.

(20) Hội đồng bảo an đảm nhiệm mục đích cao nhất của Liên hợp quốc là chịu trách nhiệm việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Chủ tịch hội đồng luân phiên, mỗi tháng 1 nhiệm kỳ theo bảng chữ cái tên tiếng Anh. Trong Hội đồng bảo an có 5 thành viên gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp là Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết. Chỉ có các quyết định của HĐBA có tính cưỡng chế thực hiện, còn các quyết định của Đại hội đồng không có tính cưỡng chế).

(21) Các cơ quan chuyên môn như Cơ quan Năng Nguyên tử (IAEA), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) v.v.. Ngoài ra Liên hợp quốc còn có 6 Ủy ban gồm: Ủy ban số 1: Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế; Ủy ban số 2: Kinh tế - Tài chính; Ủy ban số 3: Văn hóa - Xã hội - Nhân đạo; Ủy ban số 4: Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa; Ủy ban số 5: Hành chính - Ngân sách Liên hợp quốc và Ủy ban số 6: Luật pháp quốc tế.

PGS, TSKH TRẦN KHÁNH

PGS, TS NGUYỄN HUY HOÀNG

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn về trật tự thế giới hiện nay
    POWERED BY