Báo chí, truyền thông với truyền thông chính sách kinh tế tại Việt Nam

12/05/2023 12:34

(LLCT) - Truyền thông chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí, truyền thông. Hệ thống truyền thông như cầu nối giữa chính phủ và công chúng để giám sát và định hướng thông tin. Truyền thông đại chúng do vậy đóng vai trò quan trọng, tác động sâu rộng đến toàn bộ quá trình chính sách. 

Báo chí, truyền thông với truyền thông chính sách kinh tế tại Việt Nam

Truyền thông chính sách, trong đó có truyền thông chính sách kinh tế cần phải thu hút và thuyết phục được công chúng và định hướng được dư luận xã hội - Ảnh: vneconomy.vn

Thông qua các phương tiện truyền thông, công dân tìm hiểu chính sách của chính phủ để nắm được những ảnh hưởng của chính sách đến mình như thế nào. Ngược lại, chính phủ sẽ nhận được phản hồi từ người dân về các chính sách, chương trình mà chính phủ thực thi, áp dụng. 

Truyền thông chính sách là quy trình chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân, để người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của nhà nước và của người dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước và là một bước không thể thiếu trong tổ chức thực hiện chính sách.

Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội đang là những kênh truyền thông tương tác mà những người làm truyền thông chính sách cần quan tâm sử dụng. Theo trang thông tin Café.net, trung bình mỗi ngày, nhóm người dưới 26 tuổi dành hơn 7 giờ mỗi ngày cho các ứng dụng trên di động với những app phổ biến như Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok, Facebook Messenger, v.v..(1). Điều này cũng đồng nghĩa với việc công chúng tiêu thụ báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình suy giảm.

Vậy, cần truyền thông như thế nào để những thông tin về chính sách đến được với công chúng, và công chúng có thể tiếp nhận thông tin một cách tích cực, hiệu quả hơn.

Bài viết phân tích thực trạng truyền thông chính sách trên một số báo điện tử hiện nay qua việc khảo sát nội dung các bài báo về truyền thông chính sách trên báo điện tử Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng truyền thông chính sách tại Việt Nam trong kỷ nguyên Internet, các mạng xã hội phát triển. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích nội dung để tìm hiểu, làm rõ thực trạng truyền thông chính sách trên báo Việt Nam hiện nay. Vì truyền thông chính sách là một lĩnh vực rất lớn, nên phạm vi bài viết này chỉ giới hạn trong việc truyền thông chính sách kinh tế trên báo điện tử.

Cụ thể, tìm hiểu nội dung bốn báo mạng điện tử gồm: Báo Nhân Dân điện tử (https://nhandan.vn/), Báo Chính phủ điện tử (https://baochinhphu.vn/), Báo điện tử VnExpress (https://vnexpress.net/) và Báo Tuổi trẻ điện tử (https://tuoitre.vn) nhằm tìm hiểu về nội dung, hình thức thể hiện và trình bày truyền thông chính sách kinh tế trên các báo này. Các báo mạng điện tử trong diện khảo sát được lựa chọn phân tích nội dung đều là các báo mang tính đại diện, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Chính phủ và là những báo mạng điện tử có lượng độc giả truy cập cao. Do vậy, các thông tin chính sách kinh tế trên các báo mạng điện tử này có vai trò là tiếng nói chính thức và đại chúng. 

Qua phân tích 600 tin, bài của 4 báo mạng điện tử trong các chuyên mục tuyên truyền về chính sách thì thấy, việc truyền thông chính sách kinh tế xoay quanh một số lĩnh vực như: ngân hàng, tiền tệ; chứng khoán; bất động sản; tiêu dùng; thuế… Tác giả phân tích nội dung và điểm qua một số chính sách truyền thông thuộc các lĩnh vực chủ yếu này.

Về lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ: Truyền thông chính sách liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đề cập nhiều nhất các chủ đề như chính sách hỗ trợ lãi suất, lãi suất cho vay, chuyển đổi số, lãi suất ngân hàng, thông tin cảnh báo. Trong nội dung thông tin thể hiện rõ các cơ chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước được phổ biến kịp thời, có hệ thống và có kế hoạch rõ ràng hơn. 

Sơ đồ 1: Nội dung truyền thông chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực ngân hàng

Truyền thông chính sách đã lan tỏa thông điệp của Ngân hàng Nhà nước về kiên định mục tiêu vĩ mô, bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống ngân hàng. Qua đó, niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư đối với những chính sách, biện pháp của ngành ngân hàng được nâng cao. Vai trò, vị thế của ngành ngân hàng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được tăng cường.

Về lĩnh vực chứng khoán: Sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư là nguyên nhân khiến thông tin về thị trường chứng khoán được quan tâm. Đây cũng chính là lý do nhiều báo mạng điện tử quan tâm đến việc cập nhật thông tin chính sách về thị trường chứng khoán để đưa thông tin đến với công chúng. Giữa thị trường chứng khoán với báo chí, truyền thông có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Vì thế, việc báo chí phản ánh thị trường chứng khoán một cách trung thực là rất quan trọng, góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.

Trong 4 báo mạng điện tử được khảo sát, thì có ba báo có mục riêng truyền thông về chứng khoán là Báo Nhân Dân điện tử, Báo điện tử Chính phủ, Báo điện tử VnExpress. Còn lại, báo Tuổi trẻ điện tử tuy không có mục riêng về chứng khoán, nhưng các thông tin về lĩnh vực này được cập nhật ở mục Tài chính.

Sơ đồ 2: Nội dung truyền thông chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực chứng khoán

Nhìn chung, lĩnh vực chứng khoán được các báo mạng điện tử tuyên truyền xoay quanh các nội dung: thông tin cảnh báo, thông tin thị trường, thông tin xử phạt, giải pháp phát triển. Trong đó, các thông tin về chính sách kinh tế trong lĩnh vực chứng khoán được phân tích liên quan đến các nội dung đó.

Về lĩnh vực bất động sản: Thông tin bất động sản luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đây cũng là mảng thông tin được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí, nhất là báo mạng điện tử đều có các chuyên mục, nội dung liên quan đến bất động sản. Với thế mạnh truyền tải thông tin nhanh, lượng thông tin nhiều, dễ tìm kiếm nên thông tin bất động sản trên báo mạng điện tử được phản ánh nhanh chóng.

Nhìn chung, đối với lĩnh vực bất động sản, các báo điện tử đã chú trọng đến công tác truyền thông phổ biến chính sách với ba chủ đề chính là thông tin thị trường bất động sản và chính sách mang tính giải pháp phát triển thị trường.

Sơ đồ 3: Nội dung truyền thông chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực bất động sản

Về lĩnh vực tiêu dùng: Nhận thức được mảng tiêu dùng có khả năng thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả, cả 4 báo mạng điện tử trong diện được khảo sát đều có những mục thông tin liên quan đến tiêu dùng. Trong các chuyên mục này, những thông tin về thị trường hàng hóa thường xuyên được cập nhật giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin để đi đến những quyết định lựa chọn tiêu dùng hợp lý.

Việc truyền thông chính sách liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng giúp người tiêu dùng nắm bắt các quy định pháp luật liên quan để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch. Nội dung tuyên truyền về lĩnh vực tiêu dùng xoay quanh các vấn đề: Chính sách giá cả, chính sách hàng hóa, cảnh báo tiêu dùng và mẹo tiêu dùng thông minh.

Sơ đồ 4: Nội dung truyền thông chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng

Về lĩnh vực thuế: Thông tin về các chính sách hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế các cấp đã tiếp tục phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế, công tác quản lý thuế. Cùng với các loại hình báo chí khác, các báo điện tử tích cực tuyên truyền chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực thuế đến với người dân và doanh nghiệp. Một số đánh giá của các tổ chức và chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách trong lĩnh vực thuế thời gian qua đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được xã hội và cộng đồng người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Nội dung truyền thông chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực thuế bao gồm các chủ đề chính như dự thảo thăm dò ý kiến, đề xuất chính sách, góp ý chính sách, những chính sách có hiệu lực và hướng dẫn thực thi chính sách.

Sơ đồ 5: Nội dung truyền thông chính sách kinh tế liên quan đến lĩnh vực thuế

Nội dung truyền thông về chính sách kinh tế là lĩnh vực được bốn báo mạng điện tử diện khảo sát quan tâm thường xuyên. Bên cạnh đó là những nội dung truyền thông về các chính sách kinh tế liên quan đến các lĩnh vực như: xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số, bảo hiểm,… Tuy nhiên, tần suất không nhiều bằng các lĩnh vực nói trên.       

Từ kết quả khảo sát các chủ đề và nội dung các bài viết liên quan đến truyền thông chính sách kinh tế và trao đổi với một số nhà báo là người tham gia vào mảng thông tin chính sách, các ý kiến của các nhà báo cho rằng việc truyền thông chính sách trên báo điện tử có lợi thế hơn so với báo in và phát thanh vì báo điện tử có thể sử dụng các hình thức thể hiện khác nhau.

Tuy nhiên, nội dung thông tin chưa thật sự thu hút sự quan tâm của đọc giả. Nhiều thông tin chính sách trên báo mạng đưa nguyên văn nội dung văn bản, quyết định, nghị định. Có một số phóng viên chưa chọn được vấn đề, nội dung cốt lõi của chính sách để tuyên truyền đến công chúng. Nhiều bài viết còn quá dài, khiến người đọc không kiên nhẫn, không hấp dẫn, thu hút người đọc.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng chính những người liên quan đến công tác hoạch định, thực thi và đánh giá việc thực hiện chính sách cần chủ động thông tin cho báo chí, truyền thông. Trong quá trình xây dựng chính sách, các chủ thể định chính sách cần phải tham khảo ý kiến của công chúng thông qua báo chí, truyền thông trong mỗi giai đoạn của quá trình xây dựng.

Một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng truyền thông chính sách trên báo chí, truyền thông

Để truyền thông chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước tới người dân có hiệu quả cần thực hiện một số biện pháp sau.

Thứ nhấtviệc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương là vô cùng cần thiết, nhằm định hướng thông tin truyền thông chính sách của toàn bộ các cơ quan báo chí trên cả nước được xuyên suốt, thống nhất và cùng tạo ra hiệu ứng.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo, quản lý để đưa ra những quan điểm, chủ trương và chiến lược truyền thông chính sách kinh tế quan trọng của đất nước. Điều này đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị 7/CT-TTg ngày 21-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường truyền thông chính sách. Trong đó, Bộ thông tin và truyền thông có trách nhiệm quan trọng là: “Sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm”(2).

Thứ hai, cần có các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và báo chí. Cơ chế phối hợp này rất cần thiết, bởi việc đại diện các ban, bộ, ngành trả lời báo chí về các chính sách là nguồn tin tin cậy, việc này sẽ khiến công chúng tin tưởng vào thông tin được truyền tải. Tuy nhiên, trên thực tế việc phối hợp còn hạn chế vì tâm lý e ngại báo chí của lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành. Khi các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí, truyền thông thì cũng giúp chính sách sẽ được lan tỏa rộng hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin, các thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước lan tràn với tốc độ nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang cho dư luận xã hội. Do vậy, việc minh bạch thông tin, thẳng thắn đối thoại chính là chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro, tránh gây ra những khủng hoảng truyền thông đáng tiếc.

Việc có phân công cán bộ chuyên phụ trách truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương là cần thiết để giúp việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí thêm hiệu quả, suôn sẻ. Cán bộ phụ trách truyền thông chính sách sẽ là đầu mối tiếp nhận yêu cầu thông tin của báo chí, sắp xếp cán bộ có chuyên môn phù hợp trong cơ quan để trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần chủ động hơn trong việc tuyền thông chính sách, gửi cho các cơ quan báo chí những chính sách mới ngay khi có.

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần lập kế hoạch nội dung truyền thông chính sách kinh tế trong kế hoạch hoạt động hằng năm. Các kế hoạch tuyên tuyền cần phải có mục tiêu cụ thể, khả thi, có thể đo lường được, thời gian thực hiện từng mục tiêu cụ thể, từng giai đoạn truyền thông. Nâng cao chất lượng nội dung truyền thông chính sách kinh tế bao gồm cung cấp kiến thức, thông tin hữu ích cho công chúng.

Thực tế cho thấy, thông tin về chính sách kinh tế là nhu cầu của một bộ phận công chúng, nhưng cách viết bài và khai thác thông tin của các nhà báo chưa đáp  ứng yêu cầu. Để các bài báo về chính sách kinh tế cung cấp được thông tin hữu ích cho công chúng, gia tăng sự hiểu biết hoặc quan điểm mới về một chủ đề nhất định, các nhà báo cần đào sâu vào vấn đề, đưa ra nhiều góc độ, phân tích và phân tích giúp công chúng hiểu hơn về chủ đề. 

Thứ tư, tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực làm báo điện tử, đầu tư phát triển công nghệ báo chí. Với khả năng truy cập cơ sở dữ liệu tăng lên, dữ liệu trở thành nguồn chất liệu viết tin bài quan trọng, cần thiết và phù hợp trong việc truyền thông chính sách kinh tế. Bởi vì, những chính sách về kinh tế vốn là những đề tài phức tạp, cần nhiều số liệu. Các nhà báo cần chủ động trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ. Bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo.

Truyền thông chính sách cần phải thu hút và thuyết phục được công chúng và định hướng được dư luận xã hội. Mọi sự định hướng đều cần sự thuyết phục thông qua việc truyền thông các chủ đề mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; thông tin ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, có phân tích, giải đáp những thắc mắc để công chúng có thể hiểu được các điểm mấu chốt và ý nghĩa của từng chính sách.

Để đạt được điều này, các chủ thể liên quan đến quá trình hoạch định chính sách và các cơ quan báo chí, các nhà báo cần có sự gắn kết, đồng lòng để giúp người dân nắm bắt được tầm quan trọng của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

_________________

Ngày nhận bài: 14 - 4 - 2023; Ngày bình duyệt: 08 - 5- 2023; Ngày duyệt đăng: 12 - 5 - 2023.

(1)  https://cafef.vn/nguoi-viet-tieu-ton-nhieu-gio-moi-ngay-cho-ung-dung-di-dong-mang-xa-hoi-20220203120948407.chn

(2) Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị 7/CT-TTg ngày 21-3-2023 về việc tăng cường truyền thông chính sách.

ThS ĐINH QUỲNH ANH 
                                                                             Báo Nhân Dân
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí, truyền thông với truyền thông chính sách kinh tế tại Việt Nam
    POWERED BY