(LLCT) - Bảo đảm quyền tham gia của người dân là một yếu tố quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ số. Tuy vậy, quá trình tham gia của người dân đôi khi gặp những trở ngại do sự hạn chế trong khung thể chế, pháp lý hay do những đặc tính của bộ máy hành chính. Việc thiếu một cách tiếp cận có hệ thống; phương thức huy động sự tham gia thiếu hiệu quả dẫn đến người dân không tham gia quy trình hoạch định, thực thi chính sách. Các trở ngại còn do sự thiếu hiểu biết, thiếu niềm tin hay năng lực hạn chế của người dân. Bài viết phân tích những điều kiện thuận lợi và những khó khăn trong việc bảo đảm quyền tham gia của người dân vào tiến trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam.
TS ĐẶNG VIẾT ĐẠT
TS HOÀNG THỊ QUYÊN
Học viện Chính trị khu vực IV
Hiện đại hóa các hoạt động hành chính và hệ thống quản lý là nhu cầu bức thiết đang đặt ra với các chính phủ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tạo ra cơ hội để các chính phủ cải thiện việc cung ứng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đồng thời làm tăng tính hiệu quả của hoạt động quản lý. Trong nhiều năm qua, các chính phủ đã không ngừng sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm thay đổi quy trình thực hiện các thủ tục quản lý hành chính. Theo đó, chính phủ điện tử và chính phủ số ra đời để cải thiện dịch vụ công đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tiến trình xây dựng chính phủ số đòi hỏi phải tạo ra một mạng lưới quan hệ rộng lớn và đa dạng trong đó có sự kết hợp giữa các cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trong tiến trình này, việc bảo đảm quyền tham gia là yếu tố quan trọng.
1. Những thuận lợi trong bảo đảm quyền tham gia của người dân vào tiến trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam
Sự tham gia của người dân vào xây dựng chính phủ số rất đa dạng, phụ thuộc vào bối cảnh, quy mô của cộng đồng, các thể chế chính trị pháp lý và năng lực tham gia của người dân hay công nghệ, phương thức được sử dụng. Hai nhóm yếu tố cơ bản có ảnh hưởng đến sự thành công trong huy động sự tham gia của người dân vào tiến trình xây dựng chính phủ số là: (1) Các điều kiện khách quan, gồm thể chế chính trị, pháp lý, thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội và (2) Các điều kiện chủ quan, xuất phát từ phía người tham gia, gồm: nhận thức và năng lực tham gia của người dân. Theo đó, những thuận lợi trong bảo đảm quyền tham gia tiến trình xây dựng chính phủ số của người dân ở Việt Nam hiện nay là:
Thứ nhất, Việt Nam có khung pháp lý rõ ràng về sự tham gia của người dân vào tiến trình xây dựng chính phủ số.
Việt Nam có lịch sử trong huy động sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước và xã hội. Điều này được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định: (1) Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. (2) Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Những nội dung được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 được cụ thể hóa bằng các quy định trong nhiều luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Mặt trận Tổ quốc và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam đã quy định khá cụ thể về các hình thức, cách thức tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước và xã hội. Người dân có quyền tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật với tư cách đại biểu trong các cơ quan đại diện (Quốc hội, Hội đồng nhân dân), các tổ chức chính trị - xã hội, hoặc đóng góp ý kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng, và tham gia trực tiếp các vấn đề ở tầm quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý, hoặc các vấn đề ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Người dân có thể tham gia ở các khâu, các bước trong trong toàn bộ quá trình chính sách: từ các đề xuất sáng kiến ban đầu, đến việc tiến hành xây dựng, quyết định và thi hành. Tùy vào tính chất của chính sách cụ thể mà người dân có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, ở mức độ khác nhau. Đây là tiền đề về chính trị, pháp lý thúc đẩy sự tham gia của người dân trong xây dựng chính phủ số.
Thứ hai, Việt Nam có thể chế văn hóa hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước và xã hội.
Trong lịch sử Việt Nam, dân chủ luôn là một dạng thức quản lý cộng đồng được người Việt sử dụng. Điển hình là hình thức dân chủ làng xã, phương thức tổ chức cộng đồng, trong đó huy động sự tham gia rộng rãi của các thành viên trong quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống của cộng đồng. Theo tác giả Đào Duy Anh: “mỗi xã, thôn là một đoàn thể tự trị ở trong phạm vi quốc gia, đối với nhà nước chỉ cần làm trọn nghĩa vụ nộp sưu thuế, làm giao dịch ngoài ra có thể tự do xử trí công việc trong làng, Nhà nước không can thiệp đến”(1). Công việc trong làng thường do dân làng bàn định, chứ nhà nước ít can thiệp, mà nhiều khi nhà nước có can thiệp đến cũng vô hiệu quả...Những việc bàn định thì có viên chức thi hành(2).
Truyền thống thực hành dân chủ làng xã của người Việt tạo ra một môi trường văn hóa dân chủ làm tiền đề thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình bàn định, đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng chính phủ trong bối cảnh mới. Môi trường văn hóa dân chủ giúp dễ dàng huy động sự tham gia đóng góp ý tưởng, công sức của người dân; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các chủ trương, chính sách.
Thứ ba, qua nhiều năm triển khai thực hiện dân chủ cơ sở, các công cụ về sự tham gia ngày càng được hoàn thiện nhờ sự phát triển của các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông. Người dân đã tham gia cùng chính quyền trong hoạch định và thực thi chính sách công. Tiến trình thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định 04/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần tạo dựng những nền tảng cơ bản hình thành các thói quen thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động công.
Việt Nam tiến hành xây dựng chính phủ điện tử và hiện nay chuyển sang xây dựng chính phủ số. Tận dụng nền tảng công nghệ các công cụ hiện đại cho sự tham gia của người dân đã được tạo dựng. Các trang web trực tuyến được thiết kế để lấy ý kiến đóng góp, phản hồi của người dân. Hiện nay, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công hay các trang thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh được vận hành để người dân giải quyết các thủ tục hành chính, gửi phản ánh kiến nghị và nhận phản hồi từ phía cơ quan công quyền. Tính đến ngày 15-7-2023, trên Cổng dịch vụ công quốc gia có 29.426 phản ánh kiến nghị của người dân cả nước gửi đến các cơ quan công quyền đã có kết quả phản hồi từ phía các cơ quan chức năng; 11.990 phản ánh kiến nghị của người dân đang trong quá trình xử lý chờ phản hồi. Điều đó cho thấy sự nỗ lực và cố gắng của Việt Nam trong xây dựng các công cụ tiếp nhận ý kiến đóng góp từ phía người dân. Qua tương tác trực tuyến cho thấy, công dân sẵn sàng thảo luận, đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền, đặc biệt là với các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày.
2. Những khó khăn, thách thức với việc bảo đảm quyền tham gia của người dân trong tiến trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam
Thứ nhất, hạn chế trong khung thể chế pháp lý. Hiện tại, các quy định pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ, quyền tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội của người dân còn nhiều hạn chế. Chính sách, pháp luật, ở một khía cạnh nhất định vẫn còn mang tính nguyên tắc nhiều hơn là các quy định để thực thi. Nhiều quy định về thực hiện quyền tham gia của người dân còn mang tính chung chung, nhiều quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất(3). Các quy định liên quan đến nguyên tắc tập trung có nhiều mâu thuẫn với việc mở rộng quyền cho đối tượng quản lý nhằm phát huy trí tuệ tập thể.
Các quy định trong Luật thực hiện dân chủ cơ sở còn thiếu hướng dẫn, thiếu quy định cụ thể cho việc thúc đẩy sự tham gia trong từng khâu. Hệ thống pháp luật không quy định rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong huy động sự tham gia của người dân đối với toàn bộ chu trình hoạch định và thực thi chính sách. Còn thiếu một số quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền trong xây dựng chính phủ số. Các quy trình cho sự tham gia của người dân mới chỉ dừng ở việc đóng góp ý kiến, công sức hay tham gia giám sát, trong khi người quyết định cuối cùng với mọi chính sách và việc triển khai chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Do đó, khó có thể bảo đảm các quan điểm, ý kiến của người dân được xem xét, cân nhắc trong khâu cuối cùng. Đây là thách thức lớn khiến người dân thiếu động lực để tham gia.
Thứ hai, hạn chế về nhận thức và năng lực tham gia của người dân
Nhận thức và năng lực của người dân là yếu tố tác động trực tiếp đến việc thực hiện quyền tham gia vào xây dựng chính phủ số. Nếu người dân không nhận thức được những lợi ích hay không thấy được tính đúng đắn của các hoạt động xây dựng chính phủ số, hoặc thiếu tin tưởng và không biết đến các cơ chế thực hành dân chủ ở cơ sở, không biết đến các phương thức tham gia thì họ không thể đóng góp ý kiến hay công sức, tiền bạc và càng không thể cùng với các cơ quan công quyền chung sức, nỗ lực thực hiện các nội dung xây dựng chính phủ số. Các nghiên cứu về sự tham gia của người dân vào xây dựng chính phủ số ở châu Âu cho thấy niềm tin vào chính phủ là yếu tố cơ bản thúc đẩy mức độ sẵn sàng tham gia của người dân. Những công dân thiếu tin tưởng vào chính quyền hay không tin tưởng vào khả năng lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân thường không tham gia vào các giao diện góp ý trực tuyến do cơ quan công quyền thiết lập(4).
Năng lực tham gia của người dân là yếu tố quan trọng, thể hiện qua việc có “dám” phát biểu, đóng góp ý kiến trong các cuộc họp chung của cộng đồng, có khả năng đọc hiểu các văn bản và góp ý kiến bằng văn bản cho các cơ quan chức năng khi cần thiết hay không; có đủ kỹ năng để ứng dụng và sử dụng các dịch vụ công đã được số hóa hay có năng lực để từng bước số hóa các dữ liệu cá nhân không. Hiện tại việc triển khai xây dựng chính phủ số ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, do đó nhận thức và khả năng sử dụng các dịch vụ của chính phủ số còn rất khiêm tốn. Theo Báo cáo của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 mới đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%, và năm 2022 đạt khoảng 18%(5).
Thứ ba, thiếu hệ thống công cụ hiệu quả để huy động sự tham gia. Việc huy động sự tham gia theo cách thức truyền thống như: phát biểu trong các cuộc họp cộng đồng, góp ý thông qua người đại diện, góp ý thông qua các tổ chức chính trị - xã hội thường thiếu hiệu quả, do “không đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của người dân, nó không tạo được cảm giác để người dân tin tưởng rằng các cơ quan công quyền đang thực sự chú ý lắng nghe quan điểm của họ”(6). Việc góp ý trực tiếp trong các cuộc họp cũng thường loại trừ các nhóm yếu thế như người nghèo, người di cư hay người có trình độ học vấn thấp.
Để huy động sự tham gia của người dân trong chu trình chính sách một cách hiệu quả không chỉ cần có thời gian, chuyên môn, tâm huyết mà còn cần có các nguồn lực về tài chính. Nghiên cứu của OECD cho thấy rằng, các chính phủ thường “không dành đủ nguồn lực, thời gian, chuyên môn và tài chính cần thiết cho các hoạt động tham vấn chính sách. Quỹ ngân sách cho các hoạt động tham vấn thường rất nhỏ so với tổng số tiền chi cho một chính sách nhất định”(7). Trong nhận thức của nhà quản lý vẫn còn tồn tại quan niệm sai lầm như: “Công dân không có khả năng hiểu được sự phức tạp của các vấn đề chính sách; Công dân không đáng tin cậy và sẽ không cam kết đầy đủ với quá trình tham gia. Nhiều người tin rằng các chuyên gia, đội ngũ cán bộ nên giúp người dân lựa chọn các chính sách”(8). Ở Việt Nam, các khâu tham vấn, lấy ý kiến đóng góp đã được quan tâm thực hiện tuy nhiên việc triển khai ở nhiều nơi mang tính hình thức.
3. Kiến nghị chính sách nhằm bảo đảm quyền tham gia của người dân trong xây dựng chính phủ số
Để bảo đảm quyền tham gia của người dân vào xây dựng chính phủ số đòi hỏi phải có sự cam kết về mặt chính trị và pháp lý, đồng thời phải có quy trình để thực hiện các cam kết cũng như có năng lực, nguồn lực và sự linh hoạt cần thiết để phối hợp với các bên liên quan. Không có một môi trường thuận lợi cả về pháp lý, chính trị và văn hóa, việc tham gia của người dân trong xây dựng chính phủ số gặp rất nhiều thách thức. Theo đó, Việt Nam cần quan tâm thực hiện một số giải pháp:
Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật về sự tham gia của người dân trong xây dựng chính phủ số. Mặc dù Việt Nam có khung pháp lý khá rõ ràng cho sự tham gia của người dân, tuy nhiên, Quốc hội cần tiếp tục xem xét để hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó cần chú trọng đến việc bảo đảm các quyền liên quan đến quyền tham gia, như: quyền tự do quan điểm và bày tỏ quan điểm, quyền tiếp cận thông tin,... Thúc đẩy quá trình thể chế hóa luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm các quy định cho sự tham gia trong từng khâu của chu trình hoạch định và thực thi chính sách.
Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm giải trình của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong tiến trình xây dựng chính phủ số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định “Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách”(9). Tuy nhiên, các văn bản pháp luật chưa cụ thể hóa các quy định để có thể quy trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực này.
Mặt khác, để tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của người dân trong từng khâu của quy trình hoạch định và thực thi các chính sách cần bảo đảm rằng quan điểm, ý kiến đóng góp của người dân được xem xét trong các khâu cuối cùng của quy trình chính sách. Theo đó, Quốc hội cần nghiên cứu để đưa ra một quy trình rõ ràng hay các quy định ràng buộc nghĩa vụ của các cơ quan công quyền trong việc đưa các đề xuất của công dân vào chu trình hoạch định, thực thi chính sách. Cần bảo đảm rằng, các khuyến nghị, ý tưởng, quan điểm của người dân sẽ được các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm ra quyết định xem xét. Theo đó, cần có các quy định nêu rõ cách thức và thời gian để các cơ quan công quyền xem xét đến thông tin, đóng góp ý kiến của người dân và trả lời cho người dân biết quan điểm, ý tưởng của họ đã được sử dụng như thế nào.
Hai là, nâng cao nhận thức và năng lực tham gia của người dân
Cần tạo điều kiện để người dân thực hiện hiệu quả quyền tham gia vào xây dựng chính phủ số. Thông qua việc đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực tham gia của người dân, các cơ quan cần cung cấp hệ thống thông tin đầy đủ, dễ tiếp cận liên quan đến tiến trình xây dựng chính phủ số. Trong đó, nhấn mạnh truyền thông về các chủ trương, chính sách, các ứng dụng, dịch vụ chính phủ số.
Để làm được điều này, ngoài việc tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại cần lồng ghép các kiến thức về quyền tham gia trong các chương trình giáo dục công dân được giảng dạy trong các trường học. Giáo dục về chính phủ số, về sự tham gia, về hệ thống, cơ chế về sự tham gia của người dân vào các lĩnh vực công nên được phát triển và triển khai như một phần không thể thiếu trong các chương trình giảng dạy của các trường phổ thông và trường cao đẳng, đại học. Những chương trình như vậy giúp trao quyền cho những người nắm giữ quyền, thúc đẩy thói quen tham gia cho các công dân hình thành văn hóa tham gia của cộng đồng.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hẹp khoảng cách số thông qua các mô hình hỗ trợ và hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, những người gặp khó khăn trong sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua triển khai các mô hình như: mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công nghệ số di động.
Thúc đẩy hành động của cộng đồng tạo ra các điểm lan tỏa trong đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ số thông qua vai trò của những người dân trong mỗi cộng đồng, đặc biệt là những người có đam mê công nghệ và tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số cho các hoạt động trong đời sống của mình.
Để tăng cường tiếng nói và sự tham gia của các nhóm yếu thế vào tiến trình xây dựng chính phủ số, cần áp dụng các biện pháp thúc đẩy sự tham gia và hợp tác của tất cả các chủ thể thông qua các phương tiện truyền thông, những người có uy tín trong cộng đồng hay thông qua các tổ chức như tôn giáo, hội nghề nghiệp, cộng đồng nơi cư trú. Tuyên truyền và thay đổi các phương pháp lắng nghe để khuyến khích sự thay đổi trong nhận thức, thay đổi các tập quán văn hóa cản trở sự tham gia của các nhóm yếu thế như các định kiến(10)...
Ba là, nâng cao hiệu quả của các công cụ, phương tiện huy động sự tham gia truyền thống, đồng thời triển khai các hình thức huy động sự tham gia mới thông qua nền tảng công nghệ. Công dân ngày nay có xu hướng ít tham gia vào các hình thức tham gia ngoại tuyến truyền thống như: lấy ý kiến trong các cuộc họp hay góp ý bằng văn bản gửi đến cơ quan công quyền, theo đó các công cụ huy động sự tham gia điện tử có thể mang lại tiềm năng thay đổi phạm vi tham gia của công dân.
Các công cụ tham gia trực tuyến giúp giảm chi phí thông tin và trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác và thảo luận, cải thiện quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp chính quyền. Nó cũng khá quan trọng để trao quyền cho các cá nhân và các nhóm yếu thế nhằm xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử.
Theo đó, để thúc đẩy sự tham gia, đặc biệt là tạo một môi trường bình đẳng, kể cả các nhóm yếu thế có thể nói lên tiếng nói của mình, cùng tham gia chu trình chính sách xây dựng chính phủ số, chính quyền các cấp cần vừa cải thiện các công cụ tham gia truyền thống như lấy ý kiến trong các cuộc họp, đóng góp ý kiến bằng văn bản, đồng thời vừa thúc đẩy các công cụ tham gia điện tử, hay các ứng dụng lấy ý kiến phản ánh trực tuyến trên các cổng dịch vụ công.
Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào tiến trình xây dựng chính phủ số giúp cho việc quản lý và ra quyết định trở nên toàn diện hơn. Bằng cách mở ra cơ hội cho nhiều người tham gia đóng góp ý kiến, cùng thực hiện và giám sát các cơ quan công quyền có thể lắng nghe tiếng nói của người dân trong chu trình xây dựng chính sách. Điều này tạo ra các chính sách và dịch vụ tốt hơn, xây dựng cảm giác thân thuộc và thúc đẩy sự gắn kết xã hội; tăng cường niềm tin của người dân vào chính phủ. Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực để tận dụng những ưu điểm của công nghệ trong cải thiện dịch vụ công thông qua quá trình xây dựng chính phủ số. Để Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng mô hình chính phủ số đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, cần chú trọng đổi mới, hoàn thiện các thể chế pháp lý, văn hóa, tạo ra bộ công cụ hữu hiệu nhằm phát huy tối đa vai trò của người dân trong đóng góp ý tưởng, công sức, giám sát cũng như cùng Nhà nước tham gia vào hoạch định và thực thi chính sách.
_________________
Ngày nhận bài: 31-8-2023; Ngày bình duyệt: 07-10-2023; Ngày duyệt đăng: 22-11-2023.
(1), (2) Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2000, tr.151,153.
(3) Đỗ Kim Tiên: Chính sách, pháp luật Việt Nam về sự tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, http://lapphap.vn, truy cập ngày 27-9-2021
(4) Sissel Hovik, G. Anthony Giannoumis, Kristin Reichborn-Kjennerud, José M. Ruano, Ian McShane,Sveinung Legard,: Citizen Participation in the Information Society Comparing Participatory Channels in Urban Development, ISBN 978-3-030-99939-1 ISBN 978-3-030-99940-7 (eBook) , 2022, https://doi.org/10.1007/978-3-..., tr.30
(5) UNDP: Đo lường hiệu quả quản trị cấp tỉnh ở Việt Nam, https://www.facebook.com, truy cập ngày 11-7-2023.
(6), (7), (8), Marc Gramberger: Citizens as Partners OECD Handbook on information, consultation and public participation in policy-making, OECD Publications Service, 2001, p.21.
(9) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, https://chinhphu.vn, truy cập ngày 23-7-2023.
(10) United Nations: Guidelines for States on the effective implementation of the right to participate in public affairs, Office of the High Commissioner for Human Rights Palais des Nations, 2018, p.9.