Bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam

12/01/2024 15:40

 LÔ VĂN LÂM
Trường Cao đẳng Biên phòng

(LLCT) - Các thế lực thù địch sử dụng vấn đề quyền con người (nhân quyền) như một trong bốn đòn “đột phá khẩu”(1) để áp đặt, tấn công vào nền chính trị của các quốc gia, dân tộc khác, trong đó có Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, quy định về dân chủ, nhân quyền góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống. Bài viết làm rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “nhân quyền” để chống phá Quân đội ta; đưa ra những luận cứ về bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội.

Bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, quy định về dân chủ, nhân quyền góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống - Ảnh: huecity.gov.vn

1. Chống phá cách mạng Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng từ góc độ “nhân quyền”, và loạt âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Hoạt động chống phá này tuy không mới, nhưng cực kỳ thâm độc, nguy hiểm. Mục đích của chúng hướng đến hai vấn đề mang tính cốt lõi:

Một là,các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “nhân quyền” ra sức rêu rao rằng: Quân đội “là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào, lực lượng chính trị nào”; Quân đội đặt dưới sự lãnh đạo độc tôn của Đảng là “mù quáng”, mà chỉ cần trung thành với lợi ích của quốc gia - dân tộc, với nhân dân, với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu”(2). Có kẻ còn “tung hỏa mù” rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “cố tình đánh tráo khái niệm”, “đi ngược lại quy luật” và đề nghị bỏ “quy định lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước” (Điều 65, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013). Mục đích của chúng nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội ta; làm thay đổi bản chất giai cấp công nhân của Quân đội, làm cho Quân đội từng bước xa rời phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, không còn là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực, vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước.

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội; phản ánh đúng bản chất giai cấp công nhân, vị trí, vai trò, chức năng của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là trực tiếp, không thông qua một khâu trung gian hay một tổ chức trung gian nào.

Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng và tổ chức; trên mọi nhiệm vụ: chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, lao động sản xuất; trên các mặt công tác: Quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với Quân đội, không thế lực nào có thể phủ nhận vai trò vĩ đại của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong tình hình mới. Luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội là vô căn cứ, phản động, phản khoa học.

Hai là, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “nhân quyền” nhằm làm suy yếu nhân tố chính trị - tinh thần, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta và suy giảm “nguồn lực” xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong tình hình mới. Chúng không ngừng khai thác triệt để các mạng xã hội để phát tán những bài viết, hình ảnh về các vụ việc giải quyết chế độ, chính sách, duy trì kỷ luật trong Quân đội đối với quân nhân sai sự thật với cường độ, tần suất ngày càng tăng. Qua đó, xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động tư tưởng đòi thực hiện “nhân quyền”, “quyền tự do, dân chủ” trong Quân đội, làm giảm nhân tố chính trị - tinh thần, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta; vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân về thực hiện quyền con người đối với quân nhân và các lực lượng phối thuộc.

Lợi dụng những sự việc mang tính cá biệt xảy ra trong Quân đội hoặc những hình ảnh, video cắt ghép của quân đội nước ngoài để suy diễn, vu khống Quân đội nhân dân Việt Nam đàn áp, sử dụng vũ lực đối với chiến sĩ mới, quân phiệt, không bảo đảm các quyền con người…

Âm mưu của chúng là chia rẽ, làm giảm niềm tin của gia đình và công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, hình thành tâm lý trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trước mùa tuyển quân. Đồng thời, chia rẽ tinh thần đoàn kết “quân với dân như cá với nước”; xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam; bôi xấu, xúc phạm sứ mệnh hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Quân đội và làm xấu đi hình ảnh, bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”…

2. Bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm sâu sắc, toàn diện, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người và tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam. Bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt nam được thể hiện:

Thứ nhất, thể hiện trong quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân đội.

Bảo đảm và thực hiện quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta khẳng định, quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên…

Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của CNXH, từ bản chất tốt đẹp của chế độ ta được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh,… Đại hội IX của Đảng (năm 2021), xác định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”(3). Đại hội X (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”. Đại hội XI (năm 2011) khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định”(4). Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật mới được ban hành và sửa đổi. Khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(5).

Thực hiện quyền con người ở Việt Nam, Đảng ta chỉ rõ: Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật…Quan điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì đã khắc phục được cách hiểu phiến diện, cực đoan về vấn đề nhân quyền.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng ta về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”(6). Đồng thời, “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”(7).

Bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm sâu sắc, toàn diện, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người và tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam.

Quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam được đề cập trong các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ… Chính phủ và Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn các tổ chức trong Quân đội bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam như: các văn bản quy định về chế độ tiền lương, các loại phụ cấp; chế độ nghỉ hàng năm; chế độ bảo hiểm cho bản thân và cho thân nhân; chính sách về nhà ở, đất ở, việc làm cho vợ hoặc chồng của quân nhân; chính sách đặc thù cho các lực lượng; chính sách hậu phương quân đội…

Các hành vi vi phạm pháp luật về quyền con người trong Quân đội căn cứ vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Quân đội có cơ chế bảo đảm để xử lý các hành vi vi phạm quyền con người như: Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự các cấp, cơ quan điều tra hình sự các cấp…

Vấn đề quyền con người và bảo đảm, thực hiện quyền con người ở Việt Nam nói chung và trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng là một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong đường lối phát triển của Việt Nam được  Đảng và Nhà nước ta ghi nhận và bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật.

Thứ hai, thể hiện trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội

“Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế”(8). Thực hiện quyền con người trong Quân đội gắn với hoạt động đặc thù, có tính kỷ luật cao của tổ chức quân sự. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, điều lệnh và các quy định của Quân đội, trong đó bảo đảm về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Do yêu cầu đặc thù của tổ chức quân đội, của hoạt động quân sự, để bảo đảm sự thống nhất, chính quy, giữ nghiêm kỷ luật, bên cạnh việc phát huy quyền làm chủ của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… mọi quân nhân phải chấp hành nghiêm điều lệnh và các quy định của Quân đội, chấp hành và phục tùng mệnh lệnh của người chỉ huy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tổ chức, nhiệm vụ, chế độ phục vụ và chế độ, chính sách của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhìn chung, việc bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây của Quân đội ta:

Đội quân chiến đấu: Là nhiệm vụ then chốt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Quân đội ta thường xuyên thực hành huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, vững vàng về bản lĩnh chính trị, nắm chắc tình hình đất nước, khu vực và quốc tế để có các biện pháp tác chiến phù hợp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; phân tích, dự báo đúng các tình huống, các nguy cơ có thể dẫn đến biến động chính trị; tham mưu với Đảng và Nhà nước để có chủ trương và đối sách kịp thời, không để xảy ra bất ngờ về chiến lược...

Đội quân công tác: Luôn gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ với nhân dân,  “quan hệ máu thịt” với nhân dân, là cầu nối vững chắc và tin cậy của chính quyền với nhân dân. Là một trong các lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn… Vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác lại các luận điệu bóp méo, bôi nhọ, không đúng sự thật. Giải quyết hậu quả chiến tranh như: rà, phá bom mìn, tẩy độc môi trường và các chính sách sau chiến tranh. Tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Quân đội thực hiện công tác dân vận, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, phổ cập giáo dục và chăm sóc y tế cho người dân…

Đội quân sản xuất: Ngoài các nhiệm vụ trên, các đơn vị Quân đội còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, cải thiện đáng kể bữa ăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho bộ đội. Ngoài ra, giúp đỡ nhân dân trong lao động, sản xuất nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…

Trong tình hình mới, quán triệt sâu sắc và phát huy tinh thần thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình, bất cứ trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, phục vụ nhân dân với tinh thần ở đâu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhất ở đó có bộ đội. Điều này càng được thể hiện rõ trong những lúc nguy nan do thiên tai, dịch bệnh vừa qua. Đó là sự kế thừa và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình của Quân đội ta.

Thứ ba, quyền con người trong Quân đội đã được đưa và giáo dục cho mọi đối tượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam một cách có hệ thống

Triển khai thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành các quyết định để đưa nội dung của Công ước quốc tế về chống tra tấn và một số nội dung cơ bản về quyền con người giảng dạy trong các trường Quân đội. Ngày 11-12-2018, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ban hành Quyết định số 2159/QĐ-CT về Chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp; trong đó, có 2 chuyên đề về giáo dục quyền con người: Quyền con người và Công ước quốc tế về chống tra tấn. Từ năm 2018 đến nay, tất cả đơn vị trong Quân đội tổ chức các chuyên đề giáo dục pháp luật ngoại khóa về quyền con người.

Nội dung giảng dạy quyền con người trong các nhà trường quân đội đã được quy định, cụ thể hóa cho từng đối tượng đào tạo, gồm: sĩ quan cấp phân đội, trình độ đại học (không thuộc ngành luật); chuyên ngành luật, trình độ đại học; bậc hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, chức vụ; cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên trong các nhà trường quân đội.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy các nội dung liên quan đến quyền con người, tháng 4-2023, Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn nội dung về quyền con người cho giảng viên, giáo viên các trường quân đội.

Thứ tư, quyền con người trong Quân đội được thực hiện thông qua cơ chế, chính sách trên thực tế

Quyền con người trong Quân đội được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức trong Quân đội gồm: tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng (hội đồng quân nhân; thanh niên, công đoàn, phụ nữ)...Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định, luôn bảo đảm quyền con người, quyền của quân nhân và các đối tượng khác. Bảo đảm các đơn vị có một môi trường dân chủ, công bằng, bình đẳng giữa các quân nhân.

Trong Quân đội, thực hiện các cơ chế, chính sách, các quyền và nghĩa vụ của mỗi quân nhân luôn được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, điều lệnh, điều lệ chuyên môn, quy định của Quân đội. Thực hiện quyền con người được thể hiện qua việc thực hiện quyền dân chủ trên các lĩnh vực: Quân sự - chuyên môn, chính trị, kinh tế - đời sống; dân chủ gắn với kỷ cương; trách nhiệm và quyền hạn.

Thực hiện dân chủ về quân sự - chuyên môn: Quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được phổ biến, quán triệt nhiệm vụ chính trị; chỉ lệnh, kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, giáo dục chính trị; các quy định, quy tắc, điều lệnh, điều lệ chuyên môn; tham gia giám sát, góp ý về thực hiện nhiệm vụ của người chủ trì, chỉ huy cơ quan, đơn vị và quân nhân (trừ các nội dung thuộc về bí mật nhà nước).

Thực hiện dân chủ về chính trị: Quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được phổ biến, quán triệt và chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy đảng; các kế hoạch xây dựng tổ chức đảng, chỉ huy và các tổ chức quần chúng của cơ quan, đơn vị; tham gia góp ý vào các chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng chi bộ, đảng bộ; góp ý và tham gia giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tham gia bình xét khen thưởng, kỷ luật; thực hiện phản biện xã hội những văn bản dự thảo có liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội đồng quân nhân và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; được đề đạt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cá nhân; được tôn trọng và thực hiện các quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Thực hiện dân chủ về kinh tế - đời sống: Quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được phổ biến, quán triệt về chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện tăng gia sản xuất; thông báo công khai về tài chính bảo đảm  đời sống vật chất, tinh thần của cơ quan, đơn vị; các quyền lợi, nghĩa vụ, chế độ tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, Quân đội; việc lập, quản lý, sử dụng quỹ vốn từ tăng gia, sản xuất, làm kinh tế, dịch vụ; những khoản thu cho các phong trào, cuộc vận động của cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội đề cao, có cơ chế bảo đảm thực hiện một cách toàn diện trên thực tế theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệnh, điều lệ chuyên môn, quy định của Quân đội.

Cần phải nhận thức rằng, việc bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam không tách rời nghĩa vụ cơ bản của công dân, quân nhân và các thành phần khác trong Quân đội. Trong đó có nghĩa vụ trung thành, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Đảng; bảo vệ nhân dân.; bảo vệ thành quả cách mạng… Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động về thực hiện quyền con người ở Việt Nam và trong Quân đội. Tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản của Công ước quốc tế; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức, lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về thực hiện quyền con người trong Quân đội, trách nhiệm của quân nhân; tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền con người trong Quân đội; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của quân nhân; tôn trọng và bảo đảm các quyền của quân nhân; gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện quyền con người với nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của quân nhân.

_________________

Ngày nhận bài: 17-10-2023; Ngày bình duyệt: 22-12-2023; Ngày duyệt đăng: 8-1-2024.

 (1) Bốn đòn đột phá khẩu mà các thế lực thù địch tập trung vào gồm: “Dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”.

(2) http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-bao-ve-vung-chac-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/vai-tro-lanh-dao-doc-ton-cua-dang-doi-voi-quan-doi/17351.html

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.134.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,2011, tr.85. 

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, 2016, tr.166-167.

(6) Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

(7) Điều 15 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.

(8) Khoản 2 Điều 25 Luật Quốc phòng năm 2018.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm và thực hiện quyền con người trong Quân đội nhân dân Việt Nam
    POWERED BY