(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên thực tế, những nỗ lực hỗ trợ bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng chưa đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập. Điều tra khảo sát 2.894 đại diện hộ gia đình 17 dân tộc thiểu số tại 8 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng cho thấy còn nhiều bất bình đẳng giới trong gia đình, thể hiện nổi bật ở phân công lao động và thời gian dành cho việc nhà; về quyền bình đẳng trong sở hữu tài sản; về bạo lực gia đình. Kết quả nghiên cứu gợi mở nhiều định hướng trong xây dựng các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở nước ta hiện nay.
Việt Nam quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số - Ảnh: suckhoedoisong.vn
Điều 5, Luật Bình đẳng giới năm 2006 có ghi: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới trong đời sống gia đình là cơ sở để đạt được bình đẳng giới trong xã hội vì gia đình là hạt nhân của xã hội. Bất bình đẳng giới diễn ra ở nhiều lĩnh vực cuộc sống có gốc rễ từ bất bình đẳng giới trong gia đình, khi người phụ nữ bị gắn chặt với vai trò chăm sóc gia đình, do đó mất cơ hội trong học tập, sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội và lãnh đạo, quản lý(1).
Nội hàm của khái niệm bình đẳng giới trong gia đình thể hiện trong một số chiều cạnh chính, như: phân công lao động đối với công việc gia đình và thời gian dành cho việc nhà; quyền ra quyết định trong gia đình; quyền sở hữu tài sản; sự thiên vị giới tính con cái và bạo lực giữa vợ - chồng trong gia đình.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều nỗ lực trong thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới trên các lĩnh vực ở vùng dân tộc thiểu số. Nhiều văn bản luật pháp và chính sách về bình đẳng giới trong gia đình được ra đời, như: Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007), Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2000, 2014), v.v.. Nhiều chính sách có các quy định riêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Thí dụ như: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19-5-2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đạt tới sự bảo đảm bình đẳng giới thực chất trên các phương diện tham gia, thụ hưởng của phụ nữ trong gia đình và các lĩnh vực xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, những nỗ lực hỗ trợ bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng chưa đáp ứng được các yêu cầu của quá trình hội nhập. Người phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn gắn chặt với các công việc gia đình và bị hạn chế thời gian tham gia các công việc xã hội. Ở một số dân tộc, người phụ nữ đảm nhiệm “vai trò kép” trong gia đình, vừa là nhân vật chính trong hoạt động sản xuất, vừa là người nội trợ và chăm sóc các thành viên trong gia đình(2). Nam giới vẫn chủ yếu là chủ sở hữu chính nhà cửa và đất đai, việc phân chia tài sản có giá trị cho con cái có xu hướng thiên vị theo giới tính(3). Bạo lực của chồng đối với vợ vẫn còn tồn tại ở nhiều dân tộc thiểu số.
Kết quả cuộc điều tra 2.894 đại diện hộ gia đình 17 dân tộc thiểu số tại 8 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng(4) cho thấy còn nhiều bất bình đẳng giới trong gia đình, thể hiện nổi bật ở phân công lao động và thời gian dành cho việc nhà; về quyền bình đẳng trong sở hữu tài sản; về bạo lực của chồng đối với vợ.
1. Bình đẳng giới trong phân công lao động và thời gian làm việc nhà
Phân công lao động trong gia đình là chỉ báo quan trọng đo lường mức độ bình đẳng giới trong đời sống gia đình. Làm thế nào để phụ nữ và nam giới ngày càng chia sẻ nhiều hơn các công việc gia đình là một trong những mục tiêu của chính sách bình đẳng giới. Theo Mục tiêu 6 của Chiến lược Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chỉ tiêu 1: Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020.
Kết quả nghiên cứu các hộ gia đình dân tộc thiểu số nhận thấy, những công việc nam giới làm chủ yếu là: bảo trì, sửa chữa đồ dùng trong gia đình; làm, sửa nhà; thắp hương, cúng lễ ở bàn thờ; những công việc phụ nữ làm chủ yếu là: quản lý tiền trong gia đình và các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình. Qua đó cho thấy khuôn mẫu truyền thống về phân công lao động theo giới trong gia đình vẫn được bảo lưu ở các gia đình dân tộc thiểu số hiện nay. Tuy nhiên, ở một số công việc vốn dĩ phần lớn dành cho nam giới hay cho phụ nữ thì ngày nay đã có sự chia sẻ đồng đều hơn ở hai giới, đặc biệt là vấn đề nuôi dạy con và thay mặt gia đình trong quan hệ với bên ngoài.
Về phân công lao động theo giới, các công việc do phụ nữ làm thường là công việc hằng ngày, do đó ảnh hưởng đến tổng thời gian dành cho công việc gia đình. Tính trung bình người phụ nữ ở các gia đình dân tộc thiểu số phải làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới gấp gần 1,5 lần. Người phụ nữ dân tộc thiểu số ngoài việc tham gia tích cực vào công việc có thu nhập thì phải chịu thêm gánh nặng kép là nhân vật chủ yếu thực hiện các công việc gia đình. Tuy nhiên, khoảng cách giới về thời gian làm việc nhà khác nhau theo các nhóm dân tộc và khu vực. Chênh lệch giữa thời gian làm việc nhà của nam giới và phụ nữ các dân tộc theo chế độ mẫu hệ là 1,5 lần, trong khi đó với dân tộc theo chế độ phụ hệ là 0,7 lần (Hình 1).
Đối với các khu vực, khoảng cách giới thấp nhất là ở nhóm dân tộc miền núi phía Bắc (theo chế độ phụ hệ) với 1,3 lần; tiếp đó là ở khu vực Bắc Trung Bộ (theo chế độ phụ hệ), với 1,48 lần. Khoảng cách thời gian làm việc nhà giữa phụ nữ và nam giới cao hơn hẳn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu theo chế độ mẫu hệ), với khoảng cách lần lượt là 1,79 và 1,7 lần. Qua đó cho thấy, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc mẫu hệ có thời gian làm việc nhà cao hơn đáng kể so với phụ nữ dân tộc theo chế độ phụ hệ; đồng thời cũng nhiều hơn thời gian làm việc của nam giới. Điều này phản ánh phụ nữ thuộc các dân tộc mẫu hệ phải chịu gánh nặng công việc nhà rất nhiều.
Sự tham gia của nam giới vào việc nhà tùy thuộc vào quan niệm chung ở cộng đồng nhưng cũng có thể căn cứ vào điều kiện gia đình. Một số ý kiến cho thấy sự tham gia của hai giới vào các công việc gia đình đã phổ biến hơn trong những năm gần đây, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng, chuẩn mực giới trong phân công lao động gia đình còn khá nặng nề.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc nâng cao trình độ học vấn, mở rộng cơ hội việc làm ngoài gia đình, việc ban hành và triển khai các luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, các cuộc vận động, tăng cường truyền thông, v.v.. trong thời gian qua có tác dụng nhất định trong việc nâng cao sự tham gia đồng đều của hai giới vào các công việc gia đình. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này, đặc biệt là nâng cao học vấn cho người dân và nhất là cho phụ nữ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến bình đẳng giới trong phân công lao động trong gia đình thời gian tới.
2. Bình đẳng giới trong thực hiện quyền tài sản
Bình đẳng giới trong thực hiện quyền tài sản có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của bản thân người phụ nữ nói riêng và toàn xã hội nói chung, giúp nâng cao vai trò của người phụ nữ trong tổ chức hoạt động kinh tế gia đình cũng như tăng khả năng huy động nguồn lực đất đai và con người cho phát triển kinh tế - xã hội(5).
Có hai chỉ báo quan trọng khi xem xét về quyền sở hữu tài sản là quyền đứng tên trên sổ đỏ nhà/đất và quyền được bố mẹ chia tài sản công bằng. Theo Luật Đất đai (năm 2003 và năm 2013), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở phải ghi tên của cả chồng và vợ. Đây là chính sách có ý nghĩa quan trọng nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới trong tiếp cận các nguồn lực xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong sở hữu nhà, đất. Luật pháp cũng quy định, con gái cũng như con trai có quyền như nhau trong việc thừa kế tài sản của cha mẹ.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, với 739 người có nhà, đất mua hoặc Nhà nước cấp, tự khai phá sau khi kết hôn, tỷ lệ người chồng đứng tên cao hơn một cách đáng kể so với các hình thức khác (78,3%), trong khi tỷ lệ người vợ đứng tên là 9,9% và cả hai cùng đứng tên là 11,8% (Bảng 1).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, dù dân tộc thiểu số theo chế độ phụ hệ hay mẫu hệ thì người chồng đứng tên sở hữu vẫn cao nhất. Với nhóm dân tộc thuộc chế độ mẫu hệ, tỷ lệ người chồng đứng tên sở hữu cao gấp khoảng 5 lần so với tỷ lệ người vợ đứng tên. Tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng đứng tên khá thấp ở cả 2 nhóm dân tộc. Qua đó cho thấy, việc đứng tên sở hữu rõ ràng không thuần túy chỉ căn cứ vào thực hành văn hóa nối dõi mà còn liên quan đến vị thế giới, những trình tự, thủ tục hành chính và nhận thức của người dân.
So sánh giữa các khu vực cho thấy, tỷ lệ nam giới đứng tên sở hữu nhà cao nhất ở khu vực miền núi phía Bắc, trong khi đó tỷ lệ phụ nữ đứng tên sở hữu nhà cao nhất ở khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy tuy cũng thuộc dân tộc theo chế độ mẫu hệ nhưng tỷ lệ đứng tên sở hữu nhà đất phân theo giới tính lại có sự khác nhau giữa khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ cả hai cùng đứng tên cao hơn.
Gắn với việc đứng tên sở hữu là việc phân chia tài sản cho các con. Mức độ chia sẻ công bằng về tài sản cho con trai và con gái sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống gia đình dân tộc thiểu số. Qua khảo sát cho thấy, chiếm tỷ lệ cao nhất là phương án chia đều hoặc tùy theo hoàn cảnh (60,3%), chia tài sản cho con trai với tỷ lệ là 28,8% và cho con gái với tỷ lệ là 10,9% (Bảng 2).
Sự phân chia tài sản cho con trong các gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi phong tục truyền thống của các dân tộc. Theo tập quán, các gia đình thuộc nhóm dân tộc mẫu hệ có xu hướng chia tài sản cho con gái nhiều hơn và ngược lại, các dân tộc theo chế độ phụ hệ sẽ chia tài sản cho con trai nhiều hơn. Kết quả phân tích theo các nhóm dân tộc cũng phản ánh điều đó khi tỷ lệ gia đình ở nhóm dân tộc mẫu hệ chia tài sản cho các con một cách công bằng cao hơn khoảng 16 điểm phần trăm so với gia đình phụ hệ (69,9% so với 53,8%). Đó là một dấu hiệu đáng mừng trong sự chuyển đổi nhận thức và thực hành bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số đối với quyền tài sản của con người.
Ngoài nhóm gia đình phân chia tài sản cho con một cách công bằng, chiếm gần như tuyệt đại đa số ở các gia đình phụ hệ là ưu tiên chia tài sản cho con trai và gia đình mẫu hệ là ưu tiên chia tài sản cho con gái. Kết quả này cho thấy dấu ấn rõ rệt của yếu tố văn hóa trong vấn đề phân chia tài sản cho con cái ở các dân tộc thiểu số.
Phong tục truyền thống, trọng nam cũng như trọng nữ ở từng nhóm dân tộc là một nguyên nhân quan trọng lý giải hạn chế trong việc cùng đứng tên trên giấy tờ sở hữu nhà, đất cũng như thái độ đối với việc phân chia tài sản. Chính sự kỳ vọng sau này con trai/con gái sẽ nuôi dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên đã là cơ sở để họ được hưởng ưu tiên về tài sản nhằm bù đắp cho trách nhiệm mà họ gánh vác sau này.
Tỷ lệ chia tài sản cho con trai hay con gái cũng có sự khác biệt giữa các khu vực. Đối với khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ phân chia tài sản cho con trai là cao nhất, tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ. Trong khi đó, đối với khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ phân chia tài sản cho con gái lại lớn hơn. Do đặc tính cư trú của các dân tộc mẫu hệ tập trung ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nên tỷ lệ phân chia tài sản cho con gái lớn hơn con trai ở các khu vực này lớn hơn các vùng khác. Tuy nhiên, xét về khía cạnh bình đẳng giới trong phân chia tài sản thì dường như khu vực miền núi phía Bắc còn nhiều định kiến hơn.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng bình đẳng giới trong đứng tên sở hữu nhà, đất ở và cách phân chia tài sản cho con trong các gia đình dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, xu hướng biến đổi khá chậm. Đối với việc đứng tên sở hữu nhà, đất, tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng đứng tên còn tương đối thấp vì còn tùy thuộc vào trình tự thủ tục cấp mới/cấp lại giấy tờ sở hữu.
Yếu tố học vấn có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức và thực hành bình đẳng giới về quyền tài sản của người dân. Những người có học vấn thấp thì khả năng được đứng tên sở hữu nhà, đất thấp hơn và cách phân chia tài sản cho con cũng ít công bằng hơn. Rào cản ngôn ngữ đã ngăn cản phụ nữ ở các nhóm dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ pháp lý và khiến cho họ nghĩ là nam giới đại diện tốt hơn cho những lợi ích tài sản của họ.
3. Bạo lực của chồng đối với vợ
Bạo lực của chồng đối với vợ là một hình thức bất bình đẳng giới nghiêm trọng trong gia đình, gây nên nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển gia đình nói chung và cuộc sống của mỗi thành viên gia đình nói riêng, trong đó đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em.
Theo ước tính, tổn thất kinh tế cho cả xã hội từ các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ có thể chiếm đến 1,78-1,81% GDP hằng năm ở Việt Nam(6). Kết quả khảo sát cho thấy có một tỷ lệ không nhỏ những người phụ nữ bị chồng hành hạ cả bằng bạo lực thể xác và tinh thần; đồng thời tình trạng bạo lực kinh tế và tình dục còn xảy ra.
Kết quả phân tích số liệu (Bảng 3) cho thấy bức tranh chung về hành vi bạo lực của chồng đối với vợ trong 12 tháng theo 4 nhóm bạo lực là: 5,9%, 20,7%, 0,9% và 1,8%. Những số liệu này khá tương đồng với tỷ lệ chung của phụ nữ bị bạo lực trong cuộc Điều tra quốc gia về Bạo lực gia đình năm 2019(7) về bạo lực thể chất và tinh thần, nhưng ít hơn về bạo lực tình dục và kinh tế. Trong đó, bạo lực tinh thần xảy ra nhiều hơn ở nhóm theo chế độ mẫu hệ, bạo lực kinh tế xảy ra nhiều hơn ở nhóm phụ hệ. Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất ở cả ba nhóm bạo lực, đặc biệt là bạo lực tinh thần (46%) trong khi tỷ lệ này ở các khu vực khác là dưới 18%. Khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ bạo lực thấp nhất.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là nhận thức không đầy đủ về bạo lực giới. Phần lớn người dân thường xem bạo lực giới là các hành vi bạo lực thể chất và đó là hành vi vi phạm pháp luật, còn các hành vi kiểm soát xã hội và bạo lực tình dục chưa được người dân nhận thức đúng.
Một tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực của chồng đối với vợ là do “say rượu”. Tỷ lệ cao các hành vi bạo lực gia đình gắn với việc say rượu gợi ra rằng hạn chế uống rượu nhiều là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số.
Việc ứng xử với bạo lực của các chủ thể cũng là nguyên nhân thúc đẩy bạo lực gia tăng hay thuyên giảm. Qua khảo sát nhận thấy, trong các trường hợp bị bạo lực, đa số nạn nhân đều giữ im lặng về hành vi bạo lực với người chồng (72,1%). Rất ít trường hợp nói với người có trách nhiệm xử lý (chưa đến 2%).
Một số yếu tố làm cho nạn nhân trở nên cam chịu, sống chung với bạo lực chính là vì họ nghĩ bạo lực là chuyện riêng của gia đình. Cảm giác hổ thẹn, “xấu chàng hổ ai” cũng là một yếu tố ngăn chặn nạn nhân bạo lực nói ra tình trạng của mình và là nguyên nhân làm bạo lực tiếp tục tiếp diễn(8). Sự che dấu hành vi bạo lực gia đình của nạn nhân vì sợ xấu hổ với người thân, hàng xóm, việc giữ gìn thể diện hạnh phúc giả tạo của gia đình khiến nạn nhân bạo lực gia đình không dám tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài và cam chịu đã tạo điều kiện cho bạo lực gia đình tồn tại(9).
Như vậy, mặc dù đã có sự thay đổi theo hướng tích cực về sự phân công lao động giữa vợ và chồng nhưng nhìn chung khuôn mẫu giới về công việc nhà vẫn còn tồn tại ở mức độ đáng kể. Thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao hơn đáng kể so với thời gian làm việc nhà của nam giới. Người phụ nữ dân tộc thiểu số ngoài việc tham gia kiếm thu nhập phải chịu thêm gánh nặng kép với vai trò là nhân vật chủ yếu thực hiện các công việc gia đình. Có sự thay đổi theo xu hướng bình đẳng giới hơn trong việc đứng tên sở hữu nhà, đất ở và cách phân chia tài sản cho con cái trong các gia đình dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, xu hướng biến đổi khá chậm và khoảng cách về tỷ lệ đứng tên sở hữu hay được phân chia tài sản công bằng giữa phụ nữ và nam giới, con gái và con trai còn khá lớn. Phong tục truyền thống có vai trò quan trọng trong việc bảo lưu vấn đề này.
Nhận thức của người dân về bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực của chồng đối với vợ nói riêng còn hạn chế. Đó là yếu tố quan trọng dung dưỡng các hành vi bạo lực gia đình giữa chồng và vợ, trong đó các hành vi bạo lực đối với vợ nghiêm trọng hơn, nhất là bạo lực về thể chất. Loại bạo lực chủ yếu là bạo lực tinh thần, sau đó là bạo lực thể chất. Say rượu mặc dù không được coi là nguyên nhân gốc của hành vi bạo lực của chồng đối với vợ nhưng là tác nhân quan trọng. Giải quyết vấn đề hạn chế uống rượu nhiều là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số.
Điều rất cần quan tâm là người vợ bị bạo lực không mạnh dạn nói ra về tình trạng của mình, nhất là với các cơ quan chính quyền và tổ chức đoàn thể. Chính điều đó tạo điều kiện cho những hành vi bạo lực tiếp diễn. Vì vậy cần tăng cường sự kết nối chặt chẽ hơn giữa gia đình và chính quyền cơ sở mà trước tiên là cán bộ hòa giải ở cơ sở và sau đó là sự quan tâm sát sao của cấp xã nhằm nắm bắt và hạn chế các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ tốt hơn.
Nâng cao học vấn và tăng cường tập huấn về bình đẳng giới cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, cũng như xây dựng môi trường hỗ trợ pháp lý cho họ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm bình đẳng giới về tham gia công việc gia đình, quyền tài sản của người dân và hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ trong các gia đình dân tộc thiểu số.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 537 (tháng 11-2022)
Ngày nhận bài: 17-3-2022; Ngày bình duyệt: 7-11-2022; Ngày duyệt đăng: 25-11-2022.
(1) Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015.
(2) Xem: Nguyễn Minh Tuấn: Bình đẳng giới trong gia đình người Ê đê ở Đăk Lăk, Tạp chí Xã hội học số 2-2012, tr.81-88; Nguyễn Lệ Thu: Bình đẳng giới trong lao động gia đình dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2017.
(3) Hoàng Cầm, Lê Thanh Sang, Nguyễn Thị Phương Châm, Ngô Thị Phương Lan, Trần Tuyết Nhung, Vũ Thành Long: Tiếp cận đất đai của phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay, UNDP, 2013.
(4) Kết quả khảo sát Đề tài cấp quốc gia Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số nước ta do GS, TS Nguyễn Hữu Minh làm chủ nhiệm, năm 2019.
(5) Xem: Ngân hàng thế giới: Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam, năm 2006; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới & Unicef: Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Phụ nữ và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội: Phụ nữ, đất đai và luật pháp ở Việt Nam, 2015.
(6) Duvvury Nata, Nguyễn Hữu Minh và Patricia Carney: Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam, Hà Nội, 2012.
(7) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, và UNPA: Báo cáo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 - Hành trình để thay đổi, Hà Nội, 2020.
(8) Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Vân Anh (đồng chủ biên): Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam: thực trạng, diễn tiến và nguyên nhân, Nxb Khoa học Xã hội, 2009.
(9) Báo cáo Số 395/BC-UBND ngày 11-7-2018 của Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
GS, TS NGUYỄN HỮU MINH
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam