Đào tạo - Bồi dưỡng

Các trường Cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

05/08/2024 17:02

(LLCT) - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo cả nước nói chung, ở các trường Cao đẳng nghề của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, là nhiệm vụ cấp bách trước những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bài viết khái quát về hoạt động đào tạo của các trường Cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phân tích thực trạng, những vấn đề đặt ra trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

THS NGUYỄN XUÂN TOÁN
Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức

Sinh viên trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học thực hành _ Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

1. Mở đầu

Với chủ trương lấy dịch vụ và công nghiệp giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đang được cơ cấu lại, hướng vào các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, nhằm giảm dần các ngành thâm dụng lao động, gia công, đặc biệt là các ngành gây ô nhiễm môi trường. Đó là nhóm các ngành công nghiệp trọng yếu như cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - caosu, chế biến lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ khí chế tạo - tự động hóa, v.v.

Với những chủ trương cơ bản nêu trên, quan điểm phát triển trước đây vốn dựa vào nguồn nhân lực đông đảo và giá rẻ đã trở nên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Do đó, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì yêu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo nghề nghiệp chuyên môn đòi hỏi hàm lượng chất xám cao cùng với việc sử dụng nguồn nhân lực đó một cách hợp lý, phù hợp với sự chuyển đổi sản xuất đang trở nên cấp thiết.

2. Khái quát các trường Cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có nguồn nhân lực lớn nhất nước, với số lượng ước tính vào năm 2020(1) là 4.769,6 nghìn người trong độ tuổi lao động, tổng số người tính từ 15 tuổi có việc làm chiếm 49,7% dân số, trong đó số lượng lao động có trình độ chuyên môn được đào tạo chiếm tỷ lệ khoảng 38,7%, do đó tiềm năng về nguồn nhân lực của Thành phố có thể nói là rất lớn và thuận lợi đối với việc đào tạo lại để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với hoạt động đào tạo nghề, nếu tính theo hệ thống giáo dục trung cấp - cao đẳng thì Thành phố Hồ Chí Minh có 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 27 trường trung cấp nghề và 14 trường cao đẳng nghề đào tạo trình độ trung cấp (bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề) với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 là 56.197. Quy mô đào tạo cao đẳng (bao gồm cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề), có 26 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 19 trường cao đẳng nghề và 18 trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 là 67.024(2). Ngoài 8 đơn vị thuộc quản lý của Bộ Công thương, gồm Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trung cấp chuyên nghiệp Xây lắp điện. Ở bài viết này, khảo sát 09 trường cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh với những chuyên ngành đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực như: sửa chữa máy tàu thủy, xây dựng cầu đường bộ, công nghệ ôtô, quay phim, điện tử công nghiệp, cấp thoát nước, công nghệ thông tin, điện công nghiệp, logistic…

Cơ cấu và hoạt động của 09 trường cao đẳng nghề phản ánh bức tranh chung về đào tạo nghề của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và đương nhiên, có liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN và trong nước. Đơn cử, Cao đẳng Giao thông Trung ương II tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong nước, thì Cao đẳng Giao thông Trung ương VI lại hướng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động quốc tế và ASEAN. Một số trường cao đẳng khác của Thành phố có chung tên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành nghề khác có độ phủ theo diện rộng của cả quốc tế, ASEAN cũng như trong nước. Những trường như vậy, luôn thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề cho bản thân phù hợp và đáp ứng yêu cầu thị trường lao động nói chung và thị trường lao động của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Thực tiễn xã hội cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực không hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường lao động, bởi lẽ bản thân thị trường này luôn nằm trong sự biến động của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Một yếu tố được xem là khá quan trọng trong việc thúc đẩy nguyện vọng của các thí sinh lựa chọn nghề nghiệp ở những trường có khả năng đào tạo những ngành nghề có thể tạo đà cho họ phát triển trong tương lai về trình độ. Điều này xảy ra ở những thí sinh do hoàn cảnh gia đình hoặc tự nhận thức bản thân không thể vào đại học theo đúng nguyện vọng, nhưng đó lại là những thí sinh có lực học khá trở lên. Chính vì vậy, một trường cao đẳng nghề có lượng thí sinh lựa chọn đông đảo, lại có uy tín trong đào tạo với tỷ lệ tìm được việc làm cao cho những sinh viên tốt nghiệp, là địa chỉ thu hút sự quan tâm của thí sinh. Việc đào tạo liên thông hoặc liên kết với các công ty nước ngoài hoặc liên danh trong nước không chỉ tạo quy mô đào tạo có tiềm năng, mà còn có khả năng phát triển chất lượng nguồn nhân lực tốt.

3. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường cao đẳng nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh

Về thành tựu

Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường cao đẳng nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu cơ bản như:

Thứ nhất, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội và thị trường lao động

Sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và thị trường lao động của các thí sinh đã làm cho công tác tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo giục nghề nghiệp đạt được chỉ tiêu đề ra. Kết quả đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thị trường lao động chấp nhận. Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện chương trình nhánh “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, “Trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở những lĩnh vực gồm:

- Có khoảng 13,56% sinh viên, học sinh tốt nghiệp thuộc 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu;

- Có khoảng 50,31% sinh viên, học sinh tốt nghiệp thuộc 09 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu;

- Có khoảng 36,13% sinh viên, học sinh tốt nghiệp thuộc các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN;

Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của Thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận… Ở khối trường cao đẳng, có khoảng 81,76% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Một số đơn vị có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% như: Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn; Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ”(3).

Cơ cấu giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các loại hình công lập và ngoài công lập với quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, các ngành nghề đào tạo đa dạng, góp phần tích cực vào việc cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật nghiệp vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Một số ngành chủ đạo được các trường công lập chú trọng đào tạo như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến thực phẩm, tài chính, du lịch, v.v., với sự đầu tư thiết bị, học cụ luôn được trang bị và sự đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học cho phù hợp với sự phát triển ngành nghề. Đồng hành cùng các cơ sở đào tạo là sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Thứ hai, xây dựng và phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp bậc cao đẳng.

Trong những năm 2018 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng việc đầu tư, xây dựng trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm, trong đó có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố được xếp vào sự án đầu tư công trung hạn. Trong số 8 cơ sở đó có 05 trường cao đẳng nghề được đầu tư vốn khá cao, gồm:

- Dự án đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 của trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư là 236.972 triệu đồng;

- Dự án đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2018 - 2020 của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức với tổng mức đầu tư là 102.955 triệu đồng;

- Dự án mua sắm trang thiết bị của trường Cao đẳng Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ giai đoạn 2018 - 2020 với tổng mức đầu tư là 117.706 triệu đồng;

- Dự án đầu tư phát triển ngành cơ điện tử của trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thành ngành mũi nhọn giai đoạn 2018 - 2020 với tổng mức đầu tư là 199.562 triệu đồng;

- Dự án đầu tư phát triển ngành cơ khí thành ngành mũi nhọn của trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 với tổng mức đầu tư là 199.675 triệu đồng.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng tiến hành đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại để thu hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo và rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động của Thành phố(4).

Nhờ sự đầu tư có trọng điểm đối với các ngành nghề mũi nhọn mà nguồn nhân lực được đào tạo đạt chất lượng khá cao, thể hiện qua thành tích của những sinh viên tham gia tại Hội thi tay nghề cấp quốc gia các năm 2016, 2018 và khu vực ASEAN năm 2019(5). Điều đó khẳng định, Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chỉ riêng 05 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhận được sự đầu tư lớn theo các số liệu được dẫn ra ở trên, đã cho thấy nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua.

Thứ ba, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy

Năm 2020, “tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp là 12.786 người (tăng 3.200 người so với thời điểm đầu nhiệm kỳ), trong đó 100% đạt chuẩn về chuyên môn, 81,91% đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm, 54,67% có trình độ ngoại ngữ theo chuẩn quốc gia, 14,13% có trình độ ngoại ngữ chuẩn quốc tế, 61,58% có trình độ công nghệ thông tin theo chuẩn quốc gia và 11,21% có trình độ công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế. năm 2017 - 2018 Thành phố đã tăng cường tổ chức bồi dưỡng cho nhà giáo, cán bộ quản lý ở nội dung về nghiệp vụ sư phạm, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tự kiểm định chất lượng… (Chương trình hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc về đào tạo giáo viên nghề phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Hiệp Phước). Kết quả đã có 765 lượt giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo, bồi dưỡng trong nước và 20 giáo viên dạy nghề đã được đào tạo ở nước ngoài (Hàn Quốc)(6).

Thứ tư, hoạt động liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp được tăng cường

Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường được quan tâm thực hiện. Thành phố đã tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu các mô hình giáo dục nghề nghiệp hiện đại tại Nhật Bản (ngành công nghệ ôtô), Hàn Quốc (ngành cơ khí chính xác), Xinhgapo (ngành công nghệ thông tin), Inđônêxia (ngành xây dựng), Công hòa Liên bang Đức (công nghệ bảo vệ môi trường trong đào tạo nghề nghiệp), Ôxtrâylia (ngành logistics). Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với các đối tác nước ngoài như: Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức với trường Cao đẳng Yeungnam Ikong Hàn Quốc (trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại Hàn Quốc, giao lưu - trao đổi sinh viên, tiếp nhận tình nguyện viên Hàn Quốc sang dạy tiếng Hàn tại trường) ... Trường Cao đẳng nghề Thành phố (trường được lựa chọn xây dựng là trường chất lượng cao của quốc gia), Trường Công nghệ Thủ Đức và Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh (trường có nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và được lựa chọn phát triển ngành đào tạo mũi nhọn của Thành phố) đã tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ Ôxtrâylia, Đức theo dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điều này đã góp phần tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo; đầu tư cơ sở vật chất - phương tiện kỹ thuật dạy học các đơn vị; giúp cho người học sau tốt nghiệp có kỹ năng nghề, ngoại ngữ tiếp cận với các nước trong khu vực, tăng tính cạnh tranh với lực lượng lao động các nước trong khu vực ASEAN(7).

Một số cơ sở ngoài công lập cũng tích cực, chủ động xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực nhằm tranh thủ tiếp cận phương pháp đào tạo tiên tiến để nâng cao chất lượng đào tạo cho phù hợp với chuẩn quốc tế và khu vực. Các hình thức hợp tác giữa các trường cao đẳng nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều hướng tới phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng làm việc phù hợp với yêu cầu về chuyển dịch sản xuất do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường cao đẳng nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn những bất cập, hạn chế như:

Một là, vấn đề tuyển sinh đối với các trường cao đẳng thường không đạt chỉ tiêu. Việc mở rộng các trường đại học ở các địa phương, nhất là một số trường đại học dân lập tuyển sinh với mức điểm đầu vào thấp, cho nên nhiều cơ sở đào tạo bậc cao đẳng nghề của Thành phố không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Sự phân luồng học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học nghề theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05-12-2011 của Bộ Chính trị “đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề” trên thực tế không đạt.

Tình trạng nhu cầu chọn học nghề của học sinh Trung học phổ thông (THPT) cũng đang có xu hướng giảm. Hằng năm, tại 120 trường THPT trên địa bàn thành phố các năm 2016 - 2019 cho thấy: học sinh chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực… luôn có sự quan tâm tìm hiểu các khối ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế - tài chính. Năm 2018, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84% (giảm 1,20% so với năm 2017) tập trung vào các ngành cơ khí - tự động hóa; điện tử - cơ điện tử; công nghệ thông tin; công nghệ thực phẩm; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng. Và nhóm ngành kinh tế - tài chính có tỷ lệ học sinh lựa chọn là 14,9% (giảm 14,50% so với năm 2017) chủ yếu các ngành: marketing - quan hệ công chúng; tài chính - tín dụng - ngân hàng; kế toán - kiểm toán… Nhu cầu học bậc đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (87,00%, bậc cao đẳng (7,00% và bậc trung cấp (6,00%)(8).

Hai là, cơ sở vật chất của một số nhà trường còn lạc hậu so với yêu cầu đào tạo hiện đại. Mặc dù Thành phố đã có sự quan tâm trong việc phân bổ ngân sách cho một số trường cao đẳng nghề, cho các dự án mua sắm trang thiết bị và xây dựng chương trình trọng điểm mang tính chuyên ngành, song nhìn chung, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và lạc hậu, không đáp ứng được chuẩn về cơ sở vật chất cho chương trình đào tạo. Điều dễ dàng nhận thấy là, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, ở các trường cao đẳng nghề nói riêng còn lạc hậu so với yêu cầu dạy học tiên tiến thì cơ sở đào tạo không những không tạo ra được uy tín của mình đối với người sử dụng lao động, tạo ra tâm lý e ngại trong tuyển dụng lao động sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý xã hội trong việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Thêm nữa, nếu tình trạng này không được quan tâm và cải thiện đúng mức, chắc chắn các trường khó chuyển đổi từ mô hình đào tạo cũ sang mô hình mới.

Ba là, chưa thiết lập được trình độ chuẩn của giáo viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập còn nhiều hạn chế. Hiện “vẫn còn tỷ lệ nhà giáo chưa đạt chuẩn giảng dạy ở các hình thức: lý thuyết, thực hành, tích hợp sau khi tổ chức đánh giá, xếp loại nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kịp thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để đạt chuẩn, thì việc này phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các đơn vị; tạo uy tín không tốt đối với xã hội, gây tác động không tốt trong quá trình tuyển sinh của các đơn vị”(9).

Những hạn chế nêu trên tại các trường cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, do tâm lý xã hội thường coi trọng bằng cấp và coi nhẹ giáo dục nghề nghiệp, cho nên phụ huynh đa phần hướng con em vào đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trong khhi đó, việc mở rộng các trường đại học ở các địa phương, các trường đại học dân lập tuyển sinh với mức điểm đầu vào thấp, nên nhiều cơ sở đào tạo bậc cao đẳng nghề của thành phố không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Tình trạng nhu cầu chọn nghề, học nghề của học sinh THPT cũng đang có xu hướng giảm; học sinh chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực… luôn có sự quan tâm tìm hiểu các khối ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế - tài chính.

Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, đội ngũ giảng viên, giáo viên còn thiếu không chỉ về số lượng, mà trình độ chuyên môn chưa cao ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

4. Một số phương hướng giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Từ thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh và những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhận diện những vấn đề đặt ra đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường cao đẳng nghề hiện nay đó là:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần định hướng rõ ràng, có cơ sở lý luận vững chắc và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ thí điểm ở một số trường trọng điểm đến phổ cập toàn quốc đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề đặt ra là phải tăng cường xây dựng và phát triển mối quan hệ Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường, trong đó: việc ban hành các thể chế và xác định ngành nghề ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính và “đặt hàng” nguồn lực lao động cho các cơ sở đào tạo nhằm mục tiêu phát triển doanh nghiệp dài hạn (nhà doanh nghiệp); cần dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thị trường lao động để tiến hành đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ và “đơn hàng” về nguồn nhân lực được đào tạo (nhà trường).

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải được đặt trong chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”. Trong các dự án phát triển nguồn nhân lực do Nhà nước đầu tư cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phần dành riêng cho đầu tư đào tạo và bồi dưỡng giáo viên luôn được chú trọng. Do đó, vấn đề đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo lại đội ngũ giáo viên và quản lý cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuẩn hóa, phát triển đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục nghề nghiệp cần được xây dựng và hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ ba, do tâm lý coi trọng bằng cấp, coi nhẹ công việc làm thợ trong xã hội đang cản trở việc lựa chọn, định hướng nghề nghiệp đối với học sinh các bậc học phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, gây ra sự mất cân đối và kế hoạch tuyển sinh của các trường giáo dục nghề nghiệp nói chung, cao đẳng nghề nói riêng. Đây là vấn đề cần được khắc phục trên cơ sở phát huy vai trò của truyền thông và nâng cao uy tín của các cơ sở đào tạo nhằm thu hút người học ngày càng đông.

Thứ tư, để thu hút sự quan tâm của xã hội về đào tạo nghề, cần có sự chứng minh thực lực của cơ sở đào tạo, thể hiện ở số lượng đầu vào của học sinh và đầu ra có kỹ năng làm việc, được các doanh nghiệp tiếp nhận. Thực lực đó có được là do sự đổi mới nội dung, phương pháp của chương trình đào tạo; do việc phát triển hoạt động kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng như hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao (mô hình đào tạo kép của Đức, mô hình Kosen của Nhật Bản, kinh nghiệm của Malaixia trong định danh chất lượng lao động kỹ thuật, khung kỹ năng nhân lực kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản, v.v.).

Thứ năm, giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc nâng cao năng lực tư vấn, hướng nghiệp dựa trên cơ sở dữ liệu dự báo khoa học về nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động cũng như khả năng đáp ứng đòi hỏi về kỹ năng làm việc của người học sau khi tốt nghiệp.

Thứ sáu, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để người học sau khi tốt nghiệp có đủ điều kiện làm việc tại các liên danh ở Việt Nam hay ở nước ngoài.

5. Kết luận

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Đây là một vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương. Các trường cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Sáu phương hướng giải pháp được nêu ra khi nghiên cứu thực trạng hoạt động này ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mang tính khái quát và sơ bộ, còn nhiều vấn đề phức tạp hơn đối với toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, không chỉ liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở các trường cao đẳng nghề, mà còn liên quan đến các hệ đào tạo nguồn nhân lực khác, cần được nghiên cứu làm rõ để xác định quan điểm, phương hướng và những giải pháp phù hợp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường cao đẳng nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

_________________

Ngày nhận bài: 18-6-2024; Ngày bình duyệt: 11-7-2024; Ngày duyệt đăng: 5-8-2024.

(1) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, 2020, tr.52.

(2) Trần Anh Tuấn: Thực trạng đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu lao động trẻ giai đoạn 2017 - 2020 đến 2025 và tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11-2016.

(3), (4), (6), (7) Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh: Công văn số 11628/SLĐTBXH-GDNN về kết quả thực hiện chương trình nhánh: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, ngày 08-5-2020.

(5) Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh: trong tài liệu đã dẫn, “Tại Hội thi tay nghề cấp quốc gia năm 2016, (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đoạt): giải nhì toàn đoàn; 12 giải nhất, 04 giải nhì, 07 giải ba và 14 giải khuyến khích ở nội dung cá nhân. Năm 2018: giải nhì toàn đoàn, 08 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc, 06 Huy chương Đồng và 13 giải khuyến khích. Bên cạnh đó, trong năm 2016, đoàn dự thi của Việt Nam tham gia tranh tài ở kỳ thi khu vực ASEAN và quốc tế cũng gặt hái nhiều thành công mà trong đó có sự góp sức của học sinh Thành phố Hồ Chí Minh với giải khuyến khích tại kỳ thi tay nghề quốc tế, nghề nghiệp vụ nhà hàng.

(8) Trần Anh Tuấn: Tham luận đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại Hội thảo khoa học Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về: “Văn hóa - Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các trường Cao đẳng nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
    POWERED BY