(LLCT) - Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho công tác truyền thông chính trị, đồng thời cũng bộc lộ nhiều mặt trái ngược với những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xử lý khủng hoảng truyền thông chính trị có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Bài viết tập trung làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến xử lý khủng hoảng truyền thông chính trị giúp các chủ thể chủ động ứng phó với các tình huống bất ngờ.
TS NGUYỄN THỊ THANH DUNG
Viện Chính trị học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Mở đầu
Ngày nay, xã hội loài người đang chịu áp lực cao do sự chia rẽ và phân cực gia tăng. Một số cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn hoặc mới xuất hiện, nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin chính xác, đáng tin cậy và truyền thông chính trị hiệu quả, thuyết phục như: khủng hoảng khí hậu, đại dịch Covid-19, khủng hoảng hiến pháp. Những thách thức này diễn ra trong bối cảnh truyền thông đang chuyển đổi với các chủ thể chính trị và truyền thông mới nổi, các hình thức truyền thông mới và các hiện tượng liên quan ảnh hưởng đến sự tương tác giữa chính trị, truyền thông và công dân. Dựa trên các cách xử lý trong thực tế, bài viết luận giải các yếu tố tác động đến xử lý khủng hoảng truyền thông chính trị.
2. Khái niệm truyền thông chính trị, khủng hoảng truyền thông chính trị
Có nhiều cách hiểu khác nhau về truyền thông chính trị. Trong khoa học chính trị Nga, M.Yu. Goncharov định nghĩa về truyền thông chính trị là sự lưu chuyển thông tin trong lĩnh vực hoạt động chính trị, bao gồm mọi thông điệp có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các giai cấp, quốc gia và nhà nước(1). Theo đó, bản chất của truyền thông chính trị là “thông tin phục vụ cơ cấu chính trị và ảnh hưởng đến việc ra quyết định chính trị”(2).
Belova G.A. và các cộng sự (1993) định nghĩa: “Truyền thông chính trị là khái niệm phản ánh quá trình tương tác giữa các chủ thể chính trị dựa trên việc trao đổi thông tin và giao tiếp trực tiếp, cũng như phương tiện và phương pháp của sự tương tác này”(3).
Latynov (1999) cho rằng, giao tiếp chính trị là sự trao đổi thông tin giữa các chủ thể của đời sống chính trị. Sự trao đổi này diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau cả chính thức (bao gồm báo chí chính thức và phương tiện điện tử) và không chính thức. Trong đó, truyền thông chính trị đại chúng, “ngày càng biến từ một yếu tố chính trị thứ yếu, trở thành quan trọng”. Ông tin rằng, chính truyền thông chính trị đại chúng thúc đẩy việc tiếp thu kiến thức, thái độ, giá trị và hình thức tham gia chính trị(4).
Theo P. Norris (1999) định nghĩa, truyền thông chính trị là một quá trình tương tác liên quan đến việc truyền tải thông tin giữa các chính trị gia, giới truyền thông và công chúng. Quá trình này vận hành từ trên xuống dưới, từ các thể chế quản lý tới người dân, theo chiều ngang trong các mối liên kết giữa các chủ thể chính trị và cũng đi lên từ dư luận tới chính quyền(5).
Truyền thông chính trị luôn là trọng tâm của quá trình bầu cử và hoạch định chính sách. Từ những năm đầu 1990, sự phát triển của khoa học - công nghệ đã làm thay đổi căn bản quá trình này. Đặc biệt, sau chiến tranh lạnh, các phương tiện thông tin đại chúng chuyển từ báo chí, phát thanh và truyền hình truyền thống sang truyền thông trên nền tảng Internet.
Từ các cách tiếp cận trên, truyền thông chính trị là cách thức tương tác, giao tiếp giữa các chủ thể chính trị với nhau, giữa các chủ thể chính trị và công chúng thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhằm tác động đến tri thức, niềm tin và hành vi của các bên giao tiếp về các vấn đề chính trị.
Quá trình truyền thông, cũng như truyền thông chính trị thường được tổ chức theo mô hình với các yếu tố chính như sau: (1) Chủ thể truyền thông; (2) Mục tiêu truyền thông; (3) Nội dung truyền thông (thông điệp, sản phẩm báo chí truyền thông); (4) Phương thức truyền thông (kênh chuyển tải); (5) Đối tượng truyền thông (công chúng của truyền thông); (6) Hiệu quả truyền thông.
Chủ thể truyền thông gồm:
(i) Trực tiếp sản xuất các sản phẩm truyền thông (thông điệp truyền thông chính trị là thông điệp chứa nội dung chính trị), thông qua các phương tiện truyền thông, gửi đến đối tượng truyền thông (công chúng). Trong truyền thông chính trị, đó là các cơ quan nhà nước có chức năng hoạch định chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quyết định chính trị.
(ii) Các cơ quan truyền thông có vai trò: Một mặt, đóng vai trò là phương tiện truyền thông, chuyển tải những nội dung (thông điệp) của các chủ thể đến công chúng. Mặt khác, các cơ quan này là các chủ thể truyền thông, sản xuất và sáng tạo các nội dung để truyền tải đến công chúng(6).
(iii) Với truyền thông số, người dùng mạng xã hội có thể trở thành những nhà báo công dân bằng cách tự đưa tin, hay trở thành những biên tập viên bằng cách chia sẻ với bạn bè về những tin tức trên mạng xã hội. Hơn thế nữa, chính người dùng đang chi phối quá trình phân phối tin tức, đòi hỏi chủ thể truyền thông số phải có tính độc lập, tính tự chủ và tính trách nhiệm rất cao. Như vậy, trong truyền thông số, vai trò cá nhân được nâng lên rõ nét thông qua việc tương tác với những cá nhân khác bằng phương tiện, địa chỉ và tên riêng.
3. Khủng hoảng truyền thông chính trị và các yếu tố tác động đến xử lý khủng hoảng truyền thông chính trị
Khủng hoảng truyền thông chính trị
Khủng hoảng truyền thông chính trị là một sự kiện chính trị bất ngờ diễn ra mà trong đó thông tin tiêu cực liên quan đến một tổ chức hoặc cá nhân được phát tán rộng rãi, gây ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chủ thể tham gia vào đời sống chính trị. Tình trạng này có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sai phạm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách; hành vi không đúng đắn của cán bộ, nhân viên, do mâu thuẫn giữa các xung đột xã hội; sự chống phá của các lực lượng thù địch, tung tin thất thiệt, xuyên tạc về các sự kiện chính trị. Khủng hoảng truyền thông chính trị là gây ra những hệ quả tiêu cực, nguy hiểm, bất ngờ, không lường trước được đối với các hoạt động bình thường của cá nhân, nhóm, cộng đồng, hay toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó, các chủ thể truyền thông chính trị cần áp dụng những biện pháp, phương thức và công cụ đặc biệt để xử lý.
Việc xử lý các khủng hoảng truyền thông chính trị chịu tác động của các yếu tố sau :
Một là, năng lực quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị
Khi một cuộc khủng hoảng truyền thông chính trị xảy ra, vai trò của các chủ thể quản trị khủng hoảng (các cơ quan nhà nước, các chủ thể truyền thông) rất quan trọng. Thứ nhất, nếu các chủ thể truyền thông có năng lực, xã hội sẽ được cung cấp thông tin về sự kiện đang diễn ra một cách kịp thời, chính xác. Điều đó làm cho mọi thành phần trong xã hội đều nhận thức rõ sự kiện. Họ có thể tham gia cùng các cơ quan chức năng vào quá trình quản trị khủng hoảng. Thứ hai, thông tin về sự kiện khủng hoảng khi đã được các chủ thể truyền thông cung cấp kịp thời, chính xác, có nghĩa các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị đã làm chủ tình hình. Vì thế, các thông tin nhiễu, xuyên tạc, sai lệch khó có thể xảy ra. Như vậy, người dân sẽ yên tâm, bình tĩnh cùng các cơ quan chức năng giải quyết những hậu quả của khủng hoảng.
Hai là, thông tin từ dư luận xã hội
Dư luận xã hội là một hiện tượng của đời sống xã hội, biểu thị nhận thức, thái độ bằng cách bày tỏ ý kiến, quan điểm, bình luận, đánh giá... đối với những sự kiện, vấn đề và hiện tượng, các quá trình và hành vi... trong đời sống xã hội, được xã hội chú ý, quan tâm. Dư luận xã hội là ý kiến, quan điểm của các nhóm người, hoặc một bộ phận công chúng, lan truyền từ người này sang người khác, nhóm này sang nhóm khác, tạo thành một làn sóng nhu cầu về nhận thức với cường độ đủ mạnh thu hút sự chú ý của công chúng.
Phương thức lan truyền của dư luận xã hội là truyền tải, trò chuyện, hội họp, mít tinh, biểu tình, hội thảo, tọa đàm, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội... Đặc biệt, trong đời sống chính trị, sự tham gia chính trị như vận động bầu cử, trưng cầu dân ý, góp ý các dự thảo luật, chính sách...
Dư luận xã hội được hình thành tự phát hoặc tự giác; chính thức hoặc phi chính thức; ngấm ngầm hoặc công khai; có thể có căn cứ khoa học (sự thật) hoặc không có căn cứ khoa học; được kiểm chứng hoặc không được kiểm chứng. Chỉ có những sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội có tính thời sự, nóng hổi mới thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Qua đó, dư luận xã hội là biểu hiện sớm nhất của những mầm mống khủng hoảng, khi con người chưa có các phương tiện nhận thức nào khác thì chỉ nhận thức đời sống thông qua dư luận xã hội.
Dư luận xã hội là một phương thức đề nhân dân tham gia đời sống chính trị, là một kênh “đối thoại” giữa đảng, chính quyền và nhân dân. Có thể đo lường (nghiên cứu định lượng và định tính) dư luận xã hội để định hướng dư luận, giúp cho công chúng hình thành thái độ phù hợp với sự kiện khủng hoảng, trong quá trình quản trị truyền thông chính trị.
Ba là, văn hóa xã hội và văn hóa chính trị
Khủng hoảng nói chung, khủng hoảng truyền thông chính trị nói riêng đều cũng diễn ra trong một không gian văn hóa - xã hội nhất định. Mỗi dân tộc, tộc người, thậm chí mỗi cộng đồng đều có văn hóa riêng. Mỗi người, mỗi cộng đồng có cách ứng xử khác nhau trong bối cảnh bình thường hay trong tình huống khủng hoảng.
Xung đột xã hội, kể cả các tình huống khủng hoảng nói chung, khủng hoảng truyền thông nói riêng, vừa có bản chất văn hóa, bởi nó là bản chất của quá trình vận động và phát triển của xã hội, vừa có khía cạnh phi văn hóa khi nó nảy sinh do những mâu thuẫn, xung đột có tính chủ quan (phi thực tế), nhằm thỏa mãn những đòi hỏi, yêu sách không chính đáng. Quản trị khủng hoảng sẽ thuận lợi hơn, nếu biết dựa trên nền tảng hệ giá trị văn hóa của cộng đồng.
Căn cứ vào hệ giá trị văn hóa, các chủ thể quản trị khủng hoảng làm nhiệm vụ giải tỏa các tình huống khủng hoảng, sử dụng các giá trị văn hóa để tuyên truyền, thuyết phục các bên liên quan.
Giải pháp văn hóa trong quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị có ưu thế riêng biệt. Chính vì yếu tố truyền thống của văn hóa có sức mạnh đặc biệt trong việc nắm bắt suy nghĩ và quản lý hành vi con người, nó có sức mạnh hơn cả vũ lực. Do đó, hệ giá trị văn hóa truyền thống là vũ khí lợi hại trong quá trình quản lý và xử lý khủng hoảng.
Năng lực văn hóa cung cấp tri thức, trí tuệ và các kỹ năng cho việc xác định các loại hình khủng hoảng, từ tính chất, quy mô cho đến các lĩnh vực và mức độ. Năng lực văn hóa cho phép các chủ thể quản trị khủng hoảng nắm chắc diễn biến của khủng hoảng: từ giai đoạn ngấm ngầm cho đến giai đoạn công khai, căng thẳng...
Bốn là, truyền thông đại chúng (kênh chính thức và không chính thức)
Từ góc độ truyền thông, các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, thậm chí dịch bệnh (như Covid-19) cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng truyền thông, nhất là trong môi trường truyền thông xã hội hiện nay. Thông tin thiếu kiểm chứng, tin giả tràn lan, sai lệch, nhiễu loạn, gieo rắc sự sợ hãi, hoang mang và làm suy giảm niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước, hoài nghi năng lực của các thiết chế chính trị, xã hội trong quản trị khủng hoảng.
Trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, vai trò trách nhiệm của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các kênh chính thức, như nhật báo, tuần báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình… có vai trò là lực lượng chủ lực trong quản trị thông tin, trước hết thông qua việc cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, khách quan về những gì đang diễn ra. Ở Việt Nam, vai trò chủ lực của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… trong quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị càng quan trọng.
Trong quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị, việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình đang diễn ra, các giải pháp của chính phủ; điều hòa dư luận và thúc đẩy đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, như là một biện pháp hàng đầu.
Trong tình huống khủng hoảng, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các kênh chính thức, có vai trò quan trọng trong việc phản ánh đời sống dân sinh, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giám sát đội ngũ quan chức, công chức nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, dân chủ hóa đời sống xã hội, động viên sự tham gia, đóng góp của người dân vào quá trình quản trị khủng hoảng.
Năm là, mạng xã hội
Mạng xã hội là một nền tảng truyền thông đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội. Giao tiếp trong thời kỳ khủng hoảng đòi hỏi tốc độ và độ chính xác cao. Trong một cuộc khủng hoảng, điều mà dư luận và các bên liên quan mong đợi là các phản hồi kịp thời đến từ phía tổ chức. Các tuyên bố cùng với các biện pháp khắc phục phải được đưa ra nhanh, kịp thời thông qua hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Tuy nhiên, tốc độ lan truyền thông tin qua mạng xã hội có thể là con dao hai lưỡi. Tin tức tích cực lan truyền nhanh, nhưng tin tức tiêu cực còn lan truyền với tốc độ nhanh hơn. Vì vậy, các tổ chức nên bảo đảm rằng các thông tin và phản hồi được đưa ra trong cuộc khủng hoảng là chính xác trước khi được công bố tới dư luận.
Phản hồi trên các phương tiện truyền thông xã hội sẽ thu hút được số lượng công chúng lớn hơn so với phản hồi trên các kênh truyền thống. Các kênh truyền thông chính thức sẽ tạo sự trang trọng và đáng tin cậy hơn, nhưng mạng xã hội khiến các thông điệp trở nên thân thiện và dễ liên hệ với các bên liên quan hơn, góp phần giúp thông điệp lan truyền nhanh chóng tới cộng đồng.
Trong các cuộc khủng hoảng, dư luận thường mang những cảm xúc tiêu cực. Nhưng mạng xã hội có thể cung cấp thông tin chi tiết về những gì dư luận đang quan tâm. Trên cơ sở phân tích sự quan tâm của dư luận, chủ thể quản trị khủng hoảng có thể giải quyết các vấn đề theo cách phù hợp. Từ các dữ liệu này, các tổ chức có thể lập các kế hoạch ứng phó với khủng hoảng một cách hiệu quả hơn.
Mặt khác, những thông tin sai lệch, phản khoa học, vô căn cứ và không được kiểm chứng lan truyền chủ yếu qua các trang mạng xã hội làm hỗn loạn môi trường truyền thông, gây ra tâm trạng hoang mang, hoảng sợ trong xã hội. Đến lượt nó, tâm trạng hoang mang này lại kích động những hành vi cực đoan, như phân biệt đối xử, thù địch, bạo lực...
Thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội trong nhiều trường hợp vượt quá khả năng xử lý của con người. Công chúng, ngay cả những người có trình độ cao cũng có thể bị đánh lừa. Tính chất đa dạng, đa chiều, phức tạp của thông tin trên không gian mạng, tạo cơ hội và môi trường cho các thông tin sai lệch, phản khoa học tiếp tục lan truyền. Nếu không được ngăn chặn và kiểm soát kịp thời, “nạn dịch thông tin” có thể làm suy yếu, xói mòn niềm tin của công chúng vào các thiết chế như y tế, báo chí và chính quyền.
Truyền thông xã hội là một công cụ hữu ích và quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, tác động mạnh mẽ đến quản trị khủng hoảng truyền thông và khủng hoảng truyền thông chính trị nói riêng. Vì vậy, cần lựa chọn cách sử dụng hiệu quả phụ thuộc vào năng lực của các chủ thể quản trị khủng hoảng.
Sáu là, người đứng đầu
Người đứng đầu là người có địa vị cao nhất trong một tổ chức, đơn vị, địa phương hay một quốc gia. Người đứng đầu là cá nhân có sức ảnh hưởng, có bản lĩnh, có khả năng đại diện cho tổ chức, cộng đồng, có năng lực lãnh đạo, quản lý, động viên người khác. Người đứng đầu có thể hiểu là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo, quản lý cao nhất của một địa phương, tổ chức.
Tương ứng với địa vị, người đứng đầu được trao thẩm quyền, nguồn lực và cơ chế nhằm hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, quốc gia. Vì vậy, người đứng đầu là người quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng trong hoạch định và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động của tổ chức, đơn vị, địa phương, trong đó có quản trị khủng hoảng và quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị.
Một người đứng đầu có năng lực, sâu sát, nắm chắc tình hình, có tầm nhìn, có phương pháp làm việc, có năng lực quản trị khủng hoảng, có khả năng dự báo được tình hình, đưa ra các kịch bản ứng phó, loại trừ được nhiều tình huống khủng hoảng tiềm ẩn và có thể xử lý hiệu quả các cuộc khủng hoảng bằng việc lựa chọn mục tiêu, lên kế hoạch quản lý và đưa ra các biện pháp thích hợp.
Trong tình huống khủng hoảng truyền thông chính trị, có nhiều yếu tố bất ngờ, các chuẩn mực bình thường bị phá vỡ, nhiều dữ liệu, sự kiện đan xen, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của những phương án, quyết định, quy trình hiện có, rất khó lựa chọn các phương án xử lý. Người đứng đầu có năng lực, thường nhận thức các thách thức và cơ hội rất nhanh và đưa ra các quyết định nhanh chóng có tính quyết đoán, chính xác. Nếu chậm trễ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Bảy là, mối quan hệ giữa nhà nước và người dân
Mối quan hệ giữa nhà nước và người dân trong đời sống chính trị nói chung, trong quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị nói riêng là đặc biệt quan trọng.
Trong mô hình nhà nước độc tài, hành vi của công dân bị hạn chế, mọi thông tin lọt ra ngoài xã hội đều phụ thuộc vào nhà độc tài. Các thiết chế xã hội bị đóng kín. Do đó, không có thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thậm chí bị bóp méo, làm sai lệch bởi ý đồ của nhà độc tài.
Trong mô hình nhà nước dân chủ, việc quản trị khủng hoảng truyền thông chính trị thường thuận lợi hơn. Sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của nhà nước và trách nhiệm giải trình, cùng với sự cởi mở của hệ thống truyền thông, giúp cho công chúng nhanh chóng nắm được thông tin chính xác của sự kiện. Từ đó, họ có thể tham gia tích cực vào quản trị truyền thông với các chủ thể quản trị truyền thông khác. Việc quản trị khủng hoảng truyền thông vì thế rất hiệu quả.
Tám là, tính nhạy cảm của vấn đề
Những vấn đề liên quan đến chính trị thường nhạy cảm và dễ gây tranh cãi. Bất kỳ thông tin sai lệch hoặc phản ứng không đúng đắn nào đều có thể tạo ra khủng hoảng truyền thông chính trị. Thông qua các phương tiện truyền thông, một bức ảnh, video hoặc câu nói có thể lan truyền trên mạng và tạo ra hậu quả không mong muốn. Cách công chúng và cộng đồng mạng phản ứng đối với thông tin khủng hoảng truyền thông ảnh hưởng đến quá trình xử lý. Sự quan tâm, phê phán hoặc ủng hộ có thể tạo áp lực lên cá nhân hoặc tổ chức. Điều này đòi hỏi các chủ thể cần linh hoạt và tự tin trong việc đối phó với khủng hoảng. Sự minh bạch, thông tin chính xác và quan điểm rõ ràng giúp duy trì uy tín và tạo hiệu ứng tích cực trong truyền thông. Việc xử lý khủng hoảng truyền thông chính trị đòi hỏi sự cân nhắc và kế hoạch cụ thể để đối phó một cách chủ động.
4. Kết luận
Truyền thông chính trị không chỉ là kết quả sự tương tác của các nguyên tắc, phương pháp và công cụ liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh giành quyền lực, mà còn là kết quả của ảnh hưởng lẫn nhau và trao đổi thông tin giữa các chủ thể. Việc xử lý khủng hoảng truyền thông chính trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố đã cho thấy vai trò của nó đến đời sống chính trị là rất lớn. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với các chủ thể khi tham gia đời sống chính trị. Các đảng chính trị, chính phủ, chính trị gia, công dân cần không ngừng nâng cao năng lực, tri thức, hiểu biết để phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với khủng hoảng truyền thông chính trị. Bảo đảm ổn định chính trị là môi trường quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia vì mục tiêu hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
_________________
Ngày nhận bài: 14-10-2024; Ngày bình duyệt: 17-10-2024; Ngày duyệt đăng: 29-10-2024.
Email tác giả: dungnguyenthanhhcma@gmail.com
(1) C. Budantseva và các cộng sự: Truyền thông đại chúng trong thế giới hiện đại: Tuyển tập các bài báo khoa học, M.: MGIMO, 1991, tr. 553.
(2) M.Yu.Goncharov: Hùng biện trong giao tiếp chính trị, M.: MGIMO, 1991, tr. 55.
(3) G.A. Belova và các cộng sự: Nguyên tắc cơ bản của khoa học chính trị: Từ điển ngắn gọn về các thuật ngữ và khái niệm, Đại học quốc gia Moscow mang tên. M. V. Lomonosova, Hiệp hội Tri thức Nga, 1993, tr. 54.
(4) V.V Latynov: Truyền thông chính trị, M.: Mysl, 1999.
(5) G.Yu. Semigin: Bách khoa toàn thư chính trị, t. 2, Quỹ khoa học xã hội quốc gia, M.: Mysl, 1999, tr. 172-173.
(6) Đề án 407 kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg đã xác định chủ thể truyền thông dự thảo chính sách là các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội. Chỉ thị số 07-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường truyền thông chính sách khẳng định: “Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.