(LLCT) - Hội nghị Trung ương 3 khóa XI ĐCS Trung Quốc (1978) đưa ra đường lối cải cách mở cửa đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong lịch sử phát triển của nước CHND Trung Hoa. Sau Hội nghị, công cuộc cải cách mở cửa với quy mô lớn diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cải cách thể chế hành chính nhằm thích ứng với sự hình thành, phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN đặc sắc Trung Quốc. Một loạt biện pháp cải cách được đưa ra và thực hiện mạnh mẽ như: cải cách cơ cấu, chuyển đổi chức năng chính quyền, phân chia quyền hạn, tối ưu hóa dịch vụ công, xây dựng chính phủ phục vụ v.v.. Nhờ vậy, sau 40 năm cải cách, đến nay, thể chế hành chính của Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc, tạo sự đảm bảo vững chắc về thể chế cho công cuộc mở cửa, hội nhập quốc tế và xây dựng hiện đại hóa ở nước này.
1. Các giai đoạn cải cách hành chính ở Trung Quốc
Cuối năm 1978, Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa với quy mô lớn sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XI. Cuộc cải cách này đã huy động một hiệu quả tính tích cực của nhân nhân trong cả nước, giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội tiến bộ toàn diện. Nền kinh tế Trung Quốc chuyển dần từ thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ sang thể chế kinh tế thị trường XHCN từ đóng cửa, nửa đóng cửa sang mở cửa toàn diện. Sự chuyển biến này đòi hỏi thể chế hành chính của Trung Quốc cũng phải có sự chuyển mình tương xứng.
Từ khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa (1978) đến nay, để thích ứng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, cũng như quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, Trung Quốc đã tiến hành 8 lần cải cách hành chính với quy mô lớn. Từ mục tiêu và nhiệm vụ của 8 lần cải cách, có thể chia tiến trình cải cách hành chính ở Trung Quốc làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (1978-1992). Đây được coi là giai đoạn phá vỡ mô hình kinh tế kế hoạch và thể chế quản lý hành chính tập trung cao độ, từng bước tìm tòi con đường xây dựng và hoàn thiện thể chế hành chính thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa XHCN. Kết thúc giai đoạn này, về tổng thể, Trung Quốc đã bước đầu thoát khỏi sự trói buộc của mô hình quản lý hành chính tập trung cao độ, kích thích sức sống của kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội.
Giai đoạn thứ hai (1993-2002). Chính phủ giảm dần sự can thiệp vào nền kinh tế vi mô, đi sâu tìm tòi và xây dựng thể chế hành chính thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN. Sau Đại hội XIV ĐCS Trung Quốc năm 1992, Trung Quốc xác lập đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN đặc sắc Trung Quốc. Vì vậy, mọi cải cách, kể cả cải cách thể chế hành chính cũng là để thích ứng với thể chế kinh tế mới. Cuộc cải cách lần này được chia thành hai giai đoạn với những mục tiêu cụ thể là tách rời chính quyền và doanh nghiệp, chuyển đổi chức năng chính phủ. Phạm vi và trình tự tiến hành cải cách là từ Trung ương tới địa phương, nâng cao hiệu quả hành chính trên cơ sở tinh giản 20%. Tuy nhiên, do không xử lý tốt mối quan hệ giữa chuyển đổi chức năng và tinh giản bộ máy nên trong lần cải cách này, mục tiêu giảm thiểu các ban, bộ, ngành trong bộ máy chính quyền ở Trung Quốc chưa đạt yêu cầu đề ra, hệ thống bảo hiểm xã hội thống nhất toàn quốc và chế độ nhân sự mới vẫn chưa được thiết lập nên việc sắp xếp lại số nhân viên bị cắt giảm gặp khó khăn nên gánh nặng tài chính không những không giảm mà còn có phần tăng lên. Mục tiêu của lần cải cách tiếp theo là xây dựng hệ thống quản lý hành chính chính phủ hoạt động có hiệu quả cao, hành vi quy phạm, vận hành hài hòa, hoàn thiện chế độ công vụ viên nhà nước, xây dựng đội ngũ quản lý hành chính chuyên nghiệp hóa có tố chất cao, từng bước hình thành nên thể chế quản lý hành chính của chính phủ thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN. Thực hiện tốt các mục tiêu đó, việc chuyển biến chức năng chính phủ cũng đạt được bước tiến triển quan trọng, thể hiện nổi bật nhất ở việc đã xóa bỏ hầu hết các ban ngành kinh tế công nghiệp chuyên nghiệp - một sản vật của thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ, gây trở ngại đến việc xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN.
Giai đoạn thứ ba (2003-2012). Đây là giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công, đặt nền tảng vững chắc cho mô hình chính phủ phục vụ, đồng thời đi sâu cải cách thể chế hành chính XHCN đặc sắc Trung Quốc. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đặt mục tiêu từng bước hình thành thể chế quản lý hành chính vận hành hài hòa, công bằng, trong sạch, liêm khiết, hiệu quả cao. Số lượng các ban ngành trong chính phủ đã giảm xuống chức năng của chính phủ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, tập trung vào 4 phương diện chủ yếu là điều tiết kinh tế, giám sát thị trường, quản lý xã hội và dịch vụ công, đạt được mục đích đề ra ban đầu.
Giai đoạn thứ tư (từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc năm 2012 đến nay). Đây được coi là giai đoạn Trung Quốc nỗ lực tìm cách đẩy mạnh hiện đại hóa quản trị chính phủ. Nhiệm vụ chủ yếu của cải cách hành chính trong giai đoạn này là thúc đẩy tinh giản bộ máy, phân quyền, kết hợp giữa buông và quản, tối ưu hóa dịch vụ v.v.. Nhờ vậy, cải cách thể chế hành chính ngày càng đi vào chiều sâu.
2. Những kết quả đạt được và vấn đề còn tồn tại sau 40 năm cải cách hành chính ở Trung Quốc
a) Cải tổ cơ cấu, đi sâu thực hiện toàn diện chế độ bộ đa ngành
Qua các lần cải cách việc điều chỉnh, bố trí hợp lý bộ máy chính quyền, tối ưu hóa kết cấu nhân lực của Trung Quốc giải quyết được vấn đề cơ cấu chồng chéo, người nhiều hơn việc, đồng thời giải quyết được vướng mắc khi một số ban ngành tăng cường chức năng nhưng nhân lực không đủ, đã thực hiện sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa chức năng và cơ cấu, nhiệm vụ và biên chế nhân sự. Một điểm quan trọng trong cải cách cơ cấu bộ máy hành chính của Trung Quốc khi bước sang thế kỷ XXI là việc hình thành và đẩy mạnh thực hiện thể chế bộ đa ngành. Nội dung cốt lõi của biện pháp cải cách này là tiến hành tích hợp, sáp nhập các cơ cấu quản lý phân tán có chức năng tương đồng lại với nhau, nhằm giải quyết triệt để hiện tượng các ban ngành chức năng hành chính chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho người dân khi tiến hành các thủ tục hành chính, làm giảm hiệu quả hành chính. Bên cạnh việc sáp nhập, tích hợp, đối với các ban ngành có phạm vi chức năng quá rộng, quyền lực quá tập trung, Trung Quốc đã tiến hành phân chia bớt quyền hành một cách thích hợp, nhằm thay đổi tình trạng mất cân đối trong kết cấu và vận hành bộ máy. Năm 2013, ban lãnh đạo khóa mới ở Trung Quốc tiếp tục tiến hành tối ưu hóa việc bố trí các ban ngành chính phủ, điều hòa mối quan hệ giữa các ban ngành, không ngừng hoàn thiện cơ chế vận hành hành chính có sự thống nhất hài hòa giữa quyền quyết sách, quyền chấp hành, và quyền giám sát, hình thành nên khung cơ cấu chính phủ với chủ thể là các ban ngành điều tiết vĩ mô, giám sát quản lý thị trường, quản lý xã hội và dịch vụ công. Nhờ vậy, việc bố trí cơ cấu và thiết kế hệ thống chức trách không ngừng được hợp lý hóa.
Sau Đại hội XIX (2017), trong đợt cải cách bộ máy với quy mô lớn, Trung Quốc đã tiến hành sáp nhập những cơ quan có cùng chức năng trong bộ máy chính quyền với các cơ quan có cùng chức năng trong bộ máy của Đảng, thực hiện sự thống nhất quản lý dưới sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Đến nay, kết cấu bộ máy Chính phủ của Trung Quốc hiện có 1 Văn phòng Quốc vụ viện, 26 bộ ngành, 1 cơ quan trực thuộc đặc biệt là Ủy ban Quản lý giám sát tài sản nhà nước. Ngoài ra còn có 10 cơ quan trực thuộc bao gồm các Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Phát thanh truyền hình v.v..; 10 đơn vị sự nghiệp bao gồm Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Viện Khoa học Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu - phát triển Quốc vụ viện, Đài phát thanh truyền hình Trung ương, Tân Hoa xã, Học viện Hành chính và Trường Đảng (một cơ cấu hai mảng) v.v..; 2 văn phòng trực thuộc là Văn phòng Công tác Hồng Kông - Ma Cao và Phòng Nghiên cứu Quốc vụ viện (Mạng Tân Hoa, truy cập ngày 3-10-2018)(1).
Để tạo khung pháp lý cho việc cải tổ bộ máy sau Đại hội XIX, tháng 5-2018, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành Quyết định về việc thanh lý các quy định và văn bản liên quan đến cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước, quyết định bãi bỏ 3 văn bản, sửa đổi 35 văn bản không thích ứng, không đồng bộ, không kết nối và không thống nhất với việc cải cách bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay(2).
b) Chuyển đổi chức năng chính quyền, phân quyền, kích thích sức sống, sức sáng tạo cho các chủ thể thị trường và xã hội
Chuyển đổi chức năng chính quyền là nội dung cốt lõi trong cải cách thể chế hành chính Trung Quốc, là sợi dây xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình cải cách hành chính ở nước này kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa. Mục tiêu của nó là nhằm thích ứng với sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ sang nền kinh tế thị trường XHCN, cũng như thích ứng với xu thế mở cửa sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Đại hội XIV (1992) nêu rõ con đường cơ bản để chuyển đổi chức năng chính quyền là tách rời chính quyền với doanh nghiệp. Đại hội XVI tiếp tục xác định, chức năng chính quyền chủ yếu là để điều tiết kinh tế, quản lý giám sát thị trường, quản lý xã hội và cung cấp dịch vụ công. Trên cơ sở này, kể từ sau Đại hội XVIII, Trung Quốc đã xác định rõ, trọng tâm của cải cách thể chế hành chính là tăng cường chuyển đổi chức năng chính quyền, lấy tinh giản bộ máy và phân quyền làm đột phá khẩu để thị trường có thể phát huy vai trò mang tính quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, cũng như để chính phủ phát huy tốt hơn vai trò của mình, cung cấp các dịch vụ công chất lượng cao, đảm bảo công bằng xã hội.
Bằng việc thực hiện các biện pháp cải cách tích cực, sau hơn 40 năm tiến hành cải cách thể chế hành chính, đến nay, Trung Quốc đã cắt giảm và trao quyền được hơn 700 hạng mục phê duyệt hành chính trong tổng số hơn 1.700 các loại thủ tục phê duyệt hành chính, trong đó cắt giảm được 85% các hạng mục phê duyệt trước đăng ký công thương, giảm 44% các hạng mục nhận định tư chất, tư cách ngành nghề(3), cắt giảm 76% các hạng mục phê chuẩn đầu tư ở cấp Trung ương, xóa bỏ toàn bộ việc phê duyệt các hạng mục đầu tư ra nước ngoài trừ những trường hợp đặc thù(4), xóa bỏ hoàn toàn các hạng mục phê duyệt cấp phép phi hành chính, điều chỉnh các hạng mục phê duyệt cấp phép phi hành chính thành hạng mục phê duyệt trong nội bộ chính quyền(5), thực hiện toàn diện chứng nhận cấp phép “3 trong 1”, trên cơ sở đó, tiếp tục chỉnh hợp giấy đăng ký bảo hiểm xã hội và giấy chứng nhận đăng ký thống kê, từng bước thực hiện chế độ chứng nhận “5 trong 1”, “một dấu một số”... trong quá trình đăng ký công thương v.v.. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều cắt giảm được từ 50 đến 70% các hạng mục phê duyệt hành chính. Điều này đã kích thích tối đa sức sống của thị trường và xã hội. Ngoài ra, Trung ương còn xác định trao 283 hạng mục phê duyệt hành chính cho địa phương thực hiện, nhằm trao nhiều quyền tự chủ hơn cho địa phương, kích thích tối đa tính tích cực và tự chủ của chính quyền địa phương các cấp.
Bên cạnh việc cắt giảm và trao quyền phê duyệt hành chính, Trung Quốc thực hiện toàn diện việc quản lý theo danh mục, chính quyền của 31 tỉnh thành trong cả nước đã công bố danh mục quyền lực và danh mục trách nhiệm của ban ngành chính quyền 3 cấp tỉnh, thành phố, huyện. Việc đổi mới và hoàn thiện công tác quản lý, giám sát trong và sau quá trình phê duyệt được đẩy mạnh, đáp ứng được kỳ vọng của quần chúng nhân dân về ưu việt hóa dịch vụ công. Tất cả những biện pháp trên khiến cho doanh nghiệp với tư cách là chủ thể cạnh tranh thị trường được “cởi trói”, quần chúng được “giải tỏa”, thị trường “tăng vị thế” trong việc phân bổ nguồn lực, đồng thời còn giúp cho bản thân chính phủ trở nên “liêm chính, vững mạnh” hơn, ít can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế vi mô hơn, từ đó kích thích tối đa sức sống của thị trường và sức sáng tạo của xã hội, cũng như tính tích cực và tự chủ của địa phương.
c) Đổi mới phương thức quản lý của chính phủ, tối ưu hóa dịch vụ công, từng bước xây dựng thành công chính phủ phục vụ
Trên phương diện đổi mới phương thức điều tiết vĩ mô, Chính phủ Trung Quốc đã dốc sức tiến hành chuyển đổi phương thức, điều chỉnh kết cấu, tiến hành điều tiết nhỏ một cách thích hợp và đúng lúc, nâng cao tính mục tiêu và tính hài hòa trong điều tiết vĩ mô. Trên phương diện phê duyệt hành chính, công tác quản lý của Chính phủ đã có sự chuyển biến từ phê duyệt trước khi tiến hành đăng ký công thương sang quản lý giám sát trong và sau khi tiến hành đăng ký công thương, tăng cường mức độ xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp quy, pháp luật, nỗ lực thực hiện nguyên tắc “vào dễ, quản khó”, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Trên phương diện tăng cường xây dựng chính phủ điện tử, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy áp dụng phương thức phê duyệt hành chính theo mô hình “dịch vụ công online”, sử dụng mạng internet để thực hiện công tác quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công, nâng cao hiệu quả hành chính, hạ thấp chi phí quản lý, tạo thuận tiện cho người dân. Nhờ vậy, phương thức quản lý hành chính ngày càng phát triển theo xu hướng khoa học, nhân văn, đơn giản, thuận tiện, hiệu quả.
Việc đẩy mạnh áp dụng phương thức quản lý hành chính khoa học, hiện đại, thuận tiện, hiệu quả cao là nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một chính phủ theo mô hình phục vụ có chức năng khoa học, kết cấu ưu việt, liêm khiết hiệu quả cao, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
Kể từ lần đầu tiên khái niệm “chính phủ theo mô hình phục vụ” được Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Ôn Gia Bảo chính thức đề cập đến trong bài phát biểu của mình tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc vào tháng 2-2004 đến nay, xây dựng chính phủ phục vụ luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc cải cách chính quyền các cấp ở Trung Quốc. Ngay sau Đại hội XVIII, ban lãnh đạo khóa mới ở Trung Quốc đưa ra hệ thống mục tiêu phấn đấu trong vấn đề này, bao gồm mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Mục tiêu ngắn hạn: Đến năm 2020, cùng với việc giành được thành công trong công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả và thực hiện mục tiêu tổng thể cải cách thể chế hành chính, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công chính phủ theo mô hình phục vụ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với nhu cầu về dịch vụ công cơ bản của quần chúng nhân dân.
Mục tiêu trung hạn: Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng thành công một chính phủ phục vụ có thể chế, cơ chế tương đối hoàn thiện, có năng lực và trình độ dịch vụ công khá cao. Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn này là nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ công cơ bản, đảm bảo thực hiện bình đẳng hóa dịch vụ công cơ bản v.v..
Mục tiêu dài hạn: Đến năm 2050, khi đã cơ bản thực hiện được hiện đại hóa, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công một chính phủ theo mô hình phục vụ có cơ chế, thể chế hoàn thiện hơn, năng lực và trình độ của dịch vụ công tương đương với mức độ của các nước phát triển.
Việc thúc đẩy phát triển mô hình mạng internet kết nối với dịch vụ công là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tối ưu hóa dịch vụ chính quyền, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử. Theo ủy viên Ủy ban Tư vấn chuyên gia tin học hóa quốc gia Ninh Gia Tuấn, đây là con đường hữu hiệu để giải quyết hiện tượng “thủ tục nhiều, giải quyết khó” có liên quan đến việc quần chúng nhân dân đến cơ quan công quyền giải quyết công việc, cũng như vấn đề “thông tin không được chia sẻ, thông tin khó có thể được chia sẻ” giữa các ban ngành chính phủ(6) v.v.. Đồng thời, biện pháp thí điểm này cũng thích ứng với tình hình và yêu cầu mới, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị chính phủ, là con đường tất yếu để xây dựng chính phủ phục vụ.
Sau Đại hội XIX, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng sàn dịch vụ chính phủ online nhất thể hóa trong cả nước. Quốc vụ viện đã cho ban hành “Ý kiến chỉ đạo về việc đẩy nhanh xây dựng sàn dịch vụ chính phủ online nhất thể hóa trong cả nước”, đi sâu thúc đẩy cải cách mô hình “mạng internet + dịch vụ chính phủ”, đưa ra bố cục toàn diện nhằm thúc đẩy dịch vụ chính phủ “một mạng thông”. “Ý kiến chỉ đạo” đã nêu lên mục tiêu công tác trong vòng 5 năm tới, bao gồm 4 giai đoạn, để đến cuối năm 2022, cơ bản thống nhất tiêu chuẩn các hạng mục dịch vụ chính phủ trong phạm vi cả nước, thực hiện toàn diện “một mạng thông”(7).
Năm 2018, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc vụ viện tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các địa phương, các ban ngành nghiêm túc thực hiện “Ý kiến chỉ đạo về đi sâu thúc đẩy dịch vụ phê duyệt tiện lợi hóa” với nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện toàn diện dịch vụ phê duyệt áp dụng “xử lý ngay, xử lý trên mạng, xử lý tận nơi, xử lý một lần”, tiêu chuẩn hóa hoạt động phê duyệt, tiếp tục giảm bớt giấy tờ thủ tục, thực hiện một cửa, thực hiện nâng cấp trình độ internet + dịch vụ chính phủ(8) v.v..
Tại Hội nghị trực tuyến thường niên về vấn đề đi sâu cải cách “buông - quản - phục vụ”, tăng cường chuyển đổi chức năng chính phủ diễn ra ngày 28-6-2018, Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa nhấn mạnh đến việc Chính phủ sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ công tiện lợi, chất lượng tốt thông qua việc tối ưu hóa dịch vụ, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ “mạng internet+y tế”, “mạng internet+giáo dục” v.v.., cung cấp các dịch vụ công công bằng, hợp lý, tạo ra sàn dịch vụ công nhất thể hóa toàn quốc; đồng thời đặt ra mục tiêu trong vòng 3 năm, Trung Quốc sẽ thực hiện việc chia sẻ kho dữ liệu số của các ban ngành chính phủ, nhằm thỏa mãn nhu cầu về công khai công việc chính quyền ở địa phương, trong vòng 5 năm, tất cả các hạng mục dịch vụ công sẽ thực hiện cơ chế “giải quyết online” một cách toàn diện”(9).
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng kể như trên, nhưng đến nay, cải cách hành chính ở Trung Quốc vẫn đang đối mặt với những vấn đề và thách thức không nhỏ do yêu cầu thời đại đặt ra.
Thứ nhất, cơ cấu bộ máy Đảng, chính quyền vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, quyền không đi đôi với trách nhiệm, bố trí cơ cấu và phân định chức năng của một số ban ngành chính phủ chưa khoa học.
Thứ hai, chức năng của bộ máy chính quyền trung ương và địa phương chưa thật thống nhất, phân định chức trách không hợp lý, khó đảm bảo phát huy được tính tích cực của cả trung ương lẫn địa phương.
Thứ ba, cơ chế vận hành và giám sát quyền lực, đặc biệt là quyền lực công chưa hoàn thiện, tình trạng thiếu hụt chức năng, vượt quá chức năng, thực thi sai chức năng vẫn tồn tại, tình trạng lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thứ tư, khoa học hóa, quy phạm hóa, pháp định hóa biên chế tổ chức còn khá trì trệ, chưa đáp ứng kịp thời được nhu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và cải cách mở cửa.
3. Một số trọng điểm cải cách hành chính Trung Quốc thời gian tới
Do những vấn đề còn tồn tại nêu trên, cũng như xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, thời gian tới, cải cách hành chính Trung Quốc được xác định sẽ chú trọng vào một số điểm then chốt sau.
Một là, tăng cường bố trí tổng thể, đồng bộ cơ cấu các cơ quan Đảng và chính quyền, thúc đẩy cải cách thể chế kiểm tra kỷ luật của Đảng và thể chế giám sát của nhà nước.
Hai là, tiếp tục đi sâu vào các lĩnh vực trọng điểm và khâu then chốt của cải cách “buông - quản - phục vụ”, không ngừng ưu việt hóa chức năng chính phủ, trọng điểm là xây dựng một hệ thống chức năng bộ máy chính phủ hoàn chỉnh, quy phạm khoa học, vận hành hiệu quả cao và một hệ thống quản trị chính phủ có chức trách rõ ràng, vận hành theo pháp luật, nâng cao toàn diện năng lực và trình độ quản trị quốc gia.
Ba là, tối ưu hóa việc bố trí cơ cấu và chức năng của bộ máy chính quyền bằng cách tích hợp. Một số trọng điểm cải cách được đặt ra là: bố trí hợp lý chức năng của các ban ngành quản lý vĩ mô, tăng cường chức năng của các cơ quan hữu quan của Trung ương Đảng, tăng cường chức năng của các ban ngành quản lý giám sát trong chính quyền, tối ưu hóa cơ cấu của các cơ quan Đảng và Chính phủ v.v.. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, là nhân tố dẫn đến thành công trong đi sâu cải cách thể chế hành chính trong bối cảnh thời đại mới.
Bốn là, hoàn thiện chế độ pháp quy liên quan, thúc đẩy pháp định hóa công cuộc cải cách cơ cấu các cơ quan Đảng và Nhà nước bằng cách hoàn thiện chế độ pháp quy về cơ cấu các cơ quan Đảng và Nhà nước, tăng cường ràng buộc cứng với quản lý biên chế tổ chức, tăng cường mức độ xử phạt đối với các hành vi vi phạm kỷ luật, quy định về biên chế cơ cấu, nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm.
Những kinh nghiệm trên của Trung Quốc trong tiến trình cải cách hành chính là những gợi mở cho Việt Nam khi đang trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả của hệ thống hành chính trong giai đoạn hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo trong sạch, vững mạnh. Cụ thể:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức trong cải cách . Để cải cách thành công, chúng ta nên xây dựng lộ trình rõ ràng, đồng thời đề ra kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Việc cải cách cũng cần được thể chế, cơ chế hóa.
Thứ hai, chú trọng đến việc thống nhất chỉ đạo, tạo ra sự đồng thuận và nhất quán từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Bên cạnh đó, để cải cách hành chính mang lại hiệu quả cao cho xã hội thì cũng nên tiến hành hài hòa, đồng bộ với cải cách lập pháp, tư pháp, tiến tới xây dựng chính phủ pháp trị “hành pháp theo đúng pháp luật”.
Thứ ba, coi việc đáp ứng mong mỏi của người dân, xã hội và doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu của cải cách. Cải cách nên tập trung vào bốn nội dung chính: điều tiết kinh tế, giám sát thị trường, quản lý xã hội và cung cấp dịch vụ công, trong đó cải cách dịch vụ công nên tập trung vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ công vụ viên.
Tóm lại, trải qua 40 năm tiến hành cải cách, thể chế hành chính của Trung Quốc đã có những bước tiến lớn, đồng thời cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý trong cải cách. Việc đi sâu cải cách hành chính sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc đã thúc đẩy một cách tổng thể bố cục “Ngũ vị nhất thể”, cũng như thúc đẩy một cách hài hòa bố cục chiến lược “Bốn toàn diện”, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên tiến trình xây dựng hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị quốc gia, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019
(1) Mạng Tân Hoa, Giải thích Phương án cải cách cơ cấu Quốc vụ viện, http://www.xinhuanet.com, truy cập ngày 3-10- 2018.
(2) Mạng Nhân dân (Trung Quốc), Quyết định của Trung ương ĐCS Trung Quốc về việc xóa bỏ những pháp quy trong Đảng và các văn bản liên quan đến việc cải cách cơ cấu các cơ quan Đảng và Nhà nước, http://politics.people.com.cn, truy cập ngày 4-1-2019.
(3) Mạng ĐCS Trung Quốc, Quốc vụ viện triệu tập Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy cải cách tinh giản bộ máy, phân quyền, kết hợp giữa buông - quản - phục vụ, tối ưu hóa dịch vụ. Lý Khắc Cường có bài phát biểu quan trọng, http://cpc.people.com.cn, truy cập ngày 3-10-2018.
(4) Mạng Tân Hoa, Những gợi mở từ việc thúc đẩy cải cách tinh giản bộ máy, phân quyền kể từ Đại hội XVIII của Đảng, http://news.xinhuanet.com, truy cập ngày 3-10-2018.
(5) Mạng Tân Hoa, Quốc vụ viện 1 năm qua: Tinh giản bộ máy, phân quyền - Những việc lớn liên quan đến bạn, http://news.xinhuanet.com, truy cập ngày 23-9-2018.
(6) Mạng Tân Hoa, “Buông - quản - phục vụ” đã tạo nên động lực mới cho kinh tế - Tổng thuật về cải cách tinh giản bộ máy, phân quyền ở Trung Quốc, http://news.xinhuanet.com , truy cập ngày 15-7-2018.
(7) Đẩy nhanh xây dựng chính phủ online, ngành chính phủ điện tử có triển vọng tăng tốc, https://www.yicai.com, truy cập ngày 4-1-2019.
(8) Mạng Chính phủ Trung Quốc, Văn phòng Trung ương ĐCS Trung Quốc, Văn phòng Quốc vụ viện ban hành “Ý kiến chỉ đạo về việc đi sâu thúc đẩy thuận tiện hóa dịch vụ phê duyệt”, http://www.gov.cn, truy cập ngày 12-3-2019.
(11) Mạng Chính phủ Trung Quốc, Quốc vụ viện triệu tập Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đi sâu cải cách “buông - quản - phục vụ”, chuyển đổi chức năng chính quyền, Lý Khắc Cường có bài phát biểu quan trọng, http://www.gov.cn, truy cập ngày 12-3-2019.
ThS Chu Thùy Liên
Viện Nghiên cứu Trung Quốc
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Trần Thị Giang Thanh
Đại học Dược Hà Nội