Quốc tế

Cạnh tranh kinh tế trên thế giới và giải pháp để Việt Nam bảo đảm các lợi ích chiến lược

04/03/2024 11:37

(LLCT) - Hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng gay gắt và quyết liệt, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều sự kiện và nhân tố mới đã xuất hiện, tác động mạnh mẽ và đa chiều đến nền kinh tế toàn cầu. Những cọ xát, va chạm và đan cài lợi ích phức tạp giữa các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh tế - xã hội của các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

ThS HÀ THỊ VÂN ANH
Viện Kinh tế chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng gay gắt và quyết liệt, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều sự kiện và nhân tố mới đã xuất hiện, tác động mạnh mẽ và đa chiều đến nền kinh tế toàn cầu. Những cọ xát, va chạm và đan cài lợi ích phức tạp giữa các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh tế - xã hội của các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cạnh tranh kinh tế trên thế giới và giải pháp để Việt Nam bảo đảm các lợi ích chiến lược

Việt Nam hiện nay có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên kết kinh tế sâu rộng - Ảnh: hanoimoi.vn

1. Các yếu tố mới tác động đến cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn

Kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009 đến nay, diện mạo nền kinh tế thế giới cũng như xu hướng vận động của nó chịu tác động chủ yếu của một số nhân tố sau:

Một là, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thay đổi mạnh mẽ và căn bản lực lượng sản xuất, quá trình sản xuất trên quy mô toàn cầu, nâng cao năng suất lao động và cục diện kinh tế thế giới. “Lịch sử thế giới chứng minh rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp luôn dẫn đến phân kỳ giai đoạn, gia tăng khoảng cách phát triển giữa những quốc gia bắt kịp và những quốc gia tụt lại phía sau”(1). Thật vậy, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đẩy cạnh tranh quốc tế ngày càng căng thẳng và khốc liệt hơn, đặc biệt là cuộc đua về kinh tế và khoa học - công nghệ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, Trung Quốc là một lực lượng mới nổi lên mạnh mẽ trong đường đua này. Trong chiến lược mang tên “Made in China 2025”, Trung Quốc thể hiện tham vọng xây dựng một cường quốc kinh tế hàng đầu về công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Khi nhận định về những lợi thế của Trung Quốc so với Mỹ trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), tác giả Kai-fu Lee (2020) đã chỉ ra: “Việc điều khiển sức mạnh AI ngày nay, loại “điện” của thế kỷ XXI, đòi hỏi bốn yếu tố đầu vào tương tự: Nguồn dữ liệu dồi dào, các doanh nhân xông xáo, các nhà khoa học AI, và môi trường chính sách thân thiện với AI. Khi nhìn vào thế mạnh tương đối của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong bốn nhóm yếu tố này, chúng ta có thể dự đoán được cán cân quyền lực mới đang nổi lên trong trật tự thế giới về AI”(2).

Hai là, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành một quá trình tất yếu không ngừng mở rộng từ những năm 50 của thế kỷ trước tới nay, không cho phép một quốc gia nào đứng ngoài cuộc chơi hội nhập cùng phát triển, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Toàn cầu hóa cho phép các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nguồn lực của sản xuất kinh doanh như vốn, sức lao động, khoa học - công nghệ,... được tự do di chuyển trên phạm vi toàn cầu. Các nền sản xuất và thị trường do đó, gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ, các quốc gia đan kết vào nhau trong một mạng lưới quan hệ lợi ích kinh tế phức tạp. Vừa hợp tác sâu rộng, vừa cạnh tranh gay gắt trên mọi lĩnh vực đã trở thành xu thế phổ biến của các quốc gia trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, lợi ích quốc gia dân tộc nói chung, đặc biệt là kinh tế, là nhân tố trung tâm, điều chỉnh và định hình mối quan hệ quốc tế cũng như việc hình thành hay tập hợp các lực lượng trên thế giới.

Ba là, các cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, y tế, và quân sự thế giới, tiêu biểu là cuộc đại suy thoái năm 2008, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ucraina.

Đặc trưng của xu hướng toàn cầu hóa và của hệ thống TBCN hiện đại chính là các cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu. “Khủng hoảng tài chính sẽ là đặc tính của thời đại toàn cầu hóa. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng ngày nay và với thực tế cho thấy rất nhiều quốc gia đang ở vào giai đoạn phát triển khác nhau, khủng hoảng sẽ là một căn bệnh truyền nhiễm”(3). Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - được so sánh với cuộc Đại suy thoái 1929 - xuất phát từ sự đổ vỡ bất động sản tại Mỹ đã làm chao đảo cả thế giới, nền kinh tế của nhiều quốc gia bị suy sụp và lâm vào khó khăn. Không chỉ dừng lại ở hệ quả kinh tế, cuộc khủng hoảng này còn gây ra những hệ lụy về xã hội sâu rộng cho nhiều quốc gia và đặt ra yêu cầu tư duy lại về phạm trù và mô hình phát triển kinh tế mới, theo hướng cân đối, bền vững và bao trùm hơn.

Đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc bức tranh toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, đẩy nhanh cuộc đại cấu trúc nền kinh tế thế giới và tiến trình số hóa nền kinh tế của các quốc gia. Một hình dung mới về trật tự quốc tế, tương quan sức mạnh kinh tế giữa các cường quốc trên thế giới và trong khu vực có nhiều thay đổi. Thương mại, đầu tư, việc làm và thu nhập, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm đáng kể trong thời gian ngắn khi đại dịch bùng phát, gây ra suy thoái trầm trọng.

Xung đột quân sự Nga - Ucraina cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây, sự trả đũa của Nga đã dẫn đến rạn nứt và đổ vỡ nhanh chóng các mối quan hệ năng lượng giữa châu Âu và Nga. “Lục địa già” cùng nhiều nước trên thế giới chìm trong khủng hoảng năng lượng và vòng xoáy lạm phát.

Những sự kiện này thay đổi sự vận động của hệ thống kinh tế quốc tế, cục diện và cạnh tranh về kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ giữa các nước lớn. Cụ thể, cuộc cạnh tranh địa chính trị thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ tăng nhiệt, nhất là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đồng thời, Nga, Trung Quốc và các quốc gia được xem là đối địch với Mỹ và phương Tây sẽ có xu hướng liên kết chặt chẽ hơn trong kinh tế và quân sự.

Bốn là, nhiều vấn đề toàn cầu cấp bách đã và đang đe doạ nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của thế giới. Đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống mới xuất hiện như an ninh môi trường, an ninh mạng, an ninh năng lượng…, đang đặt ra yêu cầu bức thiết, buộc các quốc gia, dân tộc phải tạm thời gạt bỏ những mâu thuẫn để hợp tác trên nhiều khía cạnh, vấn đề và thời điểm nhất định vì lợi ích và vận mệnh chung. Sự dẫn dắt của yếu tố lợi ích, mà trước hết là lợi ích kinh tế, những tính toán địa chính trị và chiến lược, dần thay thế yếu tố ý thức hệ và giá trị, đã khiến cho mối quan hệ lợi ích giữa các quốc gia vận động phức tạp và khó lường. Trong xu thế này, các mối quan hệ lợi ích kinh tế quốc tế vừa hợp tác, thỏa hiệp vừa mâu thuẫn, đấu tranh. Chưa khi nào trong lịch sử, sự hợp tác và đấu tranh giữa các quốc gia, dân tộc vì lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia, dân tộc lại chịu sự chế ước, ràng buộc và tương thuộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế như hiện nay.

Thực tế này đúng với nhận định của Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Cũng theo đó, mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các nước lớn với nhau, có xu thế điều chỉnh theo hướng tìm kiếm điểm cân bằng, thỏa hiệp, đối thoại, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau rất quyết liệt nhưng tránh xung đột trực diện. Chiến tranh không còn là công cụ phổ biến nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các nước lớn, thay vào đó, các nước này có xu hướng tranh giành ảnh hưởng một cách tinh vi và kín đáo hơn thông qua việc đẩy các mâu thuẫn này sang các nước vừa và nhỏ. Xung đột quân sự Nga - Ucraina, tuy tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán, nhưng ít khả năng có thể châm ngòi thành chiến tranh thế giới thứ III.

Năm là, tập hợp lực lượng đa dạng, với sự nổi lên của các cường quốc mới trong các thể chế đa phương; sức mạnh của các công ty, tập đoàn đa và xuyên quốc gia giữ vai trò quan trọng trong việc quản trị, dẫn dắt kinh tế khu vực và toàn cầu.

Xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, đặc biệt là ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu đã đưa tới nhiều cách thức hợp tác và thể chế đa phương mới nhằm giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã thay thế vai trò của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7).

Những thể chế đa phương Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... được hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ II có vai trò nòng cốt trong quản trị các vấn đề kinh tế toàn cầu, định hình hệ thống và trật tự quốc tế của Mỹ. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, các cường quốc mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đang gia tăng sức mạnh thông qua việc đẩy mạnh các sáng kiến và cơ chế hợp tác kết nối kinh tế mới với mục đích định hướng và cạnh tranh trực tiếp với những thể chế đa phương khác, như “Sáng kiến Vành đai, con đường” (BRI), Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)... của Trung Quốc.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia,… là những chủ thể có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế quốc tế. Sức mạnh kinh tế và cả sức mạnh chính trị của các công ty, tập đoàn đa và xuyên quốc gia tăng nhanh chóng trong những thập niên gần đây. Chỉ trong 4 thập niên gần đây, từ năm 1990 đến 2020, tỷ trọng của 50 công ty hàng đầu thế giới tính theo vốn hóa thị trường đã tăng hơn 5,8 lần, trong khi đó GDP toàn cầu với cùng khoảng thời gian chỉ tăng xấp xỉ 3,6 lần. Năm 2020, bất chấp khủng hoảng do đại dịch Covid-19, những công ty này đã đóng góp 27.6% vào GDP toàn cầu(4).

Đến năm 2020, các công ty công nghệ dần nổi lên và chiếm khoảng 42% trong số 50 công ty hàng đầu thế giới. Các công ty công nghệ hoạt động trên nền tảng số, không bị giới hạn không gian nên việc kiểm soát các công ty công nghệ hiện nay không chỉ là công việc của một quốc gia. Tính đến tháng 12-2019, tổng giá trị thị trường của GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) vượt qua Nhật Bản, Đức và Ấn Độ để trở thành lực lượng kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

2. Cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn hiện nay

Nhận định về tình hình kinh tế chính trị thế giới hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện đa cực ngày càng rõ nét”(6). Từ đầu thế kỷ XXI, tình hình cạnh tranh kinh tế giữa các nước lớn diễn ra đa chiều và phức tạp, với những đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, Mỹ - Trung tiếp tục là trục quan hệ kinh tế nước lớn quan trọng nhất, do đó, va chạm về lợi ích giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này giữ vai trò chủ đạo, chi phối và quyết định quá trình vận động và định hình cục diện kinh tế thế giới, khu vực hiện nay và trong những thập kỷ tới.

Bức tranh kinh tế thế giới hiện nay ngày càng định hình rõ nét xu hướng đa cực, đa trung tâm. Nhiều thập kỷ qua, Mỹ vẫn luôn giữ vai trò và ưu thế tuyệt đối của đầu tàu kinh tế thế giới, song đang có dấu hiệu suy giảm tương đối khi các lực lượng kinh tế khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang nổi lên ngày một rõ hơn. Xét về cả quy mô kinh tế, tỷ lệ phần trăm trong GDP toàn cầu, đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu, giá trị thương mại và đầu tư quốc tế, đều cho thấy vị trí siêu cường kinh tế của Mỹ đang bị thách thức mạnh mẽ(7). Trong khi đó, Trung Quốc đã từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời”, chuyển sang “hành động thể hiện” và vươn lên thần tốc sau hơn 40 năm cải cách mở cửa. Tại Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện vào giữa thế kỷ XXI.

Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc diễn ra chủ yếu trên mặt trận công nghệ và sức mạnh tổng hợp quốc gia, với không chỉ bằng các công cụ kinh tế như thương mại, đầu tư mà cả bằng các công cụ sức mạnh mềm. Trung Quốc đã triển khai chính sách “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” cùng sáng kiến “Vành đai và con đường” nhằm định hình và kiểm soát mạng lưới thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng kinh tế khắp toàn cầu. Do đó, va chạm lợi ích giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc được nhiều học giả dự đoán là thời kỳ “Chiến tranh lạnh 2.0”, chắc chắn sẽ đưa đến nhiều tác động sâu sắc tới bối cảnh kinh tế, chính trị khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Tuy nhiên, xét về tuyệt đối và tương quan sức mạnh tổng thể, trong bức tranh kinh tế thế giới, cán cân sức mạnh vẫn đang nghiêng về phía Mỹ. Song, những biến đổi và dịch chuyển nhanh chóng theo hướng thu hẹp khoảng cách trong tương quan so sánh sức mạnh kinh tế giữa các cực, trung tâm quyền lực, đặc biệt là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn sẽ đưa lại nhiều thay đổi đáng kể trong cục diện kinh tế thế giới thời gian tới.

Thứ hai, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với nguồn lao động dồi dào, nhu cầu thị trường lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú... ngày càng trở thành trung tâm của địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại đang cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng và tích cực. Vai trò của khu vực cũng được tăng cường trong 20 năm qua và tiếp tục được củng cố trong hai thập niên tới(8). Cùng với đó là xu hướng suy giảm năng lực của các nước phương Tây nói chung trong việc lãnh đạo trật tự kinh tế quốc tế, kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, bắt đầu xuất hiện xu thế “phương Đông đi lên, phương Tây đi xuống”. Minh chứng là tỷ trọng GDP tính theo sức mua tương đương của các nước G7 trong GDP thế giới từ 50,42% năm 1982 giảm xuống còn 30,39% năm 2022. Trong khi đó, năm 2022, Trung Quốc dẫn đầu đóng góp vào GDP thế giới với 18.58%, Ấn Độ đứng thứ ba với 7.21%(9).

Thứ ba, cục diện kinh tế thế giới hiện nay chứng kiến sự trỗi dậy của xu hướng dân tộc kinh tế, đặc biệt là từ sự kiện Brexit và khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Những thập niên gần đây, mặc dù nền kinh tế thế giới có tốc độ và mức độ lưu thông hàng hóa và vốn nhanh chóng, cùng với tiến bộ về công nghệ và văn minh, thịnh vượng của xã hội, nhưng lợi ích của toàn cầu hóa vẫn chưa được phân phối công bằng và hợp lý. Nhiều người dân, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chưa được hưởng thành quả của toàn cầu hóa, thậm chí chịu thiệt thòi về lợi ích, từ đó dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự phổ biến của các hành vi chống toàn cầu hóa. Đặc biệt, từ sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, với những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và sự đình trệ nền sản xuất thế giới, được đánh giá là “cú sốc toàn cầu lớn nhất” trong nhiều thập niên gần đây, đã dẫn đến xu hướng đổi mới chuỗi giá trị toàn cầu và giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. (Xem hình 2).

Để đối phó với những tác động khó lường của đại dịch Covid-19 nói riêng và các nguy cơ đe dọa đến an ninh phi truyền thống nói chung trong tương lai, các quốc gia cố gắng cân bằng tốt hơn giữa toàn cầu hóa và bảo đảm mức độ tự lực cần thiết. Điều này tất yếu dẫn đến việc tái cấu trúc vai trò của nhà nước và thị trường ở phạm vi toàn cầu; và đồng thời, kéo theo sự dịch chuyển, cơ cấu lại của những nhân tố cấu thành “nền kinh tế chuỗi” của quá trình toàn cầu hóa, như đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng, hậu cần, dịch vụ... ở mọi cấp độ và phạm vi. Với những tác động như vậy, đại dịch thậm chí được ví như thêm một cái đinh đóng lên chiếc quan tài toàn cầu hóa(11).

3. Gợi ý cho Việt Nam

Lợi ích quốc gia, dân tộc, mà trước hết là lợi ích kinh tế đã và đang trở thành mục tiêu cơ bản và nhân tố quyết định trong việc hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia. Những liên kết hay va chạm, xung đột và mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình hình phát triển kinh tế khu vực nói chung và tình hình kinh tế các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam nói riêng. “Khi các nước lớn thỏa hiệp, móc ngoặc với nhau nhằm đạt lợi ích chung nào đó, thì đó là điều bất lợi cho các nước nhỏ và các nước đang phát triển”(12). Trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, có độ mở lớn, có vị trí địa chiến lược quan trọng và tiềm năng phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này thể hiện rõ qua những thành tựu về ngoại giao và hợp tác kinh tế mà chúng ta đạt được từ trong công cuộc đổi mới từ năm 1986.

“Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên kết kinh tế sâu rộng; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Nếu cách đây 30 năm, chúng ta mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ”(13).

Trong bối cảnh như vậy, nhằm lựa chọn được hướng đi phù hợp với sự phát triển của lịch sử; vững vàng trước những biến đổi, bão táp của đời sống kinh tế chính trị quốc tế. Một số gợi ý cho Việt Nam trong xử lý quan hệ kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn là:

Thứ nhất, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, bảo vệ được lợi ích chiến lược của Việt Nam trong tương quan quan hệ kinh tế với các nước lớn nói riêng và thế giới nói chung, nhiệm vụ trước hết và quan trọng nhất đối với Việt Nam đó là phải tăng cường tiềm lực quốc gia, bồi đắp phát triển nội lực, và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với việc tận dụng những cơ hội từ giao thương và các FTA thế hệ mới để thúc đẩy tăng trưởng, củng cố nội lực, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững; phát triển đồng bộ, hài hòa các lĩnh vực kinh tế. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; sẵn sàng, chủ động nguồn lực từ trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn của các công ty đa quốc gia.

Thứ hai, tăng cường, chủ động trong hợp tác kinh tế quốc tế với các nước lớn; mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu. Đây là định hướng chiến lược nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết trong quan hệ quốc tế; đồng thời tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm từ các nước này để nâng cao nội lực kinh tế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước.

Song, trong quan hệ với các nước lớn, luôn tồn tại cả thời cơ và thách thức. Do đó, cần tỉnh táo, tích cực, chủ động, tự tin và có đối sách phù hợp với từng nước lớn; vận dụng linh hoạt phương thức vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hội nhập.

Thứ ba, tích cực, chủ động nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Việt Nam cần đặt lợi ích dân tộc trong mối quan hệ với lợi ích các quốc gia khác và trách nhiệm quốc tế. Cùng với việc củng cố, tăng cường sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc, cần chủ động, tích cực trong xây dựng sức mạnh mềm, thông qua thực hiện các trách nhiệm liên quan đến duy trì hòa bình và ổn định, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực và trên thế giới; đóng góp nhiều hơn nữa vào những nỗ lực đối phó với các nguy cơ an ninh xuyên quốc gia và phi truyền thống.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 13-4-2023; Ngày bình duyệt: 17-8-2023; Ngày duyệt đăng: 24-8-2023.

(1) Angus Deaton: Cuộc đào thoát vĩ đại, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr.156.

(2) Kai-fu Lee: Các siêu cường AI: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và trật tự thế giới mới, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2020, tr.36.

(3) Thomas L.Friedman: Chiếc Lexus và cây ô liu, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr.557.

(4) Omri Wallach: Top 50 Companies Proportion of World GDP, 2021, https://www.visualcapitalist.com/top-50-companies-proportion-of-world-gdp.

(5) Atlas Magazine: GAFAMs’ market capitalization, 2021, https://www.atlas-mag.net/en/article/gafams-market-capitalization.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.206-207.

(7) Diễn đàn kinh tế Việt Nam: “So sánh kinh tế Mỹ và Trung Quốc”, https://vef.vn/bieu-do/so-sanh-kinh-te-my-va-trung-quoc/56775.

(8) Nguyễn Đức Lợi: “Tác động của tình hình thế giới, khu vực đối với Việt Nam trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825958/tac-dong-cua-tinh-hinh-the-gioi%2C-khu-vuc-doi-voi-viet-nam-trong-bao-dam-loi-ich-quoc-gia-dan-toc.aspx.

(9) MG Chandrakanth: How BRICS countries have overtaken the G7 in GDP based on PPPs, 2023, https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/economic-policy/how-brics-countries-have-overtaken-the-g7-in-gdp-based-on-ppps.

(10) Ngân hàng thế giới: Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2021, tr.22.

(11) Phạm Thắng: “Trật tự kinh tế thế giới sẽ khác sau đại dịch Covid-19”, 2020, https://baoquocte.vn/trat-tu-kinh-te-the-gioi-se-khac-sau-dai-dich-covid-19-114615.html, truy cập 15-4-2022.

(12) Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Mạnh Hưởng: “Quan hệ giữa các nước lớn và đối sách của Việt Nam”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017, tr.78.

(13) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.185.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh kinh tế trên thế giới và giải pháp để Việt Nam bảo đảm các lợi ích chiến lược
    POWERED BY