(LLCT) - Vành đai và Con đường (BRI) là “sáng kiến” kết nối cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường biển và đường không giữa Trung Quốc với thế giới. Sáng kiến này công bố chính thức ngày 28-3-2015(1). BRI đã triển khai hơn 5 năm, tuy vậy, nhiều vấn đề rất cơ bản về BRI như: khái niệm, cấu trúc, mối quan hệ, cốt lõi và mục tiêu là gì...vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Bài viết tập trung làm rõ thêm những vấn đề nêu trên góp phần hiểu đúng về BRI, tham vấn đối với Đảng và Nhà nước, đề ra chính sách thích ứng phù hợp với Vành đai và Con đường.
Từ khóa: Vành đai và Con đường, cấu trúc, cốt lõi, mục tiêu.
1. Về thuật ngữ Vành đai và Con đường
Vành đai và Con đường là phiên bản rút gọn của phiên bản đầu có tên: Một Vành đai - Một Con đường, âm Hán Việt là Nhất đới nhất lộ, tiếng Trung là 一带一路; bính âm: Yídài yílù..., tiếng Anh là One Belt One Road. Sau đổi tên chính thức thành Sáng kiến Vành đai và Con đường, tiếng Anh điều chỉnh lại là Belt and Road Initiative (BRI). Từ đó tên này được sử dụng chính thức cho đến nay. Vành đai và Con đường là tên rút gọn của tên đầy đủ: Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (Vành đai) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (Con đường). Điều thú vị là, mỗi vế đều có từ Tơ lụa, từ tơ lụa được lặp lại và nhấn mạnh ở cả hai vế, vế “Đai” và cả vế “Đường”. Vế trên, điểm nhấn là con đường tơ lụa - kinh tế, Trung Quốc muốn nhấn mạnh và định hướng thế giới về góc độ kinh tế của con đường, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Tây kém phát triển so với phía Đông của Trung Quốc, tạo ra thế cân bằng Đông- Tây. Vế dưới, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, không nhấn về góc độ kinh tế của con đường, mà nhấn về thuật ngữ “biển”, con đường biển, lối ra biển, nhấn về khía cạnh địa chính trị biển nhưng viết cụ thể là biển thế kỷ XXI, như vậy nó khác với biển trước thế kỷ XXI(2). Từ tơ lụa hiện diện cả hai vế của Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, thú vị là, trong thực tiễn triển khai, không có tơ lụa theo nghĩa đen của nó được chuyển vận, buôn bán trên cả hai loại hình đường này. Thay vào đó là con đường sắt, đường bộ, đường ống... thay vì thuyền buôn tơ lụa là những tàu ngầm, tàu chiến, tàu thuyền buôn bán hàng hóa... Từ tơ lụa ở Vành đai và Con đường thực chất được khôi phục từ con đường tơ lụa đan xen giữa huyền thoại và lịch sử trong sử Trung Quốc. Bản thân danh xưng con đường tơ lụa lại do học giả người Đức mới đặt ra ở thế kỷ XIX, ông đặt tên cho con đường trên bộ buôn bán sản phẩm chính là tơ lụa, khởi đi từ Tây An, Trung Quốc đến nước Ý, khởi phát thời nhà Hán và hưng thịnh nhà Đường. Còn con đường tơ lụa trên Biển được phục hưng từ con đường trên biển, do Trịnh Hòa “thất há Nam Dương” (bẩy lần dong thuyền xuống phía Nam thời nhà Minh, Trung Quốc). Làm sống dậy thuật ngữ tơ lụa trong Vành đai và Con đường, một mặt phản ánh khát vọng thực hiện, phục hưng giấc mộng mà cha ông người Trung Quốc đã làm hưng thịnh Trung Quốc thời Hán Đường, mở ra giao lưu buôn bán giữa Trung Quốc với thế giới từ rất sớm nhưng sau đó đứt đoạn. Và một lần nữa muốn khôi phục con đường biển, chiếm lĩnh, làm chủ biển của Trung Quốc thế kỷ XXI.
2. Cấu trúc của Vành đai và Con đường
Xét về cấu trúc, Vành đai và Con đường như tên gọi của nó gồm có 2 cấu kiện chính là Vành đai và thứ 2 là Con đường. Trong thực tế, còn cấu kiện ẩn nhưng rất quan trọng, thậm chí nó là cấu kiện linh hồn của Vành đai và Con đường, là con đường thông tin. Như vậy, thực chất cấu trúc của Vành đai và Con đường gồm: cấu trúc đường mặt đất, cấu trúc đường mặt nước (biển) và cấu trúc không gian (đường thông tin). Cấu trúc này là một cấu trúc 3 chiều nhưng lại liên kết nền tảng với nhau, được hình dung là ba mũi đường đi ra thế giới của Trung Quốc, về mặt cơ học hình thức và trên thực tế có thể là cả ba đều là con đường hai chiều, có đi và có về nhưng thực chất là con đường mũi tên một chiều, mũi tên Trung Quốc đi ra ngoài, tìm kiếm trị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm dư thừa, tạo ảnh hưởng, tìm kiếm đồng minh lệ thuộc vào mình và từng bước khống chế, tạo ra một chuỗi các nước chịu ảnh hưởng và đi theo Trung Quốc, từng bước tạo lập trật tự thế giới mới do Trung Quốc dẫn dắt và thiết lập luật chơi(3).
Vành đai nghĩa là một đai, một dải, một trục lớn, trục chính, trục tâm khởi đi từ Trung Quốc, gồm nhiều nhánh đường bộ, đường sắt cao tốc, đường ống... kết nối Trung Quốc với Châu Âu và các nước Nam Á, Đông Nam Á. Vì lý do này cái tên Một Vành đai không bao trùm hết được thực tế triển khai, nó là Đa Vành đai, bỏ chữ Một còn Vành đai có tính khái quát hơn. Trong Vành đai có nhiều nhánh, trọng tâm đầu mối luôn là Trung Quốc và từ Trung Quốc. Điều này cho thấy tính trung tâm của Trung Quốc ở Vành đai Con đường, thực chất là tuyến điểm hay tiếp điểm kết nối Trung Quốc từ phía biển, đi qua nhiều điểm nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Nam Á, Ấn Độ, Iran và châu Âu, châu Phi. Còn con đường thông tin, trọng tâm là 5G(4) của Trung Quốc, kết nối Trung Quốc với toàn thế giới mạng không dây tốc độ cao nhất thế giới hiện nay.
3. Mối quan hệ giữa Vành đai và Con đường
Vậy sự giống nhau, khác nhau và mối liên hệ giữa Vành đai và Con đường là gì? Về giống nhau, Vành đai và Con đường là hai cánh của một kế hoạch hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu chấn hưng Trung Quốc, thực hiện Giấc mộng Trung Hoa như Tập Cận Bình đã phát biểu(5). Mặt khác, về bản chất, Vành đai và Con đường đều lấy Trung Quốc làm trung tâm và từ Trung Quốc khởi đi.
Mặt khác, giữa Vành đai và Con đường cũng có những sự khác nhau. Vành đai là con đường bộ. Con đường là con đường biển. Vành đai đưa Trung Quốc gắn kết hơn nữa, hiện diện cụ thể hơn ở Trung Đông, châu Âu, Nga... trên đất liền và cũng kéo châu Âu, Trung Đông, Nga... xích lại gần hơn Trung Quốc hơn bằng đường bộ, lõi của nó là khôi phục con đường tơ lụa cổ. Con đường giúp Trung Quốc gắn kết chặt chẽ hơn, xác lập cụ thể hơn, bằng hình hài tuyến điểm trên biển với các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi bằng đường biển và ngược lại, cũng xác lập mối liên hệ giữa các khu vực và quốc gia này vào một khối cộng đồng chung vận mệnh Con đường biển. Vành đai giúp Trung Quốc phát triển phía Tây (kém phát triển), Con đường giúp Trung Quốc tiếp tục phát triển phía Đông (đã phát triển)(6). Con đường mà lõi là con đường tơ lụa phía Tây đã từng lừng danh, tức Trung Quốc đã thành công trong giao lưu đường bộ với thế giới từ rất sớm. Ngược lại, Trung Quốc chưa thành công trong phát triển và chinh phục đường biển để phát triển thành đế chế biển, vươn ra, ảnh hưởng lên thế giới bằng đường biển. Vì thế, Trung Quốc đặt tên cho con đường này là con đường tơ lụa trên biển, nhưng biển thế kỷ XXI, tức Trung Quốc sẽ lặp lại kỳ tích con đường tơ lụa trên bộ, nay thực hiện nó ở trên biển, thế kỷ XXI này, vì các thế kỷ trước Trung Quốc đã lỡ hẹn cuộc chơi trên biển.
4. Cốt lõi của Vành đai và Con đường
Cốt lõi của Vành đai là các dự án cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và các nước tham gia. Trong dự án cơ sở hạ tầng này, nổi bật và trọng tâm là: xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, tuyến đường bộ cao tốc, các đập thủy điện, các đường ống dẫn khí, dẫn dầu và khí ga và các cảng, bãi, kho vận cùng với đó là các trung tâm chuyển giao, các thành phố mọc lên, các trung tâm thương mại, giải trí... và ăn theo với sự hình thành chuỗi cơ sở hạ tầng này(7).
Cốt lõi của Con đường là các dự án xây dựng các tuyến, các điểm trên biển, cảng biển, sân bay, kho bãi ở cảng biển. Mục tiêu của nó là kết nối các cảng biển phía Nam Trung Quốc, lấy Phúc Kiến, Quảng Đông làm đầu mối đi ra biển của Trung Quốc. Mặt khác, từ các cảng biển, kho bãi này kết nối với các nhánh, các tuyến của con đường trên bộ, tạo thành mạng lưới kết nối giữa Trung Quốc với các nước và giữa các nước với nhau bằng cả con đường trên bộ, trên biển và liên thông giữa chúng với nhau, hình thành chuỗi mối giao lưu, trạm trung chuyển và liên thông về cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc với châu Âu, Đông Nam Á, Nam Á, Ấn Độ, Iran... và châu Phi(8).
Cốt lõi của 5G, công ty chủ lực là Hoa Vi là sự xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng mạng không dây tốc độ cao gọi tắt là 5G(9), các trụ, cột phát sóng 5G triển khai trên toàn thế giới. 5G đã được chính thức triển khai toàn Trung Quốc năm 2019. Trung Quốc đã triển khai xây dựng cột thu phát 5G với số lượng vượt trội hơn Mỹ trên toàn thế giới.
Như vậy trọng tâm lõi của nó là cơ sở hạ tầng, nhưng là nền tảng hạ tầng cơ sở chất lượng cao, mang tính mũi nhọn mà thế giới đang rất cần. Những nước ở khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông... đang rất cần nguồn cơ sở hạ tầng chất lượng cao đặc biệt là đường giao thông cao tốc, đường sắt cao tốc, bến cảng... Đặc biệt, những nước phát triển như Anh, Đức, Pháp, Ý, Nga, thậm chí cả Mỹ... cũng đang rất cần mạng 5G của Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đã đi trúng vào những yếu tố thiết yếu về cơ sở hạ tầng mà toàn thế giới đang cần, Trung Quốc đã đi trước một bước so với thế giới ở các lĩnh vực này.
5. Những mục tiêu của Vành đai và Con đường
Mục tiêu kinh tế
Vành đai và Con đường không phải là một khẩu hiệu chính trị mà nó là một kế hoạch hành động. Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong Hội nghị Kinh tế thế giới thường niên đã nói rằng, việc tăng trưởng chậm của Trung Quốc không phải là sự suy thoái của Trung Quốc mà phải hiểu rằng, Trung Quốc đang thay đổi cơ cấu nền kinh tế, kết thúc thời đại giá rẻ và bước vào giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu mũi nhọn và các trọng điểm chất lượng cao, để đưa Trung Quốc tiến đến mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Vành đai và Con đường ra đời ở khúc cua, bước chuyển này của cơ cấu kinh tế Trung Quốc.
Tại sao vậy? Bởi lẽ, Vành đai và Con đường, sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc, trong đó những lĩnh vực trọng điểm như giao thông, cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ, đóng tàu, sắt, thép, kho, bến cảng, sản xuất thiết bị viễn thông, điện tử, thương mại điện tử... và các chuỗi cung ứng theo cùng với nó, vốn đã tương đối bão hòa trong nước, hoặc đã phát triển cao trong nước, sẽ được chuyển giao sang các nước kém phát triển hơn, như đường sắt cao tốc, đường giao thông, sắt, thép, công nghệ nhà máy điện, nhiệt điện, thủy điện, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, thiết bị viễn thông điện tử, 5G... sẽ được chuyển giao sang các nước ngoài Trung Quốc thông qua Vành đai và Con đường. Ngược lại, qua Vành đai và Con đường, Trung Quốc sẽ có cơ hội nhập về nước nguồn năng lượng, các loại đất hiếm, đá quý, nguồn năng lượng chiến lược, các loại hình công nghệ chất lượng cao để nâng cấp nền kinh tế, đồng thời từ đó giải phóng nguồn nhân lực dư thừa, tiếp tục đổi mới năng lực công nghệ, năng lực sáng tạo, tạo ra vòng tuần hoàn giúp kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng, tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững, vươn lên tầm cao mới như Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn đã nói. Đồng thời, thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc sẽ được chuyển qua các thành phố, đất nước mà Vành đai và Con đường đi qua, tạo ra một cộng đồng Vành đai và Con đường, như Trung Quốc gọi là cộng đồng vận mệnh chung không ngừng rộng mở(10). Điều này tiếp tục giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, vươn lên cạnh tranh và vượt lên kinh tế Mỹ như mục tiêu mà Vành đai và Con đường kỳ vọng từ lĩnh vực kinh tế.
Mục tiêu chính trị
Sau nhiều năm thực hiện phương châm kiên nhẫn ẩn mình chờ thời, tức là mục tiêu chính trị chịu sự dẫn dắt của Mỹ, nằm trong thế giới do Mỹ tạo ra, Trung Quốc muốn chuyển sang giai đoạn dẫn dắt và kiểm soát Mỹ và thế giới. Vành đai và Con đường, trọng tâm là 5G, hướng đến hai mục tiêu chính trị rõ ràng. Một là, quy tụ các nước quanh Vành đai và Con đường Trung Quốc cho vay, lôi kéo và dẫn dắt các nước có lợi từ vành đai và con đường, từng bước chia rẽ châu Âu, bao vây Ấn Độ cả đường biển và đường bộ thông qua án ngữ tại cảng chiến lược Srilanka và Pakistan, từng bước mở rộng, kiểm soát đường biển để cô lập Nhật Bản, kiểm soát khu vực Trung Đông và châu Phi. Hai là, tiến đến cô lập Mỹ, làm suy yếu NATO, kiểm soát châu Âu và Mỹ bằng 5G, từng bước chiếm lĩnh vị trí dẫn dắt thế giới.
Mục tiêu ngoại giao
Vành đai và Con đường là trọng điểm ngoại giao của Trung Quốc thế kỷ XXI, Trung Quốc tuyên bố, thế kỷ XXI bắt đầu với Vành đai và Con đường(11). Muốn hiểu vị trí của ngoại giao ở Vành đai và Con đường, chỉ cần nhớ lại phương châm ngoại giao của Trung Quốc trước đây là: Thao quang dưỡng hối (giấu mình chờ thời). Ngược lại, Vành đai và Con đường, là sự tuyên bố, chấm dứt thời kỳ ẩn mình chờ thời, tháo vòng kim cô, hóa giải thần chú, thay vào đó chuyển từ ẩn mình chờ thời sang thời kỳ ngoại giao trỗi dậy và dẫn dắt.
Sự thay đổi chiến lược ngoại giao, đánh dấu sự chuyển mình của Trung Quốc, trỗi dậy, dẫn dắt, tạo ảnh hưởng, kiểm soát thế giới thế kỷ XXI là mục tiêu ngoại giao được tuyên bố rõ ràng trong Vành đai và Con đường.
Mục tiêu đối nội
Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã cơ bản đạt mục tiêu xây dựng xã hội khá giả. Để tạo cơ sở vững chắc cho sự lãnh đạo tuyệt đối, duy nhất của mình, Trung Quốc cần tiếp tục cam kết mang lại nền kinh tế tăng trưởng 2 con số cho người dân của mình. Vành đai và Con đường với vòng tuần hoàn kinh tế được nâng cấp sàng lọc có lợi cho Trung Quốc, giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, có nền tảng hơn, sẽ là cam kết vững chắc nhất cho người dân Trung Quốc, bảo đảm sự lãnh đạo, tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Làm được điều này, Trung Quốc sẽ giải quyết tốt vấn đề đối nội của mình với 1,4 tỷ dân trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mục tiêu này rất khó đạt, vì những tai họa liên tiếp làm đứt gãy những cấu kiện cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc. Đó là, chiến tranh thương mại với Mỹ, biểu tình chống đối ở Hồng Kông và gần đây là đại dịch COVID-19.
Tất cả những mục tiêu trên nếu thành công, sẽ tương hỗ và giúp Trung Quốc thành công mục tiêu tối hậu là 2049 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc sẽ hoàn thành giấc mộng Trung Hoa, trở lại vai trò dẫn dắt và bá chủ thế giới. Mục tiêu này đặt cược vào Vành đai và Con đường. Như vậy, sự thăng hay trầm của Vành đai và Con đường sẽ báo hiệu về sức khỏe của Trung Quốc. Vì vậy, từ một khía cạnh nào đó, nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ XXI trọng tâm là nghiên cứu Vành đai và Con đường. Và nghiên cứu Vành đai và Con đường là nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ XXI.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 506.01-2016.01.
(1), (3), (7), (8), (10) Tên đầy đủ của văn kiện là: Viễn cảnh và hành động về việc thúc đẩy cùng xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Văn kiện này là phụ lục in kèm trong cuốn sách phát hành chính thức bằng nhiều thứ tiếng của Trung Quốc, trong đó có tiếng Việt do người Trung Quốc tự dịch, tự in tại Nxb Thế giới mới, tác giả Vương Nghĩa Nguy, năm 2017, tr.205-223, Tên sách đầy đủ là: Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang đến cho thế giới điều gì. “Sách do Cục Giáo dục cán bộ Ban Tổ chức Trung ương, Cục Lý luận Ban Tuyên truyền Trung ương giới thiệu”.
(2) Ý này được Trung Quốc thích nghĩa rất rõ, Trung Quốc phê phán Biển xâm lược của phương Tây và đưa ra thuật ngữ Văn hóa biển mới, biển giao thương do Trung Quốc khởi xướng, đó là ý nghĩa mới, thay thế và khác biệt Biển trước thế kỷ XXI do phương Tây đặt ra và dẫn dắt, Văn hóa biển thế kỷ XXI thông qua con đường tơ lụa trên biển là con đường Văn hóa biển mới và thay thế đường biển cũ.
(4), (9) 5G (Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn.
(5), (11) Sáng kiến: Vành đai và Con đường, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang đến cho thế giới điều gì, Nxb Thế giới mới, Tác giả Vương Nghĩa Nguy, do Bành Thế Đoàn dịch, bản in tiếng Việt, tại Bắc Kinh, năm 2017, tr.17, 1.
(6) Hồ An Cương (Chủ biên) dịch giả: Trần Khang, Bùi Xuân Tuấn, Nxb Thông tấn, 2003.
TS Trịnh Văn Định
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội