Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện

21/12/2023 14:33

ThS TRẦN THỊ THANH THỦY
Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên

(LLCT) - Từ tư tưởng, đạo đức, lối sống đến phong cách Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự thống nhất trong làm gương, nêu gương và noi gương. Thực hành làm gương, nêu gương, noi gương theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cách thức tốt nhất để xây dựng Đảng, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương

Thứ nhất, về mối quan hệ giữa làm gương, nêu gương và noi gương

Trước tiên, làm gương có khi được đồng nhất với nêu gương; làm gương tương đồng với nêu gương vì đều tạo ra một tấm gương sống cho người khác học tập và làm theo noi gương (noi theo). Làm gương và nêu gương đều nhằm để được noi gương (hay làm theo tấm gương). Tính khác biệt là ở chỗ: Làm gương là gốc của nêu gương, noi gương. Nêu gương là tuyên truyền hay lan tỏa làm gương nhằm nhân rộng, noi gương tấm gương sáng. Noi gương việc học tập, làm theo của tấm gương và được nêu gương. Mấu chốt của nêu gương, noi gương là sự lan tỏa, học tập, đi theo việc làm gương (tấm gương). Các hành vi, hành động nêu gương, noi gương là học tập, thực hành để xã hội hóa nhân cách cá nhân hướng theo tấm gương. Làm gương, noi gương chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, còn nêu gương thiên về yếu tố khách quan.    

Theo Hồ Chí Minh, chỉ tự mình làm gương thì mới nêu gương được và mới lan tỏa noi gương. Người chỉ rõ: Trước hết “cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”(1); từ đó mới có thể nêu gương để mọi người noi gương. Tức là hành vi tốt, hành động tốt, sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến được lan tỏa và ảnh hưởng đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình gương mẫu làm gương về tư tưởng, đạo đức, phong cách công tác và sinh hoạt thường nhật; trong hoạt động cách mạng và trong đời sống hàng ngày. Đối với Người, việc tự mình làm gương trong tư tưởng, đạo đức, lối sống và phong cách công tác, kể cả trong những hành vi giao tiếp, ứng xử thường nhật, có tác dụng nêu gương và noi gương thuyết phục nhất.

Thứ hai, về sự cần thiết và ý nghĩa của làm gương, nêu gương và noi gương

Theo Hồ Chí Minh, văn hóa, đạo đức phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình,  bởi "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(2). Nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây, Người cho rằng, “muốn đẩy mạnh các mặt sản xuất, chiến đấu, văn hóa và các mặt khác, thì trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(3).

Qua tấm gương của cán bộ, đảng viên, “nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta… Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”(4).

Theo Hồ Chí Minh, chỉ tự mình làm gương thì mới nêu gương được và mới lan tỏa noi gương. Người chỉ rõ: Trước hết “cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”; từ đó mới có thể nêu gương để mọi người noi gương. Tức là hành vi tốt, hành động tốt, sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến được lan tỏa và ảnh hưởng đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo.

Thứ ba, về cách thức làm gương, nêu gương và noi gương

Nội dung này được Hồ Chí Minh bàn rõ ở mục “Tư cách một người cách mệnh” gồm 23 điểm trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927). Theo Người, “tư cách một người cách mạng” là phải chuẩn mực; phải thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác và với công việc. Cụ thể, tự mình phải: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(5).

Về cách thức, để nêu gương, theo Người, trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để nhiều người làm gương, noi gương, trước hết phải giáo dục bằng tấm gương của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói để cảm hóa, giáo dục người khác.

Việc làm gương, nêu gương và noi gương phải được thực hiện cả đối với bản thân mình, đối với người và đối với công việc; phải làm gương, nêu gương và noi gương thường xuyên từ việc nhỏ đến việc lớn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. Đối với mình, phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người, phải giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, luôn khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc "dĩ công vi thượng", đặt lợi ích quốc gia dân tộc, của tập thể và của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Làm gương, nêu gương và noi gương từ trong suy nghĩ và hành động về tư tưởng, đạo đức cả trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt thường ngày; cần phải coi trọng việc nêu gương những người có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, tôn vinh và ai cũng có thể làm theo, noi theo; “lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(6). Làm gương, nêu gương và noi gương phải là một công việc thường xuyên, liên tục và nghiêm túc: Thế hệ đi trước làm gương, nêu gương cho thế hệ đi sau noi theo; cha mẹ làm gương, nêu gương cho các con noi theo; anh, chị làm gương, nêu gương cho em noi theo; ông, bà làm gương, nêu gương cho con cháu noi theo; lãnh đạo làm gương, nêu gương cho cán bộ, nhân viên noi theo và đảng viên phải làm gương, nêu gương cho quần chúng noi theo.

Thứ tư, về trách nhiệm làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên

Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”(7). Bởi lẽ, "quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"(8). Cán bộ, đảng viên “càng phải nâng cao tinh thần phụ trách, nêu gương "cần kiệm liêm chính", không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân; phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh là nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí"(9). Và “người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”(10); “phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích”(11). Người căn dặn toàn Đảng: "Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật"(12).

Theo Người, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải đi đầu trong “quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”(13). Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc…”(14).

Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình; việc gì cũng thiết thực, nói được, làm được.  Người cũng kiên quyết phê phán những cán bộ không tốt, làm gương xấu cho nhân dân, bôi nhọ danh dự của Đảng. Theo Người, “đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng”(15).

Thứ năm, về tấm gương làm gương, nêu gương, noi gương Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực của thực hành “tự mình” làm gương, nêu gương và noi gương. Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách mẫu mực và tự nhiên, như trong việc thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho nhân dân. Năm 1945, khi nước nhà ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Người “nêu gương nhường cơm sẻ áo, mười ngày nhịn ăn một bữa, và đã đỡ đần cho Hội Cứu đói ra đời”(16). Người viết: “Trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được. Miệng nói tay phải làm mới được”(17). Người nhất quán thực hành quan điểm: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành…”(18). Chỉ làm gương sáng thực hành, người dân mới tin tưởng, mới được lòng dân và noi theo cán bộ.

Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương mẫu mực về làm gương, nêu gương và noi gương, về tư tưởng, đạo đức, lối sống và phong cách công tác, Người luôn học tập và tự răn mình phải noi theo tấm gương các anh hùng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, các bậc vĩ nhân, tấm gương các lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế và các đảng viên cộng sản kiên trung của Đảng ta. Người kiên trì thực hành “tu thân chính tâm” - việc gì cũng phải làm kiểu mẫu, vì chỉ như thế mới làm gương, nêu gương và noi gương được. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất nhuần nhuyễn giữa nói và làm, giữa làm gương, nêu gương và noi gương với giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách công tác; đạt tới sự nhất quán giữa hoạt động cách mạng và đời tư, giữa đạo đức, lối sống và phong cách công tác của một nhân cách văn hóa lớn với đạo đức, lối sống và phong cách công tác của một người bình thường.

2. Thực hiện chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên hiện nay

Thực tiễn hiện nay và phương hướng

Cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chứng minh: theo gương Hồ Chí Minh và gương các nhà cách mạng tiền bối, đội ngũ cán bộ, đảng viên không quản ngại gian khổ, hy sinh đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong việc làm gương, nêu gương và noi gương nhằm tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua đó, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được bảo đảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng luôn được nâng cao, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tuy vậy hiện nay, bên cạnh những cán bộ, đảng viên gương mẫu, vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(19). Đây là nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Để dân hiểu, dân tin, dân theo Đảng thì một yêu cầu có ý nghĩa quan trọng là phải nêu cao trách nhiệm làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, "nêu gương là thực hiện đồng thời, gắn kết việc học tập với làm theo Bác và nêu gương. Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa ba nhiệm vụ này, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu với nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, mà trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng"(20).

Đảng viên, trước hết là đảng viên giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp"; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị "Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương". Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”(21). Kết luận số 01-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 18-5-2021: "Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"(22).

Giải pháp

Một là, thực hiện trách nhiệm làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên

Quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm làm gương, nêu gương và noi gương, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”(23). Do vậy, phải coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần "7 dám" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu cho cán bộ, đảng viên trong Quân đội là: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”(24). Cụ thể: (1) “Dám nghĩ” là thể hiện được cái tâm, cái tầm, cái trí vì lợi ích chung của tập thể, của xã hội. (2) “Dám nói” là thể hiện được dũng khí phải nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng người cần nghe trên tinh thần xây dựng, để phản biện xã hội nhằm đạt được sự thống nhất trong nói và làm. (3) “Dám làm” là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai, thực hành nhiệm vụ được giao và phát huy được sức mạnh tập thể. (4) “Dám chịu trách nhiệm” là biểu hiện bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời là biểu hiện năng lực dám tiếp nhận phê bình, đóng góp từ tập thể, kể cả từ cấp dưới, từ quần chúng để điều chỉnh, bổ sung và đổi mới sáng tạo cách nghĩ, cách làm phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình cũng như “dám từ chối”, “dám nói không” với tiêu cực. (5) “Dám đổi mới, sáng tạo” là biểu hiện năng lực tổng hợp nền tảng tri thức khoa học với bản lĩnh chính trị tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong việc nắm chắc xu thế phát triển để mạnh dạn dám đổi mới, sáng tạo về cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao hiệu quả công tác. (6) “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách” là thước đo thực sự đối với bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực công tác và lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. (7) “Dám hành động vì lợi ích chung” là biểu hiện tích hợp - tổng hợp của “6 dám” nêu trên nhằm triển khai, thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác để “hữu xạ tự nhiên hương” trong việc làm gương, nêu gương và noi gương.

Hai là, kiên trì bồi dưỡng, tu dưỡng, rèn luyện theo phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách Hồ Chí Minh và nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng để đề cao tính tự giác trong làm gương, nêu gương, noi gương, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí và những gương xấu trong cán bộ, đảng viên.

Thúc đẩy nhân rộng cái tốt, cái đẹp. Việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, (là) làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình và kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống.  Các cấp ủy đảng cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định để làm cho việc làm gương, nêu gương, noi gương của cán bộ, đảng viên trở thành lẽ sống hằng ngày; từ đó tạo sức lan tỏa trong Đảng và trong xã hội nhằm thúc đẩy nhân rộng cái tốt, cái đẹp và đẩy lùi cái xấu và cái tiêu cực. Nghiên cứu, đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục đảng viên cho phù hợp, nhất là thường xuyên rèn luyện tính bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ, để việc tự tu dưỡng là nhu cầu không thể thiếu, có sức đề kháng, miễn dịch với mọi thói hư, tật xấu. “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”(25).  Người cán bộ lãnh đạo nói là phải làm, tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương, nêu gương cho người khác noi theo. 

Đấu tranh với những gương xấu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; đồng thời phải “xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống”(26). Cán bộ, đảng viên khi đứng trước cái xấu phải kiên quyết đấu tranh và lên án; phải đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết; phải nghiêm khắc xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; phải minh bạch, công khai, không bao che, giấu giếm, né tránh trong xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; người đứng đầu phải kiên quyết, công tâm và đặt lợi ích, lòng tin của nhân dân trong xử lý tham nhũng, lãng phí để xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh.

“Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”(27). Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị đạo đức xã hội đã có sự vận động, biến đổi nhất định. Trước thực tế đó, Đảng đề ra yêu cầu phải chủ động nhận thức, xây dựng những giá trị, chuẩn mực đạo đức mới. Từ đó tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” hằng ngày thông qua nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Từ đó, xác định phương hướng, giải pháp khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong thực hành, làm gương, nêu gương, noi gương đạo đức cách mạng.

Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện, làm theo đạo đức, lối sống, phong cách Hồ Chí Minh trong làm gương, nêu gương, noi gương

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định nêu gương”(28). Như vậy, hiện nay cả hệ thống chính trị trở thành chủ thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, như: Thực hiện quyền giám sát gián tiếp (thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội) và giám sát trực tiếp (phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan có thẩm quyền) về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm làm gương, nêu gương, noi gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

Để phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, cần tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN, cầntiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực chất, hiệu quả; làm tốt công tác khen thưởng, động viên đối với những người dân phát hiện, tố cáo các sai phạm của cán bộ, đảng viên, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trù dập người dân phát hiện, tố cáo các sai phạm này.

Bốn là, tiếp tục tăng cường gắn xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức với công tác tổ chức, cán bộ nhằm thúc đẩy bồi dưỡng phẩm chất, thực hành làm gương, nêu gương, noi gương, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên

Trong đó, xây dựng Đảng về chính trị có tính chất bao trùm, chi phối xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, đạo đức và công tác cán bộ. Xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức và công tác tổ chức, cán bộ đều xuất phát từ xây dựng Đảng về chính trị và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Công tác tổ chức, cán bộ phải giữ vị trí gắn kết then chốt trong xây dựng Đảng nói chung.

Điều kiện cơ bản để gắn kết xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức với công tác tổ chức, cán bộ là: Đảng phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ, vì thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Cán bộ, đảng viên trong mỗi tổ chức chi bộ Đảng, cần học tập theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng noi theo. Và, trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”(29).

Sức mạnh to lớn của Đảng ta là ở chỗ khéo kết hợp sức mạnh của toàn Đảng và của toàn chi bộ với sức mạnh của từng đảng viên. Do vậy, mỗi đảng viên phải là một chiến sĩ tích cực, gương mẫu, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân. Mỗi chi bộ phải là một hạt nhân vững chắc, lãnh đạo nhân dân thi đua yêu nước, cần kiệm xây dựng đất nước, được thể hiện cơ bản ở làm gương, nêu gương, noi gương của cán bộ, đảng viên.

_________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.494.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.1, Sđd,tr. 284.

(3), (4), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 15, Sđd, tr.393, 546, 672, 546.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.2, tr.280-281.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.16.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Sđd,tr.70.

(10), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.55, 219.

(11), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr. 168, 223, 183.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.547.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Sđd,tr. 35.

(16), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.126, 117, 171.

(19), (27), (28) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.92, 184, 184.

(20) Xem: http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/ra-suc-hoc-tap-no-luc-phan-dau-va-ren-luyen-khong-ngung-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-va-phong-cach-cua-chu-tich-133854.

(21) Xem: Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

(22) Xem:http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-day-manh-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-133448.

(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.603.

(24) Xem: Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương 6 tháng đầu năm 2023, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/phat-bieu-cua-dong-chi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-bi-thu-quan-uy-trung-uong-tai-hoi-nghi-quan-uy-trung-uong-6-thang-dau-nam-2023-733222.

(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.237.

(29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 284.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
    POWERED BY