(LLCT) - Trận quyết chiến chiến lược của quân và dân miền Bắc cách đây 50 năm (tháng 12-1972) đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ đã góp phần quyết định trực tiếp, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng này làm ngời sáng thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu vì mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là thắng lợi chung của các lực lượng chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu, năm 1972 - Ảnh tư liệu TTXVN
1. Thắng lợi của bản lĩnh, độc lập, tự chủ, kiên định đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân
Kế hoạch tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng của đế quốc Mỹ nhằm mục đích phá hoại nặng, hủy diệt tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc Việt Nam, tạo nên hậu quả tàn phá lớn khiến quân và dân Việt Nam phải khắc phục lâu dài, nhằm buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thương lượng trên thế yếu, phải hạ thấp một số điều khoản quan trọng của Hiệp định Pari có lợi cho Mỹ.
Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ diễn ra trong 12 ngày đêm, từ 18 đến 29-12-1972. Mỹ đã sử dụng 729 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52, gần 4.000 lần chiếc máy bay chiến thuật; rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía Bắc vĩ tuyến 20 một khối lượng bom đạn xấp xỉ 35.000 tấn chất nổ. Riêng Hà Nội, địch tập trung 444 lần chiếc B-52 (chiếm 60% tổng số lần/ chiếc) và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá vào 830 điểm; hơn 1.000 lần đánh vào các điểm dân cư, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội ở khắp 4 khu phố và 4 huyện, trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn và 78 trong số 102 xã ngoại thành(1).
Nhà sử học Mỹ Giôdép Amtơ nhận xét: Cuộc ném bom suốt 12 ngày đêm của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng là “Sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam”(2).
Việc đế quốc Mỹ sử dụng B-52 đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác còn cho thấy một “thông điệp” cứng rắn đối với cả Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự tối đa để đạt được mục đích.
Ngược lại với những toan tính của phía Mỹ, cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vấp phải sự giáng trả quyết liệt và hiệu quả của quân và dân miền Bắc. Những mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích chiến lược hoàn toàn thất bại. 81 máy bay hiện đại của Mỹ trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111 bị bắn rơi(3). Quân và dân Hà Nội lập công đầu, hạ 25 máy bay B-52 (chiếm 73,5% tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi)(4), phần lớn là bắn rơi tại chỗ. Bộ đội tên lửa, lực lượng chủ yếu của chiến dịch góp phần quyết định đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của địch. Lực lượng phòng không, dân quân tự vệ đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung.
Đây là chiến dịch phòng không đạt tới mức tiêu diệt cao nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giáng cho không quân của đế quốc Mỹ một đòn nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của chúng, đập tan cố gắng cuối cùng của tập đoàn cầm quyền Mỹ hòng sử dụng sức mạnh huỷ diệt để đàm phán trên thế mạnh.
Để có thể đánh bại không quân Mỹ trong chiến dịch không quân quy mô rất lớn này, Trung ương Đảng đã lường định từ rất sớm âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, chỉ đạo quân và dân miền Bắc chuẩn bị về mọi mặt sẵn sàng đối phó với những tình huống khó khăn, ác liệt nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến, Đảng kiên quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ. Đường lối kháng chiến được xác định tại Đại hội III với hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thể hiện bản lĩnh chính trị, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, phản ánh ý chí, nguyện vọng chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên định thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định rõ, để giành được chủ động, phải nắm vững quy luật chiến tranh xâm lược của đối phương, nắm vững tình hình một cách toàn diện, theo dõi chặt chẽ các động thái của địch, làm cơ sở hoạch định đường lối. Đối đầu với đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc đầu năm 1965, Đảng phải giải quyết một loạt vấn đề mới: ta có thể đánh thắng đế quốc Mỹ không? Ta quyết thắng và thắng như thế nào? Đường lối, phương châm có gì thay đổi?
Hội nghị Trung ương 12 (tháng 12-1965) từ phân tích tình hình trong nước, quốc tế, thế và lực trên chiến trường miền Nam, đã hạ quyết tâm: “...kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”(5). Tư tưởng chỉ đạo đó thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công, bản lĩnh, kiên định mục tiêu, đường lối, ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trước thử thách sống còn của vận mệnh dân tộc.
Phương châm chiến lược được Trung ương xác định là chiến đấu lâu dài, dựa vào sức mình là chính, phải tìm ra cách thắng Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ý kiến chỉ đạo: “Phải thấy trong quá trình tiến hành chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi ra thì tạo điều kiện cho Mỹ rút”(6). Bộ Chính trị năm 1967 xây dựng kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967 - 1968 với điểm cốt lõi: giành thắng lợi quyết định không phải “bằng cách đánh thông thường mà phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn”(7).
Quyết định chiến lược sáng tạo, táo bạo tại Hội nghị Trung ương 14 (tháng 1-1968) thực hiện Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh, phải hạn chế ném bom rồi ngừng hẳn việc ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn hội đàm với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từng bước rút quân. Ta có điều kiện triển khai mặt trận tiến công mới là ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.
Năm 1971, Đảng đã nhạy bén phát hiện thời cơ chiến lược, nắm thời cơ, phát động và tổ chức tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Bộ Chính trị Trung ương Đảng (tháng 5-1971) đề ra nhiệm vụ cần kíp: “...phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường..., đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ,... giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”(8).
Hội nghị Trung ương 20 (đầu năm 1972) nhận định: Mỹ sẽ quyết giành thắng lợi quân sự để tạo thế mạnh, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ, hoặc tiếp tục chiến tranh mà R.Ních xơn vẫn trúng cử Tổng thống, từ đó đề ra nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến, đánh bại “Việt Nam hóa chiến tranh”(9).
Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 (bắt đầu từ ngày 30-3-1972) mạnh mẽ và bất ngờ đã đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn vào tình thế rất nguy khốn. Đúng như những dự đoán của Trung ương Đảng, Tổng thống R.Níchxơn đã huy động một bộ phận lớn lực lượng không quân và hải quân Mỹ chi viện hỏa lực ồ ạt, mạnh mẽ cho quân đội Sài Gòn đối phó khẩn cấp, ngăn chặn cuộc tiến công của ta ở miền Nam và đánh phá trở lại miền Bắc.
Ngày 6-4-1972, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiến công bằng không quân và hải quân mang biệt danh Lainơbếchcơ I, tập trung nhiều loại máy bay hiện đại, nhiều loại vũ khí, bom đạn được cải tiến, có sức tàn phá mạnh đánh ồ ạt các mục tiêu quân sự và các trung tâm dân cư, hệ thống đê điều, bệnh viện, trường học... của miền Bắc.
Cùng với các hành động quân sự, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng các phiên họp ở Hội nghị Pari. Chính quyền Mỹ tiếp tục ráo riết thực hiện các thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt nhằm chia rẽ và kiềm chế các nước xã hội chủ nghĩa; đặc biệt là dùng biện pháp ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc, bao vây, cô lập sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam, gây sức ép mạnh hòng làm nao núng quyết tâm, giảm sức tiến công trên chiến trường miền Nam, chấp nhận các giải pháp của Mỹ đưa ra ở Hội nghị Pari. R.Níchxơn tính toán “...việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và hòa dịu với Liên Xô là những phương pháp khả quan để đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh... Nếu hai cường quốc cộng sản thấy cần quan tâm nhiều tới mối quan hệ với Mỹ, thì Hà Nội sẽ buộc phải thương lượng một giải pháp mà chúng ta có thể chấp nhận được”(10). Kissinger viết “Chúng ta đang chia rẽ Hà Nội với các đồng minh của họ”(11).
Kiên định, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm kháng chiến của toàn dân Việt Nam, ngày 11-4-1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố cực lực lên án bước leo thang mới của chính quyền Níchxơn: “Không một sức mạnh tàn bạo nào, không một sự đe dọa nào lay chuyển được quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc”(12).
Ngày 1-5-1972, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi quân và dân cả nước nêu cao quyết tâm chiến đấu và chiến thắng địch trong mọi tình huống. Trung ương Đảng quyết định tiếp tục tiến công chiến lược ở miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc, thực hiện cho được những mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Vững vàng, quyết tâm, kiên định đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta trên cả hai miền Nam, Bắc kiên quyết kháng chiến, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Vượt qua kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, Níchxơn và tập đoàn cầm quyền Mỹ thực hiện những bước phiêu lưu quân sự mới ở Việt Nam, ráo riết tạo sức ép quân sự và ngoại giao nhằm buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận điều kiện của Mỹ. Sau này, R.Níchxơn thừa nhận: “Chúng tôi quyết định thi hành đối với Bắc Việt Nam toàn bộ áp lực quân sự và đối với những kẻ cung cấp vũ khí cho họ là Liên Xô toàn bộ áp lực ngoại giao mạnh nhất có thể có”(13). Tập đoàn cầm quyền Mỹ ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược, sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược và chiến thuật ồ ạt đánh phá dữ dội Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc tháng 12-1972.
Theo dõi diễn biến tình hình, Đảng dự kiến không tránh khỏi một cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Đầu tháng 11-1972, các đơn vị phòng không miền Bắc được lệnh gấp rút tăng cường lực lượng, chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó với bước phiêu lưu quân sự mới của Mỹ.
Nắm bắt quy luật chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm dự báo, chuẩn bị tư tưởng và chỉ thị về chuẩn bị cách đánh máy bay B-52. Cuối năm 1967, sau hơn hai năm đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tham chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội... Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(14).
Với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành dự quan tâm đặc biệt tới việc đánh B-52, Người nhận định đế quốc Mỹ sẽ sử dụng máy bay chiến lược B-52 để đánh phá huỷ diệt, răn đe; khu vực đánh phá trọng tâm là Thủ đô Hà Nội; thời điểm đưa B-52 đánh phá huỷ diệt vào giai đoạn cuối chiến tranh hòng cứu vãn tình thế. Quân dân miền Bắc phải chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược với không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Được chuẩn bị từ sớm về tư tưởng, tổ chức, lực lượng; phán đoán đúng âm mưu, hành động của địch nên ngay từ đầu, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương miền Bắc đã giành thế chủ động, đánh trả mãnh liệt, đập tan cố gắng quân sự cuối cùng và đánh bại âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ.
2. Thắng lợi của truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình
Lần đầu tiên trong chiến tranh giải phóng, quân dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại một cuộc tập kích chiến lược bằng B-52, đây cũng là chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B-52 của Mỹ. Thất bại này của Mỹ là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự và chính trị.
Việt Nam đã hạ được B-52 ngay tại Thủ đô Hà Nội, đánh bại ý đồ man rợ của kẻ thù đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Thế giới nhận ra rằng sức mạnh quân sự của Mỹ, trong đó có sức mạnh không quân, không phải là vô địch. Đây là một cuộc đối chọi vô cùng quyết liệt về ý chí và trí tuệ giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ. Chính đối phương cũng phải thừa nhận và khâm phục ý chí của nhân dân Việt Nam. R.Níchxơn trong cuốn sách của mình thanh minh về thất bại ở Việt Nam, đã mượn công thức của S.R.Thômxơn: Sức mạnh quốc gia = (nhân lực + của cải vật chất) x ý chí, viết “nếu ý chí là số không, thì tất cả sức mạnh của con người và của cải vật chất cũng là số không”(15).
Việc sử dụng tới gần 50% số lượng máy bay B-52 của nước Mỹ thời điểm đó, với tần suất ném bom ồ ạt, tập trung vào phạm vi không gian không lớn, trong khoảng thời gian 12 ngày đêm, cho thấy chính quyền Mỹ đã không loại trừ một biện pháp, thủ đoạn chiến tranh tàn bạo nào, để khuất phục đối phương. Phạm vi diện tích ném bom của ba chiếc B-52 là khoảng 2km2 trong thời gian dưới 1 phút, mật độ bom ném xuống mặt đất cách từ 6-10 mét/quả bom. Giới quân sự Mỹ đánh giá một tốp B-52 ném bom có hiệu quả hơn 400 phi vụ máy bay cường kích oanh tạc liên tục 11 giờ đồng hồ(16).
Ngày 26-12, sau 36 giờ ngừng hoạt động đánh phá dịp lễ Nôen để củng cố lực lượng và thay đổi cách đánh, không quân Mỹ tiếp tục chiến dịch tập kích Hà Nội, Hải Phòng. Tập trung lực lượng đánh đòn quyết định, đế quốc Mỹ trút xuống Hà Nội một khối lượng lớn bom đạn, gây cho nhân dân Việt Nam những thiệt hại vô cùng nặng nề. Hơn 100 điểm của thành phố bị bom Mỹ đánh trúng. Hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương. Các khu vực đông dân cư như phố Khâm Thiên, khu lao động Tương Mai, Mai Hương, cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc - Bệnh viện Bạch Mai... bị đánh phá có tính chất hủy diệt. Riêng phố Khâm Thiên, bom B-52 đã sát hại 300 người, phá sập 2.000 căn nhà. Tại Hải Phòng, 11 tiểu khu ở Hồng Bàng, Lê Chân và một số xã ngoại thành bị hàng nghìn quả bom B-52 rải thảm(17).
Trong trận đối đầu với lực lượng không quân hiện đại của Mỹ, con người Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ phi thường. Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, kiên định quyết tâm, trí thông minh, lòng quả cảm, sức sáng tạo của con người Việt Nam là những yếu tố cơ bản dẫn đến thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược năm 1972. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát triển cao dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng được vận dụng vào mặt trận đối không, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân với phương châm “Toàn dân tham gia bắn máy bay địch, vây giặc lái, toàn dân tổ chức phòng không nhân dân, toàn dân tham gia bảo đảm giao thông vận chuyển”.
Vũ khí có vai trò quan trọng, nhưng điều cốt lõi đưa đến thắng lợi chính là nhân tố con người được phát huy. Quân và dân Việt Nam đã thực sự làm chủ được các loại vũ khí, phát huy được hiệu quả tối ưu của vũ khí trang bị. Tác giả cuốn Mười một ngày Giáng sinh viết: “B-52 là một huyền thoại, một biểu tượng về sức mạnh công nghệ của nước Mỹ, một công nghệ mà Việt Nam không thể hy vọng đạt tới. B-52 đã bị đánh bại, không phải vì các vũ khí siêu việt mà vì sự thông minh và tinh thần dũng cảm của những người lính Việt Nam”(18).
Quân dân Việt Nam với tài mưu lược, sức sáng tạo và tinh thần yêu nước được hun đúc từ lịch sử truyền thống đấu tranh bất khuất đã đóng vai trò quyết định đến thắng lợi này. Thắng lợi này càng làm ngời sáng thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng chiến đấu vì mục tiêu: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Trả lời phỏng vấn của đặc phái viên Dominique Bari trên nhật báo L’Humanité (Nhân đạo) của Pháp, thực hiện vào ngày 5-4-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi từng nói với Mc Namara hồi năm 1995 rằng, các ngài đánh chúng tôi bằng những vũ khí tối tân, máy bay, vũ khí hóa học nhưng các ngài không hiểu về nhân dân chúng tôi, những người khao khát độc lập, tự do và muốn làm chủ đất nước, làm chủ dân tộc”(19). Đại tướng khẳng định “Suốt hơn 1.000 năm Bắc thuộc đến tận thế kỷ X mà Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Chiến thắng pháo đài bay B-52 là chiến thắng của trí tuệ Việt Nam trước công nghệ và tiền bạc. Nhân tố con người là quyết định. Đó là lý do tại sao khi một quan chức Mỹ hỏi tôi ai là vị tướng giỏi nhất, tôi đã trả lời ông ta, đó chính là nhân dân Việt Nam”(20).
Mục tiêu của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng không chỉ là giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn góp phần quan trọng vào phong trào hòa bình chống chiến tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam là chiến thắng của chính nghĩa, thắng lợi của sức mạnh thời đại, của lương tri, phẩm giá con người, của nhân loại tiến bộ vì một thế giới hòa bình, không còn áp bức cường quyền. Truyền thống văn hóa Việt Nam là chuộng hòa hợp, khoan dung, hòa hiếu, tự tôn, tự hào dân tộc. Nhưng khi đã phải cầm vũ khí chiến đấu, người Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng. Với chiến thắng B-52 tháng 12-1972, người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã góp thêm một kỳ tích làm đậm nét văn hóa giữ nước của dân tộc mình. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, dân chủ.
Ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta được khẳng định trong lịch sử chiến tranh cách mạng, tiếp tục được tôi luyện, bồi đắp trong hòa bình. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 mãi mãi là biểu tượng của khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức sáng tạo Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối kiên định, đường lối chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân” bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kiên quyết, kịp thời, sáng tạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự viện trợ và ủng hộ to lớn, hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè quốc tế về vật chất nói chung, về vũ khí và khí tài hiện đại nói riêng đã góp phần quan trọng vào chiến thắng.
Công cuộc đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đầy bản lĩnh và sáng tạo của Đảng đã thu được nhiều thành quả, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đất nước đang nỗ lực đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ, mở ra nhiều vận hội to lớn. Tuy vậy, Đảng ta và nhân dân ta vẫn đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ, khó lường. Tình hình thế giới hiện nay với những biến đổi vô cùng nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế, đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Bài học về kiên định đường lối đúng đắn, sáng tạo, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới. Đại hội XIII của Đảng nêu Quan điểm về kiên định và sáng tạo có ý nghĩa xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới. Đảng yêu cầu phải “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(21). Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định và tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh mới.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)
Ngày nhận bài: 7-12-2022; Ngày bình duyệt: 12-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.
(1) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, t.VII, Thắng lợi quyết định năm 1972. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.355. Một số công trình đưa số liệu có chênh lệch do tổng hợp từ những nguồn thống kê khác nhau. Về không quân chiến lược, Mỹ huy động lúc cao nhất vào chiến tranh ở Việt Nam tất cả số máy bay B-52 ở Đông Nam Á, gồm 197 chiếc bằng 46% tổng số máy bay B52 của cả nước Mỹ.
(2) G.A. Amtơ: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.433.
(3), (17) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, t.VII, Sđd, tr.355, 352-353.
(4) Thiếu tướng PGS, TS Trịnh Vương Hồng (Chủ biên): Hà Nội Điện Biên Phủ trên không, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2019, tr.187.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003, tr.635.
(6) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.205.
(7) Lịch sử quân sự Việt Nam, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.205-207.
(8) Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 5-1971. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.II (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.511.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.33, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.43.
(10) R.Nixon: No More Vietnam. Dẫn theo P.Aselin: Nền hòa bình mong manh. Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.55-56.
(11) H. Kissinger: Những năm bão táp. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng (Hồi ký), t.2, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.56.
(12) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh: Tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương (chuyên đề chỉ đạo xây dựng và hoạt động chiến đấu của lực lượng phòng không địa phương chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, 1954 - 1975), Sđd, tr.121.
(13) Richard Nicxon: Hồi ký, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.724.
(14) Hồ Chí Minh Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.230.
(15) R. Nixơn, Real War, New York: Simon & Schuster, 1980, p.62. Dẫn theo Đặng Phong: 5 Đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.320.
(16) Thiếu tướng PGS, TS Trịnh Vương Hồng (Chủ biên): Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Nxb Hà Nội, 2019, tr.195.
(18) M.L. Michel, Mười một ngày Giáng sinh, Encounter Books xuất bản, California, 2002, tr.166, 25.
(19), (20) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình, ngày 8-10-2013, http://petrotimes.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-vi-tuong-cua-hoa-binh-135729.html
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.109.
PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH
Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh