Quốc tế

Chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden

02/05/2024 16:47

(LLCT) - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị và quân sự; khu vực có các tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới; là trung tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực ở thế kỷ XXI giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Tổng thống Joe Biden tái khẳng định trong triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực. Bài viết tập trung phân tích bối cảnh, làm rõ chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp bộ: “Hợp tác an ninh ba bên Mỹ - Anh - Ôxtrâylia (AUKUS) và hợp tác "Bộ tứ" Mỹ - Ấn Độ - Ôxtrâylia - Nhật Bản (QUAD): tác động đến Việt Nam”.

TS NGUYỄN VĂN DƯƠNG
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden_Ảnh: thanhnien.vn

1. Bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay

Thuật ngữ “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP - Free and Open Indo-Pacific) đã trở nên phổ biến và trở thành tiêu điểm quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11-2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Mỹ khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực địa lý ưu tiên cao nhất của Mỹ và là trung tâm của cạnh tranh nước lớn những năm tới. Đến tháng 3-2018, Mỹ chính thức gọi đây là “Chiến lược” khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo về Chiến lược và Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA) và Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Về phạm vi địa lý của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là: “toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và các quốc gia bao quanh”(1). Trong bản Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ (năm 2017) định nghĩa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là: “khu vực trải dài từ bờ biển phía Tây của Ấn Độ đến bờ biển phía Tây của Mỹ”(2). Như vậy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gần như bao phủ toàn bộ khu vực mà Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ hiện diện và thực thi nhiệm vụ.

Giải thích hàm ý của hai yếu tố “tự do” và “rộng mở”, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Wong nhấn mạnh trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia ở khu vực có thể tự theo đuổi con đường mình chọn mà không bị ép buộc. Mỹ mong muốn các nước trong khu vực được hưởng quyền tự do hơn, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, minh bạch và chống tham nhũng; trước tiên và trên hết là tự do hàng hải và hàng không.

Giao thông đường biển là huyết mạch, là nguồn sống của khu vực, với 50% lượng tàu thuyền quốc tế đi qua khu vực, đặc biệt là lưu lượng đi qua Biển Đông rất nhộn nhịp. Do đó, đường biển và đường hàng không ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết đối với các quốc gia. Về phương diện hậu cần, xây dựng cơ sở hạ tầng, Mỹ muốn hỗ trợ các quốc gia phát triển logisticsvà cơ sở hạ tầng mở để hội nhập sâu rộng và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn: “Chúng tôi muốn hỗ trợ khu vực phát triển cơ sở hạ tầng theo đúng cách, đặc biệt là những dự án cơ sở hạ tầng thực sự giúp các nền kinh tế hội nhập và tăng trưởng GDP...”(3).

Từ ngày 4 đến ngày 6 - 4 - 2018, tại Hawaii, Mỹ đã tổ chức hội thảo Chiến lược Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với đại diện đến từ 22 quốc gia trong khu vực. Mỹ công bố tài liệu ban đầu về chiến lược, theo đó nội hàm cơ bản bao gồm 3 trụ cột: an ninh, kinh tế và hợp tác.

Như vậy, cả 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Ôxtrâylia và Ấn Độ lần lượt sử dụng khái niệm này khi nói về chiến lược đối với khu vực. Dựa trên hai trụ cột chính: (i) Tăng cường vị trí chiến lược và vai trò của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (ii) Thúc đẩy hình thành liên minh Tứ giác kim cương mà từ năm 2002, giới phân tích gọi là phiên bản NATO châu Á.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành một trong những khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới nên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn 40% tổng diện tích thế giới, dân số gần 4 tỷ người, nhiều quốc gia khu vực này không chỉ là cường quốc quân sự mà còn có tầm ảnh hưởng quan trọng về chính trị và khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, cả hai cường quốc đều gia tăng vị thế của mình trong khu vực. Mỹ thúc đẩy Ấn Độ và các nước đồng minh hình thành Tứ giác kim cương (QUAD), bao gồm các nước: Mỹ, Ôxtrâylia, Ấn Độ và Nhật Bản; tăng cường hợp tác an ninh Mỹ - Anh - Ôxtrâylia(AUKUS). Trung Quốc đã triển khai đại chiến lược Vành đai, Con đường và 4 sáng kiến mới là: Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu. Mỹ vẫn là nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người cao. Trung Quốc đứng thứ hai thế giới nhưng GDP bình quân đầu người vẫn ở mức trung bình. Nhật Bản và một số nước khác cũng là một thế lực kinh tế lớn.

Đây cũng là khu vực có sự đa dạng về văn hóa. Trong tiến trình lịch sử, văn minh phương Tây trỗi dậy mạnh mẽ, luôn dẫn đầu trong việc phát triển con đường tìm kiếm tri thức với những phát kiến quan trọng cho nhân loại, bởi vậy nó tạo ra ưu thế với phần còn lại của thế giới,ảnh hưởng tới văn hóa của các quốc gia phương Đông trong nhiều thế kỷ. Văn hóa Trung Quốc có ảnh hưởng ở Đông Bắc Á và một phần Đông Nam Á. Nền văn minh Ấn Độ hiện diện nhiều ở Nam Á và một phần Đông Nam Á. Các nền văn hóa còn lại có sức sống mạnh mẽ và được giữ gìn bản sắc dân tộc từ lâu đời.

Xét về quy mô kinh tế, chỉ tính riêng 21 nước thành viên APEC đã chiếm tới 54% tổng GDP thế giới (toàn khu vực là 64%), 47% tổng lượng hàng hóa và dịch vụ thương mại, trong đó xuất khẩu chiếm 30% tổng kim ngạch toàn cầu, 48% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 2/3 tổng dự trữ ngoại hối của toàn thế giới và tập trung 65% nguồn nguyên liệu toàn cầu(4). Quy mô kinh tế của khu vực đã tăng gấp 3 lần kể từ sau Chiến tranh lạnh. Dự báo, khu vực này sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP trên toàn thế giới vào năm 2050.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang diễn ra cạnh tranh quyền lực quyết liệt giữa các nước lớn - ảnh hưởng mang tính quyết định đối với việc định hình trật tự quốc tế trong tương lai, cường quốc nào chi phối, thống trị được khu vực rộng lớn này sẽ nắm giữ bá quyền thế giới(5). Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, Mỹluôn giữ vị thế trung tâm quyền lực toàn cầu. Tháng 01-2017, Ủy ban chiến lược kinh tế châu Á (CSIS) lưỡng đảng đã khuyến nghị rằng, bối cảnh ở châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, Mỹ đang phải đối mặt với một môi trường ngày càng thách thức trong khu vực(6).

Trong bối cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi nhanh chóng, Mỹ cần sớm có một chiến lược toàn diện để tái lập sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực, đoàn kết các đối tác có cùng ý tưởng để theo đuổi những mục tiêu chung và thúc đẩy, bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Mỹ tại đây(7). Trong những năm gần đây, giới tinh hoa chính trị và học giả Mỹ ngày càng xem Trung Quốc là thách thức lớn nhất, đe dọa vị thế bá quyền của Mỹ; do đó, cần thiết phải xây dựng chiến lược đối phó và kiềm chế Trung Quốc.

Bức tranh địa chính trị khu vực trong những năm tới sẽ là sự gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó “Mỹgiữ vai trò lãnh đạo đối với các nước đồng minh phương Tây sẽ làm hết sức mình để ngăn cản Trung Quốc chiếm vị trí tương tự đối với các quốc gia phương Đông”(8).

Hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nổi lên là vấn đề Triều Tiên. Nhiều điểm nóng khác trong khu vực cũng rất dễ bị kích hoạt thành xung đột vũ trang bao gồm mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, nguy cơ xung đột biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ - Pakítxtan, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông và đặc biệt là những tranh chấp biển đảo ngày càng phức tạp và nguy hiểm ở Biển Đông. Trong bối cảnh an ninh phức tạp, khu vực này lại đang có xu hướng của một cuộc chạy đua vũ trang. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2011 - 2015, khu vực này đã mua tổng cộng 46% lượng vũ khí; trong đó Ấn Độ, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Pakítxtan và Hàn Quốc là 6/10 quốc gia nhập khẩu vũ khí hạng nặng, lượng vũ khí ở khu vực này gần gấp đôi ở Trung Đông và gấp bốn lần so với châu Âu(9). Đáng chú ý là quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng, trở thành đối thủ thực sự của Mỹ.

Các cơ chế đa phương khác được hình thành đã gây ra những lo ngại và phản ứng trái chiều của các bên. Nhận định về AUKUS, một số học giả và chính khách của Nga cho rằng: đây là liên minh quân sự nhằm kiềm chế cả Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các học giả Inđônêxia nhận định, AUKUS sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên của liên minh tình báo thuộc “Nhóm Ngũ nhãn”, gồm: Mỹ, Anh, Ôxtrâylia, Canađa và Niudilân để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quan điểm của Trung Quốc coi AUKUS là liên minh ba bên chống Trung Quốc và kêu gọi các bên tham gia liên minh này từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh và các định kiến ​​về ý thức hệ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: quyết định của Mỹ, Anh và Ôxtrâylia thành lập AUKUS là hành động phá hoại nghiêm trọng hòa bình khu vực và làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang.

2. Chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực dưới thời Tổng thống Joe Biden và tác động đến Việt Nam

Mục tiêu và chính sách đối ngoại bao trùm

Ngày 4-2-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chính sách đối ngoại mới trong Thông điệp liên bang giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên phương châm “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ”.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã tập trung vào một số vấn đề chính, đó là: giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc; từng bước đưa Mỹ trở lại và củng cố vị thế với một số tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chính phủ Mỹ đẩy mạnh ngoại giao vắcxin, triển khai hoạt động của nhóm Bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Ôxtrâylia) và Liên minh châu Âu (EU); cải thiện quan hệ với các nước đồng minh và đối tác trên thế giới để hình thành liên minh các nền dân chủ toàn cầu, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden từng bước đưa nước Mỹ trở lại dẫn dắt trật tự kinh tế đa phương thông qua việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; xây dựng và phát triển liên minh công nghệ toàn cầu, đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về mạng 5G; từ bỏ chính sách chia sẻ chi phí quân sự với các nước đồng minh, thúc đẩy các nước này tham gia vào các liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt ở châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hợp tác và hình thành Hiệp ước an ninh ba bên Mỹ - Anh - Ôxtrâylia(AUKUS).

Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh ưu tiên 8 điểm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống JoeBiden bao gồm: kiểm soát đại dịch Covid -19 và củng cố an ninh y tế toàn cầu; đảo ngược cuộc khủng hoảng kinh tế và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bao trùm và ổn định hơn; củng cố dân chủ; xây dựng một hệ thống di trú hiệu quả và nhân đạo; hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh và đối tác; ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng xanh; bảo đảm sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ; và cuối cùng là giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI.

Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đạt được những bước tiến lịch sử nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời điều chỉnh vai trò của mình cho phù hợp với thế kỷ XXI. Mỹ đã cải thiện quan hệ với các liên minh lâu đời bị rạn nứt dưới thời Tổng thống D.Trump, củng cố các mối quan hệ đối tác mới nổi, cũng như tạo dựng các liên kết mang tính sáng tạo cùng với các đồng minh và đối tác nhằm đối phó với Trung Quốc, vấn đề biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch. Các đồng minh và các đối tác của Mỹ ngày càng tăng cường sự kết nối ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đặc biệt, tại thời điểm Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, hai đảng trong Nghị viện Mỹ đã có sự đồng thuận để chính sách đối ngoại được triển khai và đổi mới. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Tổng thống Joe Biden tái khẳng định trong triển khai chính sách, nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ ở khu vực, đồng thời tăng cường sức mạnh cho cả khu vực với trọng tâm chính là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.

Mỹ cho rằng đây là lợi ích sống còn của mình và của các đối tác thân cận nhất; vì vậy, phải có một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; bảo đảm các vùng biển và vùng trời của khu vực được quản lý và sử dụng trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng.

Mỹ tăng cường 5 liên minh hiệp ước trong khu vực, bao gồm: Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin và Thái Lan; quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia, Mông Cổ, Niudilân, Xinhgapo, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương; đóng góp cho ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất; tăng cường Nhóm Bộ tứ và thực hiện các cam kết của Nhóm; ủng hộ sự tiếp tục trỗi dậy cũng như vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực; phối hợp để tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương; tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương; mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gắn kết sự thịnh vượng của Mỹ và cần có sự đầu tư, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, tạo ra việc làm có thu nhập cao, xây dựng lại các chuỗi cung ứng. Mỹ đã duy trì sự hiện diện quốc phòng mạnh mẽ và nhất quán cần thiết nhằm hỗ trợ cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; tăng cường khả năng răn đe tổng hợp;thắt chặt hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác; duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan; tăng cường phối hợp Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; tiếp tục thực hiện các mục tiêu của AUKUS.

Tác động đối với Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn. Tại Mỹ, Người đã có thời gian sinh sống và làm việc ở nhiều thành phố, như New York, Boston(10).Trong những năm tháng tại đây, với sự nhìn nhận khách quan về nước Mỹ, Người thấu hiểu những giá trị tốt đẹp của nhân dân Mỹ với công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như những mặt trái của giai cấp tư sản Mỹ.

Trong những năm gần đây, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau đã ngày càng được tăng cường giúp cho hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các đoàn cấp cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tiến hành thăm Mỹ. Kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tất cả các Tổng thống Mỹ đều đã sang thăm Việt Nam.

Nổi bật nhất trong 10 năm qua là các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama (tháng 5-2016), Tổng thống Donald Trump (tháng 11-2017, tháng 2-2019) và Tổng thống Joe Biden (tháng 9-2023); các chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5-2017), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 5-2022).

Về tổng thể quan hệ Việt - Mỹ, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hợp tác Việt - Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, trong đó có hợp tác chiến lược, an ninh - quốc phòng. Hai bên có sự song trùng ngày càng lớn về các lợi ích chiến lược, bao gồm quan điểm, lập trường trên nhiều vấn đề song phương và khu vực quan trọng như các vấn đề về Biển Đông; vai trò của ASEAN; về hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung và trật tự khu vực dựa trên luật lệ; trợ giúp của Mỹ để nâng cao năng lực quốc phòng cho Việt Nam.

Mỹ cũng xem Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên trong việc trợ giúp nâng cao năng lực kiểm soát hàng hải thông qua chuyển giao trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển. Đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 2 tàu tuần duyên cỡ lớn Hamilton class (tháng 3-2018), 24 xuồng tuần tra tốc độ cao Metal Shark (2019-2020), 6 máy bay trinh sát không người lái (ScanEagle), và một số máy bay huấn luyện (T-6 Texan II)… Mặc dù hợp tác an ninh, quốc phòng Việt - Mỹ còn có mức độ, nhưng tiềm năng và cơ hội hợp tác đang mang lại triển vọng tích cực. Việt Nam có cơ hội để nâng cao năng lực quốc phòng nói chung và cảnh sát biển nói riêng, cả về vũ khí, trang thiết bị và nhân lực. Quân đội hai nước cũng hợp tác trên hàng loạt các lĩnh vực như tập trận chung, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai, nghiên cứu và đào tạo, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến trong hòa giải và xây dựng lòng tin chiến lược, tạo nền tảng cho củng cố tình hữu nghị, hợp tác và sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước. Phía Mỹ tiếp tục khẳng định tôn trọng độc lập chủ quyền và thể chế chính trị của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam thịnh vượng, có vai trò quan trọng trong khu vực là có lợi cho Mỹ. Việc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lần đầu thăm viếng Nghĩa trang Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, thăm cầu Hiền Lương và gặp gỡ các cựu binh Việt Nam là những hoạt động hòa giải mang tính biểu tượng đem lại nhiều ý nghĩa cho quan hệ Việt - Mỹ.

Bên cạnh những thuận lợi trên, thách thức đối với Việt Nam, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt Mỹ - Trung Quốc có thể gây ra nguy cơ xung đột quân sự, chạy đua vũ trang trong khu vực và tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển của Việt Nam. Việt Nam sẽ phải dành nhiều nguồn lực cho quốc phòng để bảo đảm khả năng sẵn sàng ứng phó với những cuộc xung đột không mong muốn có thể bất ngờ xảy ra trên Biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực đầu tư cho thúc đẩy kinh tế phát triển bị giảm.

Cạnh tranh và cọ sát chiến lược Mỹ - Trung đẩy mạnh, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì và thực thi phương châm đối ngoại độc lập, tự chủ và chính sách “Bốn không”. Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự lôi kéo, gây chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước, thậm chí sức ép chọn bên trong việc tập hợp lực lượng Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác.

Ảnh hưởng của bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vàcác cơ chế đa phương; hợp tác ba bên AUKUS, bốn bên QUAD đối với Việt Nam có cả mặt thuận và không thuận. Việt Nam có thể thông qua cơ chế này để thúc đẩy hợp tác song phương với các đồng minh chủ chốt của Mỹ, những nước hiện tại đều đang có quan hệ tốt với Việt Nam. Khi tham gia cơ chế đa phương vì mục đích hòa bình và phát triển, Việt Nam sẽ giảm bớt được sức ép từ Trung Quốc và phần nào giải tỏa những quan ngại, những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các nước trong khu vực, đặc biệt là trong ASEAN, để thu hút các nguồn vốn từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, trong bối cảnh nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn so với mức độ mà Mỹ và đồng minh có thể cung cấp.

_________________

Ngày nhận bài: 17-4-2024; Ngày bình duyệt: 19-4-2024; Ngày duyệt đăng: 2 -5-2024.

(1), (2) Dẫn theo:Wada Haruko, the “Indo - Pacific” concept geographical adjustments and their implications, https://dr.ntu.edu.sg/.

(3) Alex N. Wong: “Briefing on The Indo-Pacific Strategy”, U.S. Department of State, https://www.state.gov/.

(4) Tổng hợp từ các nguồn: Đinh Công Tuấn, Tư duy chiến lược và các bước thực hiện chiến lược cường quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc, Nghiên cứu Quốc tế, Số 1 (108), tháng 3 -2017; Sự thay đổi địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương và lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Nghiên cứu biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/; Lê Phi: Thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương, https://baomoi.com/; Matthew P. Goodman, Scott Miller & Amy Searight, “U.S. Economic Strategy in the Asia Pacific“, CSIS, 10/2017.

(5) Hillary Clinton, “America’s Pacific Century”, Foreign Policy, http://foreignpolicy.com/.

(6) Matthew P. Goodman, Scott Miller & Amy Searight, “U.S. Economic Strategy in the Asia Pacific“, CSIS, 10/2017.

(7) Matthew P. Goodman, Scott Miller & Amy Searight, “U.S. Economic Strategy in the Asia Pacific“, CSIS, 10/2017.

(8) Robert D. Kaplan: Sự minh định của địa lý (bản dịch tiếng Việt), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 308.

(9) Hằng Phạm: Châu Á - Thái Bình Dương: Hòa bình nhưng mua sắm nhiều vũ khí”, http://baoquocte.vn/.

(10) Nguyễn Văn Công: “Hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ngước ngoài tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc”, https://www.qdnd.vn/, ngày 30-5-2021.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden
    POWERED BY