(LLCT) - Hiện nay, các vấn đề môi trường đang tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội các quốc gia trên thế giới, đặt ra thách thức đối với các quốc gia trong việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Với vai trò bảo đảm sự ổn định tài chính, nhiều ngân hàng trung ương đã xem xét tác động của các rủi ro liên quan đến các vấn đề môi trường và sự ổn định của hệ thống tài chính. Vì vậy, nhiều ngân hàng trung ương đã đưa ra các sáng kiến chính sách tiền tệ xanh để ổn định nền kinh tế vĩ mô hướng tới tăng trưởng bền vững. Bài viết phân tích chính sách tiền tệ xanh ở Việt Nam hiện nay và một số định hướng đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ xanh hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.
TS PHẠM THỊ ÁNH NGUYỆT
Trường Đại học Thái Bình
1. Mở đầu
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới. Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Đảng, Nhà nước xác định rõ và quyết tâm thực hiện. Phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt trong quan điểm của Đảng, đồng thời là nội dung cốt lõi trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển đất nước. Tinh thần này được cụ thể hóa rõ ràng trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia, ngành và địa phương.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng được những cơ hội thuận lợi, kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao và duy trì sự ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân. Công tác bảo vệ môi trường cũng đã được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu như an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu,… Đây là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa nhằm gìn giữ và củng cố bền vững các thành tựu phát triển đã đạt được.
2. Nội dung
2.1. Chính sách tiền tệ xanh ở Việt Nam hiện nay
Chính sách tiền tệ, với vai trò là công cụ điều hành vĩ mô trọng yếu, cho phép ngân hàng trung ương kiểm soát cung tiền, ổn định giá cả và định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên trong nền kinh tế. Trước những thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã bắt đầu chuyển hướng chính sách tiền tệ theo hướng xanh hóa.
Có thể hiểu, chính sách tiền tệ xanh là các biện pháp và quyết định tài chính được thiết kế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Chính sách tiền tệ xanh được coi là những nỗ lực của các ngân hàng trung ương lồng ghép mục tiêu bền vững môi trường vào khuôn khổ chính sách tiền tệ truyền thống nhằm khuyến khích các hoạt động kinh tế mang lại lợi ích cho môi trường và ngăn chặn những hoạt động gây hại đối với môi trường.
Chính sách tiền tệ xanh có thể sử dụng cả các công cụ truyền thống và phi truyền thống để tạo ra những tác động tích cực và đa chiều đối với nền kinh tế. Cụ thể, chính sách này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hướng đến việc giảm thiểu rủi ro môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và củng cố tính bền vững trong dài hạn.
Cơ sở pháp lý thực hiện chính sách tiền tệ xanh tại Việt Nam
Chính sách tiền tệ xanh tại Việt Nam đang từng bước được thể chế hóa thông qua hệ thống văn bản pháp lý ngày càng hoàn thiện. Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định: “Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững, và phải được đảm bảo bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm”. Chiến lược phát triển cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể: “Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải cácbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít cácbon. Lồng ghép các nội dung phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình dự án vay vốn tín dụng”.
Ngày 07-8-2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Đề án này đánh dấu bước đi chiến lược trong việc tích hợp các yếu tố xã hội - môi trường vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, hướng tới xây dựng một nền tài chính bền vững và có trách nhiệm. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ các ngân hàng thương mại trong hệ thống phải ban hành quy định nội bộ liên quan đến quản lý rủi ro môi trường và xã hội khi cấp tín dụng. Đồng thời, việc đánh giá rủi ro môi trường - xã hội phải được thực hiện đầy đủ trong quá trình thẩm định các khoản vay, kết hợp với việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án sử dụng vốn vay ngân hàng. Các yếu tố rủi ro môi trường cũng cần được lồng ghép trong hệ thống đánh giá tín dụng tổng thể.
Ngoài ra, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tối thiểu từ 10 đến 12 ngân hàng thành lập các đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Đồng thời, khoảng 60% ngân hàng trong hệ thống được kỳ vọng có khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh và triển khai hoạt động cho vay đối với các dự án thân thiện với môi trường. Đây là một bước đi cần thiết nhằm định hướng lại dòng tín dụng theo hướng bền vững, hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh trong nền kinh tế và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Ngày 23-12-2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, Thông tư quy định nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường: “Khi đánh giá dự án đầu tư có rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng bổ sung tại thỏa thuận cấp tín dụng các biện pháp khách hàng cam kết thực hiện nhằm hạn chế rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; khách hàng có trách nhiệm cung cấp các thông tin phục vụ công tác vụ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng theo yêu cầu của tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đã cung cấp”.
Ngày 26-7-2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN, phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Kế hoạch nhấn mạnh vai trò đồng hành của ngành ngân hàng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng xanh, thông qua việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu thịnh vượng về kinh tế, bền vững môi trường và công bằng xã hội. Đây cũng là bước tiến quan trọng nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới trung hòa cácbon, đồng thời đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ Trái đất.
Ngoài ra, kế hoạch còn hướng đến việc nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách của ngành Ngân hàng, trong đó chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi. Ngành ngân hàng được định hướng đẩy mạnh huy động nguồn lực xanh, tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mục tiêu lâu dài là từng bước tiệm cận các chuẩn mực quốc tế về tài chính xanh, bảo đảm tính minh bạch, an toàn và hiệu quả trong phân bổ nguồn vốn phục vụ phát triển bền vững.
2.2. Các công cụ chính sách tiền tệ xanh
Các công cụ chính của chính sách tiền tệ xanh được triển khai ở Việt Nam bao gồm:
Lãi suất: Giảm lãi suất cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh đang góp phần vào mục tiêu Net zero (mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam). Ví dụ như các dự án điện mặt trời, điện gió, quản lý chất thải và cơ sở tái chế nguyên vật liệu, mạng lưới giao thông công cộng sử dụng xe điện và xe buýt điện...
Dự trữ bắt buộc: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ quan trọng được sử dụng phổ biến bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới. Đây là tỷ lệ phần trăm giữa lượng tiền gửi mà các tổ chức tín dụng bắt buộc phải dự trữ so với tổng tiền huy động, nhằm điều tiết khả năng thanh toán và cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại. Việc quy định dự trữ bắt buộc yêu cầu các tổ chức nhận tiền gửi phải duy trì một phần tài sản tại ngân hàng trung ương hoặc tại quỹ dự trữ, qua đó kiểm soát thanh khoản và định hướng tín dụng theo mục tiêu chính sách tiền tệ. Thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ này, ngân hàng trung ương có thể tác động đến quy mô tín dụng, chi phí vốn và khả năng tạo tiền của các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, việc áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ưu đãi cho các khoản vay xanh không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực thân thiện với môi trường, mà còn góp phần định hình một hệ thống tài chính hỗ trợ phát triển bền vững.
Tái cấp vốn: Là một công cụ của chính sách tiền tệ, tái cấp vốn được hiểu là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng. Cho vay tái cấp vốn với các điều khoản ưu đãi (như lãi suất thấp hơn) cho các ngân hàng thương mại khi họ tài trợ cho các dự án xanh.
Trái phiếu xanh: Theo khoản 1, Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trái phiếu xanh được định nghĩa là loại trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu, nhằm huy động vốn cho các hoạt động bảo vệ môi trường hoặc các dự án đầu tư có lợi ích về môi trường. Khi nhà đầu tư mua trái phiếu xanh, họ thực chất đang cấp vốn cho Chính phủ hoặc doanh nghiệp để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường. Đổi lại, nhà đầu tư được hưởng mức lãi suất tương tự như các loại trái phiếu thông thường. Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cắt giảm lượng phát thải cácbon, trái phiếu xanh ngày càng trở thành công cụ tài chính phổ biến.
2.3. Một số kết quả đạt được trong triển khai chính sách tiền tệ xanh
Trong những năm gần đây, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, song thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam đạt khoảng 284 triệu USD. Đa số trái phiếu này do các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát hành, nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng bền vững.
Trong giai đoạn 2021-2024, thị trường ghi nhận sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân với một số đợt phát hành trái phiếu xanh quy mô lớn. Tiêu biểu là: Vinpearl với 425 triệu USD trái phiếu bền vững có kèm quyền chọn nhận cổ phiếu của Vingroup; BIM Group (350 triệu USD); BIDV (100 triệu USD); EVN Finance (70 triệu USD) và Vietcombank (2.000 tỷ đồng). Các khoản vốn huy động từ những đợt phát hành này chủ yếu được sử dụng cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam xây dựng và công bố Khung trái phiếu xanh theo các chuẩn mực quốc tế được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá ở mức SQS2 - mức Rất tốt, phản ánh chất lượng và độ tin cậy cao trong việc huy động vốn cho các hoạt động xanh. Năm 2023, BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh tại thị trường trong nước. Các trái phiếu này được phân loại theo nguyên tắc của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA), nhằm huy động nguồn lực tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường như tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy tài chính xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước triển khai các giải pháp nhằm “xanh hóa” hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính - tiền tệ.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,09% so với năm 2023. Xét theo cơ cấu ngành, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp tỷ trọng lớn nhất với 49,46%.
Tính đến ngày 25-12-2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,42% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm trước tăng 10,34%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06% (so với mức 11,19% cùng thời điểm năm 2023); tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13,82%, cao hơn mức 11,48% của năm trước, cho thấy dòng vốn tín dụng tiếp tục được mở rộng để phục vụ sản xuất - kinh doanh và các mục tiêu phát triển. Tỷ giá trung tâm trong năm 2024 về cơ bản giữ được sự ổn định, nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và chủ động của Ngân hàng Nhà nước, kèm theo các biện pháp can thiệp ngoại tệ phù hợp nhằm hạn chế biến động bất thường.
Về mặt giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 tăng 3,63%, nằm trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra. Cùng thời gian, chỉ số giá vàng bình quân cả năm tăng mạnh 28,64%, trong khi chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,91%, phản ánh xu hướng biến động giá tài sản toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định.
Những kết quả tích cực trên cho thấy vai trò điều tiết hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa từng bước tích hợp các yếu tố xanh vào điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
2.4. Định hướng chính sách tiền tệ xanh ở Việt Nam năm 2025
Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã chỉ rõ, trong năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, ngày 20-01-2025 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025: “Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”. Việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 vẫn hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm góp phần xanh hóa nền kinh tế. Cụ thể, tập trung vào một số giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ xanh năm 2025 và những năm tiếp theo:
Một là, Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững, ưu tiên phân bổ vốn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực trọng yếu, cũng như những ngành đóng vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn hệ thống. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các dự án, công trình hạ tầng trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển ổn định.
Hai là, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các chương trình có nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ba là, tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
3. Kết luận
Các vấn đề môi trường đã và đang trở thành thách thức toàn cầu có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy và công cụ điều hành vĩ mô. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ xanh là một hướng tiếp cận mới, nhằm lồng ghép các mục tiêu môi trường vào khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ truyền thống. Tại Việt Nam, chính sách tiền tệ xanh ngày càng được quan tâm và từng bước định hình, với trọng tâm là khuyến khích phân bổ nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực có lợi cho môi trường như năng lượng tái tạo, sản xuất sạch và hạ tầng bền vững. Việc bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ xanh, tín dụng xanh và các chương trình phát triển bền vững quốc gia sẽ là yếu tố then chốt, không chỉ giúp Việt Nam bảo đảm ổn định kinh tế, mà còn đóng góp tích cực vào các mục tiêu môi trường toàn cầu trong bối cảnh mới.
_________________
Ngày nhận bài: 16-4-2025; Ngày bình duyệt: 28-4-2025; Ngày duyệt đăng: 6-5-2025.
Email tác giả: pnguyet0806@gmail.com
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về Phát triển bền vững.
2. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025.
3. Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07-08- 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt “Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”.
4. Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23-12-2022 của Ngân hàng hướng dẫn tổ chức thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26-07-2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
6. Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 20-01-2025 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025.
7. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Báo cáo phát triển bền vững 2023.
8. Nguyễn Thanh Nga, Vương Duy Lâm, Phạm Tiến Đạt: Thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển, 2024, https://tapchitaichinh.vn/