(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên là sự kế thừa, phát triển sáng tạo văn hóa truyền thống của dân tộc và kết tinh giá trị văn hóa thế giới. Trên nền tảng đó, Người đã đề xuất những đặc điểm, yếu tố và kiến giải mới, hình thành nên những tri thức, hiểu biết, kỹ năng và phương pháp mới trong bảo vệ môi trường. Trên cơ sở phân tích những giá trị truyền thống của Việt Nam trong bảo vệ môi trường tự nhiên, bài viết phân tích làm rõ những luận điểm mang tính kế thừa và phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên, có giá trị định hướng quan trọng trong hoạch định và thực thi các chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững và hiệu quả ở nước ta hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 16-02-1969 - Ảnh tư liệu TTXVN
1. Văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam trong bảo vệ môi trường
Văn hóa truyền thống là tổng thể các quan niệm, thể chế, chuẩn mực, tín ngưỡng, nghi lễ, kiến thức, hiểu biết, trí tuệ và kỹ năng được tích hợp từ trong quá khứ vận hành của nền văn hóa để trở thành tập hợp các giá trị áp đặt và điều tiết xã hội nói chung, các nhóm xã hội khác nhau và mọi cá nhân nói riêng.
Bảo vệ môi trường trong quan niệm của khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn thực hiện bốn chức năng: (i) phòng ngừa sự suy thoái của môi trường; (ii) chế tài/trừng phạt những hành vi xâm hại môi trường, đồng thời khen thưởng những hành vi tích cực, chủ động bảo vệ môi trường; (iii) phục hồi môi trường khi môi trường bị tổn thương; (iv) phát triển môi trường tự nhiên nhân tạo, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho môi trường tự nhiên được sinh sôi, phát triển phù hợp với quy luật tự nhiên. Bảo vệ môi trường bao gồm: bảo vệ đất; bảo vệ nước; bảo vệ rừng; bảo vệ biển; bảo vệ không khí; bảo vệ hoặc sử dụng ánh sáng phù hợp đối với sự phát triển của hệ sinh thái, trong đó gồm có con người; bảo vệ động vật và thực vật.
Từ những cách tiếp cận trên nhận thấy, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong bảo vệ môi trường là hệ thống quan niệm, thiết chế, chuẩn mực, tín ngưỡng, nghi lễ, thái độ, nhận thức, ý thức, trí tuệ, phương pháp và kỹ năng bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của người Việt Nam được tích hợp liên tục để phát triển, góp phần hình thành nền văn hóa dân tộc và có giá trị thời đại.
Qua các tiếp cận lý thuyết và quan niệm trong khoa học xã hội và nhân văn cùng một số nghiên cứu lý luận và thực nghiệm về truyền thống bảo vệ môi trường của dân tộc Việt Nam cho thấy, bảo vệ môi trườngtrong văn hóa truyền thống của dân tộc ta có những đặc điểm sau :
Thứ nhất, trong quan niệm môi trường có quyền thần, tâm linh, tín ngưỡng.
Trong Hương ước làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu - Nghệ An) có đề cập: “Ông Hành là cánh tay trái long mạch của làng” (Điều 32); “Ông Hành chính là chỗ phương dậu” (Điều 38); “nơi cửa Ông Tri là chính phương mão ” (Điều 37); “làng bàn đến cồn gò là địa mạch của làng” (Điều 41); Hương ước của làng Ỷ La (Dương Nội - Hà Nội) có quy định: “ai cải táng thời xin đơn quan rồi tường trình với lý dịch, quản tuần rồi mới được làm ngoại hương,… lễ Thần” (Điểm 21)(1).
Đối với dân tộc Thái, những khu rừng um tùm cây cối trên mỗi nguồn nước là “nhà của các loại ma”, những vùng nước nguồn sạch sẽ, như đầu sông thẳm, suối sâu, xanh biếc, được mở rộng hai bên bờ phủ kín cây cối là những “vùng nước linh thiêng”.
Đối với người Êđê, “đất đai, sông suối, cây rừng (là) cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà” (Điều 232)(2).
Thứ hai, tư tưởng về bảo vệ môi trường được thể chế hóa hoặc luật tục hóa, thể hiện trong một số văn bản như: Hương ước làng Quỳnh Đôi (có 28% điều lệ quy định về bảo vệ môi trường), Mộ trạch xã Cựu Khoán (có 20% điều lệ quy định về bảo vệ môi trường), Hương ước làng Ỷ La (có 14% điều lệ quy định về bảo vệ môi trường) và Hương đoan xã Phù Xá Đoài (có 10% điều lệ quy định về bảo vệ môi trường)(3). Bên cạnh đó, có nhiều luật tục khác của các dân tộc như Êđê, Gia Rai, M’nông, Thái, Tày, Nùng,… đã có những quy định về bảo vệ môi trường. Nội dung bảo vệ môi trường trong các luật tục đa dạng, phong phú, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ về mặt vật chất và tinh thần giữa con người với môi trường tự nhiên.
Thứ ba, thực hiện chức năng phòng ngừa suy thoái môi trường, răn đe, cảnh báo, đe dọa những người xâm hại môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và cấm những hành vi xâm hại môi trường. Người Việt Nam xưa coi đất đai, nguồn nước, rừng cây,… là có sở hữu, “có chủ”: “khu rừng sâu đâu phải của nai, khu rừng đó là của tổ tiên, khu rừng đó là của con cháu, khu rừng đó là của ông bà, khu rừng đó là của chúng ta”(4). Như vậy, bản chất sở hữu thiên nhiên như đất, rừng, dòng nước, động thực vật,… đã được thể hiện rất rõ và là sợi dây tiếp diễn liên tục từ quá khứ (tổ tiên/ông bà) đến hiện tại (chúng ta) và tương lai (con cháu). Họ phòng ngừa bằng cách cảnh báo người thân, người dân trong làng, bản, thôn,... không được khai thác quá mức, chỉ sử dụng những cái gì đang có hoặc khai thác đúng quy cách: “làm nhà đừng dùng cây nữa; làm chòi đừng dùng cây nữa; làm rẫy không phát rừng nữa; khi thiếu đói đừng đào củ nữa”, “muốn ăn ếch phải dùng ná bắt”, “muốn ăn cá phải dùng rổ mà vớt”(5).
Chức năng phòng ngừa trong bảo vệ môi trường còn thể hiện trong nhiều quan niệm mang tính cảnh báo như : “rừng thiêng”, “nước độc”. Những nơi sông thẳm, suối sâu, nước xanh, hai bên rừng rậm… được người Thái xem là nơi trú ngụ của các “siêu linh dưới nước” và là “nơi để tế chủ nước”. Họ bảo vệ nước nguồn quan trọng từ rừng bằng cách cảnh báo với mọi người rằng, mỗi khu rừng là “nhà của các loại ma” để từ đó nâng lên mức đe dọa nếu phá rừng đầu nguồn ấy đồng nghĩa với việc phá nhà của ma thì sẽ “bị ma bắt hồn”, dẫn đến ốm đau, bệnh tật, thậm chí bị chết(6).
Tư tưởng thần quyền, tâm linh, tín ngưỡng và phong thủy được sử dụng để bảo vệ động - thực vật thể hiện rõ trong quan niệm, hương ước của đồng bào dân tộc thiểu số. Người M’nông quan niệm bò rừng, trâu rừng do thần nuôi; cấm đánh bắt cá vào mùa cá đẻ; cấm săn bắn thú rừng vào mùa sinh nở(7). Người Thái quan niệm, tên họ có gắn với một loài vật nào đó nên đã cấm ăn các loài như khỉ, hổ, báo... Đối với người Kinh, dân tộc chiếm đa số và sinh sống phân bố trên các loại địa hình khác nhau, từ miền biển đến đồng bằng và miền núi, nên sự phòng ngừa cũng bao hàm đầy đủ các nội dung: phòng họa nước mặn, phòng nạn thủy như lũ lụt, hạn hán (Điều 35); cấm thả rông lợn, gà, vịt,… gây ô nhiễm môi trường (Điều 42); cây cối rậm rạp là cốt để giữ đê phòng nước (Điều 80)(9). Luật tục của người Ê-đê có những điều nâng cao cảnh giác cháy rừng bằng cách nâng cao ý thức dùng lửa, như: “cầm theo những đầu dây đang cháy giở có thể diệt cả rừng”, “lửa sẽ bén vào rừng thiêu trụ cỏ cây, mọi vật” (Điều 80)(8).
Thứ tư, có chế tài, trừng phạt và ban thưởng trong bảo vệ môi trường, với những đặc trưng như: (i) trời đất, thần linh và ma quỷ bắt tội (ốm, đau, bệnh, tật...); (ii) làng, thôn, buôn, bản mường bắt tội (phạt nộp tiền, phạt nộp vật chất (trâu, bò, lợn, gà, rượu, cây cối,…); giết gà, lợn thả rông, bắt nộp cho quan; phạt công lao động; phạt đòn roi; phạt phá bỏ công cụ xâm hại môi trường như đốt lưới, phá lưới; mắng chửi, nguyền rủa, coi người xâm hại môi trường là bất thường; làm suy giảm hoặc làm mất vai trò, vị thế, danh phận của họ trong làng, bản mường bằng cách xóa tên khỏi hương bạ, đuổi ra khỏi làng,…; (iii) người bị trừng phạt thường là: người trực tiếp xâm hại môi trường; người đồng phạm, đồng lõa; người biết người xâm phạm môi trường mà không khai báo với cộng đồng hoặc với người có trách nhiệm; người thực thi luật tục không nghiêm; (iv) nghi lễ thực thi các chế tài (cúng bái Giàng, thần đất, thần đá, thần nước, thần gió, thần cây, thần rừng, thần linh vật,… và các hình thức bắt tội hay phạt khác) thường được tiến hành ở giữa buôn, làng, thôn, bản; (iv) mức độ xâm hại môi trường được xác định từ vô tình đến cố ý, tội nhẹ, tội vừa, tội nặng hoặc trọng tội,...(10).
Việc ban thưởng trong bảo vệ môi trường thể hiện sinh động trong nhiều quan niệm mang tính cụ thể, như:
ngăn nước mặn tràn vào ruộng lúa để được mùa, nhiều lúa; giữ nước để tưới nhuần lúa má, chặn nước để tưới nhuần đồng ruộng, thu hết mối lợi, phòng đến mùa hạ lấy nước làm ăn, “không được cho nước vào phương Cấn để làng được giàu thọ”(11); “phải trồng cho hết đất… để cho ai nấy đều được thêm nhu dùng”; “những người tuần phu (canh đất làng), làng cấp cho mỗi tháng 30 đấu thóc” (khoản 51), cho những người dạy nghề nông, tang, công, thương, trích thóc công ra giúp đỡ(12); ban thưởng tiền, rượu, trâu, bò, đất đai, cây gỗ, nhà cửa,…; hoặc trong nhiều quan niệm mang tính trừu tượng, như: đường cái sạch sẽ để sức khỏe tốt hơn; làm cho đẹp mặt đất; làm đông đúc người làng lên; các hình thức gia tăng vai trò, vị thế, danh phận | Lý luận về bảo vệ môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lý luận thực chứng (positive arguments) và là lý luận thực tiễn (pratical arguments), tức là dựa trên bằng chứng và xuất phát từ những điều cụ thể nhất để người nghe và/hoặc người đọc tự rút ra cho mình tri thức, kiến thức, hiểu biết và phương pháp bảo vệ môi trường. Những quan điểm, chỉ dẫn và tấm gương thực hành của Người về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay, có giá trị định hướng quan trọng trong hoạch định và thực thi các chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường bền vững và hiệu quả. |
trong làng cho những người có công trong bảo vệ môi trường (uống rượu làng được ngồi mâm trên,…)(13).
Thứ năm, chú trọng thực thi chức năng phục hồi môi trường. Điều này thể hiện trong nhiều quan niệm, như: đối với đất thiêng, đất thần, địa mạch, long mạch, “cứ dấu cũ mà trồng mốc, đo đạc đất mà đắp lại như cũ”; đối với đất sinh lợi, “đồng ruộng nào bị khuyết liệt thì đổ sức ra đồng mà đắp lại”; phục hồi nguồn nước thiêng, cây thiêng, sự vật thiêng,… nếu không may bị tắc, bị già yếu, bị suy kiệt; phục hồi nguồn lợi nước, cây lành, vật lành nếu không may bị hạn hán, suy giảm, cạn kiệt,…
Quan tâm phát triển môi trường thiên nhiên nhân tạo bằng cách nuôi, trồng những con vật, cây cối phục vụ nhu cầu dân sinh thường ngày (đáp ứng cái ăn, cái uống, cái mặc, cái đi lại, cái ở,…). Tại các vùng miền núi, nhiều dân tộc thiểu số phát triển các loại cây lấy thuốc, trong đó có cây thuốc phiện. Đời sống và sản xuất của người dân chủ yếu vẫn dựa vào thiên nhiên.
Như vậy, tư tưởng truyền thống về bảo vệ môi trường của người Việt Nam thể hiện chủ yếu là: (i) môi trường tự nhiên có thần quyền, linh thiêng, tín ngưỡng, phong thủy và có phần còn mang nặng mê tín; (ii) môi trường thiên nhiên thuộc sở hữu của con người nên con người cần có ý thức trách nhiệm bảo vệ và mức độ cao nhất được ví như bảo vệ Trời hoặc Tổ tiên, tuy nhiên, tính sở hữu trong không gian hẹp; (iii) bảo vệ môi trường bao gồm bảo vệ đất, nước, rừng, động thực vật; (iv) bảo vệ môi trường bằng cách nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng tránh “nạn thủy”, nạn hạn hán, nạn cháy, cảnh báo, răn đe và cấm những hành vi xâm hại môi trường,… Trong đó, tính thời đại và phát triển bền vững thể hiện trong nhiều quan niệm của người Việt, như “nếu ai đánh cá thì chỉ được dùng lưới thưa”(14), hoặc của người M’nông, như: cấm đánh bắt cá và các con vật trong thời kỳ sinh sản(15).
Từ quan niệm, xác định sở hữu và thực thi các chức năng bảo vệ môi trường của người Việt Nam trong truyền thống cho thấy :
Quyền lực mà người dân sử dụng chủ yếu mang tính tâm linh và truyền thống, tức là vừa tôn trọng tự nhiên, vừa sợ thiên nhiên. Lý giải hiện tượng này theo tiếp cận lý thuyết quy luật ba tình trạng tri thức của nhà xã hội học Auguste Comte nhận thấy, tình trạng tri thức mang tính thần học của người dân vẫn mang tính nổi trội hơn, nghĩa là từ sự sợ hãi thiên nhiên dẫn đến sự tuân thủ hoặc tôn trọng thiên nhiên. Tính truyền thống trong quan niệm về thiên nhiên của người Việt thể hiện ở quan niệm thiên nhiên mang tính linh thiêng, “non nước có hồn” và mang tính phong thủy, tuy nhiên vẫn còn nhiều đặc điểm mang tính mê tín hoặc thần học.
Tính truyền thống văn hóa thể hiện trong quan niệm của người Việt coi môi trường thuộc sở hữu tổ tiên hoặc “của chúng ta”. Tuy nhiên, thói quen hoặc tục lệ coi môi trường thuộc sở hữu trong một cộng đồng và không gian hẹp, chỉ thuộc phạm vi quản lý, khai thác và sử dụng bởi một làng, một buôn, một bản, mường,…
Tinh thần bảo vệ môi trường của người Việt trong truyền thống manh nha mang giá trị dân chủ trong một nhóm xã hội nhỏ, thể hiện tiêu biểu trong Hương ước làng Quỳnh Đôi, khi muốn triển khai một việc gì quan trọng liên quan đến môi trường đều cần bàn bạc để đạt được sự đồng thuận trong làng.
Tinh thần phát triển bền vững đã bắt đầu được thể hiện trong việc khai thác tiết kiệm, hợp lý và đúng phương thức, phù hợp với sự phát triển của tự nhiên. Điều này được thấy rõ nhất trong Hương ước làng Quỳnh Đôi và Luật tục người M’nông.
Thể chế hóa hoặc luật tục hóa việc bảo vệ môi trường đã được thực hiện, nhưng còn rải rác, cục bộ và được bổ sung, điều chỉnh tùy theo tình hình ở từng thời điểm nên chưa trở thành hệ thống và chưa có giá trị bao trùm quốc gia. Chưa có luật tục quy định tổng thể và toàn diện về bảo vệ môi trường.
2. Sự kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị văn hóa truyền thống trong bảo vệ môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiếp cận của các ngành khoa học xã hội về giá trị văn hóa thường đặt các giá trị trong bối cảnh xã hội truyền thống hoặc hiện đại để nhận thấy tính ổn định, trường tồn hoặc tính đổi mới của các giá trị. Do đó, “tính truyền thống”, “giá trị truyền thống” hoặc “truyền thống” của các giá trị chứa đựng nội hàm tích cực hay tốt đẹp trong đó, bởi lẽ, người đương thời chấp nhận các giá trị đã có của truyền thống, tuân theo mà không phê phán(16). Từ tiếp cận đó nhận thấy, những đặc trưng truyền thống về bảo vệ môi trường của dân tộc hiện hữu trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa sâu sắc các giá trị truyền thống của dân tộc. Trên nền tảng đó, Người đã đề xuất nhiều đặc điểm, yếu tố và kiến giải mới, hình thành nên những tri thức, hiểu biết, kỹ năng và phương pháp mới trong bảo vệ môi trường. Đó chính là sự kế thừa và phát triển sáng tạo truyền thống dân tộc trong tư tưởng của Người về bảo vệ môi trường, được thể hiện trong nhiều bài phát biểu, bài nói chuyện, bài viết và Di chúc của Người.
Thứ nhất, quan niệm về môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính thực chứng, biện chứng khoa học, nghĩa là dựa trên bằng chứng cụ thể từ cuộc sống, dựa trên phương pháp luận tư duy biện chứng giữa đời sống của con người và đời sống tự nhiên. Nếu con người ứng xử tốt với tự nhiên thì tự nhiên sẽ mang lại lợi ích cho con người và ngược lại: “người thì tốt với đất, đất thì tốt với lúa, đất tốt với lúa thì lúa tốt với người”(17). Tư tưởng của Người về bảo vệ môi trường rất rõ ràng, cụ thể, mang hình ảnh tuần hoàn của cuộc sống, sự gắn bó mật thiết, liên tục giữa con người và tự nhiên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không quan niệm môi trường có thần quyền như người Việt xưa, mà môi trường mang lại cho con người những lợi ích và bất lợi (hai mặt đối lập): “nước cũng có thể có lợi, cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán”(18). Do vậy, con người cần phát huy những lợi ích từ tự nhiên mang lại, đồng thời cần khắc chế những mặt bất lợi của tự nhiên. Tính khoa học trong bảo vệ môi trường được thể hiện rõ trong di huấn của Người: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó[…] Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(19).
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mức độ sở hữu môi trường thiên nhiên là của toàn dân: “Nước ta rừng vàng, biển bạc”, “Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc”(20). Như vậy, trong tư tưởng của Người, bảo vệ môi trường là bảo vệ những cái rất cụ thể, gần gũi như: đất, nước, rừng, biển, dòng sông, con đường, không khí,… ; đồng thời bảo vệ một tổng thể cao đẹp, toàn vẹn và thiêng liêng, đó là bảo vệ và xây dựng Đất nước, Tổ quốc, Non nước và Con người Việt Nam: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”(21).
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa một số truyền thống về chức năng phòng ngừa trong bảo vệ môi trường, như: phòng lũ lụt, phòng xói mòn đất; phòng hạn hán, phòng cháy; bảo vệ rừng; bảo vệ động thực vật; phòng những bất lợi từ biển; phòng ô nhiễm môi trường; phòng cạn kiệt tài nguyên như “phải tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”(22). Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phòng gió, bão như: trồng cây gây rừng ở bờ biển. Trái ngược với một số giải pháp mê tín của người Việt xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh phòng ngừa bệnh, tật, ốm, đau theo một tinh thần rất khoa học ở cả ba cấp độ:
(i) ở cấp độ cá nhân và nhóm, như “một em nhi đồng[…] phải ăn ở sạch sẽ, không gặp đâu nằm đó, không gặp gì ăn nấy, không ỉa bậy, đái bậy”(23), “giữ gìn vệ sinh thật tốt”; muốn giữ gìn sức khỏe phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch(24);
(ii) ở cấp độ gia đình, tổ chức, thiết chế, như “trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ, gọn gàng”(25), “các nhà thương cần phải sạch sẽ, gọn ghẽ, phải kiểu mẫu trong công tác vệ sinh”(26); “bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh”(27);
(iii) ở cấp độ cộng đồng và xã hội (thông qua chính sách, phong trào), như : “vệ sinh đường sá sạch sẽ”, “ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận”, “ao hồ không cần thì lấp đi cho đỡ muỗi”(28); “Cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào vệ sinh phòng bệnh”(29), “phải gây dựng một phong trào vệ sinh, phòng bệnh rộng khắp và bền bỉ,… phải giữ gìn sức khỏe”(30).
Qua những phân tích trên nhận thấy, người Việt xưa đặc biệt chú trọng đến trừng phạt và đe dọa với nhiều hình thức, trong đó, dùng sức mạnh thần quyền. Nhưng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhấn mạnh việc chỉ ra, nói rõ và giáo huấn những cái bất lợi cụ thể gắn với sức khỏe, sản xuất và đời sống của mọi người. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng chức năng cải thiện và phát triển môi trường tự nhiên.
Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa giá trị truyền thống dân tộc trong thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Người nêu rõ những bất lợi đối với sức khỏe, sản xuất, khí hậu và đời sống khi không bảo vệ môi trường: “nếu tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”(31); “chống hạn tốt nhất là đào giếng, đào mương. Rồi chịu khó gánh nước, để tưới cho ruộng nương”(32); “chống hạn, chống lụt, cũng đều là đánh giặc, cũng khó khăn gian khổ. Cán bộ đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu”(33),... Đặc biệt, khác với nhiều quy định mang tính chế tài, trừng phạt trong các luật tục, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn biện pháp nhắc nhở, khuyên răn, giáo dục, chỉ rõ những điều bất lợi liên quan đến sức khỏe, sản xuất, không khí và đời sống nói chung của cá nhân, gia đình, tổ chức, thiết chế, cộng đồng và toàn thể xã hội để từ đó mọi người tự giác bảo vệ môi trường. Khi đó, họ sẽ nhận thức và ý thức tốt mọi lợi ích từ hành động của mình.
Mặc dù kế thừa sự trừng phạt các đối tượng xâm hại môi trường tự nhiên, nhưng nếu như sự nghiêm khắc trong các quy ước chủ yếu đối với người dân trực tiếp xâm hại, người đồng phạm, đồng lõa, người biết người xâm hại không khai báo, người cha, người mẹ, người ông, người bà của trẻ em xâm hại môi trường và người thực thi luật lệ không nghiêm, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thái độ nghiêm khắc hơn đối với cán bộ, đảng viên “nắm giữ vị trí lãnh đạo càng cao thì trách nhiệm càng lớn”, phải gương mẫu, cụ thể, nói đi đôi với làm, và phê bình khuyết điểm đúng đắn, thẳng thắn và kịp thời. Người luôn rất thân thiện và đặc biệt gần gũi với người dân, cán bộ cơ sở như, phát triển bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường. “26 cán bộ nữ trên 200 cán bộ xã và hợp tác xã tham gia như thế là quá ít”, “nó chứng tỏ rằng[…] đối với phụ nữ các chú chưa xem trọng”(34) nhằm xây dựng và phát huy tinh thần “đại đoàn kết dân tộc”, “củng cố liên minh công nông” và đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước.
Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung phục hồi và phát triển thiên nhiên nhân tạo bằng cách động viên, khuyến khích mọi người nuôi trồng, chăm sóc, tu bổ và bảo vệ rừng: “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “trồng cây gây rừng”(35), “trồng cây khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn”(36), “cấy hết ruộng hoang và khai thêm ruộng hoang khác”(37), “khéo lấy ngắn nuôi dài” - tức là trồng xen kẽ chuối và muồng giữa những hàng cây xoan. Thành thử mỗi năm đều có thu hoạch chuối để bán, muồng để ủ phân”(38), “phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy”, “năm trước ươm sẵn cây giống để năm sau trồng”(39),…
Phong cách sống và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một tấm gương về văn hóa bảo vệ môi trường, như: sử dụng một cách tiết kiệm môi trường (nguyên vật liệu, đất đai, nguồn nước, khoáng sản,…); trồng cây không chỉ vì có lợi mà đặc biệt còn tạo ra vẻ đẹp của thiên nhiên. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên đúng cách và đặc biệt tiết kiệm vì các thế hệ tương lai, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ sáu, tư tưởng của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường đã được thể chế hóa thành các phong trào và chương trình rộng khắp, mang tính đạo đức, khuyên nhủ, giáo dục,… cao hơn là mang tính luật định. Trong quá trình thể chế hóa các quy định về bảo vệ môi trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh các yếu tố đạo đức nhiều hơn so với các yếu tố quy định bắt buộc nhằm tạo ra sự phấn khởi, động lực, ý thức trách nhiệm và sự tự giác bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân. Một số phong trào tiêu biểu, như:
Phòng trào “vệ sinh yêu nước”, “vệ sinh phòng bệnh” được đề cập đến trong lời tựa của Đời sống mới từ sau khi nước ta giành độc lập dân tộc (1947). Báo Nhân dân số 1572 ngày 02-7-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết về “vệ sinh yêu nước” nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh, bởi vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Dưới bút danh Trần Lực, phong trào “Tết trồng cây” được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động rộng rãi thông qua báo Nhân dân số 2082 (28-11-1958) nhằm thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng: “đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”(40).
Chủ trương và công tác bảo vệ đất, nước, không khí, rừng và biển đảo quê hương là chủ đề xuyên suốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập mỗi khi có dịp, bởi lẽ, đối với Người, bảo vệ môi trường chính là thể hiện lòng yêu nước, tình cảm thiêng liêng và ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lý luận về bảo vệ môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lý luận thực chứng (positive arguments) và là lý luận thực tiễn (pratical arguments), tức là dựa trên bằng chứng và xuất phát từ những điều cụ thể nhất để người nghe và/hoặc người đọc tự rút ra cho mình tri thức, kiến thức, hiểu biết và phương pháp bảo vệ môi trường. Những quan điểm, chỉ dẫn và tấm gương thực hành của Người về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay, có giá trị định hướng quan trọng trong hoạch định và thực thi các chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường bền vững và hiệu quả.
_________________
Ngày nhận bài: 4-4-2023; Ngày bình duyệt: 9-4-2023; Ngày duyệt đăng: 10-5-2023.
([1]) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng: Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.s
(2), (4), (8), (15) Hoàng Văn Quynh: Luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam (qua Luật tục của một số dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội: Khoa học xã hội và nhân văn, số 3(2015), tr.71-79.
(3), (9), (10) (11), (12), (14) Lê Đức Tiết: Về hương ước lệ làng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.
(5), (7) Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Luật tục M’nông, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.
(6), (13) Phan Hữu Dật, Cầm Trọng : Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995.
(16) Hervieu-Léger D.,: “Tradition et traditionnalisme” (truyền thống và chủ nghĩa truyền thống”) dans Ansart Pierre et Akoun André, Dictionnaire de Sociologie (Từ điển xã hội học), Le Robert et Seuil, Paris, 1999, pp. 539-540.
(17), (23), (27), (28), (38), (39) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.444, 132 và 105-106, 447, 105, 23, 22-23.
(18), (20), (35), (37), (40) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.283, 283, 338, 337, 338.
(19), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 615, 623.
(22), (30), (32), (36) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr. 213, 237, 213, 212.
(24), (25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.118, 122, 119.
(29), (31), (34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.165, 168, 158-159.
(33) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.528.
PGS, TS TRỊNH VĂN TÙNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS LÊ ĐÀO AN XUÂN
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên