Chuyển đổi tôn giáo và hoạt động di cư của người Mông ở Việt Nam

11/12/2023 09:05

TS LÊ TÂM ĐẮC
Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Hơn 30 năm trở lại đây, một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc Mông ở nước ta chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang đạo Tin lành và các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ Kitô giáo. Bài viết phân tích việc chuyển đổi tôn giáo này có liên quan đến hoạt động di cư tự do của người Mông. Từ đó khái quát một số vấn đề đáng quan tâm trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do cư trú của người dân; xử lý nghiêm minh các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây bất ổn xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia; ngăn ngừa các thế lực thù địch lợi dụng để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai tự trị, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chuyển đổi tôn giáo và hoạt động di cư của người Mông ở Việt Nam

Một điểm sinh hoạt Tin lành được đăng ký hoạt động của đồng bào Mông ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên - Ảnh: vov.gov.vn

1. Chuyển đổi tôn giáo của dân tộc Mông ở Việt Nam

Từ vùng núi các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam và Vân Nam (Trung Quốc), người Mông di cư đến Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu trong 3 đợt, trải dài từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Tại Việt Nam, ban đầu, người Mông sinh sống chủ yếu ở các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn; các tỉnh biên giới Việt - Lào như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Hơn 30 năm trở lại đây, theo dòng di cư, người Mông sinh sống ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở khu vực Tây Nguyên. Năm 2009, dân số người Mông là 1.068.189, đứng thứ tám trong các dân tộc ở Việt Nam (sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường, Khmer, Hoa, Nùng)(1). Đến năm 2019, dân số người Mông là 1.393.547, đứng thứ năm trong các dân tộc ở nước ta (sau các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường)(2).

Về đời sống tâm linh, với tâm thức tôn giáo đa thần và phiếm thần, người Mông thờ cúng nhiều vị thần linh, được gọi chung là “ma”, chủ yếu thuộc hai nhóm là “ma tổ tiên” (nhân thần) và “ma tự nhiên” (nhiên thần). Thờ cúng thần linh tổ tiên trong phạm vi gia đình và gia tộc là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông, thể hiện trước hết ở việc tang (ông bà, bố mẹ) và các lễ cúng “ma bò” và “ma lợn”, cũng như các nghi lễ mừng năm mới, việc cưới, đặt tên trẻ sơ sinh, đặt tên người trưởng thành, nhà mới, cơm mới, gọi vía, thả hồn, đuổi ma,v.v.. Thờ cúng thần linh tự nhiên của người Mông được thực hiện ở phạm vi gia đình (các lễ cúng thần nhà, thần cửa, thần bếp,...) và phạm vi bản làng (các lễ cúng thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối,...)(3)

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Kitô giáo với hai nhánh chính là Công giáo và đạo Tin lành đã truyền bá vào dân tộc Mông ở Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á như Lào, Thái Lan. Ở giai đoạn đầu, công cuộc truyền bá Công giáo và đạo Tin lành ở người Mông gặp rất nhiều khó khăn do cả những nguyên nhân nội tại lẫn những nguyên nhân khách quan, bên ngoài, nhất là xung đột văn hóa giữa hai tôn giáo độc thần với tín ngưỡng đa thần của người Mông trong thờ cúng tổ tiên và các thần linh truyền thống.

Tại Trung Quốc, vào năm 1886, hai nhóm giáo sĩ thuộc Đoàn Truyền giáo Nội địa Trung Hoa đã truyền bá đạo Tin lành vào người Mông Hoa và Mông Đen ở phía Đông tỉnh Quý Châu. Tuy nhiên, việc truyền giáo của đạo Tin lành trong người Mông Đen ở phía Đông tỉnh Quý Châu giai đoạn đầu không thành công, thậm chí một giáo sĩ và một người Mông Đen đầu tiên cải đạo bị giết. Trong khi đó, việc truyền bá đạo Tin lành trong cộng đồng người Mông Hoa ở phía Đông Bắc tỉnh Vân Nam, phía Tây tỉnh Quý Châu và phía Nam tỉnh Tứ Xuyên lại thuận lợi với vai trò của các giáo sĩ Đoàn Truyền giáo Giám lý Thống nhất. Đến năm 1920, ở phía Tây Bắc tỉnh Quý Châu, phía Đông Bắc tỉnh Vân Nam và phía Nam tỉnh Tứ Xuyên, Đoàn Truyền giáo Nội địa Trung Hoa thành lập được 9 trung tâm truyền giáo, trong khi Đoàn Truyền giáo Giám lý Thống nhất thành lập được hơn 30 trung tâm truyền giáo. Cũng từ cuối thế kỷ XIX, Kitô giáo xâm nhập vào cộng đồng người Mông ở Thái Lan và Lào. Hoạt động này thành công nhất định ngay ở giai đoạn đầu khi một bộ phận người Mông ở hai quốc gia này chuyển sang đạo Tin lành(4).  

Ở Việt Nam, việc chuyển đổi tôn giáo của dân tộc Mông diễn ra vào những năm 1920 với sự kiện Mã A Thông, Lồ A Tính và 05 gia đình người Mông ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo Công giáo với vai trò quan trọng của Linh mục François Marie Savina cùng sự trợ giúp của một số giáo sĩ người Mông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ Sa Pa, Linh mục F.M. Savina tích cực truyền đạo vào vùng người Mông ở Trạm Tấu, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Yên Bái). Tuy gặp một số điều kiện khách quan không thuận lợi, nhưng số người Mông theo Công giáo vẫn tăng nhẹ theo thời gian. Vào năm 2015, có 1,4% dân số người Mông ở Việt Nam theo Công giáo(5), chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên,v.v.. Đến năm 2019, riêng vùng miền núi phía Bắc, số lượng đồng bào dân tộc Mông theo Công giáo là 9.765 người, đứng đầu trong số các dân tộc thiểu số (như Nùng, Dao, Sán chay,...) theo tôn giáo này trên địa bàn(6).  

Sau Công giáo, đạo Tin lành là đối tượng chuyển đổi tôn giáo tiếp theo của người Mông ở Việt Nam. Tuy chính thức hiện diện ở nước ta năm 1911, khá nhanh chóng ảnh hướng tới một vài dân tộc thiểu số ở khu vực Nam Trung Bộ vào những năm 1920, ở khu vực Tây Nguyên vào những năm 1930 và ở vùng miền núi phía Bắc vào những năm 1940, nhưng đạo Tin lành mới chỉ truyền bá vào người Mông ở vùng miền núi phía Bắc vào cuối những năm 1980 thông qua Đài FEBC đặt tại Malina, Philippin, với sự tuyên truyền Vàng Chứ (Vương Chủ, Vua Mông) là Đấng Cứu thế, là Chúa Trời và Giê Su là con của Vàng Chứ. Sau một thời gian ngắn tìm đến sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Công giáo ở huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), đến năm 1992, được các linh mục giải thích và chỉ dẫn, nhóm người Mông nêu trên chính thức chuyển đổi sang đạo Tin lành, ban đầu là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Vào năm 2015, có 18,3% người Mông ở Việt Nam theo đạo Tin lành(7), tập trung ở vùng miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2019, ở vùng miền núi phía Bắc, số lượng đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin lành là 233.619 người, đứng đầu trong số các dân tộc thiểu số (như Dao, Sán chỉ, Thái,...) theo tôn giáo này trên địa bàn. Ngoài ra, có khoảng 40.000 người Mông theo đạo Tin lành di cư vào khu vực Tây Nguyên(8).

Ngoài Công giáo và đạo Tin lành, từ đầu những năm 1990, một bộ phận người Mông ở vùng miền núi phía Bắc còn tin theo một số hiện tượng tôn giáo mới hình thành trong nước như Dương Văn Mình, hay truyền nhập từ nước ngoài vào như Giê Sùa, Bà cô Dợ. Giáo phái Dương Văn Mình, tên đầy đủ là “Tín ngưỡng Dương Văn Mình là duy nhất và mãi mãi về sau”, hình thành năm 2000 trên cơ sở tách ra từ đạo Vàng Chứ tại tỉnh Tuyên Quang, sau đó lan sang các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lào Cai. Giáo phái Giê Sùa do David Her (Hờ Chá Sùng) thành lập năm 2015 ở Mỹ, giáo phái Bà cô Dợ (còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta) do Vừ Thị Dợ thành lập năm 2016 ở Mỹ, truyền nhập vào dân tộc Mông ở nhiều tỉnh vùng miền núi phía Bắc, nhất là Lai Châu và Điện Biên thông qua internet(9).

Có thể thấy, sự chuyển đổi tôn giáo của người Mông ở Việt Nam trong khoảng 100 năm gần đây gắn với hai lần xã hội nước ta biến động mạnh mẽ. Lần biến động xã hội thứ nhất diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX gắn với quá trình xâm lược của thực dân Pháp tại nước ta. Lần biến động xã hội thứ hai diễn ra từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI gắn với quá trình đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đáng chú ý là, việc chuyển đổi tôn giáo của dân tộc Mông ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, đều liên quan đến Công giáo, đạo Tin lành và các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ Kitô giáo. Những tương đồng quan điểm về Đấng Cứu thế và tư tưởng cứu thế luận của người Mông truyền thống với Công giáo, đạo Tin lành và một số hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ Kitô giáo được các nhà truyền đạo khai thác khá triệt để và hiệu quả. 

2. Hoạt động di cư của dân tộc Mông ở Việt Nam

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong lịch sử, nên di cư là một đặc tính của dân tộc Mông. Giai đoạn mới đến nước ta, dân tộc Mông cư trú ở nhiều tỉnh giáp biên giới Việt - Trung và Việt - Lào. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980 đến nay, di cư của người Mông diễn ra đột biến và phức tạp ở 3 dạng thức: di cư nội vùng (giữa các tỉnh miền núi phía Bắc), di cư liên vùng (từ vùng miền núi phía Bắc đến khu vực Tây Nguyên), di cư xuyên biên giới (từ Việt Nam sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mianma,...). Nếu thu hẹp sự phân chia bằng tiêu chí không gian, có thể xếp các nhóm di cư của người Mông vào hai dạng thức: “di cư nội địa”/ “di cư nội biên” và “di cư quốc tế”/ “di cư ngoại biên”.

Về di cư nội vùng, điển hình là trường hợp người Mông ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc chuyển đến huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Ở huyện Nậm Pồ, nơi đến của người Mông di cư tập trung ở xã Nậm Nhừ và xã Phìn Hồ, chủ yếu từ năm 1986 đến năm 1996. Nơi đi của người Mông di cư trước hết từ xã Sin Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Bên cạnh số lượng nhỏ nội tỉnh này, người Mông di cư đến huyện Nậm Pồ đa phần từ huyện Xín Mần và huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang), huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai).

Với huyện Mường Nhé, nơi đến của người Mông di cư tập trung ở xã Nậm Kè và xã Leng Su Sin, từ năm 1997 đến năm 2010. Nơi đi của người Mông di cư trước hết là một số huyện của tỉnh Lai Châu (gồm cả Điện Biên trước năm 2003) như Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Điện Biên Đông; tiếp theo là hai tỉnh Lào Cai (huyện Sa Pa) và Sơn La (các huyện Sốc Cộp, Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn)(10)

Về di cư liên vùng, điển hình là việc nhiều người Mông từ vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ chuyển vào khu vực Tây Nguyên, chủ yếu từ năm 1986 đến năm 2013, chia thành 3 giai đoạn nhỏ gồm 1986-1991, 1992-2001 và 2002-2013. Từ năm 2014, số lượng người Mông di cư vào khu vực Tây Nguyên giảm đi rất nhiều, cho đến năm 2017 thì hầu như không còn nữa.

Sau khi thăm dò ở giai đoạn đầu với 2.719 người vào hai tỉnh Đắc Lắk và Đắc Nông, làn sóng người Mông ào ạt di cư tự do vào hầu khắp địa bàn Tây Nguyên ở hai giai đoạn tiếp theo, tuy có sự khác biệt nhất định ở từng giai đoạn và từng địa phương. Cụ thể, ở giai đoạn 1992-2001, trong tổng số 23.579 người Mông di cư vào Tây Nguyên, thì 14.143 người chuyển đến tỉnh Đắc Nông (chiếm gần 60%). Ở giai đoạn 2002-2013, trong tổng số 33.365 người Mông di cư vào Tây Nguyên, thì 19.670 người chuyển đến tỉnh Đắc Lắk (chiếm gần 59%). Đến năm 2013, toàn khu vực Tây Nguyên có 59.240 người Mông di cư, nhiều nhất ở tỉnh Đắc Lắk (29.375 người) và tỉnh Đắc Nông (23.814 người), kế tiếp là hai tỉnh Lâm Đồng (3.832 người) và Gia Lai (2.219 người)(11).

Đối tượng di cư vào khu vực Tây Nguyên là người Mông ở hầu khắp các địa phương miền núi phía Bắc, nơi có dân tộc này sinh sống gồm: tỉnh Hà Giang (các huyện Xín Mần, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Đồng Văn), tỉnh Cao Bằng (các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An), tỉnh Bắc Cạn (các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể), tỉnh Lào Cai (các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sa Pa), tỉnh Lai Châu (các huyện Mường Tè, Mường Lay, Sìn Hồ), tỉnh Điện Biên (các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo), tỉnh Sơn La (các huyện Mường La, Phù Yên), tỉnh Tuyên Quang (các huyện Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên), tỉnh Lạng Sơn (huyện Bắc Sơn), tỉnh Yên Bái (các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu), tỉnh Thanh Hóa (các huyện Mường Lát, Quan Hóa), tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn). Trong đó, tính đến năm 2013, ba tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng người Mông di cư tự do nhiều nhất vào khu vực Tây Nguyên gồm Lào Cai (10.435 người, chiếm 21,07%), Hà Giang (8.476 người, chiếm 17,11%), Cao Bằng (8.230 người, chiếm 16,61%)(12).

Về di cư xuyên biên giới, hoạt động này diễn ra khá phổ biến ở người Mông nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong giai đoạn 1986-2010, người Mông ở các địa phương nêu trên, nhất là các tỉnh Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai chủ yếu di cư sang Lào(13). Trong giai đoạn 2011-2015, người Mông ở vùng miền núi phía Bắc còn di cư sang Trung Quốc, Thái Lan và Mianma. Tỉnh Điện Biên là một ví dụ điển hình, với 239 người Mông di cư sang Trung Quốc, 117 người Mông di cư sang Lào, 72 người Mông di cư sang Thái Lan và 48 người Mông di cư sang Mianma. Đây là số liệu thống kê bước đầu, chắc hẳn thấp hơn khá nhiều so với con số di cư thực tế của địa phương này nếu tính cả các nguyên nhân nhu cầu mưu sinh và quan hệ đồng tộc(14)

3. Vấn đề đặt ra từ chuyển đổi tôn giáo và hoạt động di cư của dân tộc Mông ở Việt Nam

Chuyển đổi tôn giáo rõ ràng liên quan mật thiết đến hoạt động di cư của người Mông ở Việt Nam hiện nay. Sự đan quyện chặt chẽ của hai vấn đề do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ba yếu tố kinh tế, tôn giáo và chính trị. Ngoại trừ yếu tố kinh tế, tương đối thuần túy trong một số trường hợp cụ thể, thì chuyển đổi tôn giáo và hoạt động di cư của người Mông ở nước ta gắn khá chặt với hai yếu tố tôn giáo và chính trị.

Nguyên nhân kinh tế của việc người Mông di cư nội địa cũng như xuyên biên giới biểu hiện khá rõ trong thời gian đầu của hoạt động này, chủ yếu từ giữa thập niên 80 đến giữa thập niên 90 thế kỷ XX. Cụ thể, vào những năm 1980, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng vùng kinh tế mới và phân bổ lại dân cư, khoảng 200 người Mông từ tỉnh Hoàng Liên Sơn (năm 1991 tách ra thành tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái) cùng với gần 1 triệu đồng bào nhiều dân tộc từ nhiều vùng miền đến định cư ở khu vực Tây Nguyên(15). Nhận thấy vùng đất Tây Nguyên dân cư thưa thớt, đất đai màu mỡ, dễ dàng phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, thông qua mối quan hệ với những người đồng tộc đi trước, cho nên từ năm 1986 đến năm 1991, một bộ phận nhỏ người Mông từ vùng miền núi phía Bắc di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên, chủ yếu là tỉnh Đắc Lắk (đến năm 2003 tách thành tỉnh Đắc Lắk và tỉnh Đắc Nông). Khi ấy, khu vực này đất đai phì nhiêu, rừng giàu gỗ quý, dân cư thưa thớt(16). Với bộ phận người Mông vùng miền núi phía Bắc di cư sang Lào và Trung Quốc giai đoạn 1986-2010 cũng chủ yếu để có việc làm ổn định, thu nhập nâng cao, cuộc sống bảo đảm(17)

Tuy nhiên, từ thập niên cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, bên cạnh yếu tố kinh tế, hoạt động di cư của người Mông còn liên quan mật thiết đến hai yếu tố tôn giáo và chính trị. Ngoại trừ một bộ phận thực hành tín ngưỡng truyền thống và theo Công giáo, hầu hết người Mông di cư liên quan đến đạo Tin lành và một số hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ Kitô giáo. Để thu hút người tin theo, các nhà truyền đạo tích cực tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai tự trị liên quan đến xưng vua, đón vua, thành lập “Vương quốc Mông”, “Nhà nước Mông”.  

Cần nhắc lại và nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đông đảo người Mông theo đạo Tin lành và các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ Kitô giáo xuất phát từ hiện tượng xưng vua và đón vua, một dạng “phong trào cứu thế” vừa xuất phát từ yếu tố tâm linh, vừa bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử và tâm lý đặc thù của dân tộc Mông. “Vàng Chứ”/ “Vàng Trứ” (Vua Chủ/ Vương Chủ), trong quan niệm của người Mông là vua Mông giáng thế/ vua Mông giáng trần, từ đó xuất hiện tâm lý đón vua, xưng vua. Niềm tin hoang tưởng này hình thành ở người Mông vào khoảng thế kỷ XIX, trước hết từ vùng phía Nam Trung Quốc, xuất phát từ sự mặc cảm trước hoàn cảnh khó khăn thực tại, đan xen với niềm luyến tiếc quá khứ huy hoàng khi người Mông có Nhà nước Tam Miêu từng phát triển thịnh vượng trước khi bị nhà Hán tiêu diệt, ước mong người Mông sẽ thoát khỏi yếu thế và cô đơn, lép vế và chèn ép, sẽ có cuộc sống sung sướng hơn và tốt đẹp hơn khi một vị vua của họ rất tài giỏi xuất hiện theo truyền thuyết. Phong trào xưng vua, đón vua thường khởi đầu bằng việc một “nhà tiên tri” (thầy cúng hoặc người dân) bỗng nói rằng, vua Mông sắp xuất hiện để giúp người Mông đổi đời.

Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, khá nhiều cuộc xưng vua của người Mông nổi lên ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, v.v.. Tại các địa phương này xuất hiện các “nhà tiên tri” người Mông tuyên truyền sẽ có mưa to gió lớn, nước sẽ dâng cao làm ngập lụt khắp nơi, vua Mông sẽ xuất hiện, ai muốn được cứu giúp phải tham gia lễ đón vua. Nhiều người Mông đã bỏ công việc, bán hết tài sản để đi đón vua. Triệt để khai thác tâm lý đón vua, nhóm cực đoan trong đạo Tin lành cùng các hiện tượng tôn giáo mới như Dương Văn Mình, Bà cô Dợ, Giê Sùa; các thế lực thù địch thông qua nhóm người Mông sống ở nước ngoài, các website phản động, các đài phát thanh ở Hoa Kỳ và ở Đông Nam Á như Philippin đã vận động, lôi kéo một bộ phận người Mông chuyển đổi tôn giáo, kích động chủ nghĩa ly khai tự trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chống phá chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc(18), dẫn đến hoạt động di cư nội địa của đông đảo người Mông từ các địa phương vùng miền núi phía Bắc đến tỉnh Điện Biên, từ vùng miền núi phía Bắc đến khu vực Tây Nguyên, cũng như di cư xuyên biên giới từ các tỉnh miền núi phía Bắc sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Mianma với ý định thành lập “Vương quốc Mông”/ “Nhà nước Tam Miêu”. 

Tháng 3-2000, một số người Mông gửi “Tối hậu thư” đến chính quyền tỉnh Lai Châu đòi chia cắt lãnh thổ, lấy phần đất từ Cổng Trời (huyện Mường Lay) về phía Bắc cho tín đồ đạo Vàng Chứ. Tháng 5-2011, 7.000 người Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc và Đắc Nông đã bị các thế lực thù địch lôi kéo về tụ tập tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để đón vua và lập “Vương quốc Mông”. 300 lều lán bằng bạt được dựng để từng hộ dân người Mông vào ở, barie được lập tại hai đầu bản Huổi Khon với nhiều người được bố trí canh gác khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp(19).

Mặc dù vụ việc ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được chính quyền xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, nhưng các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tuyên truyền, kích động chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở vùng miền núi phía Bắc, nhất là nhóm chuyển đổi sang đạo Tin lành và các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc từ Kitô giáo. Tháng 2-2020, một bộ phận người Mông trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhất là hai bản Ngài Phố và Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, bị các thế lực thù địch kích động âm mưu thành lập “Vương quốc Mông”/ “Nhà nước Tam Miêu”, lấy đạo Tin lành làm quốc đạo(20).

Đáng chú ý, một bộ phận người Mông ở vùng miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, trong hơn 30 năm gần đây, liên tục bị các thế lực thù địch lường gạt vượt biên sang Lào, sau đó sang Thái Lan và Mianma với những lời hứa hẹn sẽ được đưa sang Mỹ và các nước phương Tây để có cuộc sống sung sướng và tốt đẹp. Nhưng trên thực tế, đa số đồng bào Mông phải cư trú lâu dài trong các trại tị nạn ở Thái Lan và Mianma với điều kiện sống thiếu thốn và khó khăn, là những hình ảnh bị các thế lực thù địch khai thác để cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của người dân, nhất là dân tộc thiểu số tin theo các tổ chức tôn giáo nhóm nhỏ.

Thời gian qua, việc chuyển đổi tôn giáo và hoạt động di cư của dân tộc Mông được chính quyền các cấp giải quyết tương đối ổn thỏa, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, trong bối cảnh hai hoạt động nêu trên vẫn còn những điểm khá phức tạp liên quan đến chính trị - xã hội đất nước. Đây là một trong những nguyên cớ để Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, đưa nước ta vào “Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” từ năm 2022.

Bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do cư trú của người dân, xử lý nghiêm minh các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây bất ổn xã hội, chống phá cách mạng và xâm phạm an ninh quốc gia, chính quyền các cấp, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc giáp biên giới Việt - Lào và Việt - Trung, chúng ta cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục tinh thần yêu nước và ý thức công dân cho đồng bào dân tộc Mông, nhất là bộ phận chuyển đổi tôn giáo, để đồng bào ý thức rõ về Việt Nam là Tổ quốc của mình, và việc chung tay xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, giàu mạnh là trách nhiệm chung của mọi người dân Việt Nam, bất kể dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, không tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai tự trị, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 546 (tháng 8-2023)

Ngày nhận bài: 7-7-2023; Ngày bình duyệt: 1-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1) Tổng cục Thống kê; Biểu số 5, Kết quả toàn bộ, Kho dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, http://portal.thongke.gov.vn/.

(2) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01-4-2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019, tr.53.

(3) Xem: Vương Duy Quang: Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2005, tr.92-132.

(4) Xem: Vương Duy Quang: Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện tại, Sđd, tr.222-224; Trần Thị Hồng Yến (chủ biên): Biến đổi về văn hóa, xã hội của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (từ năm 2005 đến nay), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr.34-36.

(5), (6), (7) Tổng cục Thống kê: Kết quả chủ yếu điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015, dẫn theo: Hoàng Thị Lan (chủ biên): Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.88, 78-79, 88.

(8) Nguyễn Thanh Xuân: Đạo Tin lành trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2019, tr.446.

(9), (20) Xem: Hoàng Thị Lan (chủ biên): Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Sđd, tr.136-142, 216.

(10), (16) Xem: Trần Thị Hồng Yến (chủ biên): Biến đổi về văn hóa, xã hội của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (từ năm 2005 đến nay), Sđd, tr.66-74, 74.

(11), (12), (15) Dẫn theo: Đoàn Đức Phương: Đời sống tôn giáo của người Mông Tin lành ở Đắc Lắk từ năm 1986 đến nay, Luận án tiến sĩ Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr.29-31, 29, 26.

(13) Xem: Đậu Tuấn Nam: Di cư của người Hmông từ đổi mới đến nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.50-53.

(14), (17) Xem: Đậu Tuấn Nam, Vũ Hải Vân, Nguyễn Thị Thêu (đồng chủ biên): Quản lý hoạt động di cư xuyên biên giới của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr.26-27, 54-56.

(18)  Xem: Lê Đình Lợi: Đạo Tin lành trong đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Lào Cai hiện nay, Luận văn thạc sĩ Triết học, chuyên ngành Tôn giáo học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2012, tr.59; Đậu Tuấn Nam, Vũ Hải Vân, Nguyễn Thị Thêu (đồng chủ biên): Quản lý hoạt động di cư xuyên biên giới của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên hiện nay, Sđd, tr.66-67; Hoàng Thị Lan (chủ biên): Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Sđd, tr.136-142.

(19) Xem: Lê Tâm Đắc: Vấn đề ly khai tự trị liên quan đến tôn giáo vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 6-2022, tr.21.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi tôn giáo và hoạt động di cư của người Mông ở Việt Nam
    POWERED BY