(LLCT) - Trí thức là bộ phận tinh hoa của xã hội, là một tầng lớp đặc biệt, chuyên lao động trí óc phức tạp, có trình độ học vấn, đại diện cho trí tuệ xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
PGS, TS NGUYỄN THẮNG LỢI
Tạp chí Lý luận chính trị
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS NGUYỄN THỊ TRANG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
1. Mở đầu
Hiện nay, trước những đặc điểm và yêu cầu mới của bối cảnh thế giới và trong nước, trí thức Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới và không ít thách thức, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức, nhằm phát huy trí tuệ, niềm tin, sự thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm, khát vọng vươn lên và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
2. Những đặc điểm nổi bật của bối cảnh hiện nay tác động đến đội ngũ trí thức Việt Nam
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng; trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ; dẫn đến sự biến đổi sâu sắc về trình độ của lực lượng sản xuất và các quan hệ sản xuất.
Trong đó, trí thức là một nguồn lực cốt lõi, góp phần tạo nên sự chuyển đổi chung của toàn bộ nền kinh tế - xã hội nhưng cũng là bộ phận chịu tác động mạnh mẽ, trực tiếp của tình hình.
Thứ nhất, quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội
CNH, HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình phát triển. Đó là một quá trình vận động kinh tế - xã hội toàn diện, sâu rộng nhằm chuyển đổi nền sản xuất và xã hội Việt Nam từ trình độ nông nghiệp lên trình độ công nghiệp với khoa học, công nghệ ngày càng tiên tiến, hiện đại.
Đây là một công cuộc có phạm vi rộng lớn, hết sức phức tạp nhưng có ý nghĩa nền tảng đối với sự phát triển đất nước. Để đất nước bước sang một chặng đường phát triển hoàn toàn mới, tạo ra môi trường thuận lợi cho trí thức phát triển.
Thứ hai, sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Sự phát triển của khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ thông tin, tạo ra những thay đổi căn bản, toàn diện, tác động mạnh mẽ đến quá trình tiếp nhận tri thức, thay đổi nhận thức và hành động của xã hội; dẫn đến yêu cầu phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực lao động trí óc, sáng tạo.
Thứ ba, đất nước ta đang tiến hành hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tham gia vào hệ thống kinh tế, chính trị, văn hóa thế giới...
Hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Thứ tư, nhiều biến động to lớn đang diễn ra, có nguy cơ đe dọa an ninh con người và sự phát triển của quốc gia.
Những hiểm họa khắc nghiệt từ thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh,...; những vấn đề toàn cầu, như: ô nhiễm môi trường, tội phạm kinh tế quốc tế, nhất là tội phạm công nghệ cao,... tác động, đe dọa nghiêm trọng, trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh con người, an toàn thông tin, an ninh mạng,... Những bất ổn đó đang đặt tầng lớp trí thức - tinh hoa của đất nước trước những bài toán khó cần được giải đáp.
3. Thời cơ của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, đội ngũ trí thức đang có sự chuyển biến rõ nét cả về lượng và chất, có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực và vị thế xã hội của mình.
Những thành tựu có ý nghĩa hết sức to lớn, toàn diện của công cuộc đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước đã tạo thế và lực cho đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển và nâng cao vị thế xã hội của mình.
Cụ thể là:
(1) Chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng không chỉ tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển mà còn là “nguồn sức mạnh nội sinh” để thôi thúc trí thức lao động sáng tạo nhằm cống hiến nhiều hơn cho sự phồn vinh của đất nước.
(2) Nền giáo dục - đào tạo đang đổi mới theo hướng tiên tiến, hiện đại: tác động mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản, trực tiếp và sâu sắc đối với trí thức. Tạo ra “bệ đỡ” vững chắc để đội ngũ trí thức Việt Nam tự tin khẳng định vai trò, mạnh dạn đi vào nghiên cứu, sáng tạo.
(3) Nền kinh tế phát triển năng động: giúp cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nói chung và trí thức nói riêng. Trí thức phát huy năng lực nghiên cứu, sáng tạo, phát minh, sáng chế, tạo ra các tác phẩm, tư vấn, tham mưu; sử dụng trí tuệ để truyền bá, áp dụng tri thức khoa học vào thực tiễn. Từ đó khẳng định vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội.
(4) Nền dân chủ xã hội ngày càng mở rộng: Môi trường hoạt động thông thoáng, tự do về tư tưởng, ngôn luận, học thuật; cởi mở, thẳng thắn trao đổi tri thức.
Các sản phẩm sáng tạo được trân trọng, nhất là các ý kiến phản biện xã hội, tham mưu, tư vấn được lắng nghe, phản hồi; là chất xúc tác cho trí thức hăng say, nhiệt huyết sáng tạo.
Ở góc độ cơ cấu kinh tế, thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu đều phát triển mạnh mẽ. Tương ứng với cơ cấu kinh tế ấy là cơ cấu xã hội - giai cấp, tầng lớp cũng có nhiều chuyển biến. Trong đó, trí thức là những người lao động trí óc, có tư duy sáng tạo gia tăng nhanh chóng về số lượng, trưởng thành vượt bậc về chất lượng.
Trí thức thực sự là lực lượng trực tiếp góp phần to lớn vào quá trình phát minh, vận hành, hoạt động và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thứ hai, đội ngũ trí thức Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tham gia sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước với vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong.
Đất nước ta tiến hành CNH, HĐH, tri thức đã trở thành nhu cầu thường nhật của xã hội. Trong toàn bộ những chu trình, hoạt động đó, trí thức với vai trò là lực lượng hạt nhân, nòng cốt, cũng chính là lực lượng tiên phong chủ lực, đáp ứng nhu cầu tri thức của xã hội.
Trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận: đội ngũ trí thức lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn cung cấp luận cứ, luận chứng khoa học, đưa ra những ý kiến phản biện khách quan để tư vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước.
Trước những vấn đề lớn của đất nước, Đảng, Nhà nước, cơ quan, ban, ngành đặc biệt cầu thị, trưng cầu ý kiến của trí thức, khuyến khích họ nghiên cứu, từ đó đề xuất hệ thống lý luận phù hợp, vạch rõ con đường phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý: trí thức luôn có cơ hội trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trên thực tế, đại bộ phận những người lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng, Nhà nước đều là một bộ phận của đội ngũ trí thức.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế: Đội ngũ trí thức là bộ phận cơ bản của nguồn nhân lực chất lượng cao, là lực lượng sản xuất trực tiếp, quyết định việc nâng cao năng suất, tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật: đội ngũ trí thức văn hóa – nghệ thuật có được cơ hội phát huy sở trường, năng khiếu sáng tác, thỏa mãn đam mê văn hóa - nghệ thuật, và có thể trở thành những người có tiếng nói, người định hướng thẩm mỹ.
Bối cảnh mới đặt ra lực đẩy, điều kiện, cơ hội, cảm hứng để đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật chủ động tìm tòi, sáng tạo ra tri thức mới, tác phẩm mới, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:
Trí thức là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận an ninh tư tưởng, an ninh chính trị hiện nay, có sứ mệnh xây dựng những luận chứng, luận cứ khoa học, hợp lý, khách quan, thuyết phục, nhằm bảo vệ sự thống nhất, niềm tin trong Đảng, trong dân, góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển mọi mặt của đất nước.
Đồng thời, trí thức có quyền và trách nhiệm nói lên tiếng nói của mình nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ chủ quyền trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, cung cấp những căn cứ lịch sử, pháp lý xác đáng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn trên công luận quốc tế.
Thứ ba, đội ngũ trí thức Việt Nam đang có thời cơ vươn lên khẳng định mình, trở thành lực lượng đại diện cho trí tuệ, sức mạnh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng
Tiến hành đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng gắn với việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong tiến trình hội nhập, đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng trước tiên được tiếp nhận, hưởng thụ những tinh hoa, các giá trị mới mẻ, tốt đẹp từ các quốc gia khác. Đây là cơ hội to lớn để họ tích lũy thêm tri thức, văn hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ; nghiên cứu, sáng tạo, phát minh ra các thành quả thiết thực phục vụ nhu cầu đổi mới đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội đất nước; khơi dậy tiềm năng của quốc gia và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nâng cao trình độ phát triển của đất nước.
Đội ngũ trí thức đông đảo sẽ là một nguồn lực quan trọng quyết định đưa Việt Nam tiến sâu vào tiến trình hội nhập, bởi họ chính là đầu tàu về khoa học và công nghệ, là cầu nối giữa các nền kinh tế, văn hóa.
Gắn với hội nhập quốc tế, trí thức Việt Nam có nhiều cơ hội để hoàn thiện, nâng cấp, phát triển bản thân; từ đó, trưởng thành, lớn mạnh, trở thành hình ảnh đại diện cho trí tuệ, văn hóa, sức mạnh tổng hợp của quốc gia dân tộc.
Thứ tư, đội ngũ trí thức luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, tạo mọi điều kiện để phát triển và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc
Trong nhận thức và quan điểm, đường lối, Đảng ta luôn nhất quán đánh giá cao vai trò của trí thức, trọng dụng, tôn vinh trí thức của dân tộc và những cống hiến của họ đối với đất nước.
Từ Đại hội IX, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng đúng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng. Phát huy năng lực của trí thức trong việc thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu của Nhà nước và xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật”(1).
Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đưa ra quan điểm của Đảng về đội ngũ trí thức, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức đối với quá trình phát triển toàn diện đất nước.
Quan điểm đề cao vai trò của đội ngũ trí thức của Đảng đã được thể chế hóa tại Điều 2, Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. ... Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(2).
Việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực trí thức trong cả nước ngày càng hợp lý và phát huy được năng lực của đội ngũ này. Đã bước đầu có các chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với trí thức.
4. Thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay
Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đội ngũ trí thức nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do những khó khăn, trở ngại trong tình hình mới.
Thứ nhất, thách thức do áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước.
Thực tiễn cho thấy, sự nghiệp CNH, HĐH ở Việt Nam còn vô cùng gian nan, việc đưa đất nước ta sớm bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới là hết sức khó khăn, do những hạn chế và rào cản về kết cấu hạ tầng yếu kém, thể chế kinh tế chưa minh bạch và nguồn nhân lực chất lượng thấp; trong đó, yếu tố nguồn nhân lực là quan trọng nhất, mang tính quyết định.
Vì vậy, áp lực, gánh nặng đang đặt lên đội ngũ trí thức với tư cách là bộ phận đứng ở vị trí trung tâm, giữ vai trò then chốt trong nguồn lực xã hội. Mục tiêu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao(3) là những mục tiêu rất lớn, rất khó của cả nước và cũng là một thách thức vô cùng khó đối với đội ngũ trí thức.
Thứ hai, thách thức do yêu cầu ngày càng cao và chặt chẽ của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Quá trình hội nhập quốc tế đang chuyển sang một giai đoạn mới với cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn, với nhiều cam kết về thể chế, pháp luật; với lộ trình thực hiện ngắn hơn; có quy định và quy chế giải quyết tranh chấp mạnh mẽ và toàn diện.
Hơn nữa, việc gia nhập vào các định chế quốc tế đặt ra thách thức về việc đổi mới, cải cách, hoàn chỉnh thể chế, pháp luật đặc biệt trên các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động...
Thực tiễn này đang tạo ra những thách thức vô cùng to lớn mà trực tiếp là những người tham gia đối thoại, thương lượng, thực thi, vận hành; nòng cốt vẫn là đội ngũ trí thức. Bởi trí thức là lực lượng quyết định đến sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ ba, thách thức từ những biến động mạnh mẽ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động, làm thay đổi toàn bộ các hoạt động xã hội, các hệ thống quản lý và sản xuất. Nền kinh tế - xã hội các quốc gia, trong đó có Việt Nam buộc phải tìm mọi cách để gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau”.
Việt Nam đang đứng trước thách thức khoa học và công nghệ phát triển quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
Các nước, nhất là nước lớn, có thể sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào mục đích không chính nghĩa, can dự, chi phối về chính trị; thực hiện “điều khiển” từ xa, từ bên ngoài, buộc các nước đang phát triển, chậm phát triển phải phụ thuộc, khó nhận thấy hoặc nhận thấy nhưng khó cưỡng lại(4).
Đây là những nguy cơ rất lớn, đe dọa nền quốc phòng, an ninh quốc gia. Những nguy cơ này đỏi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ trí thức thực sự lớn mạnh, có khả năng thích nghi, năng lực nắm bắt điểm mới, điểm mạnh của khoa học - công nghệ, có óc đổi mới sáng tạo, tiếp cận, sử dụng, ứng dụng được các công nghệ thông minh và có năng lực giao tiếp xã hội, làm việc trong môi trường quốc tế...
Thứ tư, thách thức từ sự xâm lấn, đan xen của các luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau trên các mạng thông tin xã hội hiện nay
Hiện nay, truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội đã trở thành một không gian mới cho cuộc sống của con người. Đây còn là “mảnh đất màu mỡ” dung dưỡng nhiều luồng tư tưởng, ý thức chính trị khác nhau, các “mầm tư tưởng” được phát triển một cách tự do, khó kiểm soát.
Một bộ phận đề cao sử dụng chiếc “áo choàng học thuật” hoặc “tấm áo văn hóa, văn minh” để quảng bá hệ tư tưởng và giá trị phương Tây. Lối suy nghĩ, hệ giá trị và cách ứng xử của phương Tây thể hiện trong những nội dung văn hóa này đều có tác động nhất định đến hệ tư tưởng của nước ta hiện nay và đặc biệt là trong đội ngũ trí thức.
5. Một số giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của trí thức đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Đây được xem là giải pháp mang tính tổng thể, tác động lâu dài. Bởi lẽ lịch sử phát triển của nhân loại nói chung và lịch sử dân tộc ta đã cho thấy, trí thức có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội.
Trí thưc cần thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trí thức ta nên tự động đi bước trước tìm đến công nông, và tôi chắc rằng sẽ liệt nhiệt hoan nghênh trí thức”(5). Bản thân từng người trí thức phải nâng cao sự tự nhận thức của mình cùng với sự quan tâm, trân trọng của xã hội.
Thứ hai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trình độ chuyên môn của mình.
Tăng đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển đội ngũ trí thức. Tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành.
Thứ ba, hoàn thiện chính sách, thể chế, pháp luật về sử dụng, trọng dụng trí thức, người hiền tài
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, phát minh, sáng chế nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức và khuyến khích trí thức cống hiến hơn nữa cho xã hội.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ.
Xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức.
Thứ tư, tăng cường tính chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến của đội ngũ trí thức đối với đất nước và xã hội
Đội ngũ trí thức cần gắn kết, hòa đồng với các tầng lớp nhân dân lao động, nhất là giai cấp công nhân và nông dân để xây dựng một khối liên minh vững chắc, làm hạt nhân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
_________________
Ngày nhận bài: 1-10-2024; Ngày bình duyệt: 11-10-2024; Ngày duyệt đăng: 11-10-2024.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.126.
(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.167, 36.
(4) Xem PGS.TS. Lê Văn Thắng - TS. Nguyễn Văn Tuân (đồng chủ biên): Trí thức Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.48.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.377.