Quốc tế

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào hiện nay

18/05/2024 21:24

(LLCT) - Những năm qua, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân nhân Lào đã cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy vậy, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Bài viết làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào.

ThS PHOUVONE SITHONTHONGDAM
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào hiện nay

Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Phông Sa Lỳ, CHDCND Lào và Trường Chính trị tỉnh Sơn La trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ _ Ảnh: Báo Sơn La

1. Khái quát về các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào

Theo Quy định số 1131/NAPPA ngày 24-10-2019 của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, bộ máy tổ chức của trường chính trị và hành chính cấp tỉnh gồm: Ban giám hiệu, 04 phòng: Phòng hành chính - tổ chức, Phòng thông tin tư liệu, Phòng Quản lý đào tạo, Phòng chuyên môn.

Hiện nay, trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đảm nhiệm ba nhiệm vụ chính, đó là: (1) Nghiên cứu lý luận và thực tiễn phục vụ dạy và học, cung cấp thông tin khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của đảng bộ và các cơ quan chính quyền tỉnh, thành phố; (2) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ công chức, viên chức, cán bộ quân đội, công an có chức vụ trung cấp, cấp cơ sở tỉnh, huyện và cán bộ cấp bản về lý luận - hành chính theo chương trình của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; (3) Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị và hành chính ở huyện và trung tâm bồi dưỡng ở các sở, ban, ngành trong tỉnh hoặc thành phố.

Các trường tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội ở cấp tỉnh, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại tỉnh.

Đại hội lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã nhấn mạnh: “Cải tiến và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận là những vấn đề chiến lược quan trọng, vấn đề cấp bách trong những năm tới, trước hết phải xây dựng nội bộ Đảng vững mạnh, có chung bản lĩnh chính trị, tư tưởng, bảo đảm trong toàn Đảng luôn tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh và uy tín cách mạng”(2).

Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ trung tâm, trọng yếu của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước Lào; tăng cường năng lực lãnh đạo và quản lý của địa phương, bảo đảm sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

2. Một số kết quả công tác đào tạo của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào

Thứ nhất, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào luôn quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Những năm qua, các điều kiện bảo đảm cho công tác đào tạo của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã được Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cũng như chính quyền các tỉnh quan tâm. Tại 18 trường chính trị và hành chính cấp tỉnh, các cán bộ, giảng viên đều tốt nghiệp các chuyên ngành lý luận Mác - Lênin và trưởng thành từ thực tiễn tại cơ sở. Đồng thời, 12/18 trường đã bảo đảm có từ 3-5 giảng viên phụ trách giảng dạy mỗi môn học chính, cũng như có mời giảng viên từ các cơ sở đào tạo khác tham gia hỗ trợ, giảng dạy. Đặc biệt, có 12/18 trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã bảo đảm tiêu chí xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn với cơ cấu: 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 3 cử nhân theo tiêu chuẩn giáo dục đại học do Bộ Giáo dục quy định.

Tính đến nay, tổng số cán bộ, giảng viên của các trường là 480 người, trong đó có 220 nữ; giảng viên chính 333 người. Số cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ có 06 người; thạc sĩ có 108 người; cử nhân có 293 người; trình độ cao cấp lý luận chính trị có 49 người; 08 người có trình độ trung cấp…

Thứ hai, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh luôn quan tâm xây dựng nội dung chương trình cho các hệ lớp phục vụ công tác đào tạo

Đến nay, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã triển khai giảng dạy 5 chương trình cao cấp và 16 chương trình trung cấp. Ngoài ra, còn có hệ cơ bản, hệ bồi dưỡng lý luận chính trị và hành chính ngắn hạn 45 ngày. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua với định hướng sửa đổi Hiến pháp cũng như cải cách cơ quan nhà nước tại địa phương, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho bí thư chi bộ bản nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn về quản lý hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Nhờ đó, các trường đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Thứ ba, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh được Đảng, Nhà nước và các tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập.

Hiện nay, 10/18 trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào về cơ bản đã bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Một số trường được đầu tư xây dựng trụ sở mới, được cải tạo, nâng cấp các hạng mục, mở rộng diện tích, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác. Các phòng học được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu; phòng hội thảo, thư viện, hội trường lớn có sức chứa hàng trăm người, các phòng làm việc được kết nối internet với toàn bộ máy tính(3). Ngoài ra, 14/18 trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào có ký túc xá khang trang, hiện đại phục vụ sinh hoạt của học viên. Về cơ bản, các trường đã đáp ứng về cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật phục vụ việc dạy, học và nghiên cứu; đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; bảo đảm tăng quy mô đào tạo tập trung.

Việc trang bị cơ sở vật chất khá đồng bộ, phương tiện dạy và học hiện đại, cùng với việc các trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học là trung tâm, tăng cường tính tích cực, chủ động cũng như tự giác trong quá trình học tập, nghiên cứu của học viên nên đã đáp ứng tốt những yêu cầu mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thứ tư, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã đa dạng hóa các hệ đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị trên cả nước.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào và tỉnh ủy các tỉnh, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đa dạng hóa các hệ đào tạo, bồi dưỡng, nhờ đó công tác đào tạo được triển khai thực hiện có hiệu quả, số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Năm học 2021-2022, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã đào tạo ở hệ cao cấp 09 đợt với 541 học viên (trong đó có 115 học viên nữ), đã tốt nghiệp 03 đợt với tổng số 171 học viên và đang tiếp tục học có 06 đợt với tổng số 370 học viên. Thông qua công tác đào tạo ở hệ cao cấp đã góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn cũng như phong cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị. Từ đó, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm tính kế thừa, liên tục phát triển trong bối cảnh đất nước đang thực hiện những mục tiêu lớn được đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ IX.

Ngoài ra, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh cũng đã chú trọng đào tạo các hệ trung cấp dành cho các cán bộ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, năm học 2022 - 2023, với tổng số 36 đợt, với 1.966 học viên, trong đó có 422 học viên nữ. Hiện đã tốt nghiệp 16 đợt với 864 học viên, trong đó có 188 học viên nữ và đang tiếp tục học 20 đợt với 1.102 học viên, trong đó có 234 học viên nữ.

Cùng với đó, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh cũng mở các lớp đào tạo hệ sơ cấp, năm học 2022 - 2023 tổng số 127 đợt, với 3.566 học viên. Hiện đã tốt nghiệp 49 đợt với 2.512 học viên và đang tiếp tục học 78 đợt với tổng số 1.054 học viên. So với năm học trước đó, về số lượng đã tăng thêm 29 đợt, với 291 học viên (tỉnh Xayyabuli là tỉnh thực hiện thành công nhất). Đồng thời, các trường đã tổ chức hệ tập huấn ngắn hạn 45 ngày cho cán bộ, công chức, với 47 đợt, tổng số 2.634 học viên, đã tốt nghiệp 37 đợt, với 2.045 học viên. Hiện đang tiếp tục tập huấn 10 đợt, với 589 học viên. So với năm học trước, đã tăng được 02 đợt, với 120 học viên, trong đó có 05 tỉnh: Savannaket, Borlikhamxay, Salavan, Udomxay và tỉnh Loungnamtha đạt được những kết quả nổi bật(5).

Đặc biệt, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã tăng cường mở các lớp hệ 10 ngày dành cho bí thư chi bộ bản và đảng ủy bản. Năm học 2021-2022, đã mở được 90 đợt, với 4.406 học viên. So với năm học trước, đã tăng thêm 46 đợt, số lượng học viên tăng thêm 1.999 học viên. Một số tỉnh đạt được kết quả nổi bật: tỉnh Savannaket, Udomxay, Hủaphăn, Viêngchăn, Salavan và tỉnh Khăm muộn(6). Từ những kết quả trên cho thấy, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã thực hiện tốt yêu cầu đào tạo được đề ra trong kế hoạch hoạt động của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cũng như các tỉnh đề ra.

3. Một số hạn chế trong công tác đào tạo cán bộ của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào

Trong thời gian qua, mặc dù các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, có những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cho địa phương và các ngành. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, nhất là việc thực hiện quy hoạch tổng thể Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào trong bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên trong cả nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường vẫn còn những hạn chế:

Một là, việc thực hiện mục tiêu xây dựng trường chính trị và hành chính cấp tỉnh chuẩn trên cả nước còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, lộ trình đề ra. Đa số các trường chưa bảo đảm tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, viên chức theo quy định; nhiều giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Một số cán bộ, giảng viên thiếu nỗ lực trong tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, còn thụ động, ngại đổi mới. Năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên còn hạn chế, nhất là nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh. Đây được xem là hạn chế lớn có ảnh hưởng lớn đến công tác giảng dạy của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay khi chất lượng giảng viên chưa đáp ứng theo đúng quy định của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào.

Đặc biệt, cơ sở vật chất của nhiều trường còn chắp vá, thiếu đồng bộ, xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và việc học tập, rèn luyện. Một số hạng mục được xây dựng từ nhiều năm trước đây (nhà giảng đường, nhà ăn, ký túc xá…) mặc dù đã được sửa chữa nhiều lần; nhưng nay đã xuống cấp, ảnh hưởng đến các hoạt động cũng như chất lượng phục vụ học viên, giảng viên. Còn thiếu phòng học đạt chuẩn, phòng hội thảo, thư viện điện tử, phòng tin học, phòng khách phục vụ giảng viên đạt chuẩn... Kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của trường còn hạn hẹp, khó khăn.

Hai là, sự phối hợp giữa Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào với các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh còn thiếu đồng bộ, dẫn đến còn chậm trễ trong việc thực hiện các quy định cũng như còn thiếu thống nhất giữa các trường trong cách thức triển khai các quy định của Học viện.

Việc tuyển dụng nhân sự giảng viên, cán bộ vào trường chính trị và hành chính cấp tỉnh theo quy định của Bộ Giáo dục (1, 6 , 3) cho đến năm 2021-2022 chỉ đạt được 12%, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

4. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ tại các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới cần thực hiện một số giải pháp chính sau:

Thứ nhất, căn cứ vào các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, nghị quyết của đảng bộ tỉnh liên quan đến công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các trường cần chủ động tham mưu tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về vị trí, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; về ý thức, trách nhiệm, tinh thần học tập cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; ban hành các chỉ thị, quy định, quy chế… để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Tham mưu công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành để bảo đảm tính nghiêm túc, hiệu lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với trung ương và tỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cần tiếp tục cử các cán bộ, giảng viên và chuyên gia hướng dẫn các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh trong công tác tổ chức, quản lý đào tạo, xây dựng nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, hướng dẫn giảng viên cách soạn bài, theo dõi công tác giảng dạy và nghiên cứu, đánh giá việc tổ chức triển khai các hoạt động dạy và học định kỳ tại trường chính trị và hành chính cấp tỉnh thường xuyên, liên tục, nhất quán. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đòi hỏi các nhà trường cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập. Kết hợp các phương pháp giảng dạy truyền thống với các phương pháp giảng dạy mới, tiên tiến, có sự tích hợp với các phương tiện kỹ thuật hiện đại để tăng tính trực quan, hấp dẫn cho các bài giảng lý luận chính trị - hành chính; cân đối giữa phần giảng lý thuyết với trao đổi, thảo luận và đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, để học viên có cơ hội vận dụng, kiểm nghiệm những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, tỉnh ủy các tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào tạo điều kiện thuận lợi để để các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh đổi mới nội dung, phương thức trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn sát với tình hình thực tế của địa phương; bố trí nguồn kinh phí tương xứng để xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh. Xây dựng và phát triển hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước có chất lượng tốt, ngày càng hiện đại và đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương.

Thứ ba, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh cần tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài, nhất là tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài ra, chú trọng việc xây dựng kế hoạch cũng như phân công công việc thực hành giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các môn học chuyên ngành gắn với công tác xây dựng và đào tạo cán bộ, giảng viên của các trường. Các tỉnh cần có kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu tại trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

Thứ tư, các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với thực tiễn cho từng năm học và bảo đảm hiệu quả công việc cao hơn. Tiếp tục quản lý chương trình giảng dạy, đào tạo lý luận chính trị và hành chính trên toàn quốc ngày càng chặt chẽ hơn. Trong đó, nâng cao yêu cầu cập nhật nội dung lý thuyết và thực tiễn phong phú, sâu sắc, giúp cho nội dung bài giảng của đội ngũ giảng viên trong các nhà trường vừa bảo đảm chất lượng về học thuật, cơ sở lý luận cũng như vừa mang tính thực tiễn cao.

Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu lứa tuổi, cơ cấu giới tính, bảo đảm tính kế thừa liên tục. Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Không ngừng đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần chuẩn hóa và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các tỉnh. Tiếp tục đổi mới phương pháp, kỹ năng giảng dạy lý luận chính trị, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn làm cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Trung) cho đội ngũ giảng viên các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh. Có kế hoạch cử giảng viên đi thực tế về cơ sở để tăng hiểu biết thực tiễn địa phương. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ giảng viên trẻ trong học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, cũng cần xem xét xây dựng hệ thống chế độ, chính sách thống nhất cho các trường chính trị tỉnh, thành phố về chế độ lương, chế độ phụ cấp giảng viên.

Công tác đào tạo trong hệ thống trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.Vì vậy, những năm tới, ban thường vụ tỉnh ủy các tỉnh và Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cần tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát hơn nữa đối với công tác này. Đồng thời, quan tâm đến ngân sách hoạt động, đầu tư các thiết bị dạy và học cần thiết; xây dựng, hoàn thiện thư viện ở mỗi trường chính trị cấp tỉnh theo tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho học viên, nghiên cứu phát triển kiến thức, năng lực, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổ chức và hoạt động của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào số 075/BCT, Thủ đô Viêng Chăn, ngày 30-07-2019.

2. Đảng Nhân dân cách mạng Lào:Văn kiện lần thứ X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb Quốc gia, thủ đô Viêng Chăn, 2016, tr.61.

3. Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào: Quy định tiêu chuẩn trường phát triển có chất lượng, số 1124/NAPPA, Thủ đô Viêng Chăn,ngày 31-10-2016.

4. Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào: Báo cáo công tác đào tạo của các Trường chính trị và hành chính cấp tỉnh trên cả nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào năm học 2021-2022, Thủ đô Viêng Chăn, 2023, tr.6.

5. Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào: Bài tổng kết tổ chức chương trình giảng dạy của trường chính trị và hành chính cấp tỉnh năm 2022-2023 và phương hướng năm 2023-2024,Thủ đô Viêng Chăn, 2023, tr.5.

6. Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào: Bài tổng kết tổ chức chương trình giảng dạy của Trường chính trị và hành chính cấp tỉnh năm 2021-2022 và phương hướng năm 2022-2023,Thủ đô Viêng Chăn, 2022, tr.2-4.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường chính trị và hành chính cấp tỉnh tại Lào hiện nay
    POWERED BY