Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh

25/08/2023 11:11

(LLCT) - Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển và tiến bộ của mỗi địa phương và quốc gia dân tộc. Trong những năm qua, phát triển nguồn nhân lực luôn được coi là chương trình đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết làm rõ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và có sự thay đổi cơ cấu lao động theo ngành kinh tế phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Ảnh: tapchicongsan.org.vn

Thực tế phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới và quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế ở nước ta cho thấy vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Là bộ phận quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất, người lao động với thể chất khỏe mạnh và năng lực sáng tạo đang là nguồn vốn quan trọng nhất cần phải ưu tiên đầu tư và phát triển.

Trong nỗ lực của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu xây dựng Thành phố trở thành một thành phố khoa học công nghệ”, thì vấn đề đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực đang đặt ra rất bức thiết. Nhiều chương trình phát triển nhân lực, thu hút nhân tài cho các ngành công nghệ đã được triển khai; Thành phố chủ động nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn nhằm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp trọng yếu, theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thành phố. Nhờ vậy, Thành phố hiện đứng đầu cả nước về sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để đáp ứng cho các dự án phát triển khoa học và công nghệ của thời kỳ số hóa hiện nay thì chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là một thách thức lớn.  

1. Nguồn nhân lực và các yếu tố cấu thành nguồn nhân lực

1.1. Nguồn nhân lực

Có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn nhân lực do góc độ tiếp cận khác nhau của chủ thể nghiên cứu:

Theo cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc UNDP: Nguồn nhân lực là tổng thể những năng lực của con người được huy động vào quá trình sản xuất(1). Quan niệm này còn chung và chưa tập trung vào đối tượng là người lao động. Quan niệm của Ngân hàng thế giới cụ thể hơn, làm rõ nội hàm của nguồn nhân lực khi cho rằng: Nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân(2). Liên hợp quốc tiếp cận khái niệm này với tư cách là nguồn lực quốc gia khi cho rằng: “Nguồn nhân lực của một quốc gia là tất cả những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của con người có quan hệ đến sự phát triển của quốc gia đó”(3).

Bộ Luật lao động Việt Nam làm rõ độ tuổi lao động khi quy định: Nguồn nhân lực là một bộ phận của dân số, bao gồm những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động (nam từ đủ 15 tuổi đến hết 62 tuổi; nữ từ đủ 15 tuổi đến hết 60 tuổi). Nguồn nhân lực bao gồm lực lượng lao động và lao động dự trữ. Trong đó:

- Lực lượng lao động là người lao động đang làm việc và người trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm (người thất nghiệp).

- Lao động dự trữ bao gồm học sinh trong độ tuổi lao động, người trong độ tuổi lao động nhưng không có nhu cầu lao động(4).

Qua những quan niệm trên, nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là khả năng cung cấp sức lao động cho sản xuất xã hội, bao gồm toàn bộ dân cư đang và sẽ tham gia vào quá trình sản xuất. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội, tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, với tổng thể những phẩm chất về thể lực, trí lực, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp được huy động vào quá trình lao động.

Trong điều kiện nền kinh tế tri thức, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, là nguồn lực của mọi nguồn lực, được xem xét trên ba phương diện: số lượng, chất lượng và cơ cấu.

1.2. Các yếu tố cơ bản của nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực được cấu thành bởi 3 yếu tố cơ bản, gồm:

Số lượng nguồn nhân lực, là tổng số người lao động đang và sẽ tham gia vào quá trình sản xuất xã hội. Được xác định bởi nhu cầu nội tại của địa phương cho các ngành, lĩnh vực có yêu cầu lao động và những yếu tố bên ngoài là quy mô dân số, hay lực lượng lao động từ nơi khác đến (yếu tố di dân). Thường những địa phương có mức sống tốt, có tổng cầu lao động cao sẽ tạo sức hút lớn lao động từ các nơi khác đến tìm cơ hội việc làm.

Chất lượng nguồn nhân lực, là tổng tích hợp của nhiều yếu tố về thể lực, trí lực, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp của nguồn nhân lực. Trong đó, thể lực và trí lực là hai yếu tố cơ bản để đánh giá chất lượng lao động. Chất lượng nguồn nhân lực, phụ thuộc vào chất lượng dân số, chất lượng giáo dục, đào tạo và tỷ lệ lao động được đào tạo.

Cơ cấu nguồn nhân lực, thể hiện trên các phương diện khác nhau, bảo đảm tính hợp lý và mức độ phù hợp trong việc sắp xếp nhân lực theo yêu cầu của các hoạt động sản xuất xã hội. Bao gồm, mức độ phù hợp về độ tuổi, giới tính, trình độ, cấp bậc của nguồn nhân lực; sự cân đối lao động giữa các ngành nghề, giữa các vị trí trong từng ngành, nghề. Cơ cấu nhân lực hợp lý, bảo đảm vận hành nền sản xuất liên tục, thông suốt, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm cho phí đào tạo nhân lực cho xã hội.

2. Thực trạng nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh

Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế sâu rộng, thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp và do vậy, tạo sức hút đối với các luồng lao động nhập cư từ khắp nơi trong cả nước. Nguồn nhân lực Thành phố có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và có sự thay đổi cơ cấu lao động theo ngành kinh tế phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2.1. Những ưu thế về nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh

Về số lượng nguồn nhân lực

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô dân số lớn nhất cả nước, với 8.993.082 người (nữ chiếm tỷ lệ 51,3%), dân số từ 15 tuổi trở lên là 7.062.102 người. Trong đó,tổng số lao động là 4,7 triệu người, chiếm 8,62% lao động cả nước(5); lao động nhập cư chiếm gần 70% tổng số lao động. Từ nhiều năm qua, Thành phố có sức hút đầu tư và nhân lực cả trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp. Phần lớn trong số họ có tuổi đời trẻ, có trình độ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của Thành phố cũng là một lợi thế thu hút học sinh, sinh viên của cả nước đến học tập và ở lại làm việc, do đó nguồn cầu lao động luôn ở mức cao so với các địa phương khác. Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng tạo sức hấp dẫn lớn đối với dân cư và lao động.

Về chất lượng nguồn nhân lực

Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chính quyền Thành phố dành 26% ngân sách hàng năm cho phát triển mạng lưới giáo dục, tăng quy mô trường lớp,triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể các trường đại học, cao đẳng tại các khu Tây bắc, Đông bắc, khu Nam Thành phố; ưu tiên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đào tạo nghề kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực nội sinh để tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách để các trường huy động nguồn vốn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng hiện đại, đón đầu sự phát triển của xã hội, xu hướng hội nhập thế giới. Đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và xu thế phát triển của khu vực và thế giới; đổi mới quản lý giáo dục theo hướng thực hiện đúng pháp luật, quy chế, tạo động lực phát huy năng lực sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của từng trường, của đội ngũ giảng viên, sinh viên; phát huy đầu tư của xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo, dạy nghề v.v..

Nhờ vậy, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động tại Thành phố ngày càng được nâng cao, lao động qua đào tạo đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, lực lượng lao động kỹ thuật gia tăng về số lượng và chất lượng. Người lao động có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao. Trong 4,7 triệu lao động của Thành phố, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 85%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%).

Hiện tại, “Thành phố có 54 trường đại học, học viện với hơn 500 ngàn sinh viên đang theo học; 163 chương trình liên kết với nhiều quốc gia hàng đầu; hơn 5.000 sinh viên Việt Nam và 2.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình quốc tế; hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu và học tập; có gần 900 hoạt động ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế trong 3 năm gần đây”(6).

Bên cạnh đó, Thành phố đã có một số chương trình, đề án mang tính đột phá trong lĩnh vực giáo dục như: mô hình “Trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập quốc tế và khu vực”; “Chương trình đào tạo quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi”; “Chương trình đào tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân”... Các chương trình, đề án này đã cung cấp lực lượng cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn, đáp ứng đáng kể nhu cầu nhân lực cao trong quản lý hành chính, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ.

Về cơ cấu nguồn nhân lực

Cơ cấu kinh tế và cơ cấu nhân lực đang chuyển dịch theo hướng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố. Nhờ vậy, kinh tế Thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục và trở thành chủ lực đối với sự phát triển vùng và cả nước. Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 64,89%, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 33,08% và nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 2,03%. 

Bảng 1: Cơ cấu lao động đang làm việctheo khu vực kinh tế

Khu vực kinh tế

2017

2018

2019

Tổng số (%)

100

100

100

Nông - Lâm - Ngư nghiệp

2,19

2,11

2,03

Công nghiệp - Xây dựng

34,02

33,52

33,08

Thương mại - Dịch vụ

63,79

63,37

64,89

Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh(7)

Số liệu cho thấy, tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng đang có xu hướng giảm; lao động trong các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (64,89%); lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần qua các năm. Sự dịch chuyển tỷ trọng lao động là phù hợp với xu hướng chung, phần nào phù hợp với định hướng phát triển và phát huy thế mạnh của Thành phố.

Cơ cấu lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp cũng có sự thay đổi theo hướng giảm dần lao động làm việc trong khu vực nhà nước, tăng dần lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2019, số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp là 3.185.710 người. Trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,72%; lao động đang làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 72,14%; lao động đang làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23,14%(8).Xu hướng này là do môi trường đầu tư của thành phố được cải thiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp được quan tâm và thúc đẩy tạo sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực.

2.2. Hạn chế của nguồn nhân lực

Thứ nhất, thiếu trầm trọng nhân lực lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhất là trong các ngành công nghiệp mới, công nghiệp mũi nhọn như cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử, cơ điện tử… Các ngành dịch vụ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Kết quả phân tích nhu cầu nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 cho thấy, doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao 83,99% (tăng 7,82% so với năm 2018)(9), tập trung ở một số ngành: cơ khí; điện lạnh - điện công nghiệp; điện tử - công nghệ thông tin; kế toán; hành chính văn phòng; quản lý điều hành; tài chính - ngân hàng; kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng; vận tải; công nghệ thực phẩm. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 22,25%, cao đẳng chiếm 21,27%, trung cấp chiếm 28,31%, sơ cấp nghề chiếm 13,26%.

Biểu 01: Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật năm 2021

 Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh(10)

Biểu đồ cho thấy nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo của các doanh nghiệp ngày càng tăng, nhiều nhu cầu về vị trí việc làm của những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, đến nay nguồn cung nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về chất lượng nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng phải tiến hành đào tạo lại.

Thứ hai, hệ thống giáo dục đào tạo chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường lao động đã có nhiều thay đổi. Dù có sự đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo, nhưng sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang biến động và có sự phân khúc lớn giữa các ngành nghề. Giáo dục và đào tạo chưa bắt kịp sự phát triển cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành đặc thù, nhất là các ngành công nghệ mới trong bối cảnh chuyển đổi và số hóa nền kinh tế. Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm việc trái nghề còn phổ biến; trình độ, kỹ năng nghề thấp và không đồng đều dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các ngành nghề, các lĩnh vực kinh tế. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn chiếm tỷ lệ nhỏ; chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của các danh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi. Những hạn chế này khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Thứ ba, tồn tại bất hợp lý trong phân bổ lao động, cơ cấu lao động theo ngành nghề, lĩnh vực chưa thật phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghệ mới. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vị trí công việc trong từng ngành nghề, giữa các ngành nghề dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu; cùng những biến động của việc làm và thị trường lao động dưới tác động của đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, tư duy về nhân lực cần có nhận thức và thay đổi theo kịp với nhu cầu thực tế. Nhiều việc làm với kỹ năng cũ sẽ giảm nhanh và mất đi; nhiều việc làm mới cùng kỹ năng mới xuất hiện. Do vậy, nếu không có bước chuyển phù hợp về đào tạo nhân lực, Thành phố sẽ mất dần lợi thế thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, cũng như phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. 

Thị trường lao động đang trong tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động theo ngành nghề. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2019 là: kinh doanh - thương mại (23,31%), cơ khí - tự động hóa (6,62%), kế toán - tài chính (7,17%), kinh doanh tài sản - bất động sản (5,47%), công nghệ thông tin (5,03%), dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng (4,82%), vận tải và dệt may, giày da (4,14%)(11)… Trong khi, nguồn cung lao động không đủ để đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề nói trên. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc làm của người lao động lại tập trung ở một số ngành khác như hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; nhân sự; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ(12)... Việc không khớp nối số người được đào tạo liên tục tăng hàng năm với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp về lao động qua đào tạo, nhất là lao động trình độ cao dẫn đến hiện tượng thừa lao động có trình độ đại học, cao đẳng nhưng thiếu lao động có trình độ nghề.

3. Giải pháp cơ bản góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh

Một là, đẩy mạnh thực hiện Đề án đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế giai đoạn 2020 - 2035, kết hợp mô hình “đại học chia sẻ”

Đề án đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, theo đó, tập trung đầu tư đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế ở 8 ngành trọng điểm là: công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị. Đề án hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang hội nhập vào thị trường thế giới. Đó là nhận thức phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, do vậy cần có sự tham gia và kiên trì thực hiện của các cấp, các ngành, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Thành phố cần làm tốt những việc sau:

- Rà soát, lên danh sách các trường đại học tham gia đào tạo nhân lực, nâng chất cơ sở vật chất cho các trường đại học theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn hóatheo từng cấp, từng ngành nghề cần đào tạo; thực hiện liên thông trong đào tạo, xây dựng cơ chế liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nhân lực.

- Xây dựng khung pháp lý cho công tác đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, liên kết với các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đào tạo tại chỗ cho người lao động. Mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo nghề, bảo đảm đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

- Đầu tư có trọng điểm một số trường nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Đẩy mạnh liên kết giữa hệ thống các trường nghề với các trường phổ thông trong phân luồng học sinh, hướng nghiệp, mở rộng nguồn cho các trường nghề bằng việc bỏ thi đầu vào trừ một số trường trọng điểm.

- Có chính sách đầu tư tốt hơn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, khuyến khích đội ngũ cán bộ giảng dạy nâng cao trình độ lý thuyết và tay nghề; có chính sách đãi ngộ vật chất xứng đáng đối với giáo viên có trình độ cao.

- Tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học và có chính sách miễn giảm học phí cho các sinh viên giỏi thuộc các ngành học kỹ thuật, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, những ngành nghề mới có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho cácngành công nghiệp và dịch vụ trọng yếu. Tăng tỷ lệ công nhân, kỹ sư trẻ tham gia chương trình đào tạo sau đại học của Thành phố.

Hai là, phát triển và cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo hướng tới nền giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề tương đồng với khu vực và thế giới

Hệ thống các trường đại học cần được tổ chức lại theo hướng tự chủ, nhằm phát huy nội lực của từng bộ phận trong bộ máy tổ chức, đội ngũ giảng viên, tạo nên thương hiệu riêng từ chất lượng chuyên môn, năng lực quản lý, quản trị đào tạo và uy tín học thuật của cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở giáo dục đại học phải vươn lên cạnh tranh lành mạnh, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, con người và nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng cơ chế thu hút giảng viên giỏi, sinh viên giỏi, để có những sản phẩm đào tạo thực chất, phù hợp với yêu cầu của xã hội và phát triển bền vững.

Tăng cường các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư. Xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp với xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0. Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường, đào tạo lý thuyết gắn với thực hành và chú trọng trang bị kỹ năng cho sinh viên theo chuẩn nhân lực quốc tế mà trọng tâm là kỹ năng tự quản lý và giải quyết vấn đề thông qua nền tảng công nghệ.Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải toàn diện trên tất cả các khâu đào tạo.

Rà soát và đồng bộ hóa các khâu trong quá trình đào tạo, từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh đến quản lý hoạt động đào tạo, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo và kiểm định chất lượng để có những sản phẩm đào tạo có giá trị và phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Ba là, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt phục vụ cho các chương trình, kế hoạch, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang ráo riết thực hiện chiến lược săn đón, chào mời đối tượng là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học uy tín và tài năng, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn. Họ là công dân toàn cầu, tính cơ động nghề nghiệp cao và có nhiều cơ hội lựa chọn nơi làm việc. Đây là cuộc cạnh tranh nhân lực trên quy mô toàn cầu và cần những giải pháp mang tính đột phá. Do đó, Thành phố cần:

Đột phá về chính sách tiền lương và đãi ngộ. Không thể áp dụng chế độ tiền lương của cán bộ, công chức bình thường để áp dụng với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt. Cũng không nên cố định mức lương cụ thể cho mọi đối tượng mà nên thông qua thỏa thuận, cùng những cam kết ưu đãi cho gia đình họ để giữ chân người tài. Ngoài ra là chế độ nhà ở, phương tiện đi lại, điều kiện làm việc, hỗ trợ tư pháp và các quyền công dân khác, v.v..

Đột phá về đối tượng thu hút, không chỉ dừng lại ở các ứng viên là người quốc tịch Việt Nam, Việt kiều mà cần mở rộng đối tượng là người nước ngoài vì Việt Nam chưa có chuyên gia trong nhiều ngành khoa học mới.

Linh hoạt về hình thức trọng dụng người tài, tùy từng đối tượng để áp dụng hình thức hợp tác cụ thể. Thời gian làm việc linh hoạt, không nhất thiết phải làm việc lâu dài, liên tục hoặc tùy theo chương trình, dự án. Điều này phù hợp với tính cơ động việc làm của dòng nhân lực cao cấp, theo phương châm đúng lúc, đúng người, đúng việc, đúng chỗ và việc quản lý nhân sự cũng không thể áp dụng như đối với công chức, viên chức theo giờ hành chính.

Bốn là, làm tốt công tác dự báo cung-cầu lao động và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động

Làm tốt công tác dự báo cung - cầu lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng để kết nối người lao động, người có nhu cầu sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực. Điều này, bảo đảm toàn dụng lao động ở mức tối ưu, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của các bên tham gia thị trường lao động. Để làm được điều đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, lao động, việc làm và xu hướng phát triển của thị trường lao động, nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, v.v...

Thành phố cần tổ chức điều tra khảo sát nhân lực hiện đang làm việc và nhu cầu nhân lực trong các năm tới của các ngành kinh tế, có định hướng trong phân bổ nhân lực hợp lý về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Cần nhanh chóng hoàn thiện để đưa vào vận hành hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực; kết nối với các trung tâm dự báo và thông tin về cung, cầu nguồn nhân lực của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

Đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, khách quan và minh bạch, tiến hành cung cấp kịp thời cho người lao động cũng như học sinh, sinh viên thông tin về đào tạo nhân lực, việc làm và chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của Thành phố… Đồng thời, công tác dự báo thông tin cũng phải chính xác, khoa học, định hướng tốt để giúp các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề có định hướng và đổi mới chương trình đào tạo.

Năm là, mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nhân lực

Hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao là hướng giải pháp cần thiết để nhanh chóng có đội ngũ nhân lực cho các ngành công nghệ lõi của nền kinh tế số mà Việt Nam chưa đào tạo được. Đồng thời, tạo hướng cho các cơ sở đào tạo trong nước có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục hiện đại trong khu vực và thế giới. Từ đó, tranh thủ cơ hội để thu hút đầu tư quốc tế về giáo dục, tìm kiếm các nguồn tài trợ để hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành đạt chuẩn quốc tế, phục vụ cho các mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao của Thành phố. Đồng thời, mở ra cơ hội cho người học được tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế với chi phí vừa phải nhưng cơ hội việc làm rộng mở hơn.

_________________

Ngày nhận bài: 02-8-2023; Ngày bình duyệt: 14-8-2023; Ngày duyệt đăng: 25-8-2023.

(1), (3) Đoàn Văn Khái: Nguồn nhân lực con người trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam”, Nxb Lý luận chính trị. Hà Nội, 2005.

(2) GS.TSKH Lê Du Phong (chủ biên): Nguồn lực và động lực phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị. Hà Nội, 2006, tr.14.

(4) Học viện Hành chính quốc gia: Giáo trình quản lý nguồn nhân lực, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

(5), (6) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Tổng hợp, thành phố Hồ Chí Minh, tr.99, 242.

(7), (8), (11) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo thị trường lao động năm 2019 - Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2020.

(9), (10), (12) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo thị trường lao động năm 2021 - Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2022.

TS NGUYỄN THỊ HỒNG HOA

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh
    POWERED BY