(LLCT) - Thực hiện quyết định của Ban Bí thư, từ năm 2024, một số học viện, trường đại học Công an nhân dân bắt đầu triển khai nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Bài viết trình bày quá trình tiếp nhận, tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại các cơ sở giáo dục đại học Công an nhân dân, từ đó đưa ra một số khuyến nghị.
TS ĐỖ HOÀNG TUẤN
Trường Đại học An ninh nhân dân
1. Mở đầu
Các học viện, trường đại học Công an nhân dân (CAND) là những cơ sở đào tạo đại học của hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời là các đơn vị dự bị chiến đấu trực thuộc Bộ Công an. Đào tạo trình độ đại học trong các cơ sở giáo dục đại học CAND rất đa dạng, song đều bảo đảm khối kiến thức đại cương như nhau, trong đó bộ phận tri thức lý luận chính trị và khoa học xã hội nhân văn rất được chú trọng.
Việc được giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị là trọng trách, vinh dự to lớn của các cơ sở giáo dục đại học Công an nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Nội dung
2.1. Quá trình tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị của các cơ sở giáo dục đại học Công an nhân dân
Trước năm 2009, theo Quy định số 12-QĐ/TC-TT-VHTW, ngày 09-01-2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về việc xác định trình độ lý luận chính trị, “những người đã tốt nghiệp hệ dài hạn trường đào tạo sĩ quan..., công an” sẽ “được công nhận có trình độ trung cấp lý luận chính trị” (1).
Ngày 16-9-2009, Ban Bí thư ban hành Quy định số 256-QĐ/TW về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Theo quy định này, việc xác định trình độ lý luận chính trị phải lấy chương trình của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh làm chuẩn để đối chiếu với nội dung, chương trình đã được học ở bậc đại học của cán bộ, đảng viên.
Căn cứ Hướng dẫn số 03/HD-HVCT-HCQG ngày 15-3-2011 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn chương trình để xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256/QĐ-TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chương trình cán bộ, đảng viên đã học sẽ được tính là tương đương khi “có ít nhất 80% số tiết lên lớp và 3/4 số môn học của chương trình trung cấp lý luận chính trị”. Thực tiễn triển khai cho thấy, việc thực hiện công nhận tương đương gặp nhiều vướng mắc. Rất ít cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nói chung, lực lượng CAND nói riêng đủ điều kiện để được công nhận, cấp giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Năm 2017, trên cơ sở đề xuất của Quân ủy và Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Bí thư đã có Kết luận số 25-KL/TW ngày 28-12-2017 về việc giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 09-7-2018 về việc tiến hành thí điểm đào tạo cao cấp lý luận chính trị 03 năm (2018 - 2020)(2) tại 3 học viện CAND. Đây là bước tiến lớn của lực lượng vũ trang trong việc tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị, là tiền đề để Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục xem xét giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho các cơ sở giáo dục đại học CAND.
Sau hơn 10 năm thực hiện Quy định số 256-QĐ/TW, Ban Bí thư đã tiến hành tổng kết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận số 09-KL/TW ngày 09-7-2021 về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên, Kết luận nêu rõ “...Quy định số 256 chỉ phù hợp với thời điểm mới ban hành, có giá trị tháo gỡ tình trạng nợ bằng cấp, thiếu tiêu chuẩn lý luận chính trị trong thực hiện công tác cán bộ. Đến nay, những nội dung đó không còn phù hợp...” và quyết định “dừng việc xác định trình độ lý luận chính trị theo Quy định số 256”(3).
Ngày 08-02-2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 57-QĐ/TW về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị; tại khoản 2, Điều 7 về “Phân cấp nhiệm vụ đào tạo” quy định: “Một số học viện, trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lực lượng vũ trang”(4). Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc các cơ sở giáo dục đại học CAND tiếp nhận nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị.
Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã nghiêm túc quán triệt, xác định “triển khai thực hiện Quy định số 57 là bước đột phá quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, thuận lợi trong công tác xây dựng lực lượng của ngành Công an nhằm chuẩn hóa, nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiện toàn chức vụ, chức danh, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy” (5), đồng thời triển khai đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học CAND, lựa chọn một số học viện, trường đại học CAND để báo cáo Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giao quyền đào tạo và cấp bằng trung cấp lý luận chính trị.
Trong năm 2022, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trực tiếp cử đoàn khảo sát, thẩm định tại các cơ sở giáo dục đại học CAND trong toàn quốc, về cơ bản đánh giá cao điều kiện, năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của các học viện, trường CAND. Ngày 04-7-2023, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Công văn số 5272-CV/BTCTW về lựa chọn cơ sở đào tạo trung cấp lý luận chính trị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Theo đó, có 7 học viện, trường CAND được giao đào tạo trung cấp lý luận chính trị, gồm: Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị CAND, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Đây là thời điểm các cơ sở giáo dục đại học CAND chính thức có thẩm quyền đào tạo trung cấp lý luận chính trị và bắt đầu khởi động tiến trình, nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Đảng.
2.2. Quá trình triển khai tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại các cơ sở giáo dục đại học Công an nhân dân
Xác định rõ việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị là trọng trách to lớn, ngày 05-9-2023, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 451/KH-BCA-X02 về triển khai đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định đào tạo trung cấp lý luận chính trị là nhằm góp phần trực tiếp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, với mục tiêu: “đến năm 2030 có trên 70% cán bộ có trình độ đại học công an và trung cấp lý luận chính trị trở lên”, xây dựng lực lượng CAND “mang bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; mang tính nhân dân và dân tộc sâu sắc”(6).
Đại tướng, GS,TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là quan điểm, chủ trương chiến lược, mục tiêu nhất quán, phương châm, phương hướng của Đảng”, trong đó, “xây dựng CAND cách mạng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Tính cách mạng là thể hiện cao nhất sự giác ngộ chính trị của CAND và là nền tảng để tạo ra tính chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(7). Quán triệt sâu sắc quan điểm nêu trên, Bộ Công an, các học viện, trường đại học CAND nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị và xác định rõ mục đích đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên CAND trước hết nhằm “bảo đảm cho CAND luôn là lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của Đảng; luôn được xây dựng vững mạnh theo những nguyên tắc tổ chức phù hợp với hệ tư tưởng và đường lối, chính sách của Đảng; luôn quán triệt và hiểu rõ nhiệm vụ chính trị của mình, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó”(8).
Căn cứ Quy định số 57-QĐ/TW, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND(9), đồng thời đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục hướng dẫn bổ sung đối tượng đào tạo trung cấp, cao cấp lý luận chính trị trong CAND(10). Việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND được tiến hành thống nhất, quyết tâm cao từ Bộ Công an, các cơ sở giáo dục đại học CAND được giao quyền đào tạo, đến công an các đơn vị, địa phương.
Ngày 05-12-2023, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an tiến hành rà soát trong toàn lực lượng, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương đăng ký nhu cầu đào tạo trung cấp lý luận chính trị, nêu rõ chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an: “ưu tiên cử đi đào tạo trước đối với nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030, cán bộ có nhiều năm công tác, cần đào tạo để nâng cao trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu công tác, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, chức vụ quy hoạch”(11).
Ngày 04-04-2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quyết định giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị cho các cơ sở giáo dục đại học CAND được Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn giao quyền; Quyết định số 1903/QĐ-BCA phân bổ chỉ tiêu đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND năm 2024, xác định chủ trương: “các học viện, trường CAND chủ động phối hợp X02, Công an các địa phương tổ chức đào tạo ngay đối với cán bộ dự kiến nhân sự tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2025 - 2030 (mở lớp hệ tập trung trong tháng 4-2024, kết thúc trong tháng 10-2024)”(12).
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các cơ sở giáo dục đại học CAND đã khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định dưới sự hướng dẫn của các cục nghiệp vụ liên quan và sự hỗ trợ tích cực từ công an các đơn vị, địa phương. Tháng 5-2024, các cơ sở giáo dục đại học CAND đã hoàn thành việc ban hành quy chế đào tạo trung cấp lý luận chính trị và khai giảng các lớp đầu tiên.
Trong năm 2024, ước tính có 177 lớp trung cấp lý luận chính trị (108 lớp hệ tập trung, 69 lớp hệ không tập trung) được mở tại 7 cơ sở giáo dục đại học CAND. Về phân bổ, Học viện Chính trị CAND có số lượng lớp và học viên trung cấp lý luận chính trị lớn nhất (54 lớp, 2.777 học viên) và được phân vùng tuyển sinh rộng nhất. Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy và Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND được phân bổ mỗi trường 10 lớp, từ 366 đến 442 học viên trong năm 2024. Các cơ sở giáo dục đại học khối an ninh và cảnh sát (Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân) được phân bổ đồng đều từ 24 đến 27 lớp/trường, số chỉ tiêu dao động từ 1.100 đến 1.400 học viên, đồng thời được phân bổ địa bàn đào tạo tương thích với phân vùng tuyển sinh CAND hằng năm.
Sau khi triệu tập học viên nhập học, các cơ sở giáo dục đại học CAND đã khai giảng, mở lớp và tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị theo Hướng dẫn số 2967-HD/HVCTQG, ngày 04-3-2024 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực hiện chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị) đối với các học viện, nhà trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Hướng dẫn số 09/HD-BCA-X02, ngày 08-4-2024 của Bộ Công an về đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND.
Đến tháng 11-2024, những lớp trung cấp lý luận chính trị đầu tiên của các học viện, trường CAND đã lần lượt bế giảng, trong số học viên tốt nghiệp khóa đầu có trên 95% là trưởng công an cấp xã, nhiều đồng chí đã, đang hoặc được cơ cấu tham gia ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy cấp xã. Qua đó, bước đầu khẳng định sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục đại học CAND trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Thực tiễn triển khai đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại các cơ sở giáo dục đại học CAND đặt ra một số vấn đề như sau:
Một là, về hình thức đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học CAND thực hiện đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung theo đúng quy định của Trung ương và quy chế, chương trình, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về hình thức học tập, ăn, ở, sinh hoạt của học viên thì bản chất đều là đào tạo tập trung, chỉ khác về thời điểm triệu tập và thời gian đào tạo. Sở dĩ có sự khác biệt này (so với các trường chính trị) là do các học viện, trường đại học CAND không đào tạo tại địa phương mà chỉ đào tạo tại trụ sở chính và các cơ sở chính thức của trường.
Hai là, về chương trình và giáo trình, theo hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục đại học CAND không có chương trình đào tạo riêng mà trực tiếp áp dụng Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) ban hành kèm theo Quyết định số 292/QĐ-HVCTQG, ngày 21-01-2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Riêng phần (E) khối kiến thức “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển ngành và kiến thức bổ trợ” thì thực hiện theo chương trình khung của Bộ Công an.
Ba là, về quy chế “đồng chủ nhiệm” trong quản lý học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị. Xuất phát từ đặc thù đào tạo tập trung theo đội ngũ, điều lệnh của lực lượng CAND, các học viện, trường CAND có tổ chức trực thuộc là phòng quản lý học viên và chế độ chủ nhiệm lớp (cán bộ quản lý lớp) để quản lý về kỷ luật, rèn luyện, quân số lực lượng vũ trang. Đối với các lớp hệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại các học viện, trường CAND, kể cả tập trung và không tập trung, ngoài hình thức tổ chức “lớp học”, tập thể học viên của lớp còn được phiên chế thành cấp “trung đội”, được ban giám đốc/hiệu trưởng ban hành quyết định thành lập, bổ nhiệm các chức vụ chính thức theo Luật CAND. Do đó, tương ứng với chế độ “chủ nhiệm” do phòng quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao phụ trách, các trường còn có chế độ “đồng chủ nhiệm” do phòng quản lý học viên đảm nhiệm. Đây là kết quả của việc vận dụng quy chế đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào môi trường lực lượng vũ trang. Bên cạnh thuận lợi, tồn tại một số vướng mắc nhất định trong triển khai chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp giữa chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm.
Bốn là, về bố trí giảng viên giảng dạy và thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên. Theo Hướng dẫn số 09/HD-BCA-X02, ngày 08-4-2024 của Bộ Công an về đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND, tiêu chuẩn giảng viên tham gia giảng dạy trung cấp lý luận chính trị tại các cơ sở giáo dục đại học CAND “thực hiện theo quy định tại Quy chế giảng viên của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo Quyết định số 6468 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”.
Theo đó, Quy chế đào tạo trung cấp lý luận chính trị của các cơ sở giáo dục đại học CAND xác định giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có các chức danh giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (tương tự các trường chính trị). Điều này dẫn đến nhiều vướng mắc: (1) Hệ thống chức danh này chỉ phù hợp đối với đối tượng là viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, không phù hợp với chức danh nhà giáo CAND theo Thông tư số 17/2023/TT-BCA, ngày 15-5-2023 của Bộ trưởng Bộ Công an; (2) Việc quy đổi giờ chuẩn gặp trở ngại do chưa có văn bản hướng dẫn; hiện nay Thông tư số 57/2010/TT-BCA, ngày 14-12-2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ làm việc của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp CAND xác định định mức giờ nghĩa vụ đối với giảng viên đại học gắn với chức danh trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, không có cơ sở để tính giờ chuẩn đối với giờ lên lớp trung cấp lý luận chính trị; (3) Việc xác định “vị trí việc làm”, chế độ chính sách đối với giảng viên cơ hữu giảng dạy lý luận chính trị tại các học viện, trường CAND.
2.3. Một số khuyến nghị trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại các cơ sở giáo dục đại học Công an nhân dân hiện nay
Một là, về hình thức đào tạo không tập trung. Thực trạng hiện nay cho thấy, việc triệu tập cả học viên hệ tập trung và không tập trung đến học toàn thời gian (ít nhất 2 tháng/đợt đối với không tập trung và 6 tháng đối với hệ tập trung) tại các cơ sở đào tạo đã tạo ra một số khó khăn nhất định cho công an các đơn vị, địa phương trong việc bảo đảm nguồn lực trực tiếp chiến đấu, nhất là ở những nơi khó khăn về biên chế, công an các khu vực biên giới, trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự... Đồng thời, tạo áp lực đối với các cơ sở giáo dục đại học CAND khi phải bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt “tập trung” cho một lượng lớn học viên hệ không tập trung.
Do vậy, các cấp có thẩm quyền nên xem xét cho phép, hướng dẫn các học viện, trường CAND phối hợp với trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở lớp không tập trung tại từng địa phương. Các lớp theo hình thức phối hợp này có thể phát huy ưu điểm về quản lý của lực lượng vũ trang, đồng thời tận dụng được cơ sở vật chất, sự giúp đỡ, thỉnh giảng chuyên môn từ trường chính trị, tạo môi trường, diễn đàn khoa học để đội ngũ giảng viên lý luận chính trị CAND và các trường chính trị học hỏi lẫn nhau.
Hai là, về chương trình và tài liệu dạy học. Để bảo đảm việc triển khai thống nhất, chặt chẽ trong các cơ sở giáo dục đại học CAND, giám đốc/hiệu trưởng các trường CAND nên chỉ đạo ban hành đề cương chi tiết học phần cho từng học phần/chuyên đề thuộc Chương trình 292 để cụ thể hóa các nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, thi để đánh giá học phần và cần được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thẩm định, cho ý kiến trước khi ban hành, áp dụng.
Về tài liệu dạy học, ngoài bộ giáo trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn là tài liệu bắt buộc, các học viện, trường CAND có thể biên soạn thêm hệ thống tài liệu tham khảo, góp phần làm rõ thêm một số nội dung lý luận, gắn với nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý của đảng viên CAND ở cơ sở.
Ba là, về phương thức quản lý học viên. Để bảo đảm vai trò quản lý của chủ nhiệm lớp, các học viện, trường CAND nên xem xét xác định mỗi lớp chỉ có 01 chủ nhiệm lớp, không nên áp dụng chế độ “đồng chủ nhiệm”. Việc giao cán bộ phòng quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao đảm nhiệm, hay phòng quản lý học viên đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm lớp nên được cân nhắc dựa trên đặc thù đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị, phương thức quản lý cán bộ của lực lượng vũ trang, tiếp thu kinh nghiệm quản lý của một số trường chính trị chuẩn và thực tiễn từng học viện/trường CAND cụ thể.
Bốn là, về đào tạo, sử dụng và chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên cơ hữu trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị trong CAND
Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại các cơ sở giáo dục đại học CAND về cơ bản đáp ứng được Quy chế giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nhiều đồng chí tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, do không thuộc hệ thống trường chính trị của Đảng, giảng viên lý luận chính trị CAND ít có cơ hội trong tiếp cận các khóa đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Do vậy, Bộ Công an nên có chính sách tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, ưu tiên cử giảng viên lý luận chính trị CAND đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, sau đại học và các khóa bồi dưỡng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND.
Về vấn đề sử dụng, xác định vị trí việc làm của đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy lý luận chính trị trong CAND: Nên phân định rõ giảng viên lý luận chính trị CAND có 2 vị trí việc làm độc lập: (1) Giảng dạy lý luận chính trị trong chương trình đào tạo đại học, sau đại học của hệ thống giáo dục quốc dân; (2) Giảng dạy lý luận chính trị trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị của Đảng.
Trên cơ sở đó, giám đốc/hiệu trưởng các trường CAND cần xem xét bổ nhiệm chức danh tương ứng với 2 vị trí việc làm này, ví dụ 1 giảng viên lý luận chính trị vừa có thể đảm nhiệm chức danh giảng viên đại học (theo Thông tư 17), đồng thời là giảng viên chính trung cấp lý luận chính trị (theo Quy chế 6468)...
Các quy định, quy chế về chế độ làm việc của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị CAND cần được điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn vị trí việc làm, tránh khuynh hướng “cào bằng” trong chính sách, khi hiện nay giảng viên lý luận chính trị CAND không được hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ đặc thù nào so với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trường chính trị.
Đào tạo trung cấp lý luận chính trị là vinh dự và trọng trách to lớn của các học viện, trường CAND. Tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang và năng lực đã trải qua thử thách của các cơ sở giáo dục đại học CAND, các trường CAND sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao, góp phần hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
_________________
Ngày nhận bài: 11-12-2024; Ngày bình duyệt: 15-01-2025; Ngày duyệt đăng: 7-02-2025.
Email tác giả: dohoangtuant47@gmail.com
(1) Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Quy định số 12-QĐ/TC-TT-VHTW, ngày 09-01-2004 “về việc xác định trình độ lý luận chính trị”.
(2) Ban Tổ chức Trung ương: Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 09-7-2018 “thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, ngày 28-12-2017 về việc giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an”.
(3) Ban Bí thư: Kết luận số 09-KL/TW, ngày 09-7-2021 “về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên”.
(4) Ban Bí thư: Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08-02-2022 “về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”.
(5) Cục Đào tạo, Bộ Công an: Công văn số 893/X02-P2, ngày 12-04-2022 “hướng dẫn thực hiện Quy định số 57-QĐ/TW của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị”.
(6) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022 về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
(7), (8) Tô Lâm: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.73-74.
(9) Đảng ủy Công an Trung ương: Công văn số 2188-CV/ĐUCA, ngày 24-11-2023 “hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND”.
(10) Đảng ủy Công an Trung ương: Công văn số 4286-CV/ĐUCA, ngày 24-11-2023 “hướng dẫn bổ sung về đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND”, Hà Nội, 2023.
(11) Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an: Công văn số 19627/X01-P2, ngày 05-12-2023 về việc “rà soát, đăng ký nhu cầu đào tạo trung cấp lý luận chính trị”.
(12) Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an: Công văn số 4499/X01-P2, ngày 04-4-2024 về việc “thông báo phân bổ chỉ tiêu và triển khai đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong CAND năm 2024”.