(LLCT) - Trong những năm qua, thực hiện mục tiêu: Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã có những bước chuyển quan trọng, trong đó có ngành nông nghiệp với chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái. Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đã sớm nắm bắt chủ trương của Đảng và có những giải pháp phù hợp để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái.
ThS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
Học viện Hành chính và Quản trị công
1. Mở đầu
Phát triển nền nông nghiệp sinh thái là xu hướng tất yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nông nghiệp sinh thái là một xu hướng phát triển chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, trên cơ sở áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp; sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe con người, đồng thời nâng cao giá trị nông sản nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Để phát triển nông nghiệp sinh thái, nguồn lực khoa học - công nghệ đóng vai trò rất quan trọng và đã được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam phát huy tốt vai trò này.
2. Nội dung
2.1. Vai trò của khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã đề ra một số định hướng mới cho phát triển cho nông nghiệp Việt Nam, đó là phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn hiện đại và nông dân văn minh: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(1). Nội hàm về phát triển nông nghiệp sinh thái cũng được Đảng ta chỉ rõ, đó là “nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng công nghệ cao” gắn với “phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”; “thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” và “bảo vệ môi trường sinh thái”(2).
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (tháng 5-2022), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp, dịch vụ với ngành nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa.
Từ phương diện nguồn lực khoa học - công nghệ, nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp phát triển dựa trên việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của con người; có sự tích hợp giữa giá trị kinh tế (tăng trưởng, lợi nhuận) và giá trị xã hội (kết nối, trách nhiệm xã hội, tính minh bạch). Theo quan niệm này, nông nghiệp sinh thái là một nền nông nghiệp tối ưu hóa quan hệ tương tác giữa con người với giới tự nhiên và môi trường; đồng thời chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.
Chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc bảo đảm an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu. Như vậy, “nông nghiệp sinh thái cũng chính là nông nghiệp bền vững, là nền nông nghiệp sinh thái tràn đầy năng lượng: năng suất cao, sản lượng lớn, hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường”(3).
Vì bản chất của nông nghiệp sinh thái là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để hiện đại hóa quá trình sản xuất, tối ưu hóa những đối tượng nguồn lực sẵn có từ tự nhiên, đồng thời tạo ra những đối tượng lao động mới, thân thiện với môi trường sinh thái và bảo đảm cho sức khỏe con người cũng như phát triển bền vững. Do vậy, khoa học - công nghệ là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển nông nghiệp sinh thái.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong ngành nông nghiệp, như: chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; có khả năng kháng bệnh và chống chịu các điều kiện ngoại cảnh bất lợi; xây dựng quy trình canh tác, gói kỹ thuật theo chuỗi sản xuất các sản phẩm chủ lực nông nghiệp. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Trong giai đoạn 2016 - 2021, đã công nhận 529 giống mới, 273 tiến bộ kỹ thuật, 185 sáng chế; ban hành 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 440 quy trình kỹ thuật. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, góp phần to lớn trong phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại”(4).
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một trong những quốc gia có chỉ số kỹ năng kỹ thuật số ở mức thấp. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2022, “kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,8/7, xếp hạng 97/141 quốc gia và vũng lãnh thổ”(5). Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển giao, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp còn chậm, nhất là khâu nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trước những hạn chế đó, Đảng và Nhà nước ta xác định để phát triển nông nghiệp sinh thái hiện đại, phải phát huy hơn nữa vai trò của nguồn lực khoa học - công nghệ.
Nghị quyết số 19-NQ/TW đã chỉ rõ để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nghị quyết đã đưa ra một số định hướng quan trọng về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là những định hướng quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời phát huy tốt hơn nữa vai trò của khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Thực trạng ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc có tổng diện tích tự nhiên hơn 120.000 ha, chiếm khoảng 5,8% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 74,1% với 91.625 ha. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp sinh thái, đáp ứng nhu cầu lớn về nông sản sạch của Hà Nội. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao và chưa bảo đảm an toàn do tồn dư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, chưa hình thành được nhiều mô hình quy mô lớn, hiện đại theo hướng bền vững. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất theo quy mô lớn. Sự liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ và công nghiệp chế biến vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Những thách thức này đòi hỏi tỉnh Vĩnh Phúc phải có chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại. Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, trong khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Thực tế từ các mô hình thử nghiệm ban đầu cho thấy, việc mở rộng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao là một bước đi cần thiết. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã đạt được kết quả như sau:
Một là, ứng dụng khoa học - công nghệ trong cải tiến kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, cải tiến nông cụ theo hướng hiện đại.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để khảo nghiệm, chọn lọc các dòng thuần kết hợp với kỹ thuật canh tác, nhằm tạo ra giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt và thích nghi với điều kiện đất đai, sinh thái của địa phương, dần thay thế các giống truyền thống kém hiệu quả. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung cải tạo và phát triển giống vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cũng như xây dựng mô hình liên kết bốn nhà, phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản hàng hóa. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nông dân áp dụng vào sản xuất như: “Ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho cây trồng theo công nghệ Israel; chăn nuôi lợn, gà áp dụng công nghệ nuôi chuồng kín; ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ nhân giống từ nhân tách tế bào mô,... Nhờ đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, “năm 2023, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng tăng 5,3% so với năm 2022, đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước. Trong đó năng suất lúa tăng 11,7%; ngô tăng 3,7%, rau các loại tăng 16%”(6).
Lĩnh vực chăn nuôi nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi. “Trong năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 2,8%/năm, trứng gia cầm tăng 9,5%/năm, sản lượng sữa bò tươi tăng 8,3%/năm. Năm 2023 toàn tỉnh có trên 90% hộ chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số; gần 13% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử”(7);...
Để mở ra cơ hội mới cho phát triển nông nghiệp sinh thái, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đào tạo kỹ năng, thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân; trước mắt là xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp tăng năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số. Qua đó, hình thành những nông dân chuyên nghiệp, trực tiếp sản xuất, làm chủ công nghệ trên cánh đồng.
Trong thời gian qua, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao tại Vĩnh Phúc đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực và dần trở thành xu hướng phổ biến trong các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây đã được thay thế bằng những cánh đồng mẫu lớn công nghệ cao. Nông dân cũng từng bước áp dụng các thành tựu công nghệ hiện đại, thay đổi phương thức canh tác, vận hành sản xuất từ xa nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và tăng thu nhập.
Hai là, ứng dụng khoa học - công nghệ trong chế biến, tiêu thụ nông sản.
Những năm gần đây, công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp sinh thái tập trung vào các nhiệm vụ như khảo nghiệm, lựa chọn các dòng thuần kết hợp với kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra các giống cây có chất lượng, năng suất cao, có khả năng thích ứng với điều kiện đất đai, sinh thái trên địa bàn tỉnh nhằm thay thế các giống truyền thống năng suất, chất lượng thấp; cải tạo và phát triển giống vật nuôi, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các mô hình sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... Cụ thể:
Đối với sản xuất trồng trọt, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu ích mẫu; thâm canh, sơ chế và bảo quản sản phẩm trà hoa vàng Tam Đảo, trà hoa vàng Pêtêlô tại địa phương. Triển khai kỹ thuật canh tác tiên tiến như trồng rau, hoa trong nhà lưới bằng phương pháp thủy canh, canh tác trên giá thể không đất, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương. Đồng thời, áp dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất cây trồng, phát triển sản xuất nấm ăn, sử dụng chế phẩm vi sinh, thực hiện quy trình VietGAP. Đặc biệt, tại huyện Lập Thạch, công nghệ tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel đã được áp dụng cho cây thanh long trên vùng đất đồi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với sản xuất chăn nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, bao gồm sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống cho đàn bò sữa, áp dụng các chế phẩm EM và đệm lót sinh học. Nhiều cơ sở đã đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, như chăn nuôi lợn, gà theo mô hình chuồng kín, giết mổ gia súc, gia cầm theo dây chuyền tự động. Đồng thời, phát triển các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn, gà, kết hợp chuyển giao thành công tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với sản xuất lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ viễn thám (phần mềm, GPS...), công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, di động) và hệ thống thông tin địa lý (bản đồ macinfo, GIS,...) trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, ứng dụng công nghệ nhân giống từ nhân tách tế bào mô để tạo ra những giống cây trồng mới.
Đối với sản xuất thủy sản, tỉnh đã ứng dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực, đồng thời đẩy mạnh sử dụng các thiết bị phụ trợ như máy tạo oxy, máy cho cá ăn, máy đo chỉ số môi trường nước, các sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường, cùng với thức ăn công nghiệp. Nhờ đó, nhiều mô hình nuôi cá thâm canh đã đạt năng suất cao, vượt 10 tấn/ha, mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp sinh thái, năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng, trong đó, “tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 75% tổng diện tích gieo trồng lúa, cơ giới hóa trong sản xuất đạt cao. Giá trị sản xuất đạt trên 145 triệu đồng/ha (tăng 6% so với năm 2015); thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác (tăng 7,3% so với năm 2015)”(8). Trong chăn nuôi, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng, tiếp tục khẳng định là ngành sản xuất chính, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế, bất cập: Các mô hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít, mới triển khai ở một số khâu trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Hơn nữa, mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái cần được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc nhìn chung còn thấp. Bên cạnh đó, quỹ đất để thực hiện các mô hình sản xuất quy mô lớn, đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sinh thái còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản cho phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua.
Ngoài ra, các công nghệ sản xuất, chế biến nông sản còn ở mức độ trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao; việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sản xuất để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của tỉnh.
2.3. Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Vĩnh Phúc
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”(9). Do đó, để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái trong thời gian tới, cần có những giải pháp phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò của nguồn lực khoa học - công nghệ.
Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, cần xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng chính sách hỗ trợ nghiên cứu như: giống cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; công nghệ sau thu hoạch. Tỉnh cần cụ thể hóa chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trung ương cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, như đổi mới cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học - công nghệ theo hướng từ yêu cầu thực tiễn sản xuất, thông qua các chương trình, đề án khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ có chuyên môn sâu, cùng các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh.
Đẩy mạnh đầu tư tài chính cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, bao gồm nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp an toàn nhằm tạo ra nông sản chất lượng cao. Ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ sinh học, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường, đầu tư thỏa đáng cho đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề cho nông dân, tăng cường đầu tư cung cấp thông tin cho nông dân; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sinh thái. Đây là giải pháp rất quan trọng vừa tạo hành lang pháp lý, vừa tháo gỡ những nút thắt để khơi thông và huy động có hiệu quả các các nguồn lực, các lực lượng tham gia vào hoạt động này.
Đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sinh thái tại từng địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng thời đảm bảo nguồn tài chính phù hợp để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ứng dụng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, bổ sung và hoàn thiện chính sách đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tăng cường chia sẻ tri thức nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, minh bạch, trách nhiệm
Khuyến khích nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo và ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi cải tiến có khả năng thích ứng tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của tỉnh để làm vật liệu chọn tạo giống, thông qua cả hình thức bảo tồn tại nông hộ và lưu trữ trong ngân hàng gen. Hỗ trợ người nông dân bảo tồn và phát triển các giống cây, con quý bằng cách nâng cấp thành sản phẩm đặc sản, gia tăng giá trị kinh tế, góp phần gắn kết người dân với sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến. Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Xác định khoa học - công nghệ là động lực trực tiếp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, đồng thời triển khai sản xuất theo chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ưu tiên nguồn lực về nhân lực, tài chính và hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, nhằm phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ nông sản an toàn.
Tăng cường áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, đặc biệt là tại vùng xa trung tâm tỉnh chọn lựa, ứng dụng phù hợp các loại công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường; nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tiến tới công nghệ thông minh từ sản xuất đến thu hoạch bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo động lực nội tại để thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào nông nghiệp sinh thái. Ưu tiên phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời xây dựng các khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh phát triển thị trường và hợp tác khoa học - công nghệ nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp sinh thái. Giải pháp này không chỉ giúp tạo ra nguồn cung phong phú, mà còn mở rộng cơ hội để các chủ thể trong nước tiếp cận, lựa chọn và ứng dụng những sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện sản xuất. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan… là hướng đi quan trọng giúp tỉnh Vĩnh Phúc rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực nghiên cứu và nhanh chóng làm chủ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
3. Kết luận
Nguồn lực khoa học - công nghệ chính là động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Một số mô hình nông nghiệp sinh thái đã được triển khai, đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sinh thái còn manh mún, chưa có sự liên kết hình thành các chuỗi giá trị, thiếu các tổ, nhóm nông dân, hợp tác xã nông nghiệp sinh thái. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái chưa được chứng nhận, dán nhãn, chưa có doanh nghiệp bao tiêu. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, coi nông nghiệp sinh thái thật sự là lợi thế cạnh tranh của Vĩnh Phúc so với các tỉnh khác, cần thực hiện những giải pháp phát huy nguồn lực khoa học - công nghệ như đã nêu.
_________________
Ngày nhận bài: 17-3-2025; Ngày bình duyệt: 20-3-2025; Ngày duyệt đăng: 30-3-2025.
Email tác giả: nguyenthiphuonghoa@gmail.com
(1), (2), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.124, 124-125, 124.
(3) Trần Đức Viên: “Nông nghiệp sinh thái - triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội hiện đại”, Tạp chí Nông nghiệp Việt Nam, số 2 -2024.
(4), (5) Khổng Trung Duân, Nguyễn Thị Thanh Thủy: Ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn”, Tạp chí Cộng sản chuyên đề, số 04 -2022, tr.87, 87.
(6), (7) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc: Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Vĩnh Phúc ngày 12 - 01 – 2024.
(8) Bảo Châu: Vĩnh Phúc: Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, https://tuyengiao.vn,.