Đối tác chiến lược toàn diện, dấu mốc mới và triển vọng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ

15/12/2023 15:51

TS TRỊNH THỊ HOA
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - ASEAN - Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ hợp tác lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022, cùng hướng tới một nhận thức chung: coi trọng đối tác, hợp tác bình đẳng; phát triển, cùng nhau thịnh vượng; kiến tạo môi trường an ninh, hòa bình cho khu vực. Việt Nam là thành viên của ASEAN, chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ tương xứng với tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Bài viết làm rõ tầm quan trọng của cơ chế đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ để từ đó Việt Nam có chính sách đối ngoại phù hợp bảo đảm chủ quyền quốc gia dân tộc, đồng thời phát huy được cơ hội trong quan hệ song phương với Hoa Kỳ.

Đối tác chiến lược toàn diện, dấu mốc mới và triển vọng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ

Ảnh minh hoạ: Getty

1. Nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ

Thứ nhất, chung nhận thức về coi trọng đối tác, hợp tác bình đẳng, thượng tôn pháp luật

Quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ chính thức bắt đầu từ năm 1977, đến năm 2015 được nâng cấp thành “đối tác chiến lược” và trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” từ năm 2022. Nhiều năm qua, ASEAN luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất trong các nước đang phát triển. Sự thành công này không chỉ được ghi nhận dưới góc độ khu vực, mà còn được ghi nhận là tổ chức có khả năng gắn kết bền vững với các quốc gia đối tác.

Về phía ASEAN, ASEAN luôn xác định Hoa Kỳ là đối tác tin cậy, không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược với Hoa Kỳ để hai bên trở thành mối quan hệ có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.

ASEAN đã chủ động thiết lập các cơ chế hợp tác với Hoa Kỳ như: Hội nghị cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao (PMC) giữa ASEAN và Hoa Kỳ, Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Hoa Kỳ; các cuộc họp Ủy ban hợp tác chung (JCC) ASEAN - Hoa Kỳ và các hội nghị, cuộc họp hợp tác chuyên ngành các cấp. Các cơ chế này do ASEAN chủ trì và được Hoa Kỳ tham gia đối thoại, tham vấn cởi mở. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng được mời tham gia đầy đủ các cơ chế, khuôn khổ đa phương do ASEAN chủ trì. Điều đó cho thấy ASEAN luôn tôn trọng, đề cao đối tác Hoa Kỳ.

Trước các biến động, thách thức của thế giới và khu vực, ASEAN luôn sử dụng cách tiếp cận trong quan hệ với Hoa Kỳ là thượng tôn pháp luật, cùng có lợi, chú trọng đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao các giá trị và nguyên tắc chung về quan hệ bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, tin cậy.

Về phía Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng đặc biệt coi trọng mối quan hệ hợp tác với ASEAN. Hoa Kỳ là đối tác đầu tiên bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN năm 2008, bổ nhiệm đại sứ thường trú đầu tiên tại ASEAN năm 2011; trở thành một bên của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 2009; thành lập phái đoàn thường trực tại ASEAN năm 2010. Tổng thống Barack Obama là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên gặp tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN với tư cách là một khối(1). Hoa Kỳ triển khai hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển với ASEAN thông qua các sáng kiến, kế hoạch điển hình như: Sáng kiến kết nối Hoa Kỳ - ASEAN, Kế hoạch hành động ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2021 - 2025.

Hoa Kỳ là quốc gia tôn trọng và luôn đóng góp có trách nhiệm trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Đối thoại an ninh châu Á Shangri-La...

Đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ luôn khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hoa Kỳ công nhận các giá trị của ASEAN trong việc hợp tác với các đối tác bên trong và bên ngoài khu vực: Ôxtrâylia, Nhật Bản, EU, Ấn Độ, Hàn Quốc, Niu Dilân...). Tài liệu chiến lược của Hoa Kỳ đề cập tới tầm quan trọng của ASEAN, theo đó chính quyền Joe Biden xác định: “Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với NiuDilân, cũng như Xinhgapo, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy mục tiêu chung. Nhận thức được mối quan hệ của lịch sử chung và sự hy sinh, chúng ta sẽ củng cố quan hệ đối tác của mình với các quốc gia đảo Thái Bình Dương”(2).

Hoa Kỳ hiện đang ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi ASEAN là một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Hoa Kỳ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của ASEAN và các quốc gia thành viên nhằm bảo đảm các mục tiêu của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á. Hoa Kỳ tiếp tục khuyến khích, ủng hộ ASEAN triển khai các nội dung cụ thể trên cơ sở các nguyên tắc trong chiến lược mới đang được xây dựng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó tiếp tục xác định quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN cần phải đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm rằng các quốc gia Đông Nam Á duy trì quyền tự do hành động, lựa chọn định hướng tương lai của mình và có khả năng ứng phó với những thách thức trong khu vực.

Nhận thức được lợi ích của quan hệ đối tác chiến lược, ASEAN - Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ, ngày 12-11-2022, tại Campuchia với rất nhiều kỳ vọng vào những bước đột phá mới trên chặng đường dài tiếp theo. Trong quá trình này, ASEAN - Hoa Kỳ tiếp tục triển khai quan hệ trên hai tầng nấc: cấp khu vực và cấp quốc gia. Ở cấp khu vực, hai phía vẫn triển khai các mục tiêu của mình thông qua các cơ chế hoạt động của ASEAN, trong đó phải kể đến các cơ chế EAS, ARF, ADMM+... Ở cấp độ quốc gia, các thành viên của ASEAN và Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của mình đối với khu vực, thông qua con đường song phương với Hoa Kỳ, nhằm góp phần tăng cường, nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ lên tầm cao mới.

Thứ hai, hợp tác phát triển, cùng nhau thịnh vượng

Trong đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ đã dành sự hỗ trợ đặc biệt cho ASEAN, nhất là sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả thông qua Sáng kiến tương lai y tế ASEAN - Mỹ, Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN - Mỹ, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh ở khu vực, mở Văn phòng khu vực của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) tại Việt Nam. Đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ công bố đã cung cấp hơn 42 triệu liều vắc xin và hỗ trợ hơn 200 triệu USD cho các nước ASEAN để phòng, chống đại dịch Covid-19(3) và thúc đẩy nghiên cứu chung, tăng cường năng lực hệ thống y tế, phát triển nguồn nhân lực y tế, giúp ASEAN ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Hiện nay, Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ở khu vực Đông Nam Á được đặt tại Hà Nội - là một trong bốn văn phòng đại diện của CDC Mỹ trên toàn cầu.

Hợp tác kinh tế được coi là điểm sáng trong quan hệ ASEAN. Kim ngạch hai chiều liên tục tăng, bất chấp đại dịch Covid-19. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 441,7 tỷ USD và tổng FDI đạt khoảng 40 tỷ USD, hơn 6.200 công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại ASEAN, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của khu vực này(4).

Các sáng kiến kinh tế được triển khai đang cổ vũ hợp tác kinh tế hai bên tương xứng với tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Điển hình là “Sáng kiến tương lai kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN” thông qua việc xóa bỏ các rào cản thương mại, tăng trưởng kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19; “Sáng kiến tương lai một tỷ người” cam kết khai phá tiềm năng của cả ASEAN và Hoa Kỳ v.v..

Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhấn mạnh ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ. Thông qua “Sáng kiến kết nối ASEAN - Hoa Kỳ”, các hoạt động thương mại và đầu tư từ phía Hoa Kỳ được triển khai mạnh mẽ. Thị trường ASEAN đang tạo ra hơn 500.000 việc làm cho nước Mỹ(5). Để thúc đẩy hiệu quả trong hợp tác kinh tế và quản trị, Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Sáng kiến cơ chế một cửa ASEAN (ASW) nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh và thúc đẩy thương mại hàng hóa. Điều này cho phép thông tin về hải quan giữa hai phía minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật như “Kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư” đang được hai phía tích cực thực hiện. Điển hình là “Sáng kiến mạng lưới giao dịch và hỗ trợ hạ tầng” (ITAN) nhằm thúc đẩy hạ tầng chất lượng cao và bền vững về tài chính khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó ưu tiên nhu cầu phát triển hạ tầng tài chính của ASEAN.

Hiệp định khung về thương mại và đầu tư ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2021 - 2022 (TIFA) đã hoàn thành. Đây được coi là động lực thúc đẩy “Chương trình làm việc về sáng kiến hợp tác kinh tế mở rộng”, tập trung thúc đẩy hỗ trợ thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, sáng tạo kinh tế số trong giai đoạn hiện nay. Các hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng kinh tế của hai phía vẫn được duy trì tích cực. Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.

ASEAN đánh giá cao và luôn coi Hoa Kỳ là đối tác thương mại, đầu tư và phát triển hạ tầng hàng đầu của khu vực, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững 2030, trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ, hai phía đã sẵn sàng cho hợp tác đầu tư đổi mới sáng tạo. Trong đó Hoa Kỳ - ASEAN đang hướng vào việc xây dựng Mạng lưới đô thị thông minh Hoa Kỳ - ASEAN (ASCN). Việc đầu tư vào các thành phố sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đổi mới sáng tạo, quản lý nguồn lực, bảo đảm an ninh mạng đang là nhu cầu cấp thiết của ASEAN, mà phía Hoa Kỳ có khả năng đáp ứng. Đây là một động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ về thúc đẩy an ninh năng lượng cũng đang gia tăng. ASEAN - Hoa Kỳ đã phối hợp thực hiện kế hoạch công tác về năng lượng, nhằm đạt các mục tiêu về an ninh năng lượng như: thị trường điện, khí thiên nhiên, công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng. Trên cơ sở đó, Hoa Kỳ đã huy động hơn 750 triệu USD cho Chương trình năng lượng sạch châu Á giai đoạn 2020 - 2025(6). Những kinh nghiệm từ phía Hoa Kỳ trong quản lý các đường ống xuyên biên giới, chuẩn hóa chất lượng khí thiên nhiên đã giúp cho ASEAN tăng cường khả năng hội nhập năng lượng.

Các chương trình hợp tác Hoa Kỳ - Mê Kông trong khuôn khổ cơ chế ASEAN - Hoa Kỳ cũng được tiếp tục thúc đẩy trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Hiện nay, ASEAN - Hoa Kỳ đang tích cực triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2023, trong đó không giới hạn các lĩnh vực hoạt động về kinh tế; về quản lý bền vững nguồn nước, thiên nhiên, tài nguyên, môi trường; về an ninh mạng; về đào tạo nguồn nhân lực. Điều này có ý nghĩa quyết định đối với ASEAN trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Thứ ba, kiến tạo môi trường an ninh, hòa bình cho khu vực

Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cả ASEAN và Hoa Kỳ đều khẳng định cam kết của mình trong việc thúc đẩy một “trật tự dựa trên luật lệ” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hòa bình cho khu vực Đông Nam Á. Hoa Kỳ dự kiến, trong hợp tác an ninh với ASEAN, sẽ sử dụng các cơ chế an ninh của ASEAN để thúc đẩy nguyên tắc trật tự khu vực dựa trên luật lệ (trật tự quốc tế vốn được lập ra sau năm 1945 đã và đang áp dụng, được các nước khác đang thừa nhận)(7).

Việc thúc đẩy “trật tự dựa trên luật lệ” đã được Hoa Kỳ đưa vào các chương trình đối thoại Hoa Kỳ - ASEAN, đặc biệt là trong khuôn khổ của quan hệ đối tác chiến lược trước đây và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiện nay. Trong các cuộc đối thoại này, Hoa Kỳ luôn khẳng định hợp tác với ASEAN trong việc bảo đảm một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, lấy ASEAN làm trung tâm, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với UNCLOS-1982.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy nguyên tắc “trật tự dựa trên luật lệ” thông qua nguyên tắc tôn trọng tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đây được coi là một nguyên tắc quan trọng của Hoa Kỳ trong việc duy trì trật tự thế giới hiện nay. Trong Báo cáo tự do hàng hải (FON) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ghi rõ: “Tự do trên biển” gồm tất cả các quyền lợi, quyền tự do, quyền sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời, bao gồm cả tàu và máy bay quân sự, được bảo đảm cho tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế(8).

Cả ASEAN và Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của các thành viên ASEAN và các quốc gia khác tại khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, nhằm giải quyết các tranh chấp, bất đồng về lãnh thổ, lãnh hải trên tinh thần xây dựng và theo đuổi các tuyên bố về chủ quyền qua ngoại giao, sử dụng cơ chế trọng tài quốc tế, khu vực một cách hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông nhằm tiếp tục thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng tại khu vực. Hai phía coi trọng việc đưa các vấn đề an ninh vào nội dung trao đổi của các hội nghị: ARF, ADMM+, Shangri-La... trong đó có vấn đề Biển Đông, vấn đề quân sự hóa các đảo tại Biển Đông, tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp cùng nhau giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Với chủ trương tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ đang tiến hành các cuộc tập trận chung đa phương với các quốc gia Đông Nam Á và đối tác như: cuộc tập trận quân sự Cobra Gold (Hổ mang vàng), cuộc tập trận hợp tác và đào tạo Đông Nam Á (SEACAT), cuộc tập trận hàng hải Hoa Kỳ - ASEAN. Theo đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Sáng kiến an ninh hàng hải 425 triệu USD cho khu vực Đông Nam Á(9).

Sáng kiến trên giúp Thái Lan, Philippin, Malaixia, Việt Nam, Ấn Độ tăng cường khả năng và năng lực trong việc tiếp tục tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải đến năm 2025. Nhiều quốc gia trong ASEAN cũng đã tham gia cuộc tập trận mang tên Vành đai Thái Bình Dương. Đây là cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới với sự tham gia của 25 quốc gia trên thế giới, ở các nội dung từ cứu trợ thảm họa đến hoạt động an ninh hàng hải và kiểm soát trên biển, cũng như diễn tập các hoạt động chiến tranh phức tạp. Từ năm 2023, Hoa Kỳ sẽ bố trí 2 tàu sân bay trực chiến đồng thời tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, 60% tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ tập trung ở khu vực Tây Thái Bình Dương(10).

2. Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Thứ nhất, đánh giá đúng vai trò, vị trí của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ đang đứng trước vận hội phát triển mới, với nhiều triển vọng tươi sáng. Kết quả hợp tác trong thời gian qua cho thấy, trong nhận thức chung của hai phía đều đặc biệt coi trọng mối quan hệ này. Sự tương đồng về lợi ích chiến lược sẽ tiếp tục là cơ sở và nền tảng để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ trong thời gian tiếp theo không chỉ đem lại sự phồn vinh cho hai phía, mà còn đem lại sự ổn định, hòa bình lâu dài cho khu vực Đông Nam Á.

Chính quyền Joe Biden hiện đang triển khai mạnh mẽ “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng”, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN. Do đó, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam như một đối tác quan trọng để triển khai chính sách với khu vực. Việt Nam cần tiếp tục chủ trương hướng tới nâng tầm quan hệ hợp tác từ Đối tác toàn diện lên tầm Đối tác chiến lược theo lộ trình phù hợp. Việt Nam với tư cách thành viên của ASEAN, cần tiếp tục chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố lòng tin với Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ trong các vấn đề quan tâm chung. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN.

Trong khuôn khổ hợp tác Mê Kông - Hoa Kỳ, Việt Nam cần nhận thức được sự cần thiết của một tầm nhìn chiến lược dài hạn và hợp tác để giải quyết các vấn đề đang đe dọa từ an ninh nguồn nước sông Mê Kông đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam cần phối hợp tích cực hơn nữa với Hoa Kỳ trong Sáng kiến Mê Kông SERVIR để phát huy hiệu quả các chương trình quản lý nguồn nước sông Mê Kông, ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu. Các cấp ban, ngành, từ Trung ương đến địa phương ở Việt Nam cần tuân thủ các cam kết quốc tế trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Kông hướng tới phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh quốc gia đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ hai, duy trì tổng thể quan hệ ngoại giao cân bằng nước lớn

Hiện nay, nhiều bình luận quốc tế cho rằng: các nước ASEAN đang có quan điểm đối ngoại “kinh tế dựa vào Trung Quốc, an ninh dựa vào Hoa Kỳ”(11). Điều này đang thách thức bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết cộng đồng của ASEAN. Vì vậy, chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á sẽ có tác động mạnh đến lĩnh vực an ninh - chính trị.

Trong bối cảnh này, Việt Nam cần coi trọng quan hệ đa phương. Độc lập, tự chủ là mục tiêu xuyên suốt của đối ngoại Việt Nam. Bảo đảm lợi ích quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, ý thức hệ. Đặc biệt, trong quan hệ với nước lớn cần cân bằng chiến lược, coi trọng tất cả các nước lớn. Bảo đảm sự phân bố lợi ích cân đối với các nước lớn tại Việt Nam. Thực hiện “chính sách ngoại giao cân bằng nước lớn là chấp thuận sự hiện diện và ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực”, bao gồm: bảo đảm khoảng cách tương đối cân bằng với các nước lớn trên thế giới; phát triển quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực; duy trì trạng thái cân bằng tổng thể trong quan hệ với nước lớn, nhất là sự phân bổ lợi ích(12).

Ví trí chiến lược là cơ hội để Việt Nam duy trì cân bằng chiến lược với nước lớn. Đặc biệt, với chiến lược FOIP của Hoa Kỳ đang triển khai tại Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục được xác định là chủ thể chủ chốt trong chiến lược FOIP của Bộ tứ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng cảng Cam Ranh thành một trọng điểm logicstic về hàng hải quốc tế và thực hiện chính sách “bốn không” như quan điểm và chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam đã nêu ở Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019, song vẫn có thể khiến Hoa Kỳ và các cường quốc khác phối hợp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, ổn định tại Biển Đông vì lợi ích chung. Thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình khu vực, Việt Nam tiếp tục quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhằm đề phòng, ngăn chặn từ sớm, từ xa những hành động sử dụng vũ lực, bảo vệ đất nước.

Thứ ba, chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế đa phương của ASEAN để nâng cao sức mạnh của Việt Nam

Tại các cơ chế an ninh đa phương do ASEAN sáng lập (ARF, ADMM+, EAS, Shangri-La...), với vai trò là thành viên điều phối, Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ các điểm tương đồng về mặt lợi ích, cách tiếp cận của ASEAN và các nước lớn trong vấn đề an ninh khu vực. Gắn với an ninh khu vực là vấn đề lợi ích, chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, nơi đang là điểm nóng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc và các nước lớn khác. Do đó, Việt Nam cần “tiếp tục tranh thủ các điểm đồng thuận về mặt lợi ích, cách tiếp cận của ASEAN và các nước lớn trong vấn đề Biển Đông để bảo vệ lợi ích quốc gia và đề cao cách thức giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo hướng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế”(14).

Bên cạnh đó, chiến lược của Hoa Kỳ về hợp tác kinh tế không mâu thuẫn với quan điểm, lập trường, cũng như lợi ích của ASEAN, mở ra cơ hội hợp tác của các nước thành viên ASEAN với Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc triển khai các hiệp định thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ để tìm kiếm nguồn lực mới về vốn, công nghệ xanh, chuyển đổi số... tạo ra động lực thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trải qua chặng đường 46 năm hợp tác và phát triển, quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ đã xác lập một dấu mốc mới “Đối tác chiến lược toàn diện” và đang mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho thời gian tới. Sự nỗ lực từ hai phía trong thời gian qua đã khẳng định tinh thần đối tác tin cậy, hữu nghị, cùng chia sẻ nhận thức và tầm nhìn lâu dài của hai phía. Việt Nam là thành viên của ASEAN, tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm, góp phần vun đắp mối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ vì mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 545 (tháng 7-2023)

Ngày nhận bài: 30-5-2023; Ngày bình duyệt: 10-7-2013; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1), (4) Thảo Chi: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ: dấu mốc phát triển mới, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại, số 12-2022, tr.27, 28.

(2) The White House: Interim National Security Strategic Guidance, 3-3-2021, http://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf, truy cập ngày: 29-4-2023.

(3) Mạnh Hùng: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-asean-hoa-ky-609626.html, truy cập ngày 7-7-2023.

(5), (6), (9) Phạm Cao Cường: Chính sách an ninh của Mỹ với Đông Nam Á dưới thời Tổng thống D.Trump, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr.178, 199, 178.

(7) “Trật tự dựa trên luật lệ” được nhận thức rằng, các quốc gia có chủ quyền chấp thuận bị gắn bó bởi các quy định và trong trường hợp xảy ra xung đột quốc tế thì việc khởi xướng và thực thi pháp luật phải tuân theo Hội đồng Bảo an, trong trường hợp có tranh chấp về thương mại sẽ bị ràng buộc bởi WTO; còn trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia thì phải tuân thủ theo Tòa án quốc tế (ICJ). Theo TS Phạm Cao Cường, Chính sách an ninh của Mỹ với Đông Nam Á dưới thời Tổng thống D. Trump, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr.204-205.

(8) Department of Defense Report to Congress: Annual Freedom of Avigation Report, 2017, https://policy.defense.gov/Portals/11/FY17%20DOD%20FON%20Report.pdf?ver=2018-01-19-163418-053, truy cập ngày: 01-5-2023.

(10) Đinh Thanh Trúc: Đánh giá về việc Mỹ triển khai chiến lược đối với khu vực Đông Nam Á dưới thời Tổng thống Joe Biden, Tạp chí Quan hệ quốc phòng, số 59-2022, tr.31.

(11), (12) TS Hoàng Huệ Anh (chủ biên): Chiến lược an ninh đối ngoại mới của Trung Quốc: sự lựa chọn cho vị trí siêu cường, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022, tr.341, 351.

(13) Chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống lại nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; và Không sử dụng vũ lực, cũng như đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

(14) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Quan hệ quốc tế, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.195.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối tác chiến lược toàn diện, dấu mốc mới và triển vọng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ
    POWERED BY