(LLCT) - Đồng chí Phan Văn Khải, Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX;Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII;Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 9-1997 đến tháng 7-2006), nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đồng chí là nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo, hết lòng vì nước, vì dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.
TS TRẦN THỊ HUYỀN
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đồng chí Phan Văn Khải - Ảnh: tienphong.vn
1. Lựa chọn và phấn đấu hết mình vì lý tưởng cách mạng vô sản, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân
Sinh ra tại vùng quê Đất Thép Thành đồng - Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, Phan Văn Khải sớm tham gia Hội Thiếu nhi Cứu quốc xã.
Từ một thanh niêu yêu nước, đi theo tiếng gọi của Đảng, lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng vì nước, vì dân, đồng chí Phan Văn Khải đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn kiên định và giữ vững mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn.
Theo sự phân công của tổ chức, năm 1954, đồng chí tập kết ra miền Bắc, tham gia công tác giảm tô và cải cách ruộng đất (1954-1957) và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1959.
Để tạo nguồn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí được cử đi học Trường bổ túc công nông Trung ương, Trường Ngoại ngữ Trung ương rồi Đại học Kinh tế quốc dân Mátxcơva, Liên Xô.
Sau khi hoàn thành các khóa học, trở về nước (tháng 6-1965), đồng chí Phan Văn Khải được phân công công tác tại Ủy ban Kế hoạch nhà nước, trong môi trường mới, khi đất nước đang thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc. Trong bối cảnh khó khăn, đồng chí đã luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng, đem những kiến thức được trang bị, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, góp phần rất lớn xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1973, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn mới, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí vào chiến trường B2 nghiên cứu kinh tế miền Nam. Năm 1974, đồng chí lại được cử ra Hà Nội, công tác tại Ủy ban thống nhất Trung ương và đã tích cực góp phần vào việc thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất, đồng chí Phan Văn Khải được Đảng, Nhà nước phân công trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tại Sở Kế hoạch, sau đó được giao đảm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh (1979-1980), Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (1981-1984), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (1985-1989). Đây là giai đoạn đất nước gặp khó khăn, thách thức, Thành phố Hồ Chí Minh cũng trong bối cảnh đó và thêm những khó khăn của Thành phố mới giải phóng. Với nhiệt huyết, tài năng và sự kiên định của người con đất thép thành đồng, đồng chí Phan Văn Khải đã đóng góp trí tuệ, công sức, tâm huyết, tìm ra hướng đi mới, đưa Thành phố Hồ Chí Minh từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách.
Từ những thành tựu nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1989, đồng chí Phan Văn Khải được Đảng, Nhà nước tin tưởng điều động, phân công đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (1989-1991), Phó Thủ tướng Chính phủ (1992-1997), rồi Thủ tướng Chính phủ (1997-2006). Trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới đất nước, nhiều thách thức đặt ra đối với Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Chính phủ. Bằng nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo, tấm lòng luôn hướng về nhân dân, đồng chí Phan Văn Khải đã có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, văn hóa - xã hội… góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức bởi chính sách bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa nền kinh tế ngày càng phát triển năng động, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Khi nghỉ hưu, đồng chí Phan Văn Khải vẫn luôn quan tâm việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và người dân quê nhà nói riêng - vùng Tân Thông Hội, Củ Chi. Dù tuổi cao, đồng chí vẫn có nhiều hoạt động sôi nổi, như kêu gọi xây dựng các công trình văn hóa, xã hội, nhà ở cho người dân nghèo; cùng với các cán bộ lão thành ở Thành phố Hồ Chí Minh làm công tác giáo dục truyền thống, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử cách mạng miền Nam; viết sách về một số nhà lãnh đạo cách mạng; kêu gọi lập quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo… Trường Tiểu học Tân Thông hiện nay là minh chứng cho sự quan tâm của đồng chí Phan Văn Khải đối với sự nghiệp giáo dục của quê hương…
2. Năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tìm hướng đi giải quyết khó khăn của thực tiễn nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
Đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh (Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm), Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, giai đoạn đầy khó khăn thử thách, giai đoạn bước chuyển giữa cái cũ và cái mới, những xáo trộn trong đời sống và cả niềm tin của nhân dân, đồng chí Phan Văn Khải đã cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương khuyến khích tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của các doanh nghiệp quốc doanh, mặt khác, đỡ đầu về trách nhiệm cho một số đơn vị tìm kiếm nguồn vật tư nguyên liệu, tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc tháo gỡ các khó khăn về lương, sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, cải tạo công - thương nghiệp… đã góp phần quan trọng hiện thực hóa những vấn đề về phát triển kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự năng động, tìm tòi, sáng tạo của đồng chí Phan Văn Khải cũng được thể hiện rõ khi đồng chí đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (1985-1989). Trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận bởi các thế lực phản động quốc tế và tác động từ sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, để đưa Thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, đồng chí Phan Văn Khải đã dẫn đầu một đoàn cán bộ của Thành phố đi khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triển kinh tế một số nước Đông Nam Á (Malaixia, Xinhgapo, Thái Lan, Philíppin). Trong quá trình khảo sát, đoàn vừa học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước này, vừa tích cực giới thiệu về các chính sách mới ban hành để kêu gọi đầu tư nước ngoài như Luật Ðầu tư năm 1987, Nghị định 139-HÐBT năm 1988. Qua đó, khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, Việt Nam muốn hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Ðông Nam Á.
Sự năng động, sáng tạo, hết lòng vì nước, vì dân của đồng chí Phan Văn Khải đã góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đồng chí Phan Văn Khải cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát huy nội lực, kết hợp việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, đưa Thành phố Hồ Chí Minh phát triển và từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Đây chính là những gợi mở để Trung ương đề ra những biện pháp phù hợp cho cả nước.
Trong thời kỳ đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, với tinh thần nhiệt huyết, hết lòng vì nhân dân, năng động, sáng tạo, đồng chí Phan Văn Khải đã xây dựng và phân bổ nguồn lực, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kế hoạch với thị trường; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1991-1995) và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đồng chí còn chủ trì tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khơi dậy, huy động các nguồn lực cho phát triển đất nước, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.
Sự năng động, sáng tạo của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân được thể hiện đặc biệt rõ trong thời kỳ đồng chí đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm thế giới đang diễn ra khủng hoảng kinh tế. Đồng chí Phan Văn Khải đã cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.
Đồng chí là một trong những người đi tiên phong “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển, chỉ đạo xóa bỏ nhiều loại “giấy phép mẹ”, “giấy phép con”, tạo thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Đồng chí đã chỉ đạo soạn thảo Luật Doanh nghiệp trình Quốc hội cho ý kiến thông qua. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2005, cùng với việc hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2000 đã đáp ứng nhu cầu khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân(1). Đồng thời, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2002, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Phan Văn Khải còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện những công trình giao thông trọng điểm như cầu Thuận Phước, cầu Cần Thơ, cầu Vĩnh Tuy, tạo sự liên kết, phát triển giữa các vùng miền, là điểm quan trọng thúc đẩy sự phát triển của công cuộc đổi mới. Cùng với sự phát triển kinh tế, đồng chí còn chú trọng vấn đề kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường; xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Lĩnh vực đối ngoại cũng thể hiện rõ dấu ấn, tài năng, sáng tạo của đồng chí Phan Văn Khải. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phan Văn Khải là người đầu tiên tham gia vào quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Năm 1991-1992, đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị tài trợ quốc tế tại Paris, Pháp. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc đàm phán với Câu lạc bộ Luân Đôn, Câu lạc bộ Paris(2) để giải quyết các vấn đề nợ của Việt Nam, đây là bước đột phá mở đầu ra thế giới, mở ra một kênh rất quan trọng là thu hút vốn ODA quốc tế. Đồng chí Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên chủ trì trực tiếp Hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội (năm 1998), mở đường cho Campuchia gia nhập vào ASEAN, trực tiếp chỉ đạo đàm phán mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ; là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Thủ tướng Chính phủ đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ sau 30 năm kết thúc chiến tranh (năm 2005); Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đầu tiên thăm Canađa kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973… Những hoạt động đối ngoại của đồng chí đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hút vốn viện trợ phát triển vào Việt Nam.
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, tinh thần tận tâm, trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Phan Văn Khải cũng luôn thể hiện rõ tài năng, luôn sáng tạo tìm hướng đi mới để giải quyết những khó khăn nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
3. Luôn tin tưởng và phát huy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Thủ tướng Phan Văn Khải được mệnh danh là “nhà lãnh đạo kỹ trị” bởi tài năng, sự sáng tạo của đồng chí trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Để góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển, đồng chí Phan Văn Khải đã luôn thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân. Đồng chí luôn tin tưởng vào nhân dân, từ đó, có những cách làm hiệu quả trong phát huy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Khi đảm trách các cương vị lãnh đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước thực trạng khó khăn của Thành phố, đồng chí đã hòa mình với thực tiễn đời sống nhân dân, lắng nghe nguyện vọng của dân, từ đó đề ra những cách làm hợp lòng dân. Chủ trương phát huy, khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh tự chủ, tự lực, không trông chờ ỷ lại cấp trên về vật tư, nguyên liệu do đồng chí Phan Văn Khải và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng đã được nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp và người lao động nhiệt liệt hưởng ứng, tiêu biểu như: Xí nghiệp Dệt Thành Công, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, Nhà máy Gạch bông Đức Tân, Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng Sài Gòn, Công ty Xuất khẩu Thủy sản Ramexco, Công ty Xuất nhập khẩu trực tiếp thành phố (Direximco), Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex), Nhà máy Cao su Phạm Hiệp, Nhà máy Bia Sài Gòn. Chính từ việc khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân, của các doanh nhân, đồng chí đã góp phần làm bật dậy sức mạnh của nền kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới quốc kế dân sinh, với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, đồng chí Phan Văn Khải đã dành nhiều thời gian đối thoại trực tiếp với đội ngũ doanh nhân tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, gặp gỡ nông dân, công nhân, đặc biệt là đội ngũ trí thức. Đồng chí đã thành lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - gồm nhiều trí thức tài năng, thường xuyên trao đổi, tham vấn ý kiến, ra sức động viên, khuyến khích trí thức phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước và thực hiện đại đoàn kết dân tộc, khích lệ giới trí thức đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo đồng chí Phan Văn Khải, tất cả các chủ thể, từ Nhà nước đến doanh nghiệp và người dân đều phải có trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, phải không ngừng nêu cao tinh thần, trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, đồng chí là một trong những lãnh đạo tiêu biểu của thời kỳ đổi mới đã kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Đồng chí sớm nhìn thấy tiềm năng to lớn của người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đề xuất và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tin tưởng vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, theo đồng chí Phan Văn Khải, cán bộ, đảng viên cần gắn bó với dân để học hỏi dân. Đồng chí nêu rõ: “Thi hành nghị quyết của Đảng, rồi tiếp xúc với doanh nghiệp, tiếp xúc với dân và mới biết được doanh nghiệp và dân có cái gì họ sáng tạo, có cái gì họ mới, có cái gì họ làm lợi nên bên chính quyền, bên Chính phủ phải tổng kết những điểm mới, phải tổng kết những cái hay, tổng kết những cái gì mà cơ chế chính sách nó đã lỗi thời, cần phải chấn chỉnh”(3).
Tinh thần cầu thị, trọng dân, đặc biệt đội ngũ doanh nhân và trí thức của đồng chí Phan Văn Khải đã tạo được niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
85 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, 59 tuổi Đảng, đồng chí Phan Văn Khải đã trọn đời mình phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý, như: Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ và chiến sỹ cả nước trân trọng, học tập và noi theo(4).
_________________
(1) Cho đến trước năm 1999, Việt Nam đã có Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1992, nhưng số doanh nghiệp được thành lập còn rất thấp. Đến hết tháng 12-1996, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp tư nhân là khoảng 17.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Công ty khoảng gần 7.000, gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Nhưng sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, chỉ riêng trong năm 2000, đã có 31.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Dẫn theo: https://baodautu.vn/nguyen-thu-tuong-phan-van-khai-nguoi-tra-lai-ten-cho-doanh-nhan-viet-d78494.html, ngày 17-3-2018.
(2) Câu lạc bộ Paris ra đời từ một cuộc đàm phán tổ chức tại Paris năm 1956 giữa con nợ Argentina và hàng loạt chủ nợ của nước này. Sau khi thành lập, Câu lạc bộParis là một nhóm không chính thức 19 quốc gia chủ nợ, là những nước giàu có nhất thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay tái thiết đất nước, nợ ân hạn và hoãn nợ, xóa nợ cho các nước mắc nợ khó trả.
(3) Xem: Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022, tr. 57 - 58.
(4) Lời điếu do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọctại lễ tang đồng chí Phan Văn Khải,ngày 22-3-2018, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/mot-can-bo-lanh-dao-co-tam-tu-duy-chien-luoc-ban-linh-sang-tao-tan-tuy-534342.