(LLCT) - Sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt sớm đi theo cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, vẻ vang của Đảng, cách mạng Việt Nam. Trong những bước đi đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, trên nhiều cương vị lãnh đạo, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hoạch định đường lối đổi mới, từng bước đưa đất nước ra khỏi khủng khoảng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế đất nước và để lại những bài học giá trị đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Người mở đường công trình điện 500 kV Bắc - Nam - Ảnh: vov2.vov.vn
1. Đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới đất nước
Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh phải giải quyết những hậu quả nặng nề sau chiến tranh. Tình hình kinh tế, giao thông vận tải, điện cho sản xuất và sinh hoạt rất khó khăn, thiếu lương thực, chất đốt, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong xây dựng chế độ mới bị giảm sút. Dân đói, lạm phát phi mã, sản xuất đình trệ. Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức ấy, đồng chí Võ Văn Kiệt giữ các cương vị: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Thành phố, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố Sài Gòn - Gia Định (từ tháng 1-1976); đại biểu Quốc hội khóa IV (4-1976); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (12-1976); Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1977 đến năm 1981). Trên những cương vị đó, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng:
Đó là, tập trung lo “chạy gạo”, tìm mọi cách cải thiện đời sống nhân dân. Một mặt, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, trao đổi với giám đốc các ngân hàng, công ty lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải để cùng tìm cách tháo gỡ, tiến hành hợp tác với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá thị trường đưa về cứu đói cho nhân dân thành phố.
Đồng chí trực tiếp báo cáo Trung ương, thuyết phục Bộ Chính trị ủng hộ việc điều chỉnh giá. Sau này, đồng chí nhớ lại: lúc đó “tôi phải đi giữa “hai làn đạn”, một bên là để dân đói, để sản xuất đình đốn là có tội với dân, với Đảng; một bên là để cơ sở bung ra tự cứu là phạm nhiều điều cấm kỵ”(1). Từ đây, đồng chí được gọi là “chủ tịch gạo” vì dân. Những đóng góp của đồng chí đã từng bước xóa bỏ cơ chế “thu - mua” bất hợp lý, xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” giữa các địa phương, từng bước mở đường cho sự vận hành của nền kinh tế hàng hóa.
Việc đi sâu tìm hiểu và đề ra các biện pháp sáng tạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các xí nghiệp quốc doanh của Thành phố, cởi trói cho lực lượng sản xuất là những đóng góp quan trọng của đồng chí về cơ sở thực tiễn để Trung ương Đảng đưa ra chủ trương tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (năm 1979) cho “sản xuất bung ra”, khởi đầu dấu mốc tư duy lý luận của Đảng về tìm tòi, khảo nghiệm con đường đi lên CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Cụ thể, khi nhiều ngành sản xuất của Thành phố lâm vào đình đốn vì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, vật tư…, Ngân hàng Ngoại thương bị ứ đọng vốn, đồng chí đã chỉ đạo Ngân hàng Thành phố nghiên cứu, cho vay vốn sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất, có hàng hóa phục vụ nhân dân, từ đây kinh tế dần khởi sắc, đời sống nhân dân dần được cải thiện.
Trước khi đổi mới, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Lạm phát phi mã lên đến 774%/năm; nạn thiếu đói nghiêm trọng (đất nước phải nhập khẩu lương thực và nhận viện trợ nhân đạo chống đói); bất ổn nặng nề trong đời sống chính trị - xã hội; tình trạng bị cô lập, bị bao vây cấm vận do đế quốc Mỹ chủ xướng; quan hệ gián đoạn căng thẳng với Trung Quốc và các tác động cực kỳ bất lợi từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.
Từ năm 1982 đến năm 1988, đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, đảm đương cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ từ năm 1991 đến năm 1997. Đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn, nhất là về cơ chế quản lý, vận dụng từng khâu, từng lĩnh vực làm cho “sản xuất bung ra”.
Đảm trách cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng chí đã yêu cầu các cơ quan xây dựng kế hoạch phải tính đến khả năng chủ động của các địa phương, các ngành và mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các địa phương; các kế hoạch phải bám sát với tình hình thực tiễn cả trong nước và quốc tế.
Trên chặng đường tìm tòi, khảo nghiệm đường lối đổi mới, khi nói về cơ chế hành chính quan liêu, bao cấp, đồng chí đã dùng từ “vòng phấn” để chỉ phương thức lãnh đạo luẩn quẩn của cơ chế cũ và chỉ rõ: “Phương thức hành chính quan liêu, bao cấp trong quản lý kinh tế - xã hội gây nhiều tổn thất cho đất nước”(2). Do vậy, đồng chí đưa ra ý kiến cần thiết “cải tiến quản lý, phá vỡ lối hành chính, quan liêu, bao cấp thật mạnh mẽ”(3). Đó là những đóng góp thiết thực trong giai đoạn “tiền đổi mới” với tư duy vừa làm, vừa tìm tòi, vừa rút kinh nghiệm, góp phần từng bước hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới được thông qua từ Đại hội VI của Đảng.
Từ năm 1986, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tên tuổi của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những công trình lớn trên khắp mọi miền đất nước. Có những công trình mang tầm vóc thế kỷ như đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam. Trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn lớn về điện lực, nhất là khu vực Nam Bộ và Trung Bộ, ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước cũng chỉ dựa vào Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức có công suất nhỏ, do đó Thành phố phải luân phiên cắt điện 2 đến 4 ngày mỗi tuần. Trong khi đó, miền Bắc đã có năng lượng điện dư thừa nhờ các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình lần lượt phát điện. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam, khẩn trương xây dựng trong vòng hai năm (1992-1994).
Vào thời điểm đó, quyết định này đã gây nên những ý kiến nghi ngờ, phê phán, coi đó là một quyết định duy ý chí, phiêu lưu, mạo hiểm, gây lãng phí lớn, thậm chí gây hiểm họa… Thực tế, công trình đã trở thành một trong những biểu tượng của đổi mới, không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách về năng lượng điện mà còn trở thành xương sống của lưới điện quốc gia; giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thực hiện thành công về cơ bản chương trình điện khí hóa toàn quốc.
Việc xây dựng hệ thống hạ tầng thủy nông, giao thông, đê bao, cống điều tiết nước, tôn tạo các cụm và tuyến dân cư ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở hai vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, là hệ thống công trình cực kỳ quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được đồng chí Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo. Hàng chục vạn nông dân ở các vùng ngập lũ nhiều tháng trong năm đã ổn định cuộc sống ở các cụm, tuyến dân cư được tôn tạo; thay khẩu hiệu "chạy tránh lũ" bằng khẩu hiệu "sống chung với lũ". Nhờ được xây dựng nhanh và quyết liệt, ngày nay đồng bằng sông Cửu Long đã thực sự trở thành vựa lúa lớn của Việt Nam và thế giới.
Những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời gian đảm đương cương vị đứng đầu Chính phủ đối với quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới, nhất là chặng đường đầu đầy thách thức, khó khăn đã được quốc tế đánh giá cao. Hãng tin NHK Nhật Bản đánh giá: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao đại tài và là một kiến trúc sư ưu tú của tiến trình đổi mới Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường”(4).
Đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt về đổi mới tư duy đối ngoại, góp phần đưa đất nước thoát khỏi thế bao vây cấm vận, từng bước thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Từ cuối thập niên 70 thế kỷ XX, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt các thách thức bên trong và bên ngoài, khu vực và quốc tế, xử lý rất nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại phức tạp. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề Campuchia, một vấn đề nóng liên quan đến nhiều nước lớn và các nước trong khu vực. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Trung ương Đảng vạch ra các bước đi nhằm hiện thực hóa chủ trương "đa phương hóa, đa dạng hóa”, nỗ lực cao độ lãnh đạo Chính phủ phá bỏ thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch để chủ động hội nhập quốc tế.
Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, các nước XHCN trên thế giới tiếp tục lâm vào khủng hoảng toàn diện, trầm trọng, dẫn tới sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu năm 1989, 1990 và ở Liên Xô năm 1991. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã chủ trương đổi mới nhận thức về đối ngoại:“Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính đa dạng, đa cực đang trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia. Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và những lợi ích toàn cầu khác đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xử lý các mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên toàn thế giới”(5).
Với quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, từ năm 1992 đến đầu năm 1997, trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi thăm 34 nước trên thế giới và thăm Liên minh châu Âu (EU). Đến nước nào đồng chí cũng tạo được không khí thân thiện, hữu nghị và các nước đều sẵn sàng mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại theo đề xuất của Chính phủ Việt Nam.
Báo chí nước ngoài đánh giá: Ông Võ Văn kiệt là nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công du rộng rãi (kể từ chuyến thăm châu Âu trong những năm 1970 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Tại châu Âu cũng như châu Á, ông Kiệt đã mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại với nhiều quốc gia, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và viện trợ quốc tế cho Việt Nam. Là Thủ tướng của Việt Nam trong giai đoạn 1992-1997, giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của đất nước, trên tư cách Thủ tướng, ông là người đứng sau hậu thuẫn cho rất nhiều chính sách thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, mở rộng quan hệ thương mại và thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh(6).
Bạn bè quốc tế ghi nhận Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo tài năng, thân thiện, chân thành, rất đáng tin cậy. Thành quả quan hệ đối ngoại trên chặng đường này thể hiện rõ nét ở sự kiện tháng 7-1995 khi Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu. Đây là những sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, cùng với những cột mốc có ý nghĩa lịch sử khác như triển khai quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, một trong ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với một số nước công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Ôxtrâylia...
Những thành tựu đối ngoại kể trên đều có dấu ấn quan trọng cả về tư duy và hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ đây, Việt Nam không chỉ đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mà đã từng bước khẳng định vị thế trên chính trường quốc tế, từng bước theo lộ trình đàm phán để đưa đất nước gia nhập WTO, tạo cơ sở quan trọng tiếp tục hiện thực hóa chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu chung của nhân loại: Hòa bình, Độc lập và Phát triển.
2. Những giá trị đối với công tác xây dựng đội ngũ cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay
Xác định vai trò của cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.Với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”(7).
Nhìn lại sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, đặc biệt từ khi đồng chí đảm đương trọng trách lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH và đổi mới, đồng chí đã để lại những giá trị sâu sắc cho công tác xây dựng đội ngũ cấp chiến lược hiện nay.
Một là, đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng vềsự gắn bó với nhân dân, thực sự vì dân, tin dân, dựa vào dân để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Là người đã từng kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu và ác liệt nhất ở miền Nam, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ngay trong những năm đầy cam go, thử thách, đồng chí Võ Văn Kiệt có một lòng tin vững chắc vào sức sống, sức sáng tạo và bản lĩnh của mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam trước mọi khó khăn, thử thách của lịch sử. Đồng chí rất coi trọng việc đi sâu, đi sát thực tế ở địa phương, cơ sở và đời sống của nhân dân, coi tinh thần cơ bản của đổi mới là phát động phong trào dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, lắng nghe và tiếp thu từ thực tiễn những giải pháp, quyết sách để tháo gỡ những khó khăn tưởng như bế tắc của đất nước, đồng thời kiến tạo thế phát triển lâu dài cho từng địa phương, từng vùng lãnh thổ, cho các ngành kinh tế trên phạm vi cả nước.
Ngay cả khi rời khỏi mọi chức vụ trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đồng chí vẫn luôn trăn trở, suy tư vì dân, vì nước, thường xuyên đi các tỉnh để vừa thăm đồng chí, đồng bào, vừa nắm tình hình kinh tế - xã hội, kịp thời kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị về những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Đồng chí băn khoăn về những khuyết điểm nghiêm trọng trong Đảng chưa được khắc phục, nhất là sự tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Dù đã ở tuổi 86, đồng chí vẫn dự định tìm hiểu kinh nghiệm trị thủy và đối phó với nước biển dâng của Hà Lan, nhưng đồng chí đã đột ngột qua đời, mang theo nỗi khắc khoải về điều cuối cùng chưa kịp làm cho dân, cho nước.
Hai là, đồng chí là điển hình của lớp cán bộ trưởng thành từ cơ sở, từ lãnh đạo cấp xã cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ. Là người được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng, với khả năng trời phú, tác phong bình dị, cởi mở, biết lắng nghe ý kiến, thực lòng chiêu hiền, đãi sĩ… đồng chí đã cảm hóa, quy tụ giới văn nghệ sĩ, trí thức (kể cả những người khác chính kiến, đã từng tham gia chế độ cũ) tâm phục, tin theo, hết lòng cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã trở thành nhà lãnh đạo, một người bạn chân thành, tin cậy của các nhân sĩ, các vị chức sắc tôn giáo, trí thức, nhà văn, nhà báo và văn nghệ sĩ nói chung. Ở đồng chí có sức hút, quy tụ và sự lan tỏa kỳ lạ đối với mọi giai tầng. Đồng chí luôn lắng nghe, tin cậy mọi người và vì vậy mọi giới, mọi tầng lớp nhân dân đều quý trọng và mến yêu đồng chí.
Là một nhà lãnh đạo tiêu biểu của sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí quy tụ xung quanh mình sức mạnh đoàn kết tất cả các giai tầng vì sự phồn vinh của đất nước. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đi nhiều nơi, trái tim luôn rung động, nhạy cảm sâu sắc trước nỗi đau, nỗi lo riêng của con người, quan tâm giải quyết bằng nhiều hình thức với khả năng cao nhất của mình. Tác phong sâu sát, cụ thể, lòng nhân ái của đồng chí đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người, trong mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, đồng bào Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nêu cao tính tiên phong gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng, thương yêu đồng bào, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Ba là, đồng chí Võ Văn Kiệt biết cách tổ chức, lôi cuốn cả tập thể Chính phủ và hệ thống chính quyền cả nước, đề cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể, tấn công vào lề lối làm việc quan liêu, xa thực tiễn, xa dân, vốn là căn bệnh nặng nề trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung.
Đồng chí quyết định thành lập “Câu lạc bộ Giám đốc” ngay khi đang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội để nắm được tâm tư, nguyện vọng và tập hợp những người trực tiếp sản xuất, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đồng chí chỉ đạo thành lập Văn phòng công tác nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy, tập hợp, lôi cuốn được nhiều trí thức, trong đó có cả một số chuyên gia kinh tế đã từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn cũ. Cũng thời gian này, đồng chí chủ trương thành lập “Nhóm Thứ Sáu” tập hợp nhiều chuyên gia kinh tế giỏi, có tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, góp phần hình thành chủ trương giá, lương, tiền trong chặng đường đầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.
Một trong những quyết định mang phong cách làm việc sáng tạo của đồng chí Võ Văn Kiệt là quyết định về chế độ làm việc "ba ca" của Thường trực Chính phủ. Bên cạnh thời gian làm việc ngày hai buổi như thường lệ, đồng chí kiến tạo thêm "ca sáng sớm" (kết hợp với buổi ăn sáng). Đó là "ca" làm việc độc đáo, có hiệu quả, hiệu lực cao. Buổi làm việc này là dịp để Thủ tướng bàn hẹp với từng phó thủ tướng, các bộ trưởng chuyên ngành có liên quan và trong không ít trường hợp có sự tham dự của các chuyên gia chủ chốt am hiểu từng lĩnh vực. Đó là những buổi làm việc với không khí cởi mở, thẳng thắn, đầy tình đồng chí và cũng đầy tinh thần trách nhiệm.
Phong cách làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ quy tụ được trí tuệ tập thể, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội để tháo gỡ khó khăn trước mắt mà đã góp phần quan trọng cho Đảng, Nhà nước hình thành được những chủ trương, giải pháp đổi mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng cơ bản, chính đáng của nhân dân.
Bốn là, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện bản lĩnh,tính quyết đoán, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo cấp chiến lược. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nhận xét về đồng chí Võ Văn Kiệt là: người có kinh nghiệm, lại nhiều suy nghĩ, trăn trở với tình hình đất nước, luôn thẳng thắn. Đây là một trong những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Sự thể hiện bản lĩnh, có dũng khí, tính quyết đoán, biết tổ chức vận động phong trào quần chúng và tổ chức chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Võ Văn Kiệt trong đối nội cũng như đối ngoại đã để lại cho các thế hệ lãnh đạo hôm nay và mai sau những bài học quý giá. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: "Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình"(8).
Với vai trò của một người đi đầu trong tiến trình hoạch định và thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại trong những năm đầu đổi mới đầy bộn bề, thách thức, khó khăn, những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt đã được Đảng và Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đồng chí đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người đảm đương cương vị Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Chính phủ Việt Nam ghi nhận: “Đánh giá đúng mức và khách quan, thì trong các đời Thủ tướng của Việt Nam, kể cả tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều việc tốt nhất”(9).
Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn trăn trở vì dân, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình tìm tòi, hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đồng thời để lại những giá trị quan trọng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Học tập tấm gương của đồng chí Võ Văn Kiệt, thế hệ cán bộ hiện nay, nhất là cán bộ cấp chiến lược sẽ “đủ sức lãnh đạo đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(10) .
_________________
Ngày nhận bài: 10-11-2022; Ngày bình duyệt: 22-11-2022; Ngày duyệt đăng: 24-11-2022.
(1) Xem: Võ Văn Kiệt tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.202.
(2) Báo Tuổi trẻ, ngày 1-1-1985.
(3) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long: Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.98.
(4) Trương Công Giang: Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, http://baoquankhu4.com.vn/dat-va-nguoi-quan-khu-4/dia-danh-van-hoa/dau-an-thu-tuong-vo-van-kiet.html, truy cập ngày 23-11-2022.
(5) Thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9-8-1995.
(6) tulieuvankien.dangcongsan.vn: Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (hồi ký).
(7), (10) ĐCSVN: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.213, 213.
(8) Báo Nhân dân, 14-6-2008.
(9) Dẫn theo: Ông Sáu Dân trong lòng dân, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.51.
PGS,TS TRẦN THỊ THU HƯƠNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS TRẦN CAO NGUYÊN
Đại học Vinh