Đào tạo - Bồi dưỡng

Giải pháp đột phá trong chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

17/04/2025 16:56

(LLCT) - Nhân tài - những con người có năng lực vượt trội và tinh thần đổi mới - đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các thách thức lớn, từ quản lý phát triển xã hội, nghiên cứu khoa học cơ bản, phát triển công nghệ tiên tiến đến việc dẫn dắt quá trình chuyển đổi số toàn diện. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của nhân tài, hệ thống chính sách cần được cải thiện mạnh mẽ và đột phá, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển, cống hiến và sáng tạo. Bài viết bàn về các giải pháp đột phá trong chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các nhóm giải pháp đột phá này góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh kỷ nguyên số. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước mã số KX.04/21-25.

GS, TS NGUYỄN TUẤN ANH
GS, TS HOÀNG ANH TUẤN
ĐÀO THANH THỦY

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực hành thí nghiệm quy trình công nghệ tự động hóa. Ảnh: DUY TÌNH

1. Mở đầu

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự bùng nổ của công nghệ số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”(1). Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường thì việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là yêu cầu cấp bách.

Nhìn một cách tổng thể, các nghiên cứu đi trước đã mang lại những góc nhìn đa chiều về thu hút, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Bài viết này sẽ tập trung phân tích các giải pháp đột phá trong chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, góp phần xây dựng lực lượng nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Những giải pháp này không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn, xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

2. Nội dung

2.1. Giải pháp đột phá chính sách trong đào tạo nhân tài

Thứ nhất, xây dựng chính sách học bổng đặc biệt, toàn diện và cạnh tranh. Một trong những phương cách hiệu quả nhất để thu hút học sinh, sinh viên, học viên giỏi là cung cấp các gói học bổng đặc biệt, toàn diện và cạnh tranh, đáp ứng các nhu cầu học tập, nghiên cứu và sinh hoạt của người học. Việc thiết lập các học bổng tài năng đặc biệt, toàn phần với giá trị lớn, không chỉ bao gồm học phí mà còn hỗ trợ chi phí nghiên cứu, sinh hoạt và cả các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài là rất quan trọng. Điều này tạo điều kiện để sinh viên, học viên yên tâm học tập và nghiên cứu, phát triển tài năng. Học bổng này nên tập trung vào các lĩnh vực có tác động lớn đến sự phát triển quốc gia như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, y sinh học, công nghệ nano. Học bổng này cũng cần hướng đến khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên quốc tế. Cụ thể là chính sách học bổng này không chỉ nhắm đến học sinh, sinh viên, học viên trong nước mà còn cần mở rộng ra quốc tế, từ đó thu hút nhân tài từ các quốc gia khác đến Việt Nam học tập và nghiên cứu.

Thứ hai, chính sách tạo môi trường học thuật xuất sắc. Môi trường học thuật tiên tiến và sáng tạo là yếu tố cốt lõi để giữ chân học sinh, sinh viên, học viên giỏi. Mời gọi các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo là cách thức quan trọng để thu hút nhân tài. Chính sách thu hút cần chú trọng mức lương cạnh tranh, các gói hỗ trợ về nghiên cứu và điều kiện làm việc tốt. Một giải pháp quan trọng khác để tạo môi trường học thuật xuất sắc là phát triển đội ngũ giảng viên hiện có thông qua tổ chức các chương trình bồi dưỡng, trao đổi học thuật để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy và năng lực nghiên cứu của giảng viên.

Kết nối với chuyên gia quốc tế cũng là giải pháp quan trọng. Đây là cách thức nhằm khuyến khích hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với các chuyên gia nước ngoài để tạo môi trường học tập mang tính toàn cầu. Ngoài ra, môi trường học thuật xuất sắc trong nhiều lĩnh vực cần có các trang thiết bị, phòng thí nghiệm tiên tiến. Các lĩnh vực như vật lý, sinh học, hóa học, và kỹ thuật cần được trang bị các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại.

Thêm nữa, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy cũng thực sự cần thiết để tạo môi trường học thuật xuất sắc. Đó là việc sử dụng các công nghệ số, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo để tăng cường tính tương tác và hiệu quả trong học tập. Một giải pháp quan trọng nữa là xây dựng không gian học tập sáng tạo thông qua thư viện thông minh, phòng học sáng tạo, hoặc trung tâm nghiên cứu liên ngành, nơi học viên có thể tự do học hỏi và trao đổi. Đồng thời, điểm quan trọng của môi trường học thuật xuất sắc là cần tăng cường tài trợ cho các dự án nghiên cứu cho học viên sau đại học, khuyến khích họ tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế và công bố các nghiên cứu trên các tạp chí uy tín.

Môi trường học thuật xuất sắc không chỉ là nơi học viên tiếp thu kiến thức mà còn là không gian để họ khám phá, sáng tạo, và phát triển toàn diện. Với các chính sách đầu tư bài bản vào đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, văn hóa học thuật, và quốc tế hóa, Việt Nam có thể xây dựng một nền học thuật chất lượng cao, từ đó đào tạo nên những nhân tài có khả năng đóng góp cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.

Thứ ba, chính sách đổi mới chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo cần được thiết kế linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động và xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu. Chương trình đào tạo cũng cần được thiết kế linh hoạt để phù hợp với năng lực, sở thích, và mục tiêu của từng học viên. Các lộ trình học tập cá nhân hóa giúp phát huy tối đa tiềm năng của mỗi người, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo như khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Trong thời đại các vấn đề phức tạp đòi hỏi giải pháp đa chiều, đào tạo liên ngành trở nên cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, toán học có thể kết hợp với trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề dữ liệu lớn, hay sinh học và công nghệ nano có thể phối hợp trong lĩnh vực y học chính xác.

Đào tạo qua dự án cũng là giải pháp cần thiết của đổi mới chương trình đào tạo. Áp dụng phương pháp học tập dựa trên dự án (project-based learning) hoặc nghiên cứu (research-based learning), cho phép học viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Điều này không chỉ giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn rèn luyện khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Chương trình đào tạo cũng cần được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, hoặc tổ chức quốc tế để học viên có cơ hội thực tập và làm việc trong môi trường thực tế.

Ngoài ra, việc sử dụng các nền tảng học trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế tăng cường để tạo ra môi trường học tập hiện đại, tương tác cao là thực sự cần thiết. Thêm nữa, việc sử dụng công cụ phân tích dữ liệu học tập để theo dõi tiến độ và hiệu quả của học viên, từ đó cung cấp các gợi ý cá nhân hóa và tối ưu hóa quá trình đào tạo cũng cần được khuyến khích. Ngoài ra, việc đổi mới chương trình đào tạo cần chú trọng sử dụng giáo trình và tài liệu học tập quốc tế, kết hợp giảng dạy bằng nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Cùng với đó là việc xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, và nghiên cứu với các trường đại học và tổ chức quốc tế, tạo điều kiện để học viên tiếp cận với môi trường học tập đa văn hóa. Ngoài kiến thức chuyên môn, nhân tài cũng cần được trang bị tư duy sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai.

Thứ tư, chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một mạng lưới các yếu tố, bao gồm con người, cơ sở hạ tầng, chính sách và các tổ chức hỗ trợ, cùng hoạt động để thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Đối với quá trình đào tạo nhân tài, việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực, kích thích tư duy sáng tạo và giúp cá nhân đạt được thành tựu trong các lĩnh vực chiến lược.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng lực lượng nhân tài lớn mạnh trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với quốc gia

Các yếu tố và biện pháp chi tiết để phát triển hệ sinh thái này cụ thể như sau. Một là, thành lập các trung tâm sáng tạo tại các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc khu công nghệ cao, nơi học viên có thể tiếp cận các công cụ và tài nguyên cần thiết để thực hiện ý tưởng. Hai là, đầu tư vào các phòng thí nghiệm hiện đại với công nghệ tiên tiến để học viên tiến hành nghiên cứu thực nghiệm. Chẳng hạn các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hoặc vật liệu mới. Ba là, tạo ra không gian làm việc linh hoạt cho các nhóm học viên hoặc nhà nghiên cứu trẻ hợp tác phát triển ý tưởng. Bốn là, kết nối các ngành khoa học, kỹ thuật, và công nghệ để tạo cơ hội hợp tác liên ngành. Chẳng hạn, toán học và khoa học dữ liệu có thể kết hợp để phát triển các thuật toán học máy mới. Năm là, sử dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn và công nghệ blockchain để tăng cường khả năng sáng tạo và nghiên cứu. Áp dụng các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường vào giảng dạy và nghiên cứu để người học có thể tiếp cận với các tình huống thực tế phức tạp trong môi trường an toàn. Sáu là, phát triển các nền tảng trực tuyến để chia sẻ tài nguyên học thuật, tài liệu nghiên cứu và ý tưởng sáng tạo giữa các thành viên trong hệ sinh thái và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học, trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Nhìn một cách tổng thể, để thu hút học sinh, sinh viên, học viên giỏi theo học các lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt, để họ phát triển tài năng, để họ trở thành nhân tài, thì cần có sự kết hợp giữa các chính sách học bổng hấp dẫn, môi trường học thuật xuất sắc, chương trình đào tạo đổi mới. Đồng thời, việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Những chính sách này không chỉ giúp xây dựng lực lượng nhân tài lớn mạnh mà còn góp phần đưa Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng một nền kinh tế tri thức bền vững.

2.2. Giải pháp đột phá chính sách trong thu hút nhân tài

Một là, chính sách tài chính và đãi ngộ đặc biệt. Cơ chế lương thưởng cạnh tranh cần được thiết lập để cung cấp mức lương và phúc lợi ngang bằng hoặc hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, các gói tài chính linh hoạt dành cho các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài cần được triển khai, bao gồm: Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong 5-10 năm đầu làm việc; thưởng đặc biệt cho các chuyên gia đầu ngành khi tham gia các dự án chiến lược; cấp vốn hỗ trợ ban đầu hoặc trợ cấp hằng tháng để ổn định cuộc sống. Quỹ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng thực sự cần thiết để hỗ trợ cho các chuyên gia, nhà khoa học, và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài và quốc tế. Quỹ này có thể tài trợ trực tiếp cho các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp hoặc đổi mới công nghệ.

Hai là, chính sách về môi trường làm việc và phát triển. Xây dựng môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại là giải pháp quan trọng để tạo điều kiện làm việc với cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Bảo đảm cơ hội thăng tiến là giải pháp cần thiết để cung cấp lộ trình thăng tiến rõ ràng với các vị trí lãnh đạo tại các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có tài năng. Thúc đẩy hợp tác quốc tế là giải pháp thiết yếu để tạo cơ hội cho chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân hợp tác với các tổ chức, chuyên gia quốc tế, qua đó nâng cao giá trị của công việc tại Việt Nam.

Ba là, chính sách nhập cư và cư trú linh hoạt. Visa dài hạn và đơn giản hóa thủ tục là cần thiết để cấp visa lao động dài hạn từ 5-10 năm với thủ tục đơn giản nhằm thu hút nhân tài. Điều này cần được áp dụng cả cho gia đình của chuyên gia quốc tế. Thẻ cư trú đặc biệt cũng thực sự cần thiết để thu hút nhân tài quốc tế. Cần xây dựng chương trình "Thẻ nhân tài Việt Nam" cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài, với các ưu đãi như quyền cư trú dài hạn hoặc vĩnh viễn; miễn phí hoặc giảm phí làm việc, gia hạn visa; quyền sở hữu bất động sản và đầu tư tại Việt Nam. Thêm nữa, cấp quốc tịch dễ dàng cho các nhân tài quốc tế cũng là thực sự cần thiết để thu hút nhân tài. Chính sách này cũng nên tạo cơ chế để người Việt Nam ở nước ngoài giữ quốc tịch gốc, và đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho các chuyên gia và gia đình họ.

Bốn là, chính sách hỗ trợ gia đình và cuộc sống. Giải pháp chính sách này chú trọng giáo dục và chăm sóc sức khỏe để đảm bảo con em của nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế được học tại các trường quốc tế hoặc trường công lập với chính sách hỗ trợ học phí. Chính sách này cần cung cấp bảo hiểm y tế toàn diện cho chuyên gia và gia đình họ khi làm việc tại Việt Nam. Chính sách này cũng cần ưu tiên cung cấp nhà ở tại các khu đô thị hiện đại, tiện ích đồng bộ; hỗ trợ mua hoặc thuê nhà với giá ưu đãi và hỗ trợ văn hóa, hòa nhập cho gia đình chuyên gia nước ngoài.

Năm là, chính sách khuyến khích tham gia các dự án quốc gia. Chương trình “Trí tuệ Việt toàn cầu” cần được thiết lập để nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia các dự án khoa học, công nghệ và kinh tế chiến lược, như: Phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học; tư vấn, xây dựng chính sách kinh tế - xã hội; hợp tác với doanh nghiệp trong nước thông qua các mô hình đầu tư đổi mới sáng tạo. Thêm nữa, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và nhân tài người nước ngoài cần được ưu tiên đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong các chương trình lớn như khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp hoặc dự án quốc gia về chuyển đổi số.

Sáu là, chính sách xây dựng mạng lưới liên kết toàn cầu. Mạng lưới chuyên gia Việt Nam toàn cầu cần được thiết lập để tạo nền tảng kết nối giữa nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức trong nước, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, và phát triển. Thêm nữa, việc xây dựng mạng lưới liên kết toàn cầu nên chú trọng liên kết các trường đại học, viện nghiên cứu, và doanh nghiệp quốc tế để tạo ra môi trường làm việc đa văn hóa, hấp dẫn các chuyên gia nước ngoài.

Nhìn một cách tổng thể, chính sách đột phá để thu hút nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững. Với các cơ chế đặc thù như đãi ngộ tài chính hấp dẫn, môi trường làm việc hiện đại, chính sách cư trú linh hoạt và hỗ trợ toàn diện, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho nhân tài trên toàn thế giới. Việc thực hiện đồng bộ và nhất quán các chính sách này sẽ mở ra một tương lai phát triển mạnh mẽ và bền vững.

2.3. Giải pháp đột phá chính sách trong trọng dụng nhân tài

Thứ nhất, chính sách trao quyền tự chủ và trách nhiệm cao. Một trong những điểm then chốt của giải pháp đột phá chính sách trong trọng dụng nhân tài là giao nhiệm vụ trọng điểm cho các nhân tài. Nhân tài xuất sắc cần được trao quyền chủ trì những dự án lớn, nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, được quyền tự lựa chọn các lĩnh vực, dự án phù hợp với thế mạnh và đam mê cá nhân để đề xuất các hướng nghiên cứu hoặc giải pháp mới mà họ cho là có giá trị.

Nhân tài cần có toàn quyền quyết định trong phạm vi công việc, từ quản lý ngân sách, nhân sự đến phương pháp triển khai, tạo không gian để họ thể hiện năng lực lãnh đạo và tổ chức. Khi được trao quyền tự chủ, nhân tài có cơ hội sử dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình một cách hiệu quả nhất. Họ sẽ có động lực lớn hơn để đưa ra các sáng kiến, giải pháp đột phá mà không bị ràng buộc bởi các quy trình cứng nhắc. Tự chủ trong công việc khuyến khích nhân tài thử nghiệm các phương pháp mới, giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách tiếp cận sáng tạo. Khi chịu trách nhiệm trực tiếp với các nhiệm vụ hoặc dự án quan trọng, nhân tài có xu hướng làm việc nghiêm túc, tận tâm và cống hiến toàn lực.

Cùng với việc trao quyền tự chủ cho nhân tài, các cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể với nhân tài cũng cần được thiết lập để khuyến khích họ cống hiến hết mình, để giúp họ có định hướng và động lực làm việc. Kèm theo quyền tự chủ, nhân tài phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả công việc, bao gồm cả thành công và thất bại. Thêm nữa, hệ thống đánh giá minh bạch cần được triển khai để đảm bảo nhân tài hoàn thành trách nhiệm đã cam kết.

Thứ hai, chính sách định vị nhân tài ở các vị trí chiến lược. Việc định vị nhân tài ở các vị trí chiến lược là yếu tố then chốt để khai thác tối đa năng lực và sức ảnh hưởng của họ trong hoạch định, tổ chức, và triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia. Trước hết là đưa nhân tài vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, tổ chức nghiên cứu, và doanh nghiệp trọng điểm; ưu tiên bổ nhiệm các chuyên gia đầu ngành làm cố vấn chiến lược hoặc trưởng nhóm nghiên cứu trong các dự án công nghệ cao. Chính sách đột phá định vị nhân tài ở các vị trí chiến lược cũng cần chú trọng tạo cơ hội để nhân tài tham gia vào việc hoạch định chính sách lớn về kinh tế, khoa học, công nghệ và giáo dục; bảo đảm ý kiến và đóng góp của nhân tài được lắng nghe và thực hiện; đưa nhân tài vào các vai trò cố vấn cấp cao trong chính phủ, tổ chức, hoặc doanh nghiệp; bảo đảm nhân tài có tiếng nói trong việc định hướng chiến lược; khuyến khích nhân tài dẫn dắt và đào tạo thế hệ kế cận thông qua các chương trình cố vấn và hướng dẫn trực tiếp. Ngoài ra, chính sách này cũng cần tạo cơ chế để nhân tài chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng lãnh đạo trong các diễn đàn hoặc chương trình phát triển nhân tài và định vị nhân tài trong các vị trí kết nối quốc tế, như đại diện Việt Nam trong các tổ chức khoa học, công nghệ hoặc kinh tế quốc tế. Điều này tạo điều kiện để nhân tài tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế, từ đó mở rộng tầm nhìn và nâng cao giá trị của họ.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp và tôn vinh nhân tài. Chính sách này cần thiết kế lộ trình phát triển sự nghiệp của các nhân tài một cách minh bạch, với các cột mốc thăng tiến dựa trên năng lực và đóng góp của họ. Giải pháp chính sách này cũng cần cung cấp cơ hội để nhân tài chuyển đổi sang các lĩnh vực mới nếu họ mong muốn và tạo cơ chế để nhân tài nhận được sự hướng dẫn từ các cố vấn giàu kinh nghiệm. Thêm nữa, nhân tài cũng cần được hỗ trợ trong quá trình thực hiện công việc để họ được giải phóng khỏi gánh nặng hành chính. Giải pháp chính sách này cũng nên chú trọng tạo điều kiện để nhân tài trong nước làm việc, nghiên cứu và hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế thông qua việc xây dựng chương trình trao đổi, hợp tác nghiên cứu liên ngành với các trung tâm khoa học, công nghệ lớn trên thế giới. Giải pháp chính sách này cũng cần chú trọng việc ghi nhận công lao của nhân tài trong các báo cáo chính thức, hội nghị lớn, và trên các phương tiện truyền thông; đưa ra các cơ chế khen thưởng định kỳ, bao gồm cả tài chính cũng như những hình thức công nhận danh dự và công khai các thành tựu để tạo động lực, sự tự hào cho nhân tài.

Trao quyền tự chủ và trách nhiệm cao, định vị nhân tài ở các vị trí chiến lược, hỗ trợ phát triển sự nghiệp và tôn vinh nhân tài là những giải pháp chính sách đột phá trong trọng dụng nhân tài. Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá này, Việt Nam không chỉ giữ chân và trọng dụng hiệu quả nhân tài trong nước mà còn thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia khác, góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

3. Kết luận

Trong bối cảnh thế giới ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng lực lượng nhân tài lớn mạnh trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với quốc gia. Nhu cầu phát triển nhân tài trong các lĩnh vực then chốt đòi hỏi sự ra đời của các chính sách đột phá để thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài. Bài viết đề xuất các giải pháp đột phá chính sách trong đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Những đột phá chính sách này giúp phát huy nguồn lực con người nói chung, nguồn lực nhân tài nói riêng để xây dựng quốc gia thịnh vượng. Sự thành công của các đột phá chính sách này không chỉ được đo lường bằng những thành tựu khoa học, công nghệ, mà còn được thể hiện ở sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.

_________________

Ngày nhận bài: 28-3-2025; Ngày bình duyệt: 10-4-2025; Ngày duyệt đăng: 17-4-2025.

Email tác giả: xhhanh@gmail.com

(1) Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp đột phá trong chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
    POWERED BY