Giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội

26/04/2024 16:01

MẠC QUỐC ANH
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội

(LLCT) - Cùng với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng được coi trọng. Bài viết đưa ra một số giải pháp tăng cường giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay.

Giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Tạo lập môi trường và điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi để nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa_ Ảnh: IT

1. Mở đầu

Trong thời gian qua, môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển, hình thành những thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực hỗ trợ cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện ở những điểm yếu như: chiến lược, mục tiêu kinh doanh không rõ ràng, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác quản lý nguồn nhân lực yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Nhiều doanh nghiệp thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, hướng tới tối đa hóa lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích cộng đồng, gây thiệt hại cho môi trường tự nhiên. Kỹ năng quản lý và khả năng xử lý rủi ro, vượt qua khủng hoảng của một số doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai. Vai trò và lợi ích của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp được đặt quá cao, tạo khoảng cách lớn với nhân viên, chưa tạo được sự đoàn kết, gắn kết trong nội bộ. Tác phong làm việc ở nhiều doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, chưa bảo đảm kỷ luật, chưa tuân thủ các quy định về an toàn lao động...

2. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thủ đô Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng, vị trí, vai trò là “Trung tâm đầu não chính trị - hành chính” quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và các nước. Bộ Chính trị xác định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, “Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. Tầm nhìn đến năm 2045, “Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới”.

Như vậy, là Thủ đô của đất nước, Hà Nội có sứ mệnh rõ ràng trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, kết hợp các yếu tố truyền thống khác; vừa phát triển thủ đô, vừa là động lực phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền Thành phố Hà Nội đang hướng tới xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với chủ trương “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với tất cả mọi người và tổ chức tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của phong trào này là để những người tiêu dùng khi mua hàng hóa và dịch vụ của người kinh doanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều tin tưởng, vì ở đó chất lượng sản phẩm đúng như cam kết trong quảng cáo. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là tiền đề mở rộng phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, góp phần vào xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Một số đặc điểm cơ bản trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thành phố Hà Nội là: Một là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã từng bước nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Hai là, số lượng các chủ doanh nghiệp và thành viên ban lãnh đạo, người lao động tham gia vào các mô hình, lớp học có liên quan tới giáo dục văn hóa doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Ba là, hầu hết các doanh nghiệp đều đang từng bước xác định và khẳng định những giá trị cốt lõi liên quan tới văn hóa doanh nghiệp của mình.

2. Một số giải pháp tăng cường giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các cấp ủy ở Hà Nội cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc nâng cao công tác giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động nói chung và người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Điều này sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức và đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với động lực của người lao động, các chủ thể sẽ có sự hiểu biết thống nhất về bản chất và phương pháp giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên, người lao động, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này để kịp thời khắc phục tình trạng sơ sài, hình thức, lãng phí nguồn lực và thời gian.

Các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn để kịp thời đưa ra giải pháp. Giải quyết hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân. Chỉ đạo, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Cần phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng và nhân rộng những tập thể, cá nhân gương mẫu, có thành tích cao.

Đặt mục tiêu cụ thể và tập trung giúp đỡ, bồi dưỡng những lao động tiêu biểu giới thiệu với Đảng. Để tạo điều kiện cho người lao động được kết nạp vào Đảng, cấp ủy các cấp cần có phương án tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các quy định về xác minh lý lịch, phân công người hướng dẫn quần chúng đối tượng kết nạp Đảng cho phù hợp với đặc điểm riêng của doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đối với tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp, lãnh đạo công đoàn phải thường xuyên, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người lao động, đồng hành cùng người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách, phức tạp. Công đoàn chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật và các vấn đề liên quan đến lợi ích của người lao động như việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động tích cực…

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các chủ thể lãnh đạo, quản lý đối với hoạt động giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư có vai trò quan trọng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trên địa bàn cùng các cơ quan tuyên truyền ở địa phương. Đó là, vận động nhân dân, trong đó có người lao động sinh sống, lao động trên địa bàn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng lối sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn; vận động người lao động tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận và các đoàn thể tham gia phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hỗ trợ chính quyền và các cơ quan tuyên truyền khi có những tình huống “xấu”. Đặc biệt, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Nâng cao trách nhiệm của Công đoàn trong doanh nghiệp. Điều 15, Luật Công đoàn Việt Nam quy định Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ: “Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật…”  Như vậy, Công đoàn các cấp có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động. Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công đoàn cần phối hợp tốt với chủ doanh nghiệp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chế độ, chính sách đối với người lao động. Đối với việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong người lao động, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục các nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động như: Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; các nghị định quy định về mức lương tối thiểu, về dân chủ trong doanh nghiệp... Quan tâm theo dõi các sự kiện chính trị quan trọng trong và ngoài nước gắn với các vấn đề dư luận xã hội, người lao động quan tâm, gắn với nhu cầu, lợi ích của người lao động.

Hiện nay, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động. Mọi vấn đề từ điều kiện làm việc, thu nhập, nghỉ phép, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đều cần có tiếng nói trách nhiệm của Công đoàn. Công đoàn phải thực sự trở thành tổ chức đại diện cho quyền lợi chính đáng của đoàn viên, người lao động. Làm tốt việc này sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa doanh nghiệp.

Ba là, xây dựng lực lượng giáo dục đa dạng, đồng bộ, có đủ phẩm chất và năng lực tham gia hoạt động giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay, hệ thống tổ chức xây dựng các chương trình thông tin, giáo dục cơ bản về văn hóa doanh nghiệp đã được hoàn thiện và thống nhất từ cấp thành phố đến cấp xã. Tuy nhiên, đội ngũ báo cáo viên làm nhiệm vụ giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động vẫn chủ yếu là các báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Thành phố, cấp huyện và cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ số lượng và chất lượng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Vì vậy, cần xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ này.

Trước sự tăng nhanh về số lượng lao động, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và yêu cầu của tình hình hiện nay, việc kiện toàn, tăng cường tổ chức bộ máy, đội ngũ làm công tác văn hóa cần được quan tâm đặc biệt. Cấp ủy các cấp phải coi đây là lực lượng nòng cốt để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và định hướng thông tin trong lực lượng lao động các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần tập trung đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận, định hướng thông tin, giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động. Đề cao việc thực hiện chức năng này của các cấp công đoàn thành phố, quận, huyện và đặc biệt là công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn được thành phố quan tâm nên được bổ sung, mở rộng về số lượng và nâng cao chất lượng, đặc biệt là khả năng nắm bắt, hiểu biết hoàn cảnh, cuộc sống người lao động để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và thách thức mới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia và thực hiện nhiều hiệp định thương mại quốc tế hiện nay, đòi hỏi đội ngũ làm công tác giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động cần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng.

Trình độ của lao động các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội rất đa dạng, họ đến từ các địa phương khác nhau nên có những đặc điểm văn hóa khác nhau. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải có khả năng nắm bắt nhanh và nhạy bén tình hình để biết cách tác động phù hợp đến đối tượng mục tiêu, biết vận dụng các quy luật tâm lý, tình cảm; có tính sáng tạo, tài năng nghệ thuật, văn hóa, am hiểu thực tế, đời sống người lao động. Vì đối với quan chúng, quan trọng nhất là thuyết phục bằng hành động thực tiễn.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên, lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn cho đội ngũ này. Theo đó, trước hết họ phải là những người “có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối trung thành, dũng cảm chiến đấu và có trình độ chuyên môn tốt”, đặc biệt là những người hiểu rõ về tâm lý, đặc điểm của người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là, tạo lập môi trường và điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi để nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động không thể đạt được hiệu quả nếu không nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động Để tạo môi trường sống, làm việc thuận lợi và điều kiện giáo dục cho người lao động về văn hóa doanh nghiệp, cần phát huy vai trò của chủ doanh nghiệp.

Các cấp ủy, chính quyền, công đoàn, các cơ quan hữu quan ở địa phương cần thường xuyên gặp gỡ chủ doanh nghiệp và thông tin cho chủ doanh nghiệp về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chương trình, kế hoạch, quy hoạch lớn, liên quan, tác động đến phương hướng hoạt động của doanh nghiệp; các quy định về phát triển kinh tế, các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động... Có thể tổ chức hội nghị và mời chủ doanh nghiệp tham dự các buổi thông tin này. Điều này sẽ giúp thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp và từ đó thúc đẩy công tác giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động.

_________________

Ngày nhận bài: 20-3-2024; Ngày bình duyệt: 55-3-2024; Ngày duyệt đăng: 20-4-2024.

Tài liệu tham khảo

(1) Phạm Thị Tuyết:Văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh ngân hàng, Luận án tiến sĩ Đại học kinh tế quốc dân, 2011.

(2) Ngô Văn Thạo: Giải pháp, điều kiện thực hiện phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

(3) Trần Ngọc Thêm: Văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam, trong “Văn hóa doanh nhân: Lý luận và thực tiễn”, Hội Nhà văn, 2008.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hà Nội
    POWERED BY