ThS NGUYỄN THÙY LINH
ThS TÀO THANH HUYỀN
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(LLCT) - Ý thức dân tộc, lòng yêu nước là giá trị rất quan trọng đối với mỗi người dân trong việc xây dựng đất nước thành quốc gia phát triển, thịnh vượng, hòa bình, hạnh phúc trước những thách thức ngày càng gia tăng của toàn cầu hóa. Do đó, giáo dục ý thức dân tộc, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, có vai trò vô cùng quan trọng, cần được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống.
Giáo dục thế hệ trẻ về ý thức dân tộc, lòng yêu nước ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh mới - Ảnh:nguoiduatin.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(1).
Tuổi trẻ là lực lượng xung kích, hăng hái nhất, mạnh mẽ nhất của đất nước và họ là niềm hy vọng, là tương lai của Tổ quốc và của mỗi chúng ta. Thế hệ trẻ là đối tượng chủ yếu và quan trọng của giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc - nền tảng của đất nước vững mạnh và phát triển.
Theo dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 1/3 dân số trong độ tuổi lao động thuộc thế hệ trẻ, từ 15 đến 24 tuổi(2). Như vậy, người trẻ đang là một nhân tố quan trọng của thị trường lao động trong nước và là nhóm dân cư tiềm năng trước những thay đổi và phát triển của thị trường, công nghệ, kinh tế và xã hội.
1. Giáo dục thế hệ trẻ về ý thức dân tộc, lòng yêu nước ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh mới
Giáo dục ý thức dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào truyền thống lịch sử cha ông cho thế hệ trẻ, thanh thiếu niên là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hóa, quốc tế hóa với các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đa chiều, càng cần tăng cường thực hiện giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước trong thế hệ trẻ một cách bài bản, có hệ thống.
Ngày nay, hội nhập quốc tế là xu thế chủ đạo, giúp các nước giao lưu phát triển kinh tế, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển. Qua quá trình giao lưu kinh tế, các quốc gia học hỏi nhau được rất nhiều nhưng cũng từ đó mà khiến những đặc trưng, giá trị văn hoá truyền thống ở từng quốc gia, khu vực dần mai một. Thúc đẩy thế hệ trẻ hội nhập nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, để mỗi người vẫn là một hạt nhân của giá trị văn hóa dân tộc, và là một chủ thể trong việc lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới là một đòi hỏi cấp bách và lâu dài.
Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, đất nước ta đã đạt được thành tựu to lớn, nhiều lĩnh vực phát triển được thế giới đánh giá là kỳ tích. Đường lối đổi mới được mở ra từ năm 1986 mà điểm khởi đầu được xác định là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế đa thành phần, phát huy dân chủ trong kinh tế, vượt qua mọi thách thức, đặt ra tiền đề, cơ hội mới phát triển ngày càng cao của đất nước.
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có độ mở lớn trên thế giới. Cụ thể là sự gia tăng nhanh chóng của hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, ngày càng tràn lan trên thị trường, đến mức khó phân biệt được xuất xứ của hàng hóa. Thậm chí, người dân cũng quen dần với hàng hóa gắn mác sản xuất tại Việt Nam nhưng mang tên thương hiệu quốc tế, thương hiệu nước ngoài; sản phẩm sản xuất trong nước cũng không phân biệt được là của doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đường lối đổi mới đã đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao đáng kể. Từ một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới, hàng năm một bộ phận nhân dân thiếu trầm trọng lương thực và các nhu yếu phẩm cho cuộc sống, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động, là quốc gia xuất khẩu hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản và đóng góp tích cực vào quá trình toàn cầu hóa. Uy tín và vị thế quốc gia dân tộc được nâng cao trên trường quốc tế.
Song hành với hội nhập về kinh tế là hội nhập về văn hóa, đó là quy luật tất yếu. Những tác động ở các mức độ khác nhau, cường độ khác nhau từ nhỏ tới lớn của toàn cầu hoá lên ý thức của người trẻ hiện nay, cả về ý thức dân tộc, văn hóa là không thể phủ nhận. Trên thực tế, sự du nhập của các giá trị văn hóa nước ngoài vào Việt Nam đã có sự thâm nhập vào đời sống, làm cho đời sống văn hóa sinh động hơn, đa dạng hơn và tác động đáng kể đến lối sống, cách suy nghĩ và tác phong lao động, học tập của giới trẻ. Sự xâm nhập đó đương nhiên xâm lấn, thay thế phần nào văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là đời sống sinh hoạt văn hóa ở thế hệ trẻ.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng khoa học công nghệ đưa lại cơ hội to lớn và bình đẳng cho các quốc gia dân tộc, song cũng đặt các quốc gia phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, kéo theo sự suy giảm trong tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều người trẻ dễ mất phương hướng hoặc trở nên ích kỷ hơn, họ không còn quan tâm đến những mục tiêu chung của tập thể mà thu mình lại trước việc tiếp cận những điều mới từ xã hội. Kết quả là, nhiều người trẻ thờ ơ, bàng quan trước sự phát triển của đất nước mình.
Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hóa cởi mở dễ dàng tiếp nhận các giá trị văn hóa từ bên ngoài du nhập vào. Song, các giá trị văn hóa truyền thống có sự bền chặt trên nền tảng là chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính cố kết cộng đồng. Bởi vậy, nền văn hóa dân tộc không bị mai một hay đồng hóa dù qua hàng nghìn năm Bắc thuộc; nhiều chục năm bị cai trị bởi thực dân, đế quốc phương Tây với chính sách văn hóa thực dân, cố tình áp đặt vào những sản phẩm văn hóa tư sản.
Song, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập về văn hóa luôn có tác động đa chiều, cả những giá trị tiến bộ, tích cực và những phản tiến bộ, tác động tiêu cực, dẫn đến những hiệu ứng xã hội khác nhau cho đất nước. Hậu quả tác động tùy thuộc chủ yếu vào cách tiếp cận, sàng lọc.
Mặt tích cực là toàn cầu hoá có thể cung cấp góc nhìn phong phú, đa diện, làm gia tăng sự hiểu biết, mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, trong khi khía cạnh tiêu cực là tác động của hội nhập văn hóa trong toàn cầu hóa có thể làm suy yếu tinh thần quốc gia và mai một sự tồn tại của bản sắc văn hóa từng đất nước. Do đó, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc ở người trẻ là vô cùng quan trọng, giúp duy trì các giá trị văn hóa của đất nước ta, bất chấp sự xâm nhập của các giá trị văn hóa từ bên ngoài.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và những mục tiêu, yêu cầu mới, nội dung giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cần thay đổi, tập trung giáo dục thế hệ trẻ về tri thức văn hóa truyền thống dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc, nhận thức rõ giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời khuyến khích sự tự hào và lòng yêu nước sẽ góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết và phát triển bền vững. |
Xã hội phát triển với các cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ đã làm thay đổi gần như mọi chiều cạnh của cuộc sống con người, bao gồm cả hoạt động và ứng xử, cũng như ý thức về chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc dễ dàng kết nối với khắp thế giới, tiếp cận các nguồn thông tin, hàng hóa ở mọi nơi, mọi lúc vô hình trung đã xóa nhòa ranh giới vật lý khiến người ta nghĩ rằng mình là “công dân toàn cầu”, thay vì một tiềm thức quan trọng bậc nhất là mình là một công dân của một quốc gia nhất định.
2. Giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước là làm giàu tri thức, tâm hồn và khát vọng cho giới trẻ và trực tiếp tạo nên sức mạnh quốc gia, dân tộc
Ý thức về dân tộc, đất nước tồn tại bên trong mỗi người vì chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa bằng tinh thần dân tộc, đề cập đến những điểm tương đồng cơ bản của truyền thống, bao gồm huyết thống hoặc dòng dõi, nguồn gốc dân tộc, khu vực địa lý, đức tin và ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa.
Giai đoạn đầu phát triển của chủ nghĩa dân tộc có thể được hiểu là một trạng thái tâm lý biểu hiện dưới hình thức một cá nhân hoàn toàn trung thành với nhà nước, đất nước của họ.
Nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, những tác động tích cực của hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, nền độc lập hòa bình của đất nước đã tạo nên môi trường thuận lợi cho việc học tập, sáng tạo và phát triển toàn diện của thế hệ trẻ trên quê hương, nhiều người trẻ được đi học tập tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Trong bối cảnh khoa học và tri thức ngày càng có tầm quan trọng to lớn, người trẻ dần trở thành lực lượng lao động quan trọng, là một phần tất yếu của cuộc sống, phát triển và hạnh phúc của mỗi người, sự thịnh vượng của các quốc gia dân tộc.
Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay là thế hệ được thụ hưởng thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, có trình độ khoa học và tri thức, sự giác ngộ và cách nhìn, trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức mới,.. họ là niềm tự hào và tương lai của đất nước.
Tuy vậy, hiện tại, chủ nghĩa dân tộc cũng như ý thức về tình yêu đất nước ở người trẻ đang có biểu hiện suy giảm. Thái độ, tình cảm với các sản phẩm văn hóa của dân tộc và văn hóa nước ngoài trong thanh niên ngày nay thậm chí không có ranh giới rõ ràng, đôi khi còn có tâm lý đề cao văn hóa nước ngoài hơn.
Trong giáo dục ý thức dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ, cần đặc biệt quan tâm đến biểu hiện hành vi của họ. Ví dụ, giới trẻ Việt Nam nói riêng hay châu Á nói chung hiện đang đam mê văn hoá nhạc Hàn Quốc sẽ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho các mặt hàng nhập khẩu như đĩa hát Hàn Quốc và phụ kiện liên quan tới thần tượng. Hệ quả là sự xuất hiện một làn sóng lớn về thay đổi ngoại hình của người trẻ sang phong cách Hàn Quốc hoặc phương Tây, điều này diễn ra ở một bộ phận thanh thiếu niên, bao gồm cả những người sống ở các vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Sức mạnh của một đất nước, một quốc gia, bên cạnh các chỉ số truyền thống, còn được xác định bởi trình độ phát triển khoa học công nghệ, tri thức, học vấn và chất lượng cuộc sống của người dân. Một quốc gia coi trọng khoa học, tri thức, văn hóa là một quốc gia có triển vọng, giàu mạnh và văn minh và những chân trời mới của sự phát triển rộng mở. Sự phát triển của tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của một quốc gia và mức sống của người dân, trên hết, phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và tính chuyên nghiệp của con người trong xã hội.
3. Sự đòi hỏi đổi mới nội dung, cách thức giáo dục
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và những mục tiêu, yêu cầu mới, nội dung giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cần thay đổi, tập trung giáo dục thế hệ trẻ về tri thức văn hóa truyền thống dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc, nhận thức rõ giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời khuyến khích sự tự hào và lòng yêu nước sẽ góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết và phát triển bền vững.
Giáo dục ý thức dân tộc cũng như khơi dậy tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ không phải là điều dễ dàng. Cách thức giáo dục cần không ngừng đổi mới cho phù hợp. Cụ thể, đối với đối tượng học sinh, sinh viên cần lồng ghép giáo dục ý thức dân tộc vào chương trình học tập kiến thức và hoạt động ngoại khóa.
Giáo dục ý thức dân tộc không chỉ đơn thuần là việc học về dân tộc trong sách vở, mà cần tạo ra những trải nghiệm thực tế và kết hợp với các hoạt động thực tế trong xã hội. Việc tìm hiểu và tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống và các dự án cộng đồng sẽ giúp học sinh và sinh viên hiểu rõ hơn về quê hương, tinh thần dân tộc và trở thành công dân tích cực và trách nhiệm.
Các nhà giáo dục cần định vị vai trò quan trọng của mình trong việc truyền tải ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ. Cần thiết phải xây dựng môi trường giáo dục mở, khuyến khích thảo luận, trao đổi và đánh giá một cách tự do để học sinh, sinh viên có cơ hội thể hiện ý kiến của mình về vấn đề dân tộc và quốc gia. Qua việc lồng ghép giáo dục ý thức dân tộc trong chương trình học tập và hoạt động xã hội, thế hệ trẻ sẽ phát triển nhận thức, tình cảm và hành vi tích cực đối với dân tộc và quê hương.
Thế hệ trẻ Việt Nam được chứng kiến nhiều đổi thay, phát triển tiến bộ của đất nước và họ cũng chính là nhân tố đóng góp trực tiếp vào sự đổi mới, vươn lên của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đóng góp vào tiến trình hội nhập và lan tỏa giá trị văn hoá dân tộc ra thế giới. Song, hội nhập sâu rộng cũng làm cho ranh giới giữa các quốc gia tưởng như bị xóa nhòa và phần nào ảnh hưởng tới tinh thần dân tộc của người trẻ. Điều này không chỉ đối với Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới.
Kinh nghiệm của thế giới phát triển đã chứng minh rằng, chính sự quan tâm đến khoa học và giáo dục, đến tinh thần tự tôn và văn hoá dân tộc đã khiến người trẻ trở thành những người tiên phong trên trường quốc tế.
Để hỗ trợ và khuyến khích những người trẻ có tài năng và học thức, yêu nước và tự giác, Nhà nước cần tạo mọi điều kiện và cơ hội cần thiết để tuổi trẻ được phát triển hơn nữa và lan tỏa lòng tự tôn dân tộc ra thế giới. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, động lực của xã hội và nguồn lực chiến lược của đất nước.
4. Khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ
Hội nhập và phát triển mở ra cơ hội để khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Giới trẻ ngày nay là một phần của nền văn hóa thanh niên toàn cầu được liên kết, kết nối với nhau bằng văn hoá nghệ thuật: âm nhạc, phim ảnh, thời trang và công nghệ. Các quan niệm truyền thống về biên giới, quốc gia có những điều không còn phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, những biểu hiện của lòng yêu nước không thực sự mạnh mẽ ở những người trẻ Việt Nam được sinh ra ở nước ngoài hoặc không thực sự được trải nghiệm sâu sắc nền văn hoá Việt Nam cũng là điều có thể lý giải được.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ thường dẫn đầu và đáp ứng tốt với những thay đổi xung quanh. Nhận thức được nhân khẩu học và thái độ hiện tại của thế hệ trẻ là rất quan trọng, vì những đặc điểm này sẽ giúp chúng ta kết nối họ khi họ lớn lên. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta cần tích cực quan tâm và đầu tư cho thế hệ trẻ để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của yêu nước và tự tôn dân tộc.
Trong quá trình phát triển của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và định hình phong cách sống, tư tưởng và trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam. Trong đó, sinh viên là những thanh niên ưu tú, giàu tri thức và sáng tạo với ước mơ và hoài bão lớn. Họ là những người đứng trước cánh cửa của tri thức và học vấn, đã và đang trang bị cho mình kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Sinh viên Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ, có khả năng sáng tạo và đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng kinh tế, xã hội và văn hóa cho tương lai. Họ cũng là thế hệ tiếp tục xây dựng và bảo vệ những giá trị truyền thống và cách mạng, đồng thời tham gia vào các hoạt động xã hội, vì lợi ích của cộng đồng và đất nước. Đồng thời, sự đoàn kết, sáng tạo và nhiệt huyết của sinh viên tạo nên sức mạnh và sự phát triển của quốc gia.
Trong thời gian qua, các cấp Đoàn, Hội Thanh niên ở các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước đã quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên. Nội dung phương thức hoạt động của các tổ chức thanh niên ngày càng đa dạng, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tế và nguyện vọng của tuổi trẻ.
Các phong trào thanh niên lôi cuốn tuổi trẻ rèn luyện và phát triển một cách toàn diện, tập trung vào học tập kiến thức và đề cao nhân cách, giá trị đạo đức. Thanh niên được khuyến khích tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, rèn luyện kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo và trách nhiệm công dân. Đoàn, Hội các cấp chủ động tổ chức nhiều hoạt động để thanh niên học tập, rèn luyện, nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Việc tư vấn, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên cũng được nâng cao.
Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, kinh tế - xã hội đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra và nhấn mạnh vẫn đang tồn tại, đó là sự tụt hậu về kinh tế so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cũng như nguy cơ “diễn biến hòa bình” từ các thế lực thù địch. Trong khi đó, một số người trẻ thờ ơ trước những thách thức, khó khăn của đất nước và một số khác bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Một bộ phận người trẻ thiếu ý thức rèn luyện lập trường chính trị; sống ích kỷ, thực dụng, theo xu hướng tiêu cực. Không những vậy, phong trào thanh niên ở một số nơi chưa được triển khai hiệu quả. Một số tổ chức Đoàn, Hội thanh niên ở cơ sở; công tác định hướng dư luận trong tuổi trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Các hoạt động thúc đẩy tạo môi trường thuận lợi cho than niên học tập, lao động sáng tạo chưa có sự đột phá trong việc khơi dậy sức mạnh và tiềm năng của họ. Hơn nữa, vai trò của Đoàn, Hội thanh niên ở một số địa phương, đơn vị còn mờ nhạt. Cách thức hoạt động của nhiều tổ chức đoàn, hội thiếu sáng tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng và đa dạng của thanh niên.
Những thách thức thực tế đó đặt ra đòi hỏi Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để định hướng và đồng hành cùng thanh niên trong việc rèn luyện kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội; tham gia các hoạt động tình nguyện, sáng tạo, hội nhập và nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Một điều quan trọng là phải khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên, khuyến khích họ rèn luyện, giữ vững lập trường chính trị vững vàng thông qua các chương trình hữu ích và xây dựng hệ thống hỗ trợ thanh niên học tập, nghiên cứu, lao động, làm chủ công nghệ và ngoại ngữ. Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên cần đổi mới phong trào thi đua theo hướng đáp ứng nhu cầu chính đáng của tuổi trẻ. Lãnh đạo các cấp, các ngành, các trường học cần phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên mở rộng hoạt động.
Yêu nước là trách nhiệm của tất cả mọi người sống trong một quốc gia. Người dân mỗi quốc gia dân tộc luôn mang tinh thần yêu nước và người trẻ là một bộ phận quan trọng. Để khơi dậy tình yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam, cần làm ngay từ những hoạt động nhỏ nhất, và cần bắt đầu từ sớm nhất bởi một hạt giống sẽ phát triển thành một cây to lớn chỉ khi nó được chăm sóc đúng cách ngay từ đầu. Trong đó, một số định hướng nhằm khơi dậy lòng yêu nước trong tuổi trẻ Việt Nam ngày nay là:
1. Nâng cao vai trò to lớn của những người thầy trong việc nuôi dưỡng lòng yêu nước trong tuổi trẻ. Nếu ngay từ đầu các thầy cô giáo dạy học sinh giá trị của độc lập tự do, sự hy sinh của các thế hệ để có được cuộc sống trong đất nước tự do hôm nay, thì không ai không quý trọng độc lập, tự do của đất nước, tự hào với dân tộc mình.
2. Cùng với thày cô giáo, các bậc cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy, tình cảm của trẻ. Cách nhìn nhận của cha mẹ đối với yêu nước, tự do sẽ được thể hiện rõ rệt ở con cái của họ. Vì vậy, điều quan trọng là các bậc cha mẹ phải coi trọng giáo dục giá trị của độc lập, tự do, chỉ khi đó con cái của họ mới học được tầm quan trọng của nó.
3. Thanh niên Việt Nam, thay vì đi học ở nước ngoài và không trở về, hãy cùng nhau đầu tư kiến thức cho đất nước, đóng góp cho sự phát triển tiến bộ của đất nước. Hằng ngày lao động và chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước sẽ ngày càng khiến chúng ta yêu nước và gắn bó hơn.
4. Các hoạt động truyền thông về yêu nước, tự tôn dân tộc cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nước ta có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm quan trọng và đấy chính là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam anh hùng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm, chiếu phim, kể chuyện và xen lẫn vào hoạt động của trường học sẽ làm phong phú thêm bài giảng và khiến người học thích thú với lịch sử nước nhà, từ đó thêm phần yêu nước.
Phim ảnh là một trong những cách phổ biến để khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Một bộ phim yêu nước hay có thể khơi dậy tình yêu và lòng tự hào, khuyến khích mọi người đứng về phía đất nước của họ, và củng cố ý thức dân tộc. Để khơi gợi cảm xúc của khán giả và nâng cao lòng yêu nước, việc lựa chọn diễn viên là điều cơ bản và là một bài toán khó đối với các nhà sản xuất phim.
5. Vai trò của Đoàn Thanh niên là vô cùng quan trọng. Đoàn như người bạn, người thân và người đồng hành không thể thiếu của tuổi trẻ, giúp định hướng người trẻ với tinh thần tích cực, yêu nước nồng nàn.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều xu hướng đã tác động và làm xói mòn ý thức về chủ nghĩa dân tộc của thế hệ trẻ. Điều dễ nhận thấy trong đời sống văn hóa hiện nay, nhiều người trẻ chưa nhận thức đúng giá trị nền văn hóa Việt Nam, giá trị truyền thống yêu nước, nên thiếu tự tin, tự hào dân tộc trong giao lưu văn hóa.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã làm thay đổi mọi khía cạnh của đời sống xã hội, bao gồm cả hoạt động và ứng xử, ý thức về dân tộc, lòng tự hào, tự tin dân tộc, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ. Thiếu bản lĩnh và hạn chế về nhận thức, trong giao lưu, hội nhập sẽ bị choáng ngợp trước những điều mới mẻ, không định vị được vị thế của bản thân, thiếu tình yêu đất nước và niềm tự hào về nền văn hóa dân tộc mình. Chính vì vậy, mỗi người cần nuôi dưỡng tâm hồn và cùng nhau chia sẻ về lịch sử, hiện tại và tương lai, niềm tự hào, tự tôn dân tộc để thêm yêu nước và vững vàng trong hội nhập, giao lưu và ngay trong cuộc sống thường ngày.
_________________
Ngày nhận bài: 19-7-2023; Ngày bình duyệt: 22-7-2023; Ngày duyệt đăng: 28-9-2023.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.51.
(2) PwC, 2021, Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số.