Hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh và những vấn đề cần chú ý trong hệ thống chính trị Việt Nam

26/07/2023 13:01

(LLCT) - Hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh ra đời cùng với sự hình thành và phát triển của xã hội tư bản. Sự phân quyền, cơ chế kiềm chế, đối trọng giữa các đảng đã tạo động lực, sự năng động trong hoạt động chính trị, nhưng cũng bộc lộ rõ những hạn chế và giới hạn không thể vượt qua do chính từ sự phân tán, chia rẽ, lãng phí nguồn lực và vấn đề chuyên chế của đa số. Từ góc độ tham chiếu với hệ thống chính trị một đảng cộng sản cầm quyền, hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay cần tập trung hoàn thiện: tính tiền phong, gương mẫu, tính đại diện lợi ích, tính khoa học, hợp lý trong thực thi và kiểm soát quyền lực, mở rộng dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh và những vấn đề cần chú ý trong hệ thống chính trị Việt Nam

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - Ảnh: hanoi.org.vn

1. Cơ sở khách quan của quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị  

Con người sống với nhau thành xã hội dẫn tới hình thành và phát sinh các tranh chấp và xung đột giữa các cá nhân, các nhóm và lực lượng nhất định. Để có thể giải quyết được các tranh chấp và xung đột nhằm duy trì ổn định cuộc sống của cá nhân và môi trường xã hội, quyền lực chung (quyền lực công) được thiết lập và tổ chức thực hiện, dần hình thành nên nhà nước.

Khi nhìn nhận quá trình này, Ph.Ăngghen cho rằng, sự hình thành nhà nước không phải là một hành vi thỏa thuận mà thực chất là quá trình chiếm đoạt và tổ chức quyền lực công của bộ phận giàu có trong xã hội. Quyền lực công được hình thành để một cộng đồng có thể phối hợp hoạt động với nhau, duy trì trật tự chung, điều hành hoạt động chung và bảo vệ cộng đồng khỏi sự xâm hại từ bên ngoài.

Trong thời kỳ thị tộc, quyền lực công được thiết lập dựa trên trách nhiệm, bổn phận phải giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau của các thành viên thị tộc: “Để đảm bảo an toàn cho bản thân mình, mỗi cá nhân đều dựa vào sự bảo hộ của thị tộc và đã có thể dựa như thế; ai xúc phạm đến một cá nhân trong thị tộc là xúc phạm đến toàn thể thị tộc”(1).

Khi xã hội phát triển dẫn tới phân công lao động và phân chia giai cấp, giai cấp những người giàu có nhất của xã hội có ưu thế trong việc nắm giữ và thực thi quyền lực công. Do đó, họ có thể sử dụng quyền lực công để thực hiện mục đích, quyền lợi của mình và của giai cấp mình. Nhà nước được thiết lập để điều hòa, giải quyết mâu thuẫn giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp có tính chất đối kháng trong xã hội, nhằm tránh các giai cấp tiêu diệt lẫn nhau và đổ vỡ xã hội. Sự chuyển đổi từ quyền lực công thành quyền lực nhà nước chính là sự tha hóa của quyền lực công. Quyền lực công từ chỗ là quyền lực chung của cộng đồng xã hội, phục vụ cho lợi ích chung của xã hội đã trở thành quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị, thực thi lợi ích cho giai cấp, lực lượng cầm quyền và thực hiện ở mức độ nhất định những lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Từ đó, nhà nước được cho là trọng tài phân xử tranh chấp, xung đột giữa các cá nhân, lực lượng trong xã hội; bảo đảm công bằng, công lý; duy trì hòa bình, ổn định và phát triển xã hội.

Như vậy, quyền lực nhà nước từ chỗ thuộc về nhân dân đã được giai cấp, lực lượng cầm quyền sử dụng để quản lý nhân dân, thống trị xã hội. Nói cách khác, nhà nước “nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội”(2). Trong xã hội có giai cấp, quyền lực nhà nước mang bản chất giai cấp. Với bản chất này, các giai cấp, lực lượng cầm quyền luôn tạo dựng các giá trị, hệ tư tưởng nhằm bảo vệ tính chính đáng của nhà nước, bảo vệ sự cầm quyền của mình.

Dân chủ hóa là xu thế tất yếu. Do vậy, các xã hội hiện đại ngày nay đều khẳng định nguồn gốc của quyền lực nhà nước là từ nhân dân. Nhà nước là cơ quan đại diện thực thi quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy quyền và vì lợi ích của nhân dân. Việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng của hiến pháp và pháp luật, với sự đồng thuận của nhân dân. Theo đó, các cá nhân trong xã hội đều có quyền tự do, bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do bầu cử, ứng cử tham gia vào bộ máy nhà nước, quyền giám sát và ràng buộc một nhà nước có trách nhiệm.

Để sự tham gia chính trị và sự tương tác của các cá nhân, tổ chức, lực lượng trong xã hội với nhau và với nhà nước ổn định, trật tự, duy trì các tương tác, quan hệ có lợi và ngăn chặn, loại bỏ những tương tác có hại, các thiết chế, cơ chế và mối quan hệ giữa các chủ thể quyền lực chính trị được thiết lập một cách hệ thống.

Trên thực tế, đã có nhiều kiểu hệ thống chính trị (HTCT) được tổ chức và hoạt động tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể và mục tiêu chính trị của mỗi quốc gia, trong đó HTCT đa đảng cạnh tranh được tổ chức ở hầu hết các nước tư bản phát triển. Tổ chức và hoạt động của hệ thống này dựa trên nguyên tắc tự do cạnh tranh cầm quyền giữa các đảng chính trị.

2. Những ưu điểm và hạn chế, giới hạn của hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh

Những ưu điểm

Đánh giá cấu trúc tổ chức và hoạt động của nhà nước tư sản, C.Mác khẳng định, nó tiến bộ trên nhiều mặt so với các nhà nước trước đó: “ở đây sự tự do cạnh tranh ngự trị không giới hạn trên mọi lĩnh vực cuộc sống và nói chung chỉ còn lại một quyền lực chính phủ tối thiểu, cần thiết cho toàn bộ giai cấp tư sản nhằm bảo đảm cho những lợi ích chung của nó trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại và điều khiển được các công việc chung của nó; nhưng cái quyền lực chính phủ tối thiểu đó phải được tổ chức một cách hợp lý và tiết kiệm nhất”(3).

HTCT đa đảng cạnh tranh thể hiện những giá trị cốt lõi mà giai cấp tư sản định hình cho xã hội. Việc bảo đảm tự do cá nhân, tự do thành lập hiệp hội, tổ chức chính trị để tham gia cạnh tranh trong bầu cử vào các vị trí quyền lực và cầm quyền theo quy định của hiến pháp, pháp luật - ở một mức độ nhất định - đã tạo nên sự bình đẳng, quyền tự do của các cá nhân trong hoạt động chính trị, từ đó tạo dựng tính chính đáng quyền lực cho giai cấp cầm quyền từ sự ủy quyền của dân thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh tự do.

HTCT đa đảng cạnh tranh cũng tạo được động lực, sự năng động, tích cực của các đảng chính trị trong việc tìm tòi, đổi mới cương lĩnh, chính sách cũng như cách thức tổ chức, hoạt động và chất lượng đội ngũ lãnh đạo của đảng, với mục tiêu quan trọng nhất là hướng tới cử tri, thu hút phiếu bầu của họ để thắng cử và thực thi quyền lực nhà nước. Sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị trong bầu cử khi được quản trị tốt còn tạo diễn đàn cho sự cọ xát, tranh luận về các mục tiêu, định hướng chính sách giữa các đảng, mang lại góc nhìn đa chiều, nhiều khía cạnh về các vấn đề của quốc gia trong nhận thức của giới lãnh đạo chính trị và của cả cử tri. Sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị cũng đem lại cho cử tri có các lựa chọn riêng từ các đảng cạnh tranh và các định hướng chính sách.

Cùng với sự phát triển của phân công lao động xã hội theo hướng chuyên môn sâu để tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, việc phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước trong HTCT đa đảng cạnh tranh cũng thể hiện sự hợp lý, khách quan theo tính chất hoạt động của các loại quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực, một mặt giúp phân định rõ thẩm quyền, phạm vi tác động và trách nhiệm của các chủ thể quyền lực, mặt khác nhằm “kiềm chế - đối trọng”, hạn chế sự lấn sân, lạm dụng quyền lực giữa các nhánh quyền lực với nhau. 

Những hạn chế và giới hạn

Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ và hợp lý, song HTCT đa đảng cạnh tranh có những vấn đề và giới hạn không thể vượt qua. HTCT đa đảng cạnh tranh được hình thành dựa trên nền tảng tư tưởng của giới tinh hoa tư sản, ưu tiên tự do cá nhân và trật tự đẳng cấp xã hội. Trên nền tảng này, cấu trúc thể chế, phân bổ quyền lực và luật lệ của HTCT đa đảng cạnh tranh được thiết kế và hoạt động để duy trì và bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, những người giàu có trong xã hội. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng đó là pháp luật của chủ nghĩa tư bản vốn đã chuyển tải trật tự, công bằng và lợi ích theo trật tự giai cấp. Sự bình đẳng hình thức trước pháp luật này đã được Gian Giắc Rútxô phê phán là không bảo đảm được tự do của con người, một khi nghèo quá phải bán mình để sinh tồn và những kẻ giàu có thể mua đứt tự do của người khác(4).

Trong hệ thống này, có tự do cạnh tranh giữa các đảng chính trị vào các cơ quan nhà nước, công dân đều có quyền tự do ứng cử và bầu cử, nhưng các quy định về điều kiện thực tế dẫn tới sự cạnh tranh chỉ là giữa các đảng chính trị lớn, những đảng đại diện cho các lực lượng có nguồn lực, ưu thế trong xã hội. Kết quả là quyền lực nhà nước luôn nằm trong tay đảng chính trị đại diện cho tầng lớp, giai cấp có thế lực lớn trong xã hội. Hơn nữa, điều căn bản là đảng chính trị nào thắng cử thì việc cầm quyền, hoạt động của nhà nước và xã hội đều dựa trên nền tảng thể chế, cơ chế luật lệ của giai cấp tư sản, bảo vệ trật tự, quyền lực và lợi ích của giai cấp tư sản.

HTCT đa đảng cạnh tranh luôn được gán nhãn cùng với nguyên tắc phân quyền, phân lập quyền lực giữa cách nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, với cơ chế “kiềm chế - đối trọng” để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, đi sâu vào bản chất lợi ích thì sự phân quyền này cũng chỉ là hình thức; trong đó, “mỗi bộ phận đều đem quyền thống trị chung của giai cấp tư sản, cái hình thức mà trong đó tất cả mọi tham vọng riêng biệt của họ đều được trung hòa và duy trì lẫn nhau... để đối lập với những tham vọng chiếm đoạt và nổi loạn của các đối thủ của họ”(5).

Tính hình thức bắt nguồn từ một điểm căn cốt là giữa chúng có chung mục đích và lợi ích, nhất là lợi ích của cùng một giai cấp. Một khi đã cùng chung mục đích và lợi ích thì việc kiềm chế, kiểm soát quyền lực cũng chỉ là hình thức. Thay vì kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau, các đảng chính trị, các cơ quan nhà nước khi cần thiết sẽ đi tới thỏa hiệp, cấu kết và thông đồng với nhau để cùng có lợi, điều người ta thường gọi là sự mặc cả, thỏa hiệp, mua bán trên lưng, mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của người dân. Do vậy, cơ chế “kiềm chế - đối trọng” nhằm mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước bảo đảm tự do của công dân, bảo đảm quyền lực nhà nước là của nhân dân vẫn chỉ là sự ngụy biện, ảo tưởng.

Trước thực tế này, các nhà tư tưởng chính trị hiện nay đang tiếp tục tìm kiếm phương thức kiểm soát hữu hiệu đối với quyền lực nhà nước. Chẳng hạn, các nhà tư tưởng chính trị Mỹ đã và đang tìm kiếm giải pháp nhằm kiểm soát sự “chuyên chế của đa số”. Trong các quá trình dân chủ hoặc ra quyết định theo nguyên tắc đa số, sự hình thành đa số chuyên chế dẫn tới khả năng nhà nước bị thao túng và trở thành chuyên chế, thiểu số đúng bị áp chế bởi đa số sai(6). Như vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong xã hội hiện đại nếu chỉ dựa vào hiến pháp, pháp luật hay “kiềm chế - đối trọng” trong bộ máy nhà nước là chưa đủ. Nhà nước trong hệ thống đa đảng cạnh tranh bầu cử vẫn có thể là nhà nước chuyên chế, đi ngược lại quyền tự do, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Mặt khác, sự phân quyền và hiện diện của nhiều đảng chính trị trong bộ máy nhà nước cũng đồng nghĩa với việc thực thi quyền lực nhà nước bị phân tán và chia rẽ giữa các đảng, có thể dẫn tới bế tắc trong quá trình ra chính sách. Hệ quả của tình trạng này cũng khó quy tránh nhiệm. Trên thực tế, sự bế tắc về chính sách thời kỳ Tổng thống Obama của Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế ở hạ viện không thông qua đã dẫn tới tình trạng chính phủ liên bang phải đóng cửa một thời gian và gây tổn thất nhất định cho đất nước. Điều đáng nói là, nước Mỹ không xác định được tránh nhiệm thuộc về ai khi quả bóng tránh nhiệm được đá đi đá lại giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Cộng hòa nắm đa số ghế ở hạ viện. Có thể nói, việc phân quyền luôn đi cùng với tính chịu trách nhiệm không cao của các chủ thể trong thực thi quyền lực.

Do sự cạnh tranh, mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền được thực hiện với sự thiếu vắng nguồn lực từ sự ủng hộ, hợp tác của các đảng đối lập và sự tham gia, ủng hộ của những bộ phận nhất định trong xã hội. Thay vì cạnh tranh có tính xây dựng trên tinh thần hợp tác, các đảng chính trị và lực lượng ủng hộ vì lợi ích riêng của tổ chức mình thường hành xử theo hướng ngược lại. Sự cạnh tranh, đối lập giữa các đảng chính trị, các tổ chức và lực lượng trong xã hội đôi khi quá mức, dẫn tới sự trì trệ, bế tắc trong hoạt động của bộ máy nhà nước, hoặc gây xung đột, bất ổn và có thể dẫn tới khủng hoảng trong hoạt động của HTCT và xã hội, Thực tiễn cạnh tranh bầu cử và hoạt động của nhà nước Mỹ, Pháp, Thái Lan... trong thời gian qua đã bộc lộ rõ tình trạng này.

Sự cạnh tranh và thay nhau cầm quyền giữa các đảng chính trị theo nhiệm kỳ còn dẫn tới tình trạng “tư duy nhiệm kỳ” của các đảng cầm quyền và sự lãng phí nguồn lực lớn, khi một số chính sách của đảng cầm quyền trước không được đảng thắng cử tiếp tục duy trì. Do bầu cử theo nhiệm kỳ và để tìm kiếm phiếu bầu của cử tri, các đảng cầm quyền thường lựa chọn, thực thi các chính sách ngắn hạn đáp ứng yêu cầu của dân chúng thay cho việc theo đuổi và thực hiện các chính sách dài hạn vì lợi ích của quốc gia. Việc giành phiếu bầu và duy trì vị trí cầm quyền luôn được ưu tiên trong hoạt động của đảng cầm quyền. Các chính sách của đảng cầm quyền đã và đang triển khai ở nhiệm kỳ trước cũng có thể không được tiếp tục thực hiện do đảng thắng cử không có cùng cách tiếp cận chính sách và lợi ích. Điều này gây lãng phí và tổn thất lớn đối với quốc gia và người dân ở cả khía cạnh chi phí cơ hội và nguồn lực. Ở một khía cạnh khác, chính việc chạy theo và thỏa mãn lợi ích ngắn hạn của cử tri trong một số trường hợp cũng góp phần tạo nên xu hướng dân túy của một số nhà lãnh đạo chính trị cũng như chính sách của một số đảng chính trị.

Hơn nữa, sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay đang đặt ra nhiều giới hạn và thách thức cho HTCT đa đảng cạnh tranh. Sự phát triển đa dạng và chuyên môn hóa sâu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã hình thành nhiều tầng lớp, lực lượng khác nhau, với các mối quan hệ nhiều chiều và lợi ích đan xen phức tạp. Thực tế này dẫn tới sự hình thành quá nhiều đảng chính trị trong một quốc gia. Sự phân tán lợi ích và chia rẽ giữa các tầng lớp trong xã hội khiến cho các đảng chính trị khó hình thành cương lĩnh chính trị, khó tạo lập được cơ sở chính trị đủ lớn để thu hút được phiếu bầu của cử tri. Sự không tương thích giữa cơ sở chính trị trong xã hội và quyền lực mà các đảng nắm giữ trong bộ máy nhà nước phần nào làm suy giảm tính chính đáng chính trị của các đảng, nhất là đảng cầm quyền.

3. Tính tất yếu về vai trò của đảng cộng sản và hệ thống chính trị một đảng cộng sản cầm quyền

Tính tất yếu về vai trò của đảng cộng sản trong HTCT

Khi khái quát quy luật phát triển của đời sống chính trị xã hội trong dài hạn, C.Mác đã dự báo: ở chế độ xã hội không còn phân chia giai cấp, nhà nước sẽ tự “tiêu vong”, tức là tiêu vong tính chính trị, thống trị giai cấp của quyền lực nhà nước. Lúc này, quyền lực nhà nước sẽ trở về đúng bản chất ban đầu của nó là quyền lực công, thực hiện chức năng công quản. Tuy nhiên, để đến được xã hội không còn giai cấp là cả một quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài của loài người. Để thực hiện được mục tiêu trên phải có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính - đảng cộng sản, một đảng cách mạng tiền phong khác về chất với các đảng chính trị khác.

Đảng chính trị trong xã hội tư bản chỉ đại diện cho lợi ích của một giai cấp tư sản, trong khi trong xã hội có nhiều giai cấp, lực lượng và đương nhiên sẽ hình thành nhiều đảng chính trị để cạnh tranh.

Đảng cộng sản là đảng ngoài đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân (lực lượng sản xuất tiên tiến nhất của xã hội) còn đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích chung của toàn xã hội. Những người cộng sản, đảng cộng sản - vì vậy - không theo đuổi lợi ích riêng của cá nhân, của đảng mình, không vì lợi ích của giai cấp mình bằng việc tước đoạt lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác.

Nói cách khác, đảng cộng sản không chỉ thấu hiểu sự nô dịch con người vì lợi ích của giai cấp, mà còn tự giác, chủ động trên thực tế để vượt qua, đứng lên trên sự chi phối, tác động của lợi ích này, nỗ lực trong hành động để thực hiện mục tiêu chính trị xóa bỏ sự thống trị của giải cấp, giải phóng con người và xã hội. Tính đại diện lợi ích này cùng với tính tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu về trí tuệ đã tạo nên “chất cộng sản” của một đảng cộng sản.

Với “chất cộng sản” của mình, đảng cộng sản có sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền mà không cần phải cạnh tranh hay chia sẻ quyền lực với bất kỳ đảng chính trị nào khác. Trên cơ sở này, HTCT của các nước đi theo con đường XHCN, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin là HTCT nhất nguyên, một đảng cộng sản cầm quyền.

Một số ưu điểm và nguy cơ của HTCT một đảng cộng sản cầm quyền trong sự so sánh với hệ thống đa đảng cạnh tranh.

Về ưu điểm:

Trong hệ thống nhất nguyên về chính trị, do không có sự cạnh tranh của các đảng chính trị khác, nên đảng cộng sản có sự tập trung quyền lực mạnh, cầm quyền liên tục và tạo được sự thống nhất trong tổ chức thực hiện, có thể tập trung nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu ưu tiên, cho các chính sách dài hạn với quy mô lớn, từ đó có thể tạo nên những thay đổi căn bản, sâu rộng trên các lĩnh vực của quốc gia, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng của các kết quả đạt được trong đời sống và nhân dân.

Mặt khác, nếu được thiết kế và tổ chức tốt, hoạt động của HTCT sẽ thông suốt và không bị gây ách tắc hay cản trở bởi lực lượng đối lập nào, hạn chế được sự lãng phí và tổn thất về chi phí cơ hội, thời gian, nguồn lực vốn thường xảy ra trong các HTCT đa đảng cạnh tranh. Hơn nữa, tính nhất nguyên và thống nhất của HTCT giúp đảng cộng sản cầm quyền có thể dễ dàng huy động được sự đồng thuận, nguồn lực và sức mạnh của cả HTCT và xã hội để thực hiện mục tiêu chính sách, mang lại lợi ích cho nhân dân và đất nước.

Việc ra quyết định nhanh, kịp thời, quyết đoán trong hoạt động của HTCT một đảng cầm quyền là một thế mạnh vô cùng lớn so với HTCT đa đảng cạnh tranh quyền lực. Đi cùng với quyền lực lớn thì tính chịu tránh nhiệm của đảng cầm quyền cũng cao hơn. Trong thể chế một đảng cầm quyền, thành công hay thất bại của các chính sách, và từ đó là sự ổn định, phát triển hay trì trệ, khủng hoảng của quốc gia đều là trách nhiệm của chỉ một đảng cầm quyền, không có đảng chính trị hay một chủ thể chính trị nào khác để đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm.

Về nguy cơ:

Việc tập trung quyền lực mạnh vào một đảng cầm quyền có thể dẫn tới độc tài, chuyên chế khi các đảng viên và tổ chức đảng không còn duy trì được “chất cộng sản”, khi kỷ luật, kỷ cương, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng không được giữ vững và thực hiện nghiêm túc trên thực tế.

HTCT nhất nguyên, tập trung quyền lực giúp đảng có thể đưa ra quyết định nhanh, quyết đoán, nhưng cũng dễ dẫn tới đảng duy ý chí, sai lầm, không phản ánh đúng thực tế khách quan. Điều này dễ xảy ra nếu trong tổ chức và hoạt động của hệ thống thiếu sự phản hồi, giám sát trong đảng, không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Với tư cách là một đảng cộng sản cầm quyền, đảng phải làm sao bảo đảm đầy đủ tính đại diện lợi ích, trong sạch, vững mạnh, duy trì được “chất cộng sản”, thực thi quyền lực vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân. Một đảng cộng sản cầm quyền cần thiết kế mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động bảo đảm tính hợp lý, khoa học trong thực thi quyền lực nhà nước; quá trình ra quyết định vừa bảo đảm tính hợp lý, khoa học, vừa bảo đảm tính dân chủ - đại diện đúng lợi ích của các tầng lớp nhân dân; cơ chế giám sát, phản biện, kiểm soát quyền lực để phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các quyết định sai lầm, lạm dụng quyền lực, đi ngược lại mục tiêu chung của hệ thống.

4. Những vấn đề cần chú ý trong hệ thống chính trị Việt Nam

Hệ thống chính trị Việt Nam được xây dựng trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền, thực hiện nhất nguyên chính trị. Những thành công của Việt Nam trong phát triển đất nước đã khẳng định và minh chứng cho sự đúng đắn của mô hình HTCT đó. Quá trình đổi mới đất nước và HTCT thời gian qua cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy được những ưu thế của HTCT một đảng cộng sản cầm quyền, đồng thời đã nhận diện, xác định trúng những nguy cơ; đưa ra, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp có tính trọng tâm, then chốt và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ lý luận và thực tiễn hoạt động của HTCT Việt Nam, so sánh với những ưu điểm và hạn chế của hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh quyền lực, có thể gợi mở một số vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong HTCT Việt Nam như sau:   

Thực hiện xây dựng Đảng và HTCT thật sự trong sạch, vững mạnh bằng thể chế và quy định. Trước tình trạng tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Đảng đã đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ “then chốt” và ngày càng được tăng cường, đi sâu vào các vấn đề cốt lõi như phẩm chất đạo đức, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trách nhiệm nêu gương, “trách nhiệm càng cao, càng phải gương mẫu”(7); kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ...

Đồng thời, thực hiện xây dựng, chỉnh đốn cả HTCT, đẩy mạnh việc thể chế hóa, pháp luật hóa để thiết lập một cơ chế kiểm soát quyền lực ổn định, có hiệu quả trong cả HTCT. Đối với kiểm soát quyền lực trong Đảng, cần thiết lập cơ chế báo cáo, chất vấn và giải trình trách nhiệm của lãnh đạo đảng; các cơ quan, tổ chức đảng; các quy định, quy trình, thủ tục bãi miễn các vị trí lãnh đạo đảng khi cần thiết. Ngoài ra, cần cụ thể hóa và thực hiện chủ trương “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”, vừa có sự bổ sung, hỗ trợ cho sự kiểm tra, giám sát của Đảng, vừa tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Tăng cường tính khoa học, khách quan trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Cấu trúc tổ chức bộ máy của HTCT đã có sự phân định rõ hơn chức năng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước từ giác độ các cấp độ quyền lực của hệ thống. Khi đó, các nội dung về lãnh đạo và cầm quyền trong hoạt động của Đảng, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước cũng như phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng sẽ dễ dàng được phân định theo các cấp độ này.

Trong thời gian qua, quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã được xác định rõ ràng và hợp lý hơn, phát huy tính chủ động, thực chất hơn trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả vai trò là kênh phản hồi hệ thống, chức năng giám sát và phản biện xã hội, cần nghiên cứu xác định cơ chế bảo đảm tính độc lập tương đối về mặt tổ chức và nguồn lực cho hoạt động của các tổ chức này. 

Về mở rộng và phát huy dân chủ: cần tiếp tục phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, trong các tổ chức của HTCT và trong xã hội. Mở rộng dân chủ trong Đảng để phát huy trí tuệ tập thể, hạn chế sự chủ quan, duy ý chí trong quá trình ra quyết định. Để mở rộng dân chủ trong Đảng, cần hình thành các quy định về công khai, minh bạch thông tin, hoạt động của Đảng và đảng viên nắm giữ các vị trí quan trọng; cụ thể hóa quyền bảo lưu ý kiến của thiểu số trên thực tế. Mở rộng dân chủ trong xã hội phải thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể, tránh dân chủ hình thức, dễ dẫn tới khả năng bị “nhóm lợi ích” thao túng, lợi dụng để hợp thức hóa lợi ích riêng, đồng thời làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước. Việc mở rộng dân chủ hướng tới mục tiêu tăng cường, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào các quá trình chính trị, phản ánh các góc nhìn, nhu cầu, lợi ích khác nhau trong xã hội, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của các quyết định, chính sách của Đảng, Nhà nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 542 (tháng 4-2023)

Ngày nhận bài: 12-3-2023; Ngày bình duyệt: 02-4-2023; Ngày duyệt đăng: 20-4-2023.

(1), (2) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.134, 253.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.462.

(4) Jean - Jacques Rousseau: Bàn về khế ước xã hội, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.19.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.627.

(6) Lưu Văn Sùng: Các loại hình thể chế chính trị đương đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.54.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.183.

PGS, TS TRỊNH THỊ XUYẾN

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ thống chính trị đa đảng cạnh tranh và những vấn đề cần chú ý trong hệ thống chính trị Việt Nam
    POWERED BY