Học viện Chính trị khu vực IV - 15 năm xây dựng và phát triển

14/07/2021 10:13

(LLCT) - Năm 2021, Học viện Chính trị khu vực IV kỷ niệm 15 xây dựng và trưởng thành. Bài viết khái lược lại chặng đường 15 năm, những kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện thành công mục tiêu phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn 2035.

Học viện Chính trị khu vực IV - 15 năm xây dựng và phát triển

Lãnh đạo các cấp chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên, người lao động Học viện Chính trị khu vực IV

1. Vượt qua gian khó, định hình trung tâm nghiên cứu, đào tạo lý luận chính trị khu vực

Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện IV) được thành lập ngày 18-4-2006 theo Quyết định số 534/QĐ-HVCTQG ngày 30-3-2006 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh. Trải qua 15 năm, với tinh thần đoàn kết phấn đấu, nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, với sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của Lãnh đạo Học viện CTQG Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc Học viện, các cơ quan Trung ương và các địa phương khu vực Tây Nam Bộ, Học viện IV đã từng bước xây dựng trở thành trung tâm nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị tại khu vực Tây Nam Bộ.

Cách đây 15 năm, Học viện IV ra đời, là đơn vị được thành lập hoàn toàn mới: không cơ sở vật chất, không trường, không lớp, không giảng viên... Tổ chức bộ máy ban đầu chỉ có 3 cán bộ, phải thuê văn phòng. Lực lượng cán bộ dần hình thành bằng việc thu hút cán bộ từ nhiều ban, ngành của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sự chi viện của Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

Khó khăn hơn bởi Học viện IV ra đời trong bối cảnh cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2007-2008, Chính phủ thực hiện chính sách siết chặt đầu tư công, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất vì thế càng hạn chế.

Trong thời điểm này, nhận thức còn chưa thống nhất của một số ban, ngành Trung ương và địa phương về vị trí, vai trò của Học viện IV đối với công tác nghiên cứu lý luận và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là thời kỳ Học viện CTQG Hồ Chí Minh đang trong quá trình đổi mới về mô hình tổ chức, quản lý, đang từng bước nâng cao tính hệ thống, thống nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập một Học viện Chính trị khu vực tại địa bàn Tây Nam Bộ là không cần thiết, hoặc xây dựng một cơ sở nghiên cứu, đào tạo lý luận chính trị tại đây là không khả thi, rất khó xây dựng một cơ sở của Học viện có thể đảm đương được nhiệm vụ lớn lao này.

Sự chưa thống nhất nhận thức về tính cấp thiết và khả thi còn đến sau này. Sau 10 năm thành lập, vẫn có cuộc “trưng cầu” trong hệ thống Học viện về việc có nên tồn tại Học viện IV nữa hay không.

Trong hoàn cảnh đó, thuận lợi lớn nhất và cũng là tài sản to lớn của Học viện IV là sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tầm nhìn của Lãnh đạo Học viện CTQG Hồ Chí Minh và quyết tâm của những người đã chấp nhận gian khổ, đồng cam cộng khổ, về sống và làm việc, cống hiến để định hình tổ chức và vun đắp nên những giá trị của Học viện IV. 

Trải qua chặng đường 15 năm, tổ chức bộ máy Học viện IV đã dần hoàn chỉnh: đã thành lập được 16 cơ quan, đơn vị (so với dự kiến 20), gồm 06 cơ quan chức năng và 10 đơn vị nghiên cứu, giảng dạy.

Sự thành công lớn nhất của Học viện trong 15 năm qua là sự lớn mạnh vượt bậc của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, cả về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực. Đến nay, Học viện có 108 cán bộ, viên chức; trong đó có 61 nam và 47 nữ. Trình độ chuyên môn, chính trị và nghiệp vụ ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, có 22 tiến sĩ, 59 thạc sĩ, 13 cử nhân. Về trình độ lý luận chính trị, có 76 cử nhân chính trị, cao cấp và tương đương. Đảng bộ Học viện có 94 đảng viên. Đoàn Thanh niên có 20 đoàn viên. Đội ngũ giảng viên của Học viện đã đảm nhiệm được 100% chương trình lý luận chính trị cao cấp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Học viện đã có bước tiến mạnh mẽ. Từ chỗ không nhà, không phòng học, không tường rào, đến nay Học viện IV đã hình thành 2 khu vực: Khu làm việc và Khu ký túc xá. Khu làm việc về cơ bản bảo đảm được phòng học của các hệ lớp và phòng làm việc của các đơn vị. Ký túc xá có khoảng 400 chỗ ở. Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng hạ tầng về thông tin khá tốt, cho phép kết nối thông tin qua mạng nội bộ và kết nối thông tin trực tuyến với Học viện CTQG Hồ Chí Minh. 

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị

Qua 15 năm vừa xây dựng đội ngũ, kiện toàn tổ chức vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, Học viện IV đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Học viện đã mở được tổng số 176 lớp hệ tập trung và không tập trung, với 12.446 học viên. Bình quân mỗi năm, Học viện đào tạo trên 800 học viên lý luận chính trị cao cấp. Góp phần quan trọng vào việc đào tạo cán bộ của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, từ năm 2018, Học viện IV đã mở 15 lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị, với 1.196 học viên.

Cùng với công tác đào tạo, Học viện chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ các cấp, các ngành. Trong thời gian qua, Học viện đã mở được 42 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đảng các ngành Tuyên giáo, Tổ chức, Kiểm tra, Dân vận và Văn phòng cấp ủy, với 3.971 học viên.

Học viện phối hợp, tham gia, tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhập kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các địa phương (đối tượng 3 và đối tượng 4). Từ năm 2013 đến nay đã tham gia bồi dưỡng cho gần 1.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý của các tỉnh trong khu vực.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Trong 15 năm, Học viện IV đã thực hiện 01 đề tài cấp Nhà nước, 24 đề tài cấp Bộ, 46 đề tài cấp cơ sở; nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học. Nhiều đề tài có giá trị lý luận và thực tiễn, được Học viện CTQG Hồ Chí Minh chọn xuất bản thành sách. Một số hội thảo phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước (Đức, Na Uy, Nhật Bản,...). Trong định hướng nghiên cứu của các đề tài, chủ đề của các hội thảo, Học viện luôn chú ý bám sát chương trình giảng dạy, chủ trương và đường lối của Đảng, thực tế phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực. Do vậy, các hội thảo, tọa đàm luôn thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều giảng viên, nhà khoa học và cán bộ hoạt động thực tiễn các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Công tác nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách và có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao tiềm lực khoa học của Học viện.

Tạp chí Thông tin khoa học chính trị của Học viện chính thức hoạt động vào cuối năm 2015, xuất bản hằng quý. Đây là diễn đàn khoa học của Học viện. Tạp chí nhận được sự cộng tác của nhiều nhà khoa học trong hệ thống Học viện CTQG Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giảng viên các trường chính trị. Tạp chí đang phấn đấu trở thành một tạp chí nghiên cứu lý luận chính trị hàng đầu ở khu vực, mang bản sắc của khu vực, là diễn đàn của các nhà nghiên cứu lý luận chính trị ở khu vực.

Học viện IV đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ về nghiên cứu khoa học và đào tạo với nhiều sở, ban, ngành, trường chính trị của các tỉnh trong khu vực, với nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang, Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc), Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Cơ quan Thường trực tại miền Nam của Tạp chí Cộng sản, v.v..

Trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu, đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng của Đảng được thể hiện sâu sắc trong từng bài giảng, bài viết. Nhiều cán bộ trẻ có các bài viết sắc sảo, đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực phản động, thù địch.

Về hợp tác quốc tế, thực hiện chủ trương của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện IV đã thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại với các đối tác, như: Học viện Hành chính Vân Nam, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trường Đảng Tỉnh ủy Hà Nam (Trung Quốc); Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak (Lào); Trường Đại học Amsterdam (Hà Lan); Đại học Auckland (New Zealand); Đại học Quốc gia Australia; Viện Hành chính công Ấn Độ. Ngày 19-1-2021, Học viện đã đón tiếp và làm việc với Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam. Nhìn chung, hoạt động đối ngoại của Học viện IV bảo đảm tính hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học.

Vượt qua nhiều khó khăn, Học viện IV đã đáp ứng về cơ bản nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của khu vực. Các chỉ tiêu hàng năm về đào tạo cao cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng đều được bảo đảm. Nội dung và phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới, nâng cao. Nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao, có giá trị lý luận và thực tiễn. Lực lượng nghiên cứu và giảng dạy không ngừng được bổ sung và nâng cao trình độ.

Trong sự phát triển của mình, Học viện IV nhận được rất nhiều hỗ trợ của các vụ, viện, các học viện trực thuộc Học viện CTQG Hồ Chí Minh. Đặc biệt là các cán bộ, giảng viên được biệt phái vào từ những ngày đầu thành lập đến nay. Học viện IV đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương, sự hỗ trợ tích cực về vật chất và tinh thần. Thể hiện cụ thể là các địa phương đã chung sức, đóng góp xây dựng các ký túc xá tại Học viện IV.

3. Tự tin, khát vọng xây dựng, phát triển xứng tầm khu vực

Tây Nam Bộ là một khu vực đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội; giàu tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhưng đang phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sinh kế của dân cư nhiều nơi bị đe doạ, tình trạng xuất cư tuyệt đối đang diễn ra. Trước thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết nêu ra những quan điểm chỉ đạo: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế; Thay đổi tư duy phát triển; Tôn trọng quy luật tự nhiên; Mô hình phát triển lấy con người làm trung tâm, giảm khoảng cách giàu nghèo; Tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; Lấy tài nguyên nước, cả nước lợ và nước mặn, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách; Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông trên cơ sở cùng có lợi. Triển khai mạnh mẽ Nghị quyết của Chính phủ, trong những năm qua, kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khởi sắc. Tuy vậy, những vấn đề Nghị quyết 120 nêu ra rất mới trong tư duy phát triển, xoay quanh nhận thức, thích ứng và khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng đất. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều vấn đề mới đang mở ra, hứa hẹn một giai đoạn phát triển mới của khu vực.

Đối với thành phố Cần Thơ, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cần Thơ và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trên đà phát triển mạnh mẽ là điều kiện thuận lợi để Học viện IV phát triển trong thời gian tới. Thực tiễn khu vực cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Học viện IV phải quan tâm: Nhìn từ góc độ lịch sử, nhiều vấn đề về dân tộc, tôn giáo đang đặt ra cần phải nghiên cứu, nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng có những đặc điểm riêng. Nhìn từ sự phát triển hiện tại, nhiều nghịch lý cũng đang đòi hỏi phải luận giải thấu đáo như: nghịch lý giữa tiềm năng và thực tế phát triển, giữa sự đóng góp và mức độ đầu tư, v.v..

Trong rất nhiều khó khăn, sự phát triển của Học viện IV có nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết đó là sự quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh. Đảng ủy Học viện đã ra Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2035: “Phát triển Học viện Chính trị khu vực IV thật sự trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Tây Nam Bộ; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý ở khu vực Tây Nam Bộ, có đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng; có tổ chức bộ máy hoàn thiện và tinh gọn; quản trị tiên tiến; có cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại; thực hiện có hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ trong tình hình mới; là một trong những đơn vị điển hình về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện văn hóa Trường Đảng”.

Nghị quyết khẳng định, Học viện IV là một bộ phận hữu cơ của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, đầu tư phát triển Học viện IV là đầu tư cho sự phát triển của hệ thống Học viện CTQG Hồ Chí Minh. Đây là nghị quyết cần thiết và kịp thời, đem lại những thay đổi có tính đột phá.

Để thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 đã đề ra, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện IV xác định phương hướng và triển khai những giải pháp trọng tâm:

Một là, về tổ chức bộ máy, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chính quy, chuyên sâu; xây dựng tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ hệ thống Học viện CTQG Hồ Chí Minh, phối hợp với các trường chính trị, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong khu vực, ban ngành các địa phương v.v..

Có cơ chế động viên cán bộ, viên chức học tập nâng cao trình độ, trau dồi ngoại ngữ, tận tâm cống hiến và gắn bó lâu dài. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức và người lao động. Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển là ưu tiên của Học viện IV.

Hai là,về cơ sở vật chất, trên cơ sở sự chỉ đạo của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, phối hợp với các đơn vị chức năng của Học viện, từng bước hoàn thiện và triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cả từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Sử dụng hiệu quả các công trình hiện có.

Ba là,về thực hiện nhiệm vụ chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu v.v.. Tiếp tục thực hiện chủ trương đưa cán bộ đi nghiên cứu thực tế. Gắn kết chặt chẽ với các địa phương và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong khu vực. Nghiên cứu các giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu trên các lĩnh vực. Hỗ trợ, khuyến khích giảng viên, nghiên cứu viên công bố kết quả nghiên cứu, nhất là công bố quốc tế.

Việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn khu vực và đưa vào bài giảng là công việc mà Học viện IV đã thực hiện khá tốt thời gian qua, sẽ được phát huy hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Từng bước số hóa dữ liệu trong công tác quản lý cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý khoa học v.v..

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Học viện IV đã khẳng định được vai trò và vị thế đối với sự phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Học viện IV là sự bổ sung cần thiết và kịp thời đối với hệ thống đào tạo của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý vùng Tây Nam Bộ.

Tiếp tục phát triển xứng tầm với nhiệm vụ là kỳ vọng của lãnh đạo Học viện CTQG Hồ Chí Minh, là khát vọng, là quyết tâm của thầy và trò, cán bộ, viên chức, người lao động Học viện IV; Bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát quá trình đổi mới về tư duy phát triển, tư duy quản lý của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, khai thác tối đa những thuận lợi, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực để thực hiện phương hướng đã xác định.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

TS Phan Công Khanh

Học viện Chính trị khu vực IV

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học viện Chính trị khu vực IV - 15 năm xây dựng và phát triển
    POWERED BY