Tin tức

Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Lý luận chính trị năm 2024

27/12/2024 19:02

(LLCT) - Chiều 26-12-2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị đã tổ chức Hội nghị Cộng tác viên năm 2024 và phương hướng năm 2025. PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện và PGS, TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị đồng chủ trì Hội nghị.

LÊ MINH NGỌC

PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị_Ảnh: HCMA

Đến dự Hội nghị có PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, PGS, TS Vũ Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Học viện. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, cộng tác viên đã có nhiều năm gắn bó, đồng hành với Tạp chí, cùng toàn thể cán bộ, viên chức Tạp chí.

Năm 2024 với nhiều khởi sắc của Tạp chí Lý luận chính trị

Tại Hội nghị, PGS, TS Hoàng Anh, Phó Tổng biên tập Tạp chí trình bày báo cáo công tác biên tập - xuất bản năm 2024, phương hướng năm 2025, trong đó nêu rõ, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đây cũng là năm Kỷ niệm 75 năm truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ giao, như: Chủ trì thực hiện 9 đề tài khoa học thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia; chủ trì khoảng 400 chương trình, đề án, dự án, đề tài khoa học các cấp; hàng trăm hội thảo, tọa đàm khoa học, khảo sát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu chuyên đề… Đây là nguồn đề tài phong phú, đa dạng để Tạp chí đặt, khai thác bài đăng trên các ấn phẩm.

Bên cạnh đó, Tạp chí cũng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng của Học viện, đó là những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Tạp chí. Nhờ đó, trong năm 2024, Tạp chí đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nổi bật là việc ra mắt giao diện mới của Tạp chí điện tử Lý luận chính trị nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Việc chính thức đưa vào hoạt động giao diện mới và phần mềm xuất bản trực tuyến là tiền đề để Tạp chí Lý luận chính trị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong thời gian tới.

Các mặt công tác của Tạp chí cũng có những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2024, Ban Biên tập Tạp chí đã nhận và xử lý số lượng lớn tin bài, trong đó nhận được trên 800 tin, bài gửi đến, chọn lọc và đưa vào quy trình biên tập, xuất bản 248 bài trên Tạp chí tiếng Việt xuất bản hằng tháng, 52 bài trên Tạp chí tiếng Anh xuất bản hằng quý, và hơn 400 tin, bài trên Tạp chí điện tử. Bên cạnh các chuyên mục truyền thống, mang đậm bản sắc của Tạp chí như chuyên mục Nghiên cứu - Phát triển lý luận, Thực tiễn - Kinh nghiệm, Đào tạo - Bồi dưỡng, Diễn đàn, Quốc tế…, Tạp chí còn duy trì lượng tin, bài dày dặn, chất lượng trên một số chuyên mục đặc biệt, như “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; xây dựng tuyến bài bám sát các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước và của đất nước, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền.

PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị phát biểu tại Hội nghị_Ảnh: HCMA

Một số bài viết đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí đã đạt giải cao trong các cuộc thi, như Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024, Giải Thông tin đối ngoại năm 2024, Cuộc thi viết Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới lần thứ ba năm 2003 - 2024 do Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức... Uy tín khoa học của Tạp chí ngày càng được nâng cao. Trong danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024, cả ba ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị (tạp chí in tiếng Việt, tạp chí điện tử và tạp chí tiếng Anh) đều duy trì và tăng điểm xếp hạng: 0-1,0 điểm với liên ngành khoa học chính trị học - triết học - xã hội học; tăng lên 0-1,0 điểm với chuyên ngành báo chí, truyền thông; tăng lên 0-0,75 điểm đối với 02 ngành kinh tế và ngành lịch sử; 0-0,5 điểm với các ngành khoa học an ninh, luật học, văn hóa - nghệ thuật, duy trì 0-0,25 điểm với ngành giáo dục.

Trong năm 2024, Tạp chí tiếp tục tăng cường ứng dụng cộng nghệ trong hoạt động, bắt đầu gắn mã định danh số quốc tế (DOI) cho bài đăng tạp chí, từng bước chuẩn hóa hoạt động xuất bản theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học, lan tỏa các bài viết trên Tạp chí trong cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Trong công bố tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2024, ngày 16-12-2024, Tạp chí đứng thứ tư Khối tạp chí khoa học toàn quốc về đánh giá mức độ chuyển đổi số báo chí.

Tạp chí luôn xác định rõ, nhân tố quyết định thành công về nội dung của Tạp chí là sự gắn bó mật thiết của đội ngũ cộng tác viên viết bài và sự tin tưởng của độc giả. Sự tin tưởng cộng tác của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giúp cho việc duy trì ổn định hệ thống các chuyên mục của Tạp chí và chất lượng nội dung của các bài viết. Vì vậy, trong năm 2024, công tác cộng tác viên được tăng cường và có một số đổi mới, trong đó nổi bật là sự tương tác giữa tòa soạn và cộng tác viên viết bài, tăng cường trao đổi trực tiếp về nội dung chuyên môn giữa biên tập viên và tác giả để hoàn thiện bài viết theo thể thức mới.

Toàn cảnh Hội nghị

Những dư địa mà Tạp chí cần tiếp tục phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội ghi nhận, Tạp chí luôn giữ vững tính lý luận, đồng thời không ngừng bám sát hơi thở của cuộc sống, thể hiện rõ tính khái quát và lý luận cao, đồng thời mang đậm nét đặc trưng riêng biệt. Điều này đã giúp Tạp chí tạo dựng được vị thế vững chắc trong cộng đồng học thuật và nghiên cứu. Hơn thế, Tạp chí đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là đối với tạp chí điện tử, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thời đại số. Tuy nhiên, Tạp chí vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng độc giả, thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện, trong đó có các nhà nghiên cứu trẻ. Điều này không chỉ góp phần tạo dựng một nguồn tri thức phong phú cho công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện mà còn đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói chung. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và mở rộng tầm ảnh hưởng, Tạp chí cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các nền tảng số, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội hiện đại.

Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình đánh giá cao những kết quả đạt được của Tạp chí trong năm qua. GS,TS Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, Tạp chí đã có sự chuyển đổi số mạnh mẽ và bắt kịp xu hướng quốc tế. Trên thế giới, các tạp chí khoa học đang phát triển theo hướng xuất bản mở, giúp độc giả, giới khoa học dễ dàng tiếp cận tri thức và thúc đẩy sự chia sẻ thông tin khoa học rộng rãi. Tạp chí đã thực hiện rất tốt công tác này, cung cấp các bài báo khoa học đến độc giả một cách nhanh chóng và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng nghiên cứu. Bên cạnh đó, quy trình phản biện đồng cấp mà Tạp chí áp dụng là biện pháp hiệu quả trong việc gia tăng trách nhiệm của người phản biện và bảo đảm chất lượng bài viết. Cùng với đó, việc sử dụng AI và các công cụ kỹ thuật để quét trùng lặp bài viết trước khi đưa vào quy trình xuất bản đã giúp nâng cao chất lượng nội dung của Tạp chí, giữ vững uy tín và độ tin cậy của các nghiên cứu khoa học được công bố. Những đổi mới này không chỉ giúp Tạp chí phát triển bền vững mà còn tạo ra một nền tảng khoa học vững chắc, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao trong cộng đồng nghiên cứu.

PGS,TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học nhấn mạnh, Tạp chí luôn chú trọng công tác biên tập, bảo đảm mọi bài viết đều được kiểm tra kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức, nhằm duy trì chất lượng và độ chính xác cao. Việc trình bày bài viết đẹp mắt, khoa học không chỉ giúp độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp, sự tôn trọng đối với công sức của các tác giả và cộng đồng nghiên cứu. Mỗi ấn phẩm Tạp chí đều mang đậm dấu ấn thương hiệu, chất riêng, khẳng định vị thế của Tạp chí trong ngành xuất bản khoa học.

Đồng tình với nhận định trên, PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết - Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí tuyên truyền cũng khẳng định, năm 2024, Tạp chí đã có những bước tiến quan trọng trong công tác biên tập và xuất bản, tạo tiền đề để Tạp chí vươn tầm, hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều nhà khoa học gắn bó lâu năm đã có những chia sẻ, góp ý tâm huyết đối với Tạp chí về phương hướng trong năm 2025. PGS, TS Nguyễn Thế Kiệt - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh góp ý, trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội XIV và các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025, Tạp chí cần chủ động triển khai các bài viết, tuyến bài chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những quan điểm về tinh giản cán bộ, chống quan liêu, tham nhũng và lãng phí. Những nội dung này không chỉ thể hiện sự tiếp nối truyền thống, mà còn góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan ngôn luận khoa học của Học viện, Tạp chí cần tiếp tục làm nổi bật hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó có những nội dung thực sự thiết thực, gần gũi và phù hợp với cán bộ, học viên trong hệ thống Học viện. Để thực hiện điều này, Tạp chí cần xây dựng các tuyến bài giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống xã hội và khái quát thành các vấn đề lý luận, giúp Tạp chí không chỉ là một kênh thông tin học thuật mà còn là cầu nối quan trọng giữa lý luận và thực tiễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập và nghiên cứu của học viên, cán bộ trong Học viện.

PGS,TS Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị Tạp chí cần tích cực nghiên cứu, chắt lọc các giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với quá trình xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Việc này không chỉ góp phần làm sâu sắc thêm nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho những quyết sách lớn của đất nước. Tạp chí cần bám sát các sự kiện chính trị quan trọng, có cơ chế đặt hàng, xây dựng chủ đề bài viết từ sớm, nhằm kịp thời đăng tải các nội dung mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, Tạp chí có thể nghiên cứu mở rộng nội dung chuyên mục Diễn đàn, để thực sự trở thành môi trường học thuật sôi nổi, nơi các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến, từ đó thúc đẩy sự phát triển lý luận, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng.

Cũng liên quan đến việc xây dựng nội dung, PGS,TS Nguyễn Minh Phương - Học viện Hành chính đề xuất Tạp chí mở rộng phạm vi nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước và quản lý hành chính nhà nước. Việc này không chỉ góp phần làm rõ những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới mà còn thúc đẩy quá trình hoàn thiện hệ thống hành chính, phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Tạp chí cần đề xuất các phương án mở rộng phát hành, đặc biệt hướng tới đối tượng học viên, nghiên cứu sinh trong toàn hệ thống Học viện, qua đó lan tỏa và phổ biến các tri thức lý luận, tạo sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. Việc đẩy mạnh trích dẫn các bài viết trên Tạp chí cũng là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chỉ số trích dẫn và uy tín học thuật, khẳng định vị thế của Tạp chí trong cộng đồng nghiên cứu và thực tiễn quản lý nhà nước.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Địa chỉ tin cậy để công bố các kết quả nghiên cứu mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS,TS Dương Trung Ý ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Tạp chí trong năm qua. Năm 2024, Tạp chí đã đạt được những thành tựu nổi bật, khẳng định vị thế hàng đầu trong hệ thống 15 tạp chí của Học viện. Với đội ngũ cộng tác viên đông đảo, đa dạng về chuyên ngành, vị trí, địa phương công tác, Tạp chí đã không ngừng lan tỏa trong nội bộ Học viện, hệ thống chính trị và xã hội. Đặc biệt, các bài viết được đánh giá cao về chất lượng, tính chuyên môn và tính thời sự, phản ánh rõ bản sắc riêng của Tạp chí Lý luận chính trị. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Tạp chí đã xuất sắc hoàn thành khối lượng công việc lớn, bảo đảm cơ cấu bài viết hợp lý, chất lượng cao, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chính trị của Học viện.

Đồng chí Phó Giám đốc nhấn mạnh, trong năm 2025, Tạp chí cần tiếp tục phát huy vai trò là một trong những tạp chí lý luận chính trị hàng đầu của đất nước, đồng thời quán triệt nhiệm vụ trong bối cảnh đặc biệt, với nhiều ngày lễ lớn như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam và các yêu cầu chuẩn bị Đại hội XIV. Tạp chí cần chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể, bám sát chương trình của Học viện, mở rộng kênh giao tiếp với cộng tác viên và học viên, bảo đảm nguồn bài phong phú và chất lượng.

Song song đó, Tạp chí cần nghiên cứu mở rộng các chuyên mục như “Di sản kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” hay “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, vừa khẳng định bản sắc Tạp chí, vừa đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền. Công tác biên tập cần tiếp tục chuẩn hóa, đặc biệt chú trọng khâu phản biện để bảo đảm tính khoa học, tính Đảng và tính lý luận.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, giúp hiện đại hóa quy trình biên tập, phát hành và trao đổi học thuật. Đồng thời, Tạp chí cần nghiên cứu bổ sung, tích hợp chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đẩy mạnh các hoạt động tọa đàm, diễn đàn khoa học, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Học viện sẽ tạo nền tảng cho nguồn bài chất lượng cao, tiếp tục khẳng định uy tín và vai trò của Tạp chí trong hệ thống lý luận chính trị quốc gia.

PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, bày tỏ sự tin tưởng, với những thành tựu nổi bật đạt được trong năm qua, cùng sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, sự quyết tâm và đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, Tạp chí Lý luận chính trị sẽ tiếp tục phấn đấu, gặt hái nhiều thắng lợi quan trọng hơn nữa trong thời gian tới, xứng đáng là Tạp chí khoa học hàng đầu của Đảng, cơ quan nghiên cứu và ngôn luận khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Lý luận chính trị năm 2024
    POWERED BY