Hội thảo khoa học: Cải cách hành chính: góc nhìn tham chiếu Việt Nam và Pháp

19/10/2018 12:44

(LLCT) - Ngày 17-10-2018, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Cải cách hành chính: Góc nhìn tham chiếu Việt Nam và Pháp. PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Hội thảo khoa học: Cải cách hành chính: góc nhìn tham chiếu Việt Nam và Pháp

(Ảnh Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm)

Dự Hội thảo có ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ông Jean Francois Verdier, Chủ tịch HĐQT Trường Hành chính vùng Metz; Ông Philippe Vignes, Tỉnh trưởng, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp; cùng đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia cao cấp của Pháp, các nhà quản lý và nhà khoa học của Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao tròn 45 năm, quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng được củng cố và phát triển, không ngừng mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt về chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục, giao lưu văn hóa và hành chính công. Trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp, 5 năm quan hệ đối tác chiến lược, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm chia sẻ những thông tin về quá trình đổi mới hành chính ở hai nước. Cải cách hành chính được Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy, nhằm xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hội thảo là cơ hội bổ ích và thiết thực giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học của Việt Nam được học tập, trao đổi kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp trong vấn đề cải cách hành chính nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam và xây dựng Chính phủ ở Việt Nam trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quản trị thông minh và hội nhập quốc tế sâu rộng. Những kinh nghiệm về thành công và chưa thành công trong quá trình cải cách hành chính ở Cộng hòa Pháp sẽ là bài học tham khảo có giá trị cho Việt Nam.

Hội thảo gồm 4 phiên làm việc với 8 tham luận, thảo luận về các vấn đề: Những chủ thể của cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách cơ quan chính quyền tỉnh; các phương pháp cải cách hành chính; những trở ngại, thách thức trong cải các hành chính.

(Ảnh toàn cảnh hội thảo)

Phiên thứ nhất: Những chủ thể của cải cách hành chính

Ông Jean Francois Verdier, Chủ tịch HĐQT trường Hành chính vùng Metz đã trình bày tham luận: Cải cách hành chính và nền công vụ: Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp. Tham luận chỉ ra những thách thức đối với cải cách hành chính công của Pháp là biến động dân số dẫn tới những khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân sự; những thay đổi về pháp lý và thể chế (chuyển giao thẩm quyền sau khi triển khai luật phân quyền, tái cơ cấu bộ máy công vụ); những hạn chế về nguồn lực tài chính (biến động quỹ lương trong ngạch công chức nhà nước, quỹ lương hưu,…); những thay đổi về nghề nghiệp và quản lý (xuất hiện những nghề mới hoặc năng lực mới cần đào tạo) và những thách thức trong quản lý nhân sự. Ông Verdier cũng phân tích một số chính sách mà chính phủ Pháp đã thực hiện, phân tích những khó khăn, hạn chế và thành công. Đồng thời, đưa ra 2 công cụ chính sách: Hiện đại hóa hoạt động của khu vực công (2012-2015) và Đề án 2022. Cuối cùng, ông Verdier nêu các điều kiện cần phải có để có được cuộc cải cách hành chính thành công bao gồm các điều kiện về tầm nhìn, năng lực, sự khuyến khích, các nguồn lực và kế hoạch hành động.

PGS, TS Trần Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công trình bày tham luận Chủ thể của cải cách hành chính ở Việt Nam. Bài tham luận khái quát các mô hình cải cách hành chính trên thế giới làm tham chiếu cho Việt Nam, đưa ra bức tranh tổng thể về cải cách hành chính ở Việt Nam từ sau 1975. Tham luận khẳng định, Chính phủ vẫn là chủ thể chủ động trong thiết kế và thi công các cải cách hành chính, chủ thể ngầm định, mang tính bản chất của cải cách hành chính là đảng cầm quyền, chủ thể và các kế hoạch cải cách hành chính là hợp phần của cả hệ thống chính trị, đa chủ thể. Ngoài ra, có sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng. Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đúc rút bài học quan trọng: “Cải cách chỉ thành công khi tạo được sự đồng thuận xã hội” do đó, “muốn thành công, cải cách phải được tiến hành một cách dân chủ, minh bạch và khoa học”.

Phiên thứ 2: Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách cơ quan chính quyền tỉnh

Báo cáo tham luận Công nghệ thông tin ứng dụng vào cải cách cơ quan chính quyền tỉnh ở Việt Nam của PGS, TS Trương Hồ Hải, Quyền Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đưa ra mô hình chính quyền điện tử cấp tỉnh tại Việt Nam, cung cấp các số liệu cụ thể về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ văn bản điện tử, các chỉ số dịch vụ công,… Qua đó, cho thấy thực tế chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. PGS, TS Trương Hồ Hải đề xuất một số giải pháp: 1) xây dựng các hệ thống thông tin của các ngành, các lĩnh vực đạt tiêu chuẩn quốc tế. 2) Các websites của các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, biểu mẫu điện tử, tiếp nhận góp ý của người dân, doanh nghiệp, thực hiện đăng ký kinh doanh một cửa điện tử liên thông. 3) Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước. 4) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức hệ thống cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, dữ liệu thuế, hải quan, hiện đại hóa thanh toán điện tử. 5) Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. 6) Phát triển nguồn nhân lực CNTT ở các tỉnh.

Chia sẻ kinh nghiệm từ phía Pháp, ông Philippe Vignes, Tỉnh trưởng, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính và công nghệ thông tin: Mô hình chính quyền tỉnh thế hệ mới (PPNG). Ông Vignes đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai kế hoạch PPNG ở Pháp, lý do thành công và những khó khăn. Một trong những khó khăn của chính phủ là gặp phải sự phản ứng của người dân khi họ lo lắng về việc bị lộ những thông tin cá nhân khi ứng dụng CNTT. Giải pháp của Chính phủ Pháp đưa ra là thành lập một cơ quan bảo đảm quyền bí mật thông tin cá nhân của người dân.

Qua phần thảo luận, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử về sử dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, như quy tắc sử dụng email,… nhằm tránh việc lạm dụng vì lợi ích cá nhân, gây phiền nhiễu cho đồng nghiệp và tiến đến xây dựng văn hóa công vụ, hiệu quả cao.

Phiên thứ 3: Các phương pháp cải cách hành chính

Ông Bertrand Huby từ Cơ quan Hỗ trợ khoa học Pháp có bài tham luận giới thiệu về Ủy ban CAP 22: Báo cáo khuyến nghị giải pháp cải cách hành chính với mong muốn có tầm nhìn tổng thể và đột phá. Báo cáo khuyến nghị CAP 22 của Pháp gồm 22 khuyến nghị, tập trung vào 5 lĩnh vực liên ngành: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ; Ứng dụng công nghệ số; Đổi mới cơ chế quản lý nhân sự; Tổ chức dịch vụ công ở cấp địa phương; Hiện đại hóa quản lý ngân sách và kế toán.

Về phía Việt Nam, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế trình bày tham luận Tính minh bạch, nhà nước Pháp quyền và Cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay, trong đó nêu rõ: minh bạch và trách nhiệm giải trình là những thành tố quan trọng, được nhấn mạnh trong nền dân chủ, nhà nước pháp quyền và quản trị hiện đại, là mục tiêu và nhiệm vụ trong xây dựng chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết cho chính phủ điện tử và quản trị thông minh, nội dung cốt lõi của cải cách hành chính công. Bài tham luận xác định, cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay là cải cách thể chế hành chính công; cải cách nguồn lực công, chi tiêu công, tài chính công; tái cấu trúc bộ máy hành chính nhà nước: tinh gọn, hiệu quả và hiện đại (giảm 10-20% biên chế); thành lập cơ quan dịch vụ thông tin tài chính quốc gia: công khai, chính xác, cập nhật và cởi mở;…

Phiên thứ 4: Một số trở ngại, thách thức trong cải cách hành chính

Tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trình bày tham luận Những khó khăn, thách thức trong nâng cao năng lực của nền hành chính nhà nước thời kỳ hội nhập. Bài tham luận chỉ ra những yếu tố cấu thành năng lực của nền hành chính nhà nước Việt Nam, thực trạng cải cách nền HCNN Việt Nam và nêu một số thách thức của nền HCNN. Đó là, nhận thức về yếu tố tổ chức và hoạt động của nền HCNN trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế chưa rõ; những nhận thức và thói quen cũ của cơ quan tổ chức và cán bộ công chức; sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội còn hạn chế; mâu thuẫn lợi ích giữa một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trong CCHC; hạn chế nguồn lực tài chính, tình trạng tham nhũng còn nhiều; quan hệ giữa cá nhân người đứng đầu cơ quan HCNN với tập thể lãnh đạo, quản lý trong CCHC chưa được phân định rõ.

Trình bày về những trở ngại trong cải cách hành chính, ông Fabrice Larat, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hành chính (ENA), Chủ biên Tạp chí Hành chính công của Pháp chỉ ra những thách thức trong cải cách hành chính: 1) khó khăn trong phối kết hợp: những yếu tố giúp tăng cường phối hợp nhưng đồng thời gây khó khăn cho việc thực hiện như gia tăng số lượng chủ thể, quyền chủ động, giao thẩm quyền; 2)Những vấn đề đơn giản hóa: những vấn đề của đơn giản hóa trong cải cách đôi khi lại làm gia tăng quy định, gia tăng tính phức tạp của các thủ tục đáng lẽ cần đơn giản; 3) Khó khăn trong xác định các ưu tiên và phân loại mục tiêu; 4) Vấn đề trách nhiệm: Các dự án cải cách hành chính và các biện pháp đưa ra đều phải đối mặt với việc phải đạt được mục tiêu đề ra nên sẽ là thách thức gánh nặng trách nhiệm khi không đạt mục tiêu; 5) vấn đề dẫn dắt thay đổi: khi đưa các chính sách cải cách, thách thức đặt ra là cần làm thế nào để những người tham gia hiểu được ý nghĩa thực sự của việc thay đổi.  

Lê Bảo Ngọc

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo khoa học: Cải cách hành chính: góc nhìn tham chiếu Việt Nam và Pháp
    POWERED BY