Tin tức

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn”

04/07/2025 16:00

(LLCT) - Chiều 3-7, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn”.

TRẦN XUÂN PHÚ

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo_Ảnh: LLCT

Tới dự và chủ trì Hội thảo, có Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện một số thành ủy, tỉnh ủy trong cả nước cùng các đồng chí lãnh đạo các vụ, cục thuộc các ban, bộ, ngành tung ương và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo_Anhr: LLCT

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, trong nước đang triển khai những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng, tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng có những khó khăn đan xen, nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, cần phải có cách tiếp cận toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới. Nghiên cứu dự báo các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tham mưu với Trung ương Đảng những chủ trương, quyết sách chiến lược, nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi nhanh chóng với nhiều nguy cơ tiềm ẩn đặt ra nhiệm vụ mới, yêu cầu cao, nhiều việc chưa từng có tiền lệ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết sách mới, quyết tâm và hành động mới. Đảng xác định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả của sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ nền văn hóa và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ chiến lược, hệ trọng, thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Nêu rõ vị trí, ý nghĩa, vai trò của “Bộ tứ trụ cột” với 4 nghị quyết để tạo sự phát triển bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Tăng cường tiềm lực quốc gia cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh, cả về tiềm lực chính trị, tinh thần, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và vị thế quốc tế có ý nghĩa then chốt và là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bảo đảm huy động tổng hòa các nguồn lực vật chất và tinh thần, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh nội sinh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước vượt qua các thách thức, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng cơ hội và phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã có sức lan tỏa, dần hoàn thiện cơ chế để giải quyết có hiệu quả sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh trong không gian phát triển mới. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế phát triển của từng tư duy quản lý, kiểm soát, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc khơi thông các nguồn lực, phân bổ hiệu quả và sử dụng hợp lý để tạo động lực cho phát triển, đó chính là tư duy đổi mới, sáng tạo, đồng hành, phá bỏ mọi rào cản, nút thắt, giải phóng mọi nguồn lực, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, hiện đại là định hướng chiến lược mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lấy khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước làm lực lượng nòng cốt, bảo đảm sự lãnh đạo và định hướng chiến lược của Đảng, sự hỗ trợ và quản lý của Nhà nước. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, sản xuất giữa các tập đoàn tư nhân lớn với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, giữa các viện nghiên cứu dân sự và các trung tâm nghiên cứu quân sự, tiến tới hình thành các tổ hợp và công nghiệp quốc phòng, an ninh, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao, mang thương hiệu Việt Nam.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận cụ thể một số nội dung: Những thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức, những vấn đề mới đặt ra trong quá trình triển khai các định hướng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới; kiến nghị các giải pháp thiết thực nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia; đề xuất các định hướng chiến lược trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy chiến lược trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo_Ảnh: LLCT

Tại hội thảo, các tham luận đã khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn, tính khoa học và cách mạng trong định hướng tư tưởng, chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm về đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Phân tích, trao đổi làm rõ nội hàm của kỷ nguyên mới, đặc trưng của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, gắn với đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hiện đại hóa toàn diện lực lượng sản xuất và xác lập quan hệ sản xuất phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất.

Đồng thời, đưa ra các nhận định, đánh giá về thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện các định hướng chiến lược đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới. Từ đó, đề ra các quan điểm, chủ trương, giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chiến lược phát triển đất nước sau 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước. Phân tích sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh; làm rõ những thành tựu đạt được, những yếu tố tác động đến sự phát triển và những xu thế chủ đạo trong giai đoạn hiện nay.

Các tham luận cũng làm rõ những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, phù hợp với sự phát triển về tư duy chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc, cũng như đánh dấu bước chuyển mới trong lý luận, thực tiễn hoạt động xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, công tác của lực lượng vũ trang nhân dân. Làm rõ các vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bao gồm các thách thức trong bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời Tổ quốc; đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; đồng thời, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới.

Các tham luận cũng đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên phát triển mới, đề ra định hướng chiến lược để bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh mới từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với phát huy vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển các chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi tham luận rất quan trọng với chủ đề: “Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”; cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đồng chủ trì Hội thảo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, đại biểu, tham dự, đóng góp những ý kiến, tham luận tâm huyết, sâu sắc.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tổng kết Hội thảo

Tổng hợp các ý kiến và tham luận tại hội thảo, đồng chí Lương Tam Quang nhấn mạnh các vấn đề: về nội hàm kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp tục được phân tích, làm rõ thêm những vấn đề đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khái quát, trong đó kỷ nguyên mới với các định hướng chiến lược lớn của Đảng, tạo sự phát triển vượt bậc, bứt phá, tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực với nền kinh tế độc lập, tự chủ trình độ cao, chất lượng cao, có sức cạnh tranh và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Nền quốc phòng, an ninh toàn dân, toàn diện, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Kỷ nguyên phát triển mới với đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Các vấn đề lý luận và thực tiễn về thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới, về thời cơ, vận hội mới, nhất là thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từ giá trị địa chiến lược đặc thù, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc đều cho thấy, chúng ta có cơ sở vững chắc và dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, Việt Nam nhất định vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển vững mạnh, tiến cùng, đuổi kịp, sánh vai các cường quốc năm châu.

Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới phải kiến tạo sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Tập trung phát triển chất lượng cao, tự chủ, tự cường, xác lập mô hình tăng trưởng mới. Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để tăng năng suất lao động, tạo việc làm. Tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khuyến khích tự lực tự cường, chủ động sáng tạo của các địa phương. Tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, thực sự gương mẫu, liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, không vụ lợi cá nhân, không tham nhũng tiêu cực, có tư duy đổi mới sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không né tránh, trì trệ, thụ động trước vấn đề mới phát sinh.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Về những vấn đề đặt ra đối với bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, đồng chí Lương Tam Quang tổng kết có các vấn đề: bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ nền văn hóa và uy tín vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong, kiên quyết không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh, giữ vững, củng cố môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình khu vực và thế giới.

Tư duy bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải nhằm tạo ra, thúc đẩy, nắm bắt, tranh thủ tối đa thời cơ, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển đất nước. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, gia tăng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới phải tạo ra nền tảng cho sự phát triển, góp phần không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, cần phải tập trung giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Nghiên cứu hoàn thiện lý luận về bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo đảm chiến đấu và chiến thắng trong mọi hình thái chiến tranh, đặc biệt chiến tranh công nghệ cao. Tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, chủ động tự lực tự cường, lưỡng dụng hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, đặc biệt là công nghệ viễn thông, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu, công nghệ sinh học.

Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, làm phong phú thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình hoàn thiện Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn”
    POWERED BY