Tin tức

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

01/06/2024 17:11

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong (1-6-1904 - 1-6-2024), chiều ngày 31-5-2024, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

TẠ PHƯƠNG LIÊN
Tạp chí Lý luận chính trị

Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”

Đồng chí Hoàng Đình Giong _ Ảnh tư liệu

Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng chủ trì có PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Thành ủy Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Cao Bằng; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; các đại biểu, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo_Ảnh: HCMA

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định: đồng chí Hoàng Đình Giong là người cán bộ có đạo đức trong sáng, mẫu mực, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân đặc biệt tin yêu, mến phục. Đồng chí Hoàng Đình Giong luôntiên phong, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng đivào những nơi gian nguy nhất của mặt trận, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh oanh liệt. Đồng chí đã đi vào lịch sử như mộtbiểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Cao Bằng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong có tác phong làm việc tận tụy, gương mẫu trong mọi công việc, luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức, ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí luôn chú ý giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, được đồng chí, đồng đội yêu mến và kính trọng.

Đồng chí là người cán bộ có đạo đức trong sáng, mẫu mực, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân đặc biệt tin yêu, mến phục. Khi hoạt động ở Tây Nam Bộ, đồng chí đã khéo hòa giải giữa đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, xã hội tại địa bàn, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết lương giáo. Đồng chí đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây, được nhân dân mến phục, quý trọng.

Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Hoàng Đình Giong - nhà lãnh đạo kiên trung,tài năng, đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng,góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hơn 30 tham luận gửi đến Ban tổ chức và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu sau:

Một là, đồng chí Hoàng Đình Giong - từ người đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, trở thành nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1-6-1904, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng tức làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hoà An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam - nguyên Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ; nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng đầu tiên Khu 9; Khu Bộ trưởng Khu 6, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của quê hương và gia đình, đồng chí Hoàng Đình Giong sớm có những hoạt động yêu nước, đấu tranh cách mạng. Năm 1927, đồng chí sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện chính trị do Hội tổ chức. Tháng 6-1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu, Trung Quốc - bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Hoàng Đình Giong. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn.

Những năm 1932-1935, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động tại Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng ở các tỉnh Bắc Kỳ. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc chắp mối liên lạc với các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ và khôi phục phong trào cách mạng sau thời kỳ bịđịchkhủng bố trắng. Tại Hải Phòng, các chi bộ Đảng dần được tái lập và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Hải Phòng, đặc biệt là khu vực Cảng, Nhà máy Xi măng, Nhà máy Tơ, Nhà máy Carông, làng Lạc Viên, khu Hàng Kênh, An Dương, vùng nông thôn Kiến An,… Tại vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, đồng chí đã chắp nối liên lạc, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, trực tiếp chỉ đạo khôi phục các chi bộ Đảng như: Chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, Chi bộ Nhà máy kẽm Quảng Yên,… nơi tập trung nhiều công nhân, trở thành một trong những trung tâm của phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.

Với tài năng, uy tín cao và những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp cách mạng, tại Đại hội Đảng lần thứ I(họp tại Ma Cao, Trung Quốc) cuối tháng 3-1935, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, được cử phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Trên cương vị Ủyviên Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủyBắc Kỳ, đồng chí Hoàng Đình Giong được giao nhiệm vụ kiểm tra, uốn nắn và chỉ đạo xây dựng, củng cố lại tổ chức đảng và quần chúng ở Hải Phòng và Hòn Gai; đồng thời, chắp nối liên lạc giữa hai Đảng bộ Hải Phòng, Hòn Gai với Xứ ủy Bắc Kỳ.Trong năm 1935-1936, đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động thường xuyên, liên tục ở trong và ngoài nước.

Tháng 2-1936, sau khi được Đảng phân công trở lại vùng Duyên hải hoạt động, đồng chí Hoàng Đình Giong bị mật thám Pháp bắt giam và đày đi nhiều nhà tù trong nước, rồi đày đi biệt xứ tận đảo Mađagátxca ở châu Phi. Đến tháng 10-1944, bằng sự mưu trí và tài năng để nhận được sự giúp đỡ của quân Đồng minh, đồng chí thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở lại Cao Bằng tiếp tục hoạt động cách mạng.

Hai là, đồng chí Hoàng Đình Giong - Người chỉ huy quân sự tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cùng Đảng bộ Cao Bằng tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, thành lập chính quyền nhân dân, trấn áp bọn phản động và thổ phỉ. Giữa năm 1945, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy Cao Bằng, phụ trách quân sự, phối hợp chặt chẽ với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đánh giặc để bảo vệ vùng giải phóng.

Trong Cách mạng Tháng Tám, thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, Đảng bộ Cao Bằng cử ra Ủy ban Khởi nghĩa của Tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban, tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hòa chung thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Đồng chí cũng là người trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa tại Nước Hai, châu lỵ Hòa An, giành chính quyền thành công tại tỉnh Cao Bằng từ ngày 20 đến ngày 22-8-1945, trước khi quân Tưởng kéo vào.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Phápbùng nổ ở Nam Bộ(ngày 23-9-1945), đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ với tênmới là Võ Văn Đức.

Tháng 11-1945, tại Hội nghị quân sự ở Gia Định, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Giải phóng quân Nam Bộ.Tháng 12-1945, Xứ uỷ Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành ba chiến khu.Đồng chí đã cùng một đơn vị Nam tiến tới Cà Mau, cùng Liên Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Khu đề ra những chủ trương đúng đắn phù hợp với đặc điểm tình hình địch - ta trên chiến trường, chỉ huy các mặt trận chiến đấu, tiêu diệt địch. Đồng chí đã xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đại đoàn kết dân tộc, nhất là với đồng bào Khmer, đoàn kết các tôn giáo, tạo thành thế trận toàn dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực phản động.

Cuối năm 1946, đồng chí Hoàng Đình Giong lên đường ra Bắcnhận nhiệm vụ mới. Đến tỉnh Ninh Thuận, đồng chí được Trung ương phân công ở lại, giao nhiệm vụ làm Khu bộ trưởng Khu 6. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc chỉ đạo xây dựng, củng cố Trung đoàn 81 (Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (Bình Thuận), xây dựng lực lượng theo đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba là, đồng chí Hoàng Đình Giong - Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Hoàng Đình Giong là tấm gương tiêu biểu của một thanh niên yêu nước nồng nàn, đến với lý tưởng cộng sản, đi theo con đường lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành người cán bộ chính trị quân sự cấp cao thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng và Quân đội, luôn kiên định chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bị tù đày, tra tấn trong nhiều nhà tù đế quốc, đồng chí luôn một lòng kiên trung, không khuất phục trước kẻ thù. Đồng chí đã hiên ngang tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai; luôn giữ vững tinh thần lạc quan, động viên đồng chí, đồng đội tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí là một trong những người sáng lập Chi bộ đặc biệt ở nhà tù Sơn La, cùng các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tranh thủ học tập lý luận, tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng.

Đặc biệt, khi bị thực dân, đế quốc đày đi biệt xứ tận vùng đảo châu Phi, đồng chí đã mưu trí nhận định, đánh giá đúng tình hình thời cuộc, đã cùng tập thể những chiến sĩ cộng sản trong tù đề ra được chủ trương, sách lược đúng đắn, tranh thủ lực lượng Đồng minh để nhanh chóng được đưa về nước tiếp tục hoạt động cách mạng.

Những hoạt động và cống hiến của đồng chí Hoàng Đình Giong cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của người chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, trước thử thách, hiểm nguy luôn trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng.

Tên tuổi,sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc,để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Đình Giong - Nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”
    POWERED BY