(LLCT) - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 – 4-11-2019), sáng ngày 3 -11 -2019, tại thành phố Lạng Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn”.
Dự và Chủ trì Hội thảo có: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành trong khu vực, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành Lạng Sơn, cùng đông đảo các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, sinh ngày 4-11-1909, trong một gia đình nông dân, dân tộc Tày, có truyền thống yêu nước và hiếu học ở làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).Năm 1926, khi đang học tại Trường tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng với nhiều học sinh trong lớp, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Đồng chí đã tham gia lập ra Nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn và thiết lập đường dây liên lạc với học sinh trường Bách nghệ ở Hà Nội, nơi có cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Qua đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ được đồng chí Hoàng Đình Giong giác ngộ, giới thiệu sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tổ chức và trở thành hội viên chính thức củaHội.
Năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí để trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.
Sau khi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tham gia thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Long Châu. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn đã thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng tại Lạng Sơn - Cao Bằng để tăng cường vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi biên giới, nhằm tạo ra một địa bàn hoạt động cho Đảng. Năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử làm Bí thư chi bộ thay đồng chí Hoàng Đình Giong đi nhận nhiệm vụ mới. Cuối năm 1934, đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Văn Thụ nhận nhiệm vụ đến Ma Cao giúp việc cho Ban Chỉ huy ở ngoài và tham gia chuẩn bị cho Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3-1935). Sau Đại hội, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Đảng phân công về nước, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh vùng núi và biên giới phía Bắc, bao gồm các tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang, đồng thời là người phụ trách cơ quan đầu mối liên lạc với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.
Năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng điều động về Hà Nội công tác. Tháng 9-1939, đồng chí được phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Hà Nội và vùng phụ cận.
Tháng 11-1940, tại Hội nghị Trung ương 7, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí được phân công sang miền Nam Trung Quốc, tìm bắt liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo cáo về tình hình cách mạng trong nước, đồng thời chuẩn bị địa điểm đón Người về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Đảng phân công phụ trách công tác dân vận, công tác mặt trận. Với trọng trách được Đảng giao phó, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tăng cường xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng cả về chính trị và lực lượng vũ trang; xây dựng các tổ chức đoàn thể của Mặt trận Việt Minh; xây dựng An toàn khu (ATK). Những hoạt động, chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã góp phần quan trọng vào quá trình chuẩn bị về mọi mặt, thúc đẩy thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ươngnêu rõ, Hội thảo là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu làm rõ thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, tấm gương hy sinh anh dũng và những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời, làm sâu sắc những phẩm chất đạo đức cao đẹp, ý chí cách mạng kiên cường, mẫu mựccủa người đảng viên cộng sản Hoàng Văn Thụ; góp phần vào công táctuyên truyền,giáo dục tinh thần yêu nước,chủ nghĩa anh hùng cách mạng trọn đời vì nước, vì dâncủa đồng chí Hoàng Văn Thụ để cácthế hệ hôm nayhọc tập, noi theo.
Hơn 40 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm rõnhững cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ trong việc chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương ở Bắc Kỳ; Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, tấm gương đạo đức cao đẹp, trọn đời hy sinh vì nước, vì dân;Đồng chí Hoàng Văn Thụ - người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn.
Trong tham luận: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ với phong trào cách mạng Lạng Sơn”, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn nêu rõ: Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Lạng Sơn, được đồng bào, đồng chí các dân tộc trong tỉnh yêu mến và biết ơn sâu sắc. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp to lớn, có tính chất quyết định vào việc xây dựng phong trào yêu nước và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, do đồng chí làm Bí thư (giữa năm 1933); đồng chí đã có nhiều công lao trong trong việc thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, phát triển các tổ chức Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng tại Lạng Sơn ngày càng phát triển, giành được nhiều thắng lợi.
Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến lớn lao, phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tràn đầy niềm tự hào và lòng biết ơn đồng chí, đã và đang phát huy những thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, đồng chí Hoàng Văn Thụ là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh được Hoàng Văn Thụ thể hiện sinh động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Ở đồng chí Hoàng Văn Thụ có những phẩm chất đặc biệt mà các đảng viên và những nhà lãnh đạo cùng thời với đồng chí đã khẳng định và các thế hệ tiếp theo tìm thấy ở đó như một tấm gương sáng để noi theo. Đó là sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào. Trong hoàn cảnh nào, với công việc gì được Đảng phân công đều phấn đấu hết sức mình để hoàn thành. Đấu tranh không khoan nhượng đối với kẻ thù, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đồng chí là kiểu mẫu về công tác quần chúng, yêu thương và gắn bó mật thiết với nhân dân, và chính nhân dân đã dành cho đồng chí tình cảm đặc biệt. Đó là nguồn cội sức mạnh của Đảng và cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Dù khó khăn, gian khổ, kể cả khi đứng trước họng súng tàn bạo của kẻ thù xâm lược, đồng chí vẫn tin tưởng vững chắc ở thắng lợi cuối cùng…
Trong tham luận: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị cán bộ hoạt động ở Đảng bộ đặc biệt Long Châu”, GS, TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu bật sự hoạt động năng nổ, tích cực của đồng chí Hoàng Văn Thụ và các đảng viên của tổ chức Đảng Long Châu, nhờ đó đã góp phần tổ chức các con đường liên lạc cho cách mạng, đưa đón các chiến sĩ cách mạng đi hoạt động ở nhiều địa bàn ở vùng hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đó là tính chất “đặc biệt” của Đảng bộ Long Châu, và đó chính là một nét son tỏ rõ vai trò và công lao to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở tổ chức Đảng đặc biệt Long Châu và lan tỏa thành nhiều tổ chức Đảng khác ở trong nước.
Trong tham luận: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ với phong trào cách mạng ở Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, với vai trò và uy tín của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng với phong trào cách mạng Hà Nội những năm trước cách mạng Tháng Tám; là người có công lớn trong xây dựng An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ vùng ven Hà Nội; củng cố cơ quan Thành ủy Hà Nội. Đối với giai cấp công nhân, thanh niên yêu nước Hà Nội, đồng chí là một trong những tấm gương tuổi trẻ sáng ngời, luôn khát khao lý tưởng, tinh thần chiến đấu, hy sinh trọn đời cho lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí với Thủ đô Hà Nội, Thành phố và quận Hoàng Mai đã xây dựng tượng đài, Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ; đặt tên đường phố và nhiều trường học mang tên đồng chí.
Trong tham luận: “Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, ông Hoàng Thanh Phương, Phó Chủ tịch HĐND xã Hoàng Văn Thụ, đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Hoàng Văn Thụ, khẳng định: Tình cảm nhân ái bao dung, nhân hậu của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến Hoàng Văn Thụ, đó là lòng thương cảm khi thấy nỗi cơ cực của người dân quê mình dưới ách thống trị của Lý trưởng, cường hào, của bọ đế quốc xâm lược. Chứng kiến cảnh đốc sưu, bắt phu, cảnh người hái hồi bị ngã xuống do làm việc kiệt sức…Hoàng Văn Thụ phẫn uất cao độ. Chính từ sự bất bình trước cảnh áp bức, bất công của những người dân bản, ngọn lửa cách mạng đã được nhen nhóm trong con người Ông. Như vậy, có thể thấy, truyền thống giáo dục và tình cảm yêu thương của quê hương, gia đình là những yêu tố nền tảng hun đúc nên một con người giản dị, chan hòa, trí tuệ nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất. Học tập, noi gương Ông, con cháu của dòng học nguyện phấn đấu hết mình trong học tập, lao động, công tác, xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc, sống chan hòa, đoàn kết với làng xóm, cộng đồng dân cư, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Minh Phương