BBT
(LLCT) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024),nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Hải Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học:“Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo_ Ảnh: HCMA
Dự và chủ trì Hội thảo có GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Cùng chủ trì có đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương; đồng chí Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Báo Nhân dân; Tạp chí Cộng sản; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy Hải Dương, Tỉnh ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Tuyên Quang; Quân khu 3; các vụ, viện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông dự và đưa tin.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Hội thảo là hoạt động thiết thực để góp phần tri ân cuộc đời cách mạng cao đẹp và những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02-4-1904, trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Đồng chí là đảng viên lớp đầu tiên thời dựng Đảng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, được Đảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách, như: Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Trần Đức Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nêu rõ, Hội thảo là một hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng được tổ chức tại Hải Dương. Đồng chí Trần Đức Thăng nhấn mạnh, trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, Hải Dương được biết đến là một trong những cái nôi của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày truyền thống văn hiến và lịch sử yêu nước chống giặc ngoại xâm; tự hào là miền đất gắn liền với tên tuổi của nhiều hiền tài, danh tướng nổi tiếng của đất nước như: Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Vạn thế sư biểu Chu Văn An, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, nhà toán học đầu tiên Vũ Hữu, nữ tiến sỹ nho học đầu tiên Nguyễn Thị Duệ...
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, quê hương Hải Dương cũng rạng danh với nhiều tên tuổi của những nhà cách mạng lớn trong đó có đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc, người cộng sự gần gũi và thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với 75 tuổi đời, hơn nửa thế kỷ phấn đấu cho độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo cộng sản đã cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân…
Quang cảnh Hội thảo_ Ảnh: HCMA
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 bài viết, báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang công tác ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp, hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hải Dương trên một số điểm chủ yếu sau:
Một là, phân tích làm rõ những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng thời dựng Đảng
Sinh ra ở một miền quê văn hiến và cách mạng - Hải Dương, trong một gia đình yêu nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã sớm tiếp thu truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, hình thành chí hướng cứu dân, cứu nước. Trên hành trình vừa lao động kiếm sống và tự học văn hóa, vừa tìm đường đấu tranh yêu nước, Nguyễn Lương Bằng đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Sau khi hoàn thành lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, với nhiệt huyết cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã về nước, thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng bí mật, tổ chức đường dây liên lạc giữa trong nước và ngoài nước. Đồng thời, đồng chí tích cực thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, góp phần thúc đẩy sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối, với hoạt động phong phú, đồng chí đã trở thành “một trong những người tham gia xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức”.
Khi bị địch bắt và đày ải trong những nhà tù đế quốc từ nhà giam Hải Dương đến nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống cực hình, phản đối chế độ lao tù hà khắc. Mặc dù kẻ địch dùng mọi thủ đoạn thâm độc, từ dụ dỗ mua chuộc đến tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản, cùng với đồng chí mình “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã quyết tâm, anh dũng hai lần vượt ngục thành công để trở về với Đảng, với cách mạng.
Hai là, phân tích, đánh giá về hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trên nhiều lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, qua đó khẳng định đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam
Trong 20 năm hoạt động cách mạng bí mật, đồng chí bị bắt ba lần và đã hai lần tổ chức vượt ngục thành công để cùng các đồng chí trở về hoạt động cách mạng. Tại các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, đồng chí tham gia thành lập chi bộ, được cử vào Chi ủy và tham gia tổ chức cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc nhà tù, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện trong tù.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng không chỉ thuộc lớp người đi đầu của thời dựng Đảng, mà còn là người tiên phong thực hiện thành công các nhiệm vụ mới trong tổ chức xây dựng Đảng và Nhà nước cách mạng ở những thời điểm hết sức khó khăn. Đồng chí là người đầu tiên được Đảng giao thực hiện nhiệm vụ phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh trong những năm tháng khẩn trương chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám; là người đầu tiên phụ trách công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô; Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước (từ năm 1969-1979).
Trong những năm phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề xuất, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng tạo về kinh tế, tài chính; xây dựng những cơ sở sản xuất, kinh doanh của tài chính Đảng, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính; góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế nước nhà; bảo đảm khối lượng tài lực to lớn đáp ứng nhu cầu lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Trên cương vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô và phụ trách cả Đông Âu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường sự đoàn kết, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Trên cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương và kiêm chức Tổng Thanh tra của Chính phủ, đồng chí đã góp phần quan trọng xây dựng nền móng cho ngành kiểm tra, thanh tra trên các phương diện từ tổ chức, đề ra nguyên tắc và lề lối làm việc, đến xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng việc rèn luyện ý thức kỷ luật và đạo đức cách mạng cho cán bộ thanh tra, kiểm tra.
Trên cương vị Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1969 và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976, đồng chí Nguyễn Lương Bằng có những đóng góp quan trọng trên nhiều mặt: tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước; chăm lo công tác xây dựng Đảng; công tác đối ngoại; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ba là, khẳng định đồng chí Nguyễn Lương Bằng là hiện thân cao đẹp của đạo đức cách mạng, xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong những cán bộ thế hệ đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, đào luyện. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự đắc lực, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong nhà tù đế quốc, Nguyễn Lương Bằng là ngôi “Sao đỏ” dẫn dắt các cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản chống lại sự tàn bạo của chế độ lao tù đế quốc ở Hỏa Lò và Sơn La và 2 lần tổ chức vượt ngục thành công, trở về với tổ chức tiếp tục hoạt động cách mạng.
Không màng danh lợi, chính trực, liêm khiết, tận tụy là những phẩm chất nổi bật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tin tưởng trao các trọng trách để giữ gìn, bảo đảm sự minh bạch, trong sạch và đoàn kết trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trên các cương vị Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ trong nhiều năm. Trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí luôn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị, nghĩa tình, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào.
Bốn là, đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương
Các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã phân tích ảnh hưởng của truyền thống quê hương gia đình đến sự hình thành nhân cách và lý tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng; nêu lên dẫn chứng cụ thể, sinh động về tình cảm nồng ấm của đồng chí dành cho quê hương, cũng như tình cảm, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương dành cho người con ưu tú của quê hương mình.
Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đang tăng cường phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đổi mới, phấn đấu đưa Hải Dương đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ thêm về cuộc đời cách mạng và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quê hương Hải Dương; góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.