Hội thảo khoa học “Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư”

04/11/2023 12:45

TẠ PHƯƠNG LIÊN

(LLCT) - Sáng ngày 3-11-2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư”.

Hội thảo khoa học “Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư”

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: LLCT

Chủ trì Hội thảo có GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị.

Dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo các Trường Chính trị tỉnh, Thành phố Trực thuộc Trung ương.

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo - Ảnh: LLCT

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng hệ thống trường Đảng không ngừng lớn mạnh cả về đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật, nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu, sứ mệnh về đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Cùng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo thành hệ thống trường Đảng từ Trung ương đến các địa phương. Hệ thống trường chính trị cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.

GS, TS Lê Văn Lợi cho biết, ngày 13-11-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh; ngày 19-05-2021, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Đây là cơ sở để từng bước phát triển, tổ chức thực hiện công tác các trường chính trị theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực.

Quy định số 11-QĐ/TW với nội dung cốt lõi là Bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Có 6 nhóm tiêu chí: Về thể chế, quy định; Về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, năng lực, chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, viên chức; Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; Về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; Về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; Về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính.

Kết quả là, đến nay đã có 06 trường chính trị đạt chuẩn; 60/63 trường đã được thường trực tỉnh ủy phê duyệt đề án xây dựng trường chính trị chuẩn; ở từng nhóm tiêu chí, các chỉ tiêu cụ thể đã và đang được các trường chính trị đưa ra các mốc, các lộ trình phấn đấu đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong việc triển khai Quy định 11 cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Với 75 tham luận từ các nhà lãnh đạo thực tiễn tại các địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội thảo đã khẳng định vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư đối với việc xây dựng trường chính trị.

Các ý kiến cho rằng, bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động; việc đề xuất giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng trường chính trị chuẩn nhằm giúp các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt Trường Chính trị chuẩn theo mức 1, tiến tới đạt chuẩn theo mức 2, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; tạo cơ sở cho các trường chính trị tăng cường hợp tác, chia sẻ nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cả trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nêu rõ, ngay sau khi Quy định số 11 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện nghiêm túc và rất sớm các chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ngày 05-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 08-ĐA/TU về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đạt chuẩn, trong đó xác định rõ lộ trình đạt chuẩn mức 1 vào năm 2023 và chuẩn mức 2 trước năm 2027.

Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc được đón Bằng công nhận là trường chính trị đạt chuẩn mức 1 vào ngày 27-4-2023, với 6/6 chỉ tiêu, 55/55 tiêu chí hoàn thành, trong đó có 18 chỉ tiêu vượt chuẩn 1 và hoàn thành 46/64 tiêu chí chuẩn 2, là một trong ba trường đầu tiên của cả nước.

Tham luận tại Hội thảo, Đồng chí Hoàng Giang Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, Lào Cai là tỉnh đầu tiên xây dựng thành công trường chính trị chuẩn mức 1. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là một trọng trách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai cần tiếp tục duy trì trường chính trị chuẩn mức 1 và phấn đấu đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025.

Phát biểu tham luận, TS Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn mức 1 là kết quả quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, sở ngành, địa phương trong tỉnh và đặc biệt là sự chủ động sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, với tinh thần nỗ lực vượt bậc, tiếp tục đổi mới sáng tạo, và tin tưởng Trường Chính trị Thanh Hóa sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025 trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước.

Tổng kết Hội thảo, PGS, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cảm ơn các ý kiến tham luận tại Hội thảo. Đồng chí khẳng định, nhiệm vụ xây dựng trường chính trị đạt chuẩn không phải là của riêng nhà trường mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí lưu ý, trong triển khai, tổ chức thực hiện, trường chính trị cấp tỉnh cần phải đánh giá đúng thực chất, rà soát kỹ lưỡng, thống kê định lượng các tiêu chí, chỉ tiêu “đạt”, “chưa đạt” chuẩn; từ đó xây dựng mục tiêu, kế hoạch phấn đấu với lộ trình các bước cụ thể, phân công, phân nhiệm, xây dựng kế hoạch, phối hợp đồng bộ, thống nhất; thường xuyên, kịp thời kiểm tra, giám sát trong thực hiện từng tiêu chí. Trong đó, đặc biệt quan tâm các tiêu chí, chỉ tiêu “khó”, vượt khả năng của nhà trường, cần có quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài như: Tiêu chí về đội ngũ cán bộ, viên chức; tiêu chí về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn...

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo khoa học “Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư”
    POWERED BY