Tin tức

Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp hướng tới Đại hội XIV của Đảng: Kinh nghiệm tỉnh Bình Dương và Bình Phước”

21/08/2024 12:14

(LLCT) - Chiều 19-8-2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xã hội học Việt Nam, Đại sứ quán Ailen và Chương trình phát triển Liên hợp quốc, tỉnh ủy Bình Dương, Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm tỉnh Bình Dương và Bình Phước”. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội thảo.

NGUYỄN THỊ LAN

Quang cảnh Hội thảo _ Ảnh: HCMA

Đồng chủ trì Hội thảo có PGS, TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu quốc tế có bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc; ông Sean Farrell, Phó Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, thuộc Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam, Đại sứ quán Canađa tại Việt Nam; về phía đại biểu Việt Nam có đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước; đồng chí Nguyễn Minh Thủy, Uỷ viên thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương; các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài hệ thống Học viện.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi nêu rõ, thấm nhuần tư tưởng về bình đẳng giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi trọng thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, trong đó có bình đẳng giới trong chính trị. Đảng xác định: “công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng” việc “xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị nói chung và đặc biệt là cấp ủy Đảng nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành và thực thi trên thực tiễn nhằm tạo cơ hội bình đẳng giữa nam và nữ trong tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Bình Dương và Bình Phước có nhiều điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn hóa tương đồng và đều được coi là điểm sáng trong công tác cán bộ nữ của Việt Nam. Trong những năm qua, thực hiện những quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, hai Đảng bộ tỉnh đã triển khai có hiệu quả về công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ở hai Đảng bộ tỉnh thuộc vào nhóm cao so với mức trung bình của toàn quốc. Vì thế, việc phân tích kinh nghiệm triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ của 2 Đảng bộ có giá trị tham khảo tốt cho các địa phương trong cả nước.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào nhìn nhận và đánh giá thực trạng công tác cán bộ nữ tham gia cấp ủy trong thời gian qua ở Đảng bộ tỉnh Bình Dương và Bình Phước qua đó tham mưu cho Đảng các sáng kiến và giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị mà các nghị quyết của Đảng đề đã ra.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh, bình đẳng giới là cần thiết trong thực hiện các mục tiêu phát triển nữ. Việt Nam đã đưa ra những cam kết về bình đẳng giới trong chính trị, thể hiện trong Hiến pháp và Luật Bình đẳng giới, cùng với đó là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong nhiều năm, các chính sách đã được hiện thực hóa trong nước và được quốc tế công nhận rộng rãi. Hành trình tiến tới bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở các quốc gia cũng như Việt Nam còn nhiều thách thức. Các kết quả của nghiên cứu, những trao đổi, kiến nghị tại Hội thảo góp phần hữu ích trong quá trình mở ra các cơ hội và giải pháp giảm thiểu các thách thức, khó khăn trong công tác bình đẳng giới, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động chính trị của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ một số nội dung Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức triển khai trong thúc đẩy bình đẳng giới đối với các hoạt động chính trị. Qua đó Hội nhận thấy một số nguyên nhân, hạn chế trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị hiện nay, như: tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, tham gia cấp ủy đảng các cấp còn thấp, chưa đạt được mục tiêu so với chỉ thị, nghị quyết đề ra. Có 34 tỉnh, thành trong cả nước chưa đạt chỉ tiêu về tỷ lệ quy hoạch cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương. Do đó Hội đề xuất cần đẩy mạnh tiến trình sửa đổi Luật Bình đẳng giới; tăng cường các biện pháp thực hiện các chủ trương của Đảng, trong đó ưu tiên công tác quy hoạch cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; nâng cao nhận thức của cấp ủy tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác bình đẳng giới, qua đó góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động chính trị.

Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước về sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp, GS, TS Nguyễn Hữu Minh cho biết: đối với Bình Dương, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp khá cao và đồng đều ở các địa phương. Có kết quả này là do tỉnh đã thành lập Tổ Công tác cán bộ nữ; chính quyền địa phương quan tâm đến công tác tuyển dụng bảo đảm hài hòa cơ cấu cán bộ nữ từ 40% trở lên; chú trọng công tác đào tạo nguồn cán bộ nữ, cấp ủy và người đứng đầu chú trọng đào tạo nguồn cán bộ nữ, chủ động bố trí vào các chức danh trong cấp ủy; công tác quy hoạch luôn đề ra chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ trung bình của nghị quyết Trung ương Đảng đưa ra; phát huy tốt vai trò của hội liên hiệp phụ nữ địa phương trong kết nối, vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị. Tại Bình Phước, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy của tỉnh cao hơn so với tỷ lệ này ở cấp Trung ương. Có kết quả này là do Bình Phước đã chú trọng công tác phát triển đảng viên nữ, bảo đảm cán bộ nữ chiếm từ 30% trở lên trong cấp ủy các cấp; công tác quy hoạch luôn đề ra chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ trung bình của nghị quyết Trung ương Đảng đưa ra, đặc biệt là ở cấp xã; phát huy tốt vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trong phát triển nguồn hội viên và giới thiệu nguồn cán bộ nữ vào cấp ủy; đẩy mạnh công tác truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trị của hai tỉnh còn hạn chế, như: việc tinh giảm biên chế, trong đó có cán bộ nữ tại một số cơ quan, đơn vị của tỉnh có ảnh hưởng đến tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ và cấp ủy; người đứng đầu cấp ủy một số địa phương chưa thực sự quyết liệt; các chương trình học tập cho phụ nữ thời gian còn chưa linh hoạt, chưa tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia học tập; một bộ phận cán bộ nữ còn chưa chủ động sắp xếp thời gian, tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ, cấp ủy.

Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tại Bình Dương và Bình Phước về sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng các cấp, nhóm nghiên cứu đề xuất hệ thống giải pháp trong thúc đẩy sự tham gia của cán bộ nữ và cấp ủy đảng các cấp, gồm: tăng cường hoàn thiện các chính sách, quy định ở cấp Trung ương (quy định bắt buộc cao hơn với chỉ tiêu phụ nữ tham gia cấp ủy, về luân chuyển cán bộ phù hợp với đặc điểm, điều kiện bản thân phụ nữ và gia đình của họ…); xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tỷ lệ tham gia cấp ủy của cán bộ nữ tại các đơn vị, địa phương trong cả nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chi bộ cũng như nhận thức của người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp về vai trò của phụ nữ trong phát triển đất nước nói chung, trong các hoạt động chính trị nói riêng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong khuyến khích, vận động phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động chính trị.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua tỉnh Bình Phước luôn chú trọng quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới và đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo nên nhận thức chung trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị về vai trò, những đóng góp của phụ nữ trong tham gia các hoạt động chính trị, qua đó khích lệ phụ nữ phấn đấu vươn lên. Tỉnh chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ, có sự vận dụng tối đa các chính sách trong đào tạo cán bộ nữ nhằm bảo đảm cán bộ nữ sẽ đảm nhiệm tốt các vị trí lãnh đạo, quản lý khi được quy hoạch, bổ nhiệm. Quá trình điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý có sự phù hợp, sát với các vị trí, công việc trong thực tiễn yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thúc đẩy sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng các cấp có sự quan tâm, chủ động thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh đã duy trì thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, định hướng quán triệt cấp ủy các cấp quan tâm phát triển cán bộ nữ. Ban Thường vụ cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền giáo dục, phát triển cán bộ nữ; các địa phương, cơ quan đơn vị chú trọng công tác đào tạo cán bộ, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ. Do đó tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với sự phát triển phụ nữ của tỉnh nói chung, trong gia tăng tỷ lệ cán bộ nữ vào các cấp ủy của tỉnh nói riêng.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận đề xuất nhiều giải pháp khoa học, khả thi trong thúc đẩy sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng các cấp hiện nay, trong đó các biện pháp tiên quyết, trọng tâm hướng tới gia tăng chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy đảng các cấp và cần có những quy định bắt buộc đối với các chi bộ, cấp ủy bảo đảm chi tiêu này; phát huy vai trò của các hội liên hiệp phụ nữ tại địa phương trong khuyến khích, vận động phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị…

Kết luận Hội thảo, PGS, TS Lê Văn Chiến đánh giá cao các tham luận và phát biểu tại Hội thảo đã phân tích làm rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới trong chính trị thời gian qua; các kết quả trong gia tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp tại các địa phương. Tuy nhiên so với chỉ tiêu đề ra, nhiều địa phương vẫn chưa đạt được trong bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng. Các kết quả nghiên cứu về sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng các cấp tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước đã cho thấy thực trạng sự tham gia của cán bộ nữ và cấp ủy đảng các cấp tại địa phương, các yếu tố tác động và nguyên nhân hình thành thực trạng trên, trong đó yếu tố về chính sách và sự nỗ lực của bản thân phụ nữ trong tham gia chính trị có ảnh hưởng lớn đến kết quả, tỷ lệ phụ nữ tham chính trong thực tế. Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp khả thi trong nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các ủy đảng các cấp, trong đó biện pháp ưu tiên cần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng các cấp, người đứng đầu trong đánh giá, ghi nhận, phát huy vai trò của cán bộ nữ trong các hoạt động của chi bộ, cấp ủy cũng như cần đổi mới, đa dạng các hình thức tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ, tạo các điều kiện thuận lợi thực chất cho cán bộ nữ phấn đấu vươn lên, phát triển.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp hướng tới Đại hội XIV của Đảng: Kinh nghiệm tỉnh Bình Dương và Bình Phước”
    POWERED BY